Trang chủ Diễn đàn Ban Thông tin – Truyền thông GHPGVN sẽ làm gì?

Ban Thông tin – Truyền thông GHPGVN sẽ làm gì?

116

Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sắp tới sẽ bổ sung thêm Ban Thông tin – Truyền thông Trung ương, danh sách nhân sự đã có, nhưng chưa được công bố chính thức.

Ban này ra đời được cho là nhằm đáp ứng nhu cầu của thời đại…

Chưa rõ “Ban” này sẽ có kế hoạch gì để thay đổi tình trạng yếu kém của báo chí Phật giáo Việt Nam hiện nay. Chỉ biết nó “h…ào hứng” ra đời để phụ họa với sự kiện AVG thành lập kênh truyền hình (không chính thức) về Phật giáo.

Nếu cho rằng vì có một kênh truyền hình về Phật giáo, nên phải có một Ban Thông tin – Truyền thông, thì đây là một sự lạc quan ngây thơ về lĩnh vực báo chí.

Bao nhiêu người Phật tử được xem kênh truyền hình Phật giáo của AVG với các gói cước khác nhau như vậy? Cơ chế nào để kiểm soát các thông tin trên AVG, một khi nó đi chệch hướng và phục vụ cho những nhóm lợi ích cục bộ? Bên ngoài, ai chú ý đến kênh truyền hình này? Ai là người phản biện độc lập cho báo chí Phật giáo?…

Báo chí Phật giáo cần phải là một hệ thống phát ngôn thống nhất đối với tất cả các sự kiện, vụ việc, diễn biến khách quan liên quan đến Giáo hội PGVN. Đồng thời phản ánh tâm tư nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử đấu tranh với cái ác, cái tiêu cực, bất công, nhằm xiển dương Chính pháp, khơi dậy niềm tin hướng thiện và hành thiện cho cộng đồng và đặc biệt phải biết bảo vệ tính mạng, tài sản của Tăng Ni, Phật tử.

Những điều này, chưa tờ báo Phật giáo nào hiện nay làm được.

Xem qua bản danh sách chưa công bố mới rõ, đa số những người tham gia thì tuổi tác đã lão hoá, nói trắng ra chẳng biết “làm báo” là thế nào, thì không mong gì nếu có những vụ việc như Bát Nhã – Làng Mai, “đạo sư” Duy Tuệ, Đường tông thỉnh bảo cao su, diễn biến cải đạo, các vụ chiếm đất chùa, các vụ đánh đập hãm hiếp Ni giới, chạy bổ nhiệm trụ trì, chạy chức chạy quyền…

Vì vậy, để thực hiện đồng bộ và có hiệu quả phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, Ban Thông tin – Truyền thông Trung ương, ngoài việc học tập báo chí Phật giáo thời kỳ chấn hưng, nên quán triệt và mở lớp bồi dưỡng cấp tốc tinh thần báo chí cách mạng sau đây của Karl Marx: "Báo chí sống trong nhân dân và trung thực chia sẻ với nhân dân niềm hy vọng và nỗi lo lắng của họ, tình yêu và lòng căm thù của họ, niềm vui và nỗi buồn của họ. Trong hy vọng và lo lắng, có điều gì báo chí nghe được ở cuộc sống, báo chí sẽ lớn tiếng loan tin cho mọi người đều biết, báo chí tuyên bố sự phán xét của mình đối với những tin tức đó".