Đặt vấn đề
Hội thảo chủ đề “Phương hướng phát triển các Câu lạc bộ Thanh Thiếu nhi Phật tử phía Bắc” được tổ chức để tìm ra các định hướng, giải pháp tổ chức, phát triển và hỗ trợ các Câu lạc bộ Thanh Thiếu nhi Phật tử khu vực phía Bắc là giải pháp sáng suốt và kịp thời của Chư Tôn Đức và Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương quan tâm tới định hướng và phát triển bền vững của thế hệ Thanh Thiếu nhi Phật tử trong bối cảnh hiện tại.
Hiện nay, hoạt động hình thành và kết thúc các tổ chức CLB, Hội, đoàn thể Thanh thiêu niên Phật tử tại các địa phương để sinh hoạt giáo lý, củng cố kiến thức căn bản về đạo Phật hay xây dựng môi trường sinh hoạt nhằm nâng cao kỹ năng sống cho thế hệ thanh thiếu niên Phật tử dường như đang trở thành một trào lưu.
Tuy nhiên, cơ chế quản lý từ cấp Trung ương đến địa phương của Giáo hội còn “thoáng” dẫn tới việc thành lập rất đơn giản và dễ dãi, chính việc “tự phát cục bộ” đó dẫn tới việc suy thoái hay kết thúc sau một thời gian ngắn hình thành và hoạt động mà không mang lại giá trị và kết quả mong muốn, không phù hợp với mục tiêu và mục đích mà Ban HDPT Trung ương đề ra “Hướng dẫn hàng Phật tử tại gia tu học chánh pháp, hộ trì Tam bảo, xây dựng nếp sống đạo đức cho hàng Phật tử và góp phần xây dựng cuộc sống hòa bình, an lạc cho xã hội”.
Trong phạm vi giới hạn của bài tham luận này. Chúng tôi xin được phép chia sẻ một số thực trạng trong vấn đề tổ chức, điều hành các CLB TTNPT hiện nay và một số giải pháp, đề xuất phương hướng với Ban HDPT Trung ương trong công tác quản lý, giám sát nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình CLB Thanh thiếu niên Phật tử.
Thực trạng
Chưa có giải pháp đồng bộ cho việc quản lý các cấp CLB Thanh thiếu niên Phật tử tại các địa phương, cụ thể:
1. Việc thành lập một CLB TNPT khá dễ dàng và hiện tại là chưa có một tổ chức của TƯ Giáo hội PGVN hay tỉnh hội PG đứng ra dưới vai trò tư cách pháp nhân để quản lý hoạt động các CLB này một cách rõ ràng (Ngoài các CLB TNPT do các Chùa thành lập).
2. Mục tiêu hoạt động của các CLB không có sự đồng nhất, mỗi 1 tổ chức có một tiêu chí hoạt động riêng, điều này là tốt nhưng chưa phát huy được sức mạnh tập thể do các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng bị xé lẻ. Nguyên nhân là do không có cấp quản lý từ TƯ GHPGVN và cơ quan liên quan nhất tới các CLB này là Ban HDPT TƯ thì chưa thể tham gia sâu được vào hoạt động các mô hình CLB này.
3. Không có sự tương tác, cọ sát, chia sẻ kinh nghiệm giữa các CLB tỉnh thành dẫn tới chưa phát huy tối đa được sự cộng hưởng nguồn lực của các bên. Như đã đặt vấn đề ở trên, khi một hoạt động thiện nguyện được tổ chức ở một quy mô lớn thì hẳn chất lượng mang lại cũng như việc tạo ra tiếng vang tới cộng đồng sẽ mạnh hơn những hoạt động nhỏ hợp lại.
4. Chưa có các hoạt động Phật sự trọng điểm hàng năm do Ban HDPT TƯ đề xuất nhằm định hướng cho hoạt động của các CLB. Các hoạt động này rất quan trọng bởi đó chính là mối liên hệ chung để gắn kết các mô hình CLB hiện tại xích lại với nhau và tạo nên sự cộng hưởng tốt.
Giải pháp đề xuất
Cần có cơ chế quản lý, thống nhất lại các CLB TNPT đang hoạt động hiện nay đưa vào hệ thống trực thuộc Ban HDPT TƯ hoặc Ban HDPT các tỉnh thành. Từ đó phát huy năng lực nổi trội của từng CLB để giao nhiệm vụ cho phù hợp. Cụ thể:
1. Ban HDPT TƯ cần xây dựng định hướng và nội dung, lộ trình các hoạt động Phật sự trọng điểm trong năm dành cho TNPT.
2. Cần có một phân ban trực thuộc Ban HDPT TƯ phụ trách việc kết nối các CLB đang hoạt động rời rạc hiện nay trực thuộc Ban HDPT TƯ đưa vào sinh hoạt theo mục tiêu chung. Việc kết nối sẽ hướng tới quá trình tập hợp các CLB này lại theo lộ trình nhằm xác định năng lực, thế mạnh của từng CLB qua đó phân công nhiệm vụ cụ thể phục vụ mục tiêu chung mà Ban HDPT TƯ đề ra. Tương tự như vậy, tại các tỉnh cũng cần có một phân ban thực hiện việc đó.
3. Cần có một kênh truyền thông riêng dành cho các hoạt động Phật sự của TNPT nhằm cung cấp nguồn tin phong phú về các sự kiện được diễn ra do TNPT triển khai, từ đó kích thích sự quan tâm và hướng tới việc tìm hiểu giá trị Phật Pháp bằng những hoạt động thực tiễn của đông đảo các thanh niên chưa là Phật tử.
4. Cần phối kết hợp với Ban Hoằng Pháp. Các chương trình tu học Phật Pháp dành cho TNPT còn hạn chế và chưa đa dạng. Nếu như có những chương trình tu học sát với thực tế từng đối tượng cụ thể như: Sinh viên, học sinh, thiếu nhi, công sở văn phòng… thì sẽ hiệu quả hơn cho các hoạt động của Ban HDPT TƯ.