Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Bản đồ hành trình tâm linh (Chương 9, Phần 1)

Bản đồ hành trình tâm linh (Chương 9, Phần 1)

106

Tuệ thứ mười một:  Tuệ Xả Hành, cánh cửa đi vào các tuệ giác cận Niết Bàn và sau đó 

Tuần trước tôi đã nói về Tuệ Diệt, bhanga-nana, Tuệ Thấy Nguy hiểm bhaya-nana, Tuệ thấy sự khiếm khuyết của tiến trình tâm – vật lý adinava-nana, Tuệ Yếm ly nibbida-nana, Tuệ Muốn Giải thoát – muncitukamyata-nana, và Tuệ Giản trạch patisankha-nana rất quan trọng. Để thoát ra khỏi điều gì, trước hết chúng ta cần phải hiểu được nó, và để hiểu thì chúng ta phải quan sát một cách thật cẩn thận, bằng không sẽ không có cách nào vượt qua được bất cứ cái gì, ngay cả ở mức độ thông thường, trong cơ thể chúng ta, trong cuộc sống hay trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng thế. 
 
Điều đầu tiên cần phải có để vượt qua mọi thứ là quan sát nó thật kỹ,  hiểu thật sâu sắc, đầy đủ rồi vượt qua nó. Chúng ta không thể chạy trốn. Trốn chạy không phải là vượt qua. Không có chỗ nào để trốn, không có nơi nào để đi cả. 
 
Người Miến Điện thường nói là: “Không có đất để chui”. Dù đi bất cứ chỗ nào, bạn cũng ở trong tiến trình đó, tiến trình tâm-vật lý, bạn luôn phải mang nó đi cùng. Chỉ bằng tri kiến chúng ta mới vượt qua được nó. Khi cảm thấy mình bị mắc kẹt trong tiến trình này, chúng ta muốn thoát ra khỏi nó. Đôi khi chúng ta nghĩ: “Nếu tôi không chú ý đến những thứ này nữa, chỉ quay mặt đi và quên hết về chúng, tôi sẽ thoát khỏi chúng”. Không, đó không phải là một việc làm đúng đắn. 
 
Hành giả sẽ đạt đến thời điểm mà vị ấy cảm thấy rằng việc quan sát tiến trình tâm-vật lý này thật là nhàm chán, không có gì là tốt đẹp ở đó cả. Chỉ quan sát nó chúng ta sẽ không bao giờ đạt tới bình an. Trong giai đoạn đầu, bạn cảm thấy rất tĩnh lặng và anh lạc bởi vì những phiền não loại thô đã bị dẹp bỏ tạm thời. Nhưng sau một thời gian, việc quan sát tiến trình thân-tâm trở nên rất mệt mỏi chứ không chỉ là nhàm chán nữa. Chúng ta bị mắc kẹt trong tiến trình ấy. Chúng ta không muốn nhìn nó nữa, chúng ta đã thực sự mệt mỏi vì nó. Nhưng không có cách nào thoát khỏi nó được cả, ngoài cách chú tâm hơn, nhìn nó kỹ hơn nữa. Nhìn nó với sự chú tâm mạnh và sâu sắc, tâm sẽ trở nên tĩnh lặng hơn. Niệm và Định sẽ mạnh mẽ, sau đó tâm sẽ trở nên buông xả – đó gọi là Tuệ Xả hành (sankharupekkha-nana).
 
Bạn vẫn quan sát nó rất kỹ, nhưng với một nội tâm  hoàn toàn buông xả, một thái độ hoàn toàn xả ly, không tự đồng hóa. Bạn không thấy nó là một cái ngã nào nữa, mà chỉ với sự xả ly và quân bình, song sự chú tâm sẽ rất mạnh. 
 
Sankhara (hành) là bất cứ pháp nào bị cấu tạo, bị điều kiện hóa, thực ra nó nghĩa là tiến trình tâm-vật lý. Tiến trình này được gọi là hành (sankhara), và xả (upekkha) nghĩa là sự quân bình. Xả có rất nhiều đặc tính: nó là sức mạnh của sự cân bằng; bạn không cố gắng quá mức, cũng không thư giãn, buông thả quá mức bởi vì cả hai thái cực này đều là không quân bình. Cố gắng quá mức là không quân bình; buông thả quá mức và dễ dãi, xem nhẹ cũng là không quân bình. Trước giai đoạn này, bạn nóng lòng để vượt qua, “Tôi muốn thoát ra khỏi nó, tôi muốn vượt qua nó, tôi muốn trốn thoát nó”. Đó cũng là một loại trạo cử và bất an trong tâm, một trạng thái tâm thiếu quân bình. 
 
Khi đạt tới Tuệ Xả hành này, bạn không còn nóng lòng vượt qua nữa. Với tâm xả, bạn chỉ hoàn toàn chú tâm. Thậm chí trước giai đoạn này, khi ở tầng tuệ thứ tư, Udayabbaya-nana, Tuệ Sanh Diệt, bạn đã đạt được một mức xả, một mức quân bình nào đó, nhưng ở tầng tuệ đó thì chỉ thỉnh thoảng tâm xả mới xuất hiện. Đôi khi bạn có rất nhiều hỷ lạc, có lúc lại thấy rất hạnh phúc, có lúc thấy biết rõ ràng và thậm chí bạn còn dính mắc vào tuệ giác sáng suốt đó nữa. Ở giai đoạn này, ngay cả sự thấy biết rõ ràng cũng không làm bạn dính mắc nữa, không dính mắc vào cả trạng thái xả này. Ở Tuệ Sanh Diệt, bạn cảm thấy rất tĩnh lặng và quân bình và rất thích thú với điều đó. Việc hành thiền trở nên rất dễ dàng, nó cứ tự động diễn ra, nhưng bạn thường xuyên tuột khỏi nó. Ở giai đoạn này bạn không còn đánh mất nó nữa. Bạn tiếp tục thực hành và duy trì nó, tâm xả ở lại với bạn trong một thời gian dài. Bạn cảm thấy vô cùng buông xả đến mức tâm xả này được so sánh với tâm xả của một vị Alahán. Một vị Alahán ở trong trạng thái tâm đó suốt ngày. Một người chưa đắc đạo có thể ở trong trạng thái bằng cách giữ chánh niệm liên tục, nhưng đối với một vị Thánh Alahán, chánh niệm luôn có một cách tự nhiên. Vị ấy không bao giờ để mất tâm xả và chánh niệm.
 
Thực ra, trong các tầng tuệ minh sát (Vipassana-nana), chỉ có ba loại tuệ giác là vô thường, khổ và vô ngã, nhưng do mức độ kinh nghiệm khác nhau về vô thường, khổ, vô ngã  mà tạo thành các tầng tuệ giác khác nhau. 
 
Ở Miến Điện, có một thiền sư chỉ nói về 3 loại tuệ giác này: thấy được vô thường, trở nên nhàm chán vô thường và sự chấm dứt của vô thường. Ngay cả trước đó, hành giả cũng đã kinh nghiệm được một số tính chất xả ở một mức độ nhất định. Chỉ ở giai đoạn này, xả mới được đầy đủ và hoàn toàn. 
 
Sankharava sankhare vipassanti. ~Vsm 628 
 
Vipasanti nghĩa là quan sát sâu sắc, theo một cách đặc biệt. Chúng ta thường nhìn nhận và hiểu biết mọi sự theo cách thông thường, nhưng ở tầng tuệ này chúng ta nhìn mọi việc một cách hoàn toàn khác, rất sáng suốt, rõ ràng. Sankharava nghĩa là chỉ là hành. Sankhare nghĩa là “ở các hành”. Chữ Sankhara đầu tiên có nghĩa là tâm đang quan sát. Chữ sankhara thứ hai nghĩa là “ở các hành” hay “hướng về các hành”, tức là đề mục. Nó có thể là thân, thọ hay tâm hay bất cứ uẩn nào trong ngũ uẩn. Vipassanti nghĩa là quan sát. Một tiến trình này đang quan sát một tiến trình khác, không còn là tôi, ta gì nữa. Ở giai đoạn này, điều đó trở nên rõ ràng đến mức bạn thực sự cảm nhận được nó: “không có cái tôi nào đang quan sát những điều này cả”. Để có bước đột phá, quá trình phi đồng hóa hoàn toàn này là rất cần thiết và phải có được một sự quân bình vững mạnh như thế.           
 
Xả có rất nhiều nghĩa, khổ và lạc; không khổ không lạc cũng được gọi là xả. Hạnh phúc là một thái cực, đau khổ là một thái cực khác; không hạnh phúc cũng chẳng đau khổ là xả. Ở giai đoạn này, hành giả không hạnh phúc cũng chẳng đau khổ. Trước đó, có lúc bạn rất vui vì thấy mọi thứ một cách hết sức rõ ràng và sáng suốt. Lúc khác lại thấy khổ vì bị mắc kẹt trong tiến trình, nhưng giờ đây thì không vui cũng chẳng buồn, hoàn toàn quân bình, hoàn toàn bình thản. Trước kia thì tinh tấn có lúc quá mạnh, có lúc lại quá yếu, nhưng bây giờ tinh tấn rất đúng mức, không quá nhiều cũng không quá ít. Trước kia chúng ta quan sát các hành, bất cứ tiến trình nào cũng thấy là bất toàn và khiếm khuyết, thấy chúng như cái gì đó không tốt đẹp, tiến trình này không phải là điều tốt đẹp. Chúng ta khổ vì điều đó, nhưng đây không phải là loại khổ tiêu cực. Chúng ta trở nên nhàm chán và yếm ly.
 
Ở giai đoạn này không còn khổ vì điều đó nữa.  Trước đó thì “muốn thoát khỏi và suy nghĩ xem phải làm gì đối với nó”. Bây giờ không còn ý muốn giải thoát hay làm bất cứ điều gì nữa. Chỉ còn sự chú tâm hoàn toàn, ngay cả việc này cũng trở thành đơn giản. Thiền tập trở nên rất đơn giản. 
 
Ở trước giai đoạn này, có lúc vì thấy tiến trình tâm-vật lý thật khiếm khuyết, bất toàn nên bạn không muốn chú tâm hoàn toàn vào nó. Do đó bạn quay lưng lại với nó và nghĩ rằng thiền tập của mình không đáng hài lòng, không còn tốt đẹp như xưa nữa. Nhưng giờ này thì không còn như thế nữa. Tâm bạn hoàn toàn buông xả, hoàn toàn không tự đồng hóa, không còn mong muốn phải khác đi, chỉ quan sát, rất đơn giản. Đây là trạng thái tâm tuyệt vời nhất, không muốn làm bất cứ điều gì, chỉ hoàn toàn chú tâm. Hãy tưởng tượng trạng thái tâm ấy và thấy mình được giải thoát như thế nào; bạn không muốn trở thành cái gì khác. Dù bất cứ điều gì xảy ra cũng không còn quan trọng nữa, chỉ chú tâm một cách hoàn toàn. Ngay cả hoạt động suy nghĩ hay tưởng tượng cũng làm bạn rất an lạc, rất bình an. 
 
Cả cuộc đời chúng ta đã nắm giữ, chấp thủ hoặc chối bỏ, xua đuổi tất thảy mọi thứ. Toàn bộ thời gian chúng ta dành ra để làm hai việc đó: chấp thủ và nắm giữ, cố gắng giữ chặt mọi thứ hoặc là xua đuổi nó. Điều đó thật là mệt mỏi. 
 
Trong trạng thái tâm này, chúng ta không còn nắm giữ bất cứ điều gì, không chối bỏ, xua đuổi cái gì, chỉ hoàn toàn chú tâm.  Theo một cách nào đó, đó là sự đầu hàng hoàn toàn đối với tiến trình.  Dù bất cứ sự việc gì diễn ra, tôi sẽ vẫn hoàn toàn chú tâm.  Đây chính là thái độ chân chánh.  Ở giai đoạn này, bạn không lo lắng về bất cứ việc gì nữa.  Thậm chí nếu có chết ngay lúc đó, bạn cũng cảm thấy hoàn toàn OK, hoàn toàn bình thản. 
 
Một ngày nào đó chúng ta sẽ chết, và cách chết tốt nhất là chết với trạng thái tâm như vậy, hoàn toàn chấp nhận tiến trình, hoàn toàn chú tâm và hiểu biết nó, không kháng cự, không sợ hãi! Đây là trạng thái tâm tốt nhất có được khi chúng ta chết. 
 
Một lần tôi đã kể với các bạn rằng đã mấy lần tôi ốm rất nặng, bị sốt rét, viêm Amiđan, kiết lỵ mãn tính kéo dài suốt nhiều tháng trời. Tôi cực kỳ yếu ớt và sắp chết. Lúc đầu, thực sự tôi rất sợ chết. Tôi không muốn chết. Tôi nói: “không, tôi muốn sống.” Nhưng càng cố gắng níu kép sự sống tôi càng kiệt sức, bởi vì tôi lo sợ quá nhiều. “Phải có ai làm điều gì đó giúp tôi chứ, sao không có ai làm gì cả thế này, tại sao mọi người bó tay bỏ cuộc cả thế này; không có ai ở bên cạnh tôi cả”. Vì không thể cựa quậy gì được nữa, nên tôi không thể gọi ai. Tôi nghĩ “Tại sao họ lại bỏ mặc mình, bỏ đi hết, không làm gì cho mình thế này?”. Suy nghĩ đó làm cho tôi thêm khổ sở và kiệt sức hơn nữa. Cuối cùng tôi nghĩ: “có thể họ bỏ cuộc bởi vì không thể làm gì hơn được nữa”. Một người bạn tôi nói: “Có lẽ ông ấy đã hôn mê bất tỉnh”, bởi vì lúc đó tôi không còn cử động được nữa. Tôi đã cố gắng bám níu vào sự sống cả một thời gian dài, nhưng đến một thời điểm tôi trở nên kiệt sức và tôi nghĩ có lẽ mình ngủ đi thì sẽ rất thoải mái; ngủ một cách thật bình yên. Thế là tôi quyết định buông bỏ tất cả. Nhưng tôi đã lập một quyết tâm rất quan trọng. Tôi nghĩ: “Nếu như phải chết, tôi sẽ chết một cách chánh niệm”, rồi buông bỏ tất cả mọi suy nghĩ, giữ tâm thật thư giãn, thoải mái, thật tĩnh lặng và duy trì chánh niệm. Chầm chậm, tâm tôi trở nên bình an hơn và tôi nhận ra rằng mình không còn mệt mỏi nữa; sự mệt mỏi đã biến mất, tâm trở nên tĩnh lặng và bình yên và tôi rơi vào giấc ngủ. Khi tôi thức dậy, tâm rất tĩnh lặng và bình an. Tôi không thể cử động hay nói được gì cả và tôi nghĩ rằng nếu mình chết vào lúc đó thì chắc là cũng tốt thôi. 
 
Tại sao chúng ta sợ chết? Bởi vì chúng ta dính mắc, nếu không dính mắc thì sẽ không có lo sợ. Thiền là một sự chuẩn bị rất tốt cho cái chết, nó rất cần thiết, rất quan trọng. Con người ta thường không muốn nghĩ đến cái chết. Mỗi khi nhắn đến cái chết là họ đã không muốn nghe tý nào, họ không muốn nói chuyện về nó, họ chỉ muốn nói chuyện về sự sống mà thôi. Nhưng:
 
Những người chuẩn bị cho cái chết mới là những người sẵn sàng để sống.  Hầu hết mọi người, mặc dù vẫn đang sống đấy nhưng không sống thực sự,
 chúng ta chống đối cuộc sống quá nhiều. Chúng ta không thực sự chú tâm  và học hỏi đầy đủ từ cuộc sống của mình. 
 
Mỗi khi nghĩ về tầng tuệ này, tôi thấy nó là tuệ giác tuyệt vời nhất. Bởi vì chúng ta không thể chết với tâm đạo và tâm quả (magga, phala), ngay cả Đức Phật cũng không làm như vậy, Ngài không thể làm được điều đó. Ở trạng thái này, tâm không hề sợ hãi; nó rất trong sạch và sáng suốt. Tâm rất quân bình và an lạc, bình yên, không khích động, không phấn khởi, không vui sướng, hạnh phúc, chỉ hết sức bình an. Không có trạng thái tâm hiệp thế nào so sánh được với nó. Không cố gắng, không căng thẳng, không bó buộc, Trước giai đoạn này, chúng ta cố gắng rất nhiều để tập trung, hành thiền, chúng ta bị bó buộc và phải tự nhắc mình thư giãn ra, nhưng ở giai đoạn này mọi thứ đều rất dịu mềm, nhẹ nhàng, nhu nhuyễn, thư giãn và thoải mái. Mặc dù tâm rất an lạc, nhưng không hề dính mắc vào sự an lạc đó. Đây là điểm rất quan trọng. Trước đây, chúng ta cảm nhận được sự an lạc, ngay cả ở tầng tuệ thứ tư, nhưng lại dính mắc vào nó và nó trở thành một trở ngại. 
 
An lạc bản thân nó không phải là một trở ngại.  Song dính mắc vào sự an lạc đó mới là trở ngại. Ở tầng tuệ này không còn một chút dính mắc nào nữa. Đó là lý do tại sao nó rất trong sạch. 
 
Dính mắc là một loại khao khát, mong cầu, một loại tham (lobha). Tâm bạn không còn phấn khích vì bất cứ chuyện gì nữa. Ở tầng tuệ thứ tư, nhiều khi tâm bạn còn rất phấn khởi, rất hạnh phúc, nhưng giờ đây bạn không còn sự phấn khích như vậy nữa. Rất vi tế, rất sáng suốt, rất chính xác, đúng chỗ và đúng ngay thời điểm, mọi sự nhận biêt đều rất đúng chỗ, không trước không sau. Ở giai đoạn đầu, đôi khi chánh niệm hay sự chú ý còn bị chậm lại ở đằng sau. Một sự việc vừa diễn ra, xong rồi chúng ta mới nhớ là có một việc vừa xảy ra và chúng ta đã không chú ý. Đôi khi chúng ta lại chờ đợi một điều gì đó diễn ra và nói: “Rồi sẽ có điều gì đó lại diễn ra nữa, khi đó tôi sẽ chú ý đến nó”. Giống như khi di chuyển, chúng ta nghĩ rằng: “Tôi chuẩn bị chuyển động và tôi sẽ chú ý vào điều đó”. Sự chú ý của chúng ta hơi lệch ra ngoài một chút, không đúng chỗ. Ở giai đoạn này, nó luôn luôn sẵn sàng một cách tự nhiên và đúng chỗ. Một điều gì đó đang diễn ra, sự hay biết và chú ý đã sẵn sàng có mặt ở đó. Đó là lý do tại sao chúng ta không phải cố gắng hoặc lo lắng quá mức trong khi chú ý. Nó diễn ra một cách rất hoàn hảo. 
 
Evamevayam sabbasankharehi muncitukamo hutva patisankhanupassanaya sankhare parigganhanto: aham, mama ti gahetabbam. Adisva, bhayan ca nindin ca vippahay, sabbasankharesu udasino hoti majjhatto. ~Vsm 656
 
Do vậy (Evameva) muốn giải thoát (muncitukamo hutva) khỏi tất cả các hành (sabbasankharehi), bằng cách quán sát lại các hành (patisankhanupassanaya), quan sát các hành (sankhare parigganhanto), không coi nó là “tôi” hay “của tôi” (aham, mama ti gahetabbam adisva). Gahetabbam nghĩa là cầm nắm, thủ giữ; adisva nghĩa là không thấy; aham là “tôi”, mama là “của tôi”. 
 
Mỗi khi quán sát các hành, bạn biết rằng chúng không phải là tôi, không phải của tôi, không có gì đáng để dính mắc vào chúng cả, bạn không thể giữ lại được cái gì, không đáng phải rắc rối vì chúng. Trong mọi sự hay biết, bạn thấy rõ đây không phải là tôi, không phải là của tôi, bạn không quan tâm và hoàn toàn thờ ơ với nó. Trước giai đoạn này, bạn thấy nó như một nỗi hiểm nguy, đến giờ bạn không còn thấy nó là nguy hiểm, không thích cũng chẳng không thích nữa. Vipphaya nghĩa là đoạn trừ, vượt qua, vượt qua nỗi sợ hãi (udasino hoti majjhatto) trong tất cả các tiến trình (sabbasankharesu); không thiên về bên này, cũng chẳng lệch về bên kia. 
 
Thực ra đây chính là trung đạo;  Chúng ta đang đến rất gần với trung đạo thực sự.  Trước giai đoạn này, tâm khi ở bên này, lúc chạy bên kia, không bao giờ đứng giữa.  Majhatto nghĩa là đúng ngay chính giữa. 
 
Khi bạn nghỉ ngơi đôi chút, ngay cả khi đang thư giãn thoải mái, tâm bạn vẫn rất chánh niệm. Một ý nghĩ ngắn ngủi nào đó có thể sẽ thoáng qua rất nhanh; thậm chí chẳng kéo dài đến một giây. Khi tôi nói suy nghĩ, đừng nghĩ là lúc đó bạn nghĩ dài thành hẳn một câu hay chữ. Vào lúc đó, không hề có ngôn từ hay câu nói nào; bạn chỉ thấy rõ rằng: đây chỉ là một tiến trình trống rỗng, không phải chúng sanh, không phải “tôi”, không có chúng sanh, không có linh hồn nào cả. 
 
Sunnamidam attena va attaniyena va ti. ~MN iii.263 
 
Tiến trình này không có cái gì là “tôi”, của tôi hay thuộc về tôi cả. Những tuệ giác và suy nghĩ tương tự như vậy đã có trước đây, nhưng ở giai đoạn này nó ngày càng rõ rệt hơn. Tiến trình này không tuân theo ý muốn của ai; bạn có thể thấy rõ điều đó, đó chính là điều đang diễn ra.  
 
Puna caparam, bhikkhave, ariyasavako iti patisancikkhati – naham kvacani kassaci kincanatasmim na ca mama kvacani  kisminci kincanam nathi ti ~MN iii.263-4 
 
naham kvacani kassaci kincanatasmim: Tôi không cần lo lắng điều gì cả, và cũng không cần ai phải lo lắng cho tôi. Đôi khi, trong những suy nghĩ thường tục mỗi ngày, chúng ta lo lắng về người khác và có lúc cũng bận lòng rằng có người khác cũng đang lo lắng cho mình, và chúng ta thích được như thế, “Ồ, có người đang quan tâm, lo lắng cho mình kìa”. Nhưng bây giờ, bạn sẽ thấy: “Tôi không cần quan tâm, lo lắng về bất cứ điều gì, bất cứ người nào và cũng chẳng cần ai phải lo lắng cho tôi”. Không có một cái gì ở đó cả. Chỉ là những tiến trình thôi. 
 
Có rất nhiều lời diễn giải chi tiết trong kinh điển, nhưng nó chỉ hữu ích đối với các học giả. Sau đây là một đoạn nói về giai đoạn này: 
 
Evam eva sace sankharupekkhananam santipadam Nibbanam santato passati, sabbam, sankhara-pavattam Viasjjetva Nibbanam eva pakkhandati; no ce passati Punappuna sankhararammanam eva tuva pavattati.~Vsm 657 
 
Ở giai đoạn này, hành giả thấy rõ: nơi chấm dứt của tiến trình này mới là sự an lạc thực sự (santipadam Nibbanam santato passati). Chúng ta luôn mong muốn có một hình thể nào đó, có một đời sống nào đó, ở trong một trạng thái nào đó. Chúng ta khao khát điều đó. Chúng ta không muốn từ bỏ tất cả mọi hình thể, mọi kiếp sống. Nhưng ở giai đoạn này, tâm có thể thấy rất rõ rằng sự chấm dứt của tiến trình mới là bến bờ bình an đích thực. Trước khi tâm hội đủ năng lượng và sự sáng suốt để từ bỏ tiến trình, mặc dù hành giả có thể hiểu được rằng tất cả mọi tiến trình đều là bất toại nguyện, song tâm vẫn rơi trở lại quán sát tiến trình.
 
Khi tâm đã phát triển đủ năng lực, nó sẽ buông bỏ tất cả các hành và thể nhập vào Niết Bàn (sabbam, sankhara-pavattam viasjjetva Nibbanam eva pakkhandati). Nếu chưa thể làm được điều đó, tâm sẽ lại quay trở lại quán sát các hành, quán sát sự sanh diệt của tiến trình tâm-vật lý (no ce passati punappuna sankhararammanam eva tuva pavattati). Điều này sẽ còn xảy diễn lại nhiều lần. Đôi lúc tâm muốn với tới Niết Bàn nhưng lại chưa đủ sức mạnh để làm điều đó. Nó rơi trở lại và quán sát các tiến trình thân-tâm sanh diệt cho đến khi tích lũy đủ sự sáng suốt, rõ ràng. Khi sự việc xảy ra như vậy, hành giả cần phải hiểu tiến trình đó. Một số người trở nên nản chí và nói: “Tôi cứ bị rơi trở lại hoài”. Tuy nhiên, điều này là rất tự nhiên. Mấy tuần trước tôi đã giảng cho các bạn ẩn dụ: có người túm đầu một sợi dây để băng một vực sâu nằm giữa hai mỏm núi, giống như một cái khe sâu ở giữa. Có một cái cây và một giàn dây leo rất dày trên đó. Bạm túm vào một sợi dây và đu qua đu lại; nhưng khi cảm thấy sức đu của mình chưa đủ mạnh, bạn sợ rằng nếu buông ra sớm thì sẽ rơi xuống đáy vực. Vì vậy bạn chưa thể buông sợi dây ra và đu ngược trở lại về bờ bên này. Rồi bạn lấy thêm đà và đu lại lần nữa. Sau một vài lần như vậy, khi cảm thấy mình đã tạo đủ đà quán tính, bạn đu qua rồi buông tay ra và bay nhanh, rất nhanh sang bờ bên kia… bạn buông tay ra khỏi sợi dây. Vào lúc đó, bạn không ở bờ này, cũng chưa sang tới bờ kia. Bạn ở giữa hai bờ, nhưng bạn đã từ bỏ bờ bên này. Bạn có thể quay trở lại được không? Không, không còn đường lui nữa, bởi vì bạn đã buông sợi dây mất rồi. Mặc dù chưa sang được tới bờ bên kia, nhưng bạn đang bay sang đó với tất cả sức mạnh và đà quán tính mà mình đã xây dựng được. Không còn cách nào dừng lại được nữa. Từ bỏ bờ bên này nghĩa là bạn không còn quán sát các hiện tượng tâm-vật lý nữa, bạn thấy tâm đang tiến đến một sự đoạn diệt hoàn toàn, tiến đến điểm chấm dứt tất cả các hiện tượng tâm-vật lý. 
 
Như vậy, từ Tuệ Xả Hành (sankharupekkha-nana), tuệ giác tiếp theo, nếu và khi nó xảy ra, là trạng thái này, nói đó bạn buông bỏ. Trạng thái đu đưa qua lại này được gọi là sankharupekkhaparikamma anuloma gotrabhu (chuẩn bị, thuận thứ và chuyển tánh). Parikamma nghĩa là cố gắng lại nhiều lần, chuẩn bị tâm mình và phát triển đà quán tính. Anuloma nghĩa là cũng một trạng thái tâm đó nhưng có nhiều đà quán tính hơn. Gotrabhu nghĩa là bạn đã buông bỏ, nghĩa là bạn đã cắt rời khỏi bờ này nhưng vẫn chưa sang tới bờ kia.             
 
Sau đó hành giả rơi vào sự đoạn diệt của tiến trình tâm-vật lý, Niết Bàn, được gọi là tâm đạo (magga). Nó xảy ra rất nhanh, tiếp nối trong một sát na ngắn ngủi, có thể chỉ một phần ngàn hay một phần triệu giây đồng hồ. Các trạng thái tâm xảy ra liên tiếp, và trong khoảnh khắc đó bạn không thể quay trở lại được nữa. Sau đó là một sự tĩnh lặng hoàn toàn, hoàn toàn yên lặng, không có gì sanh, không có gì diệt, không còn sự quan sát bởi vì bạn không thể quan sát được nữa. 
 
Trước khi tiến vào cảnh giới Niết Bàn bạn nhìn ngắm từ bên ngoài để xem nó sẽ như thế nào, bởi vì bạn hiểu rằng nếu tiến trình tâm-vật lý này dừng lại thì đó sẽ là một sự bình an hoàn toàn, nhưng bạn vẫn chưa ở trong đó. Khi ở trong đó rồi, bạn sẽ không thể quan sát được nữa. Bởi vì để có thể quan sát được nó, bạn phải thoát ra ngoài nó đã. Đó là lý do vì sao khi ở trong cảnh giới Niết Bàn này, hành giả không còn quán sát được Niết Bàn nữa; không thể quán sát được. Thậm chí cũng không thể quan sát được trạng thái tâm của mình như thế nào nữa. 
 
Chỉ sau trạng thái này mới có một tuệ giác khác sanh lên gọi là Phản Khán Tuệ (paccavekkhana), trong đó bạn sẽ nhớ lại: “Có một điều gì đó vừa mới xảy ra! Một khoảnh khắc trước đây rất an lạc, không còn sanh diệt, rất tĩnh lặng, rất sáng suốt, hoàn toàn bình an”. Phóng vào hay tiến vào sự đoạn diệt là một trạng thái tâm đầy sức mạnh. Một khi điều đó xảy ra, bạn sẽ cảm nhận hoàn toàn khác biệt. Sau một thoáng, bạn ra khỏi trạng thái đó, bởi vì tâm đạo chỉ diễn ra trong một sát na, tâm quả diễn ra trong 2 hoặc 3 sát na, tùy thuộc vào sức mạnh của nó. Rồi sau đó bạn quán sát lại những gì đã xảy ra. Khi sự quán sát này diễn ra, tâm rất tĩnh lặng và an lạc, bạn nhìn lại và suy nghĩ về nó. Tuệ Phản Khán này (paccavekkhana-nana) thực chất là một loại suy nghĩ. Bạn nghĩ lại và hiểu rằng an lạc tuyệt đối chính là sự đoạn diệt hoàn toàn của tiến trình tâm-vật lý. 
 
Hành giả quán sát lại nhiều thứ, về đạo, quả, Niết Bàn, những loại phiền não đã bị tận diệt và những phiền não còn lại. Giai đoạn giác ngộ đầu tiên tận diệt tà kiến chấp ngã và nghi (ditthi & vicikiccha), hoàn toàn tận diệt. Ngay trong tầng tuệ đầu tiên bạn đã vượt qua một số thân kiến và hồ nghi về những điều xảy ra trước đây và sau này và nhiều nỗi nghi hoặc khác. Ở giai đoạn này tà kiến chấp ngã và nghi đã bị tận diệt hoàn toàn. 
 
Sau đây là một số đoạn kinh nó về vấn đề này: 
 
Tikkhavisadasurabhavena sankharesuajjhupekkhane Sijjhamane tam panetam sankharupekkha-nanam anekavaram pavattamanam paripakagamanena anulomananassa paccayabhavam gacchantam VsmA II, 459 
 
Tikkha nghĩa là rất sắc bén. Visada nghĩa là rất rõ ràng, surabhavena nghĩa là rất quan trọng, sura nghĩa là rất dũng cảm. Chúng ta quá dính mắc với mọi thứ đến mức ngay cả khi chúng rất đau đớn, chúng ta cũng không thể từ bỏ được. Ngay cả việc từ bỏ, chúng ta cũng cần phải có rất nhiều sự dũng cảm và tin tưởng trong tiến trình; đó là lý do tại sao đôi lúc có người có thể cảm nhận được rằng: có một điều gì đó chuẩn bị xảy ra và nếu nó xảy ra, tất cả mọi thứ sẽ thay đổi. “Tôi sẽ không còn như cũ nữa” và rồi họ dừng lại ở đó, họ không muốn thay đổi; họ muốn mọi thứ vẫn như cũ. 
 
Chúng ta có những động cơ rất mâu thuẫn với nhau.   Chúng ta muốn thay đổi, chúng ta muốn giải thoát, chúng ta muốn an lạc, nhưng chúng ta cũng muốn mọi thứ vẫn y nguyên như cũ.  Nhiều nhà tâm lý học đã chỉ ra được điểm này. 
 
Nhiều người bị loạn thần kinh, nhưng họ lại dính mắc vào chính tình trạng loạn thần kinh đó của mình. Có người bị trầm cảm nhưng họ cũng dính mắc vào căn bệnh đó. Điều đó thật là khó hiểu nhưng nó lại thực sự có thật. Mặc dù chúng ta biết tiến trình này rất là mệt mỏi, thật là đau đớn nhưng khi thời điểm đó đến, khi chúng ta thấy có điều gì đó sắp xảy ra và chúng ta sẽ hoàn toàn thay đổi, chúng ta sẽ không còn như cũ nữa, sẽ không còn cảm nhận mọi sự như cũ nữa, thì chúng ta lại sợ! 
 
Chúng ta cần phải có rất nhiều dũng cảm để thay đổi.  Không có thay đổi làm sao có thể trưởng thành được!  Nếu muốn giữ nguyên như cũ thì chúng ta sẽ không thể trưởng thành. 
 
Do đó từ surabbavena rất quan trọng. Với rất nhiều can đảm, chúng ta tiếp tục quán sát các hành (sankharesu ajjhupekkane), quán sát các hiện tượng, tiến trình, sanh và diệt. Tuệ quán về tiến trình (tam panetam sankharupekkha-nanam) diễn ra nhiều lần (anekavaram pavattamanam); lặp đi lặp lại. Nó sẽ tích lũy thêm quán tính và động năng để trở thành chín muồi (paripakagamanena). 
 
Đối với một số tuệ giác, để trở nên thật sự chín, cần phải tái diễn lại nhiều lần, lặp đi lặp lại để ngày càng mạnh hơn. Nó cũng giống như sự giận dữ. Nếu bạn nghĩ về một việc gì đó làm mình tức giận, càng nghĩ bạn càng giận hơn và đến mức bạn bộc phát ra. Nó là một tiến trình tương tự, bạn quán sát các hành và ngày càng trở nên buông xả hơn, cho đến khi sẵn sàng từ bỏ… rồi giờ đây bạn buông bỏ! 
 
Khoảnh khắc buông bỏ là khoảnh khắc bạn được giải thoát.  Chúng ta muốn giải thoát, chúng ta bám giữ vào ý tưởng: “Tôi muốn được giải thoát, tôi muốn được giải thoát”,  thế nhưng tại sao chúng ta không buông bỏ? 
 
Chúng ta vẫn nghĩ rằng trong tiến trình tâm-vật lý này vẫn còn có cái gì đó đáng giữ, có cái gì đó thuộc về tôi, có cái gì đó tôi thích, mặc dù có phần tôi không thích nhưng cũng có một phần tôi thích. 
 
Chúng ta bám víu, chấp thủ vào nó, nhưng khi bạn thực sự thấy được rằng không có cái gì đáng để giữ cả, không có điều gì để bám víu,  nó không thuộc về tôi, tôi không còn mong muốn nó nữa,  khi bạn hoàn toàn ở trong trạng thái đó bạn sẽ buông bỏ. 
 
Nhiều người đến gặp Sư phụ tôi, họ thường nói: “Bạch Ngài, con thực sự không còn muốn sanh lại nữa làm gì, con đã hoàn toàn nhàm chán với cuộc đời. Cuộc đời thật mệt mỏi, vui ít khổ nhiều, quá nhiều gáng nặng”. Khi đó tôi mới chỉ là một nhà sư trẻ, mới thọ giới được mấy tháng. Thầy tôi trả lời: “Nếu con thực sự không muốn thì con sẽ không phải nhận nó nữa”. Tôi rất ngạc nhiên, tôi không muốn nó nhưng… Điều đó thật đơn giản phải không? Về sau tôi hiểu ra rằng mặc dù chúng ta nói rằng mình không muốn, nhưng chúng ta vẫn bám giữ vào nó “Tôi không muốn, tôi không muốn có nó”. Tại sao chúng ta không chịu buông bỏ? Cách nói chuyện của Sư phụ tôi rất dịu dàng. Thầy không bao giờ để vào đó quá nhiều sức mạnh. Thầy không bao giờ cố thuyết phục ai. Không bao giờ cố cải hóa một ai cả. Nhiều đệ tự và Phật tử của thầy đều hỏi một câu y như thế, cả các vị sư và cư sỹ, thầy đều nói: “Nếu con thực sự không muốn nó thì con sẽ không phải nhận nó nữa; con nhận nó chỉ bởi vì con muốn nó mà thôi”. Điều đó thật là đơn giản như thế đấy. 
 
Chúng ta phải nhận bởi vì chúng ta muốn có.  Chúng ta đau khổ bởi vì chúng ta muốn phải đau khổ, nhưng chúng ta lại thường chối bỏ nó. Chúng ta nói chỉ muốn được hạnh phúc, nhưng hạnh phúc đối với chúng ta nghĩa là gì? Thành đạt được điều mình mong ước ư?  Nếu chúng ta thực sự không còn muốn nó nữa, khi đó  chúng ta sẽ được giải thoát! Lòng can đảm dám thay đổi là điều rất quan trọng,  chúng ta cần phải có thật nhiều dũng cảm để thay đổi,  để học hỏi và để trưởng thành. 
 
Tôi nghĩ điểm này có rất nhiều ý nghĩa về tâm lý học: phải thật dũng cảm, và cũng phải thật trong sạch.
 
Theo: Bản đồ hành trình tâm linh 
Tác giả: Sayadaw U Jotika  
 
Mời bạn đọc đón xem chương 9, phần 2 : Tuệ thứ mười một: Tuệ Xả Hành, cánh cửa đi vào các tuệ giác cận Niết Bàn và sau đó