Chương 8
TỪ tuệ thứ năm đến tuệ thứ mười : Từ Tuệ Diệt đến Tuệ Thấy Nguy Hiểm, Tuệ Kinh sợ, Tuệ Yếm ly, Tuệ Muốn Giải thoát và Tuệ Giản trạch.
Trước khi nói về tuệ giác tiếp theo, tôi muốn trút nhẹ tâm tư khỏi những suy nghĩ trong hai ngày vừa qua. Tối ngày 27 tháng 3 tôi được nghe một tin kinh khủng, từ lúc đó tôi luôn cảm thấy rất buồn cho những người liên quan đến sự kiện trên. Tại Nam California, 39 người đã tự tử. Tại sao? Tôi không biết chi tiết về việc này, nhưng dù tự tử vì bất cứ lý do gì, đó cũng không phải là một điều tốt đẹp. Sự kiện này cho thấy những người này, họ không chỉ mong muốn mỗi tiền bạc và vui thú trong đời. Họ muốn được hướng dẫn và dạy bảo. Họ muốn có người lãnh đạo tốt. Song họ không có được một thủ lãnh tốt, do đó họ đã đi sai đường. Cái chết không phải là một giải pháp tốt đẹp. Không có lý do nào là hợp lý để chết cả.
Tôi sẽ kể cho các bạn nghe một số câu chuyện về Đức Phật và các Thánh đệ tử Alahán của Ngài. Khi các đại đệ tử của Đức Phật đắc quả Alahán, họ sống đến hết tuổi thọ của mình, sống thuận với quy luật tự nhiên của cơ thể, họ biết trước khi nào mình chết, nghĩa là lúc nhập vô dư Niết bàn (parinibbana). Cái chết của một vị Alahán không giống như cái chết của đại đa số mọi người chúng ta. Đối với phần lớn mọi người, khi họ chết, một phần tính chất nào đó vẫn tiếp tục tái sanh (tiến trình vẫn tiếp diễn). Song khi một vị Alahán tịch diệt, đó là điểm chấm dứt của tiến trình ấy. Do đó, các vị đại đệ tử thường đến bạch với Đức Phật: “Bạch Thế Tôn, con sẽ nhập vô dư Niết Bàn vào giờ ấy, ngày ấy”. Đức Phật không bao giờ nói hãy làm hay đừng làm điều đó; bởi vì bảo đừng làm nghĩa là còn dính mắc, chấp thủ vào sanh hữu, vào kiếp sống – là điều Đức Phật không bao giờ khuyến khích. Song nói: “Đó là một việc tốt nên làm” thì lại giống như ca ngợi cái chết. Bạn có biết trong những trường hợp như vậy, Đức Phật nói thế nào không? “Con biết thời điểm Vô dư Niết Bàn của mình!”. Điều quan trọng là hiểu được lý do tại sao Đức Phật nói như thế. Ngài không bao giờ nói: “Con hãy nhập Vô dư Niết Bàn” hay “Đừng làm như thế”. Đức Phật không bao giờ ca ngợi cách nào cả.
Chết không phải là một giải pháp.
Nếu quả thật chết là một giải pháp tốt đẹp thì có lẽ điều đó lại rất hay. Khi còn trẻ, tôi nghĩ rằng nếu không còn cuộc sống nữa thì sẽ rất tốt, chỉ cần chết thôi là xong tất cả. Nhưng bạn còn phải sanh lại nữa. Đó là sự thật. Việc bạn làm bây giờ và cách bạn chết như thế nào sẽ ảnh hưởng đến những kiếp sau của bạn.
Ngay cả khi phải chết, chúng ta cũng phải học cách chết thật tốt đẹp, chết với chánh niệm. Đừng bao giờ sử dụng cái chết như một giải pháp. Đức Phật không bao giờ ca ngợi cái chết.
Tôi cảm thấy rất buồn cho những người tự tử như vậy. Họ thực sự mong muốn một điều gì đó và họ sẵn sàng để mua nó bằng chính cuộc sống của mình. Họ muốn từ bỏ, từ bỏ vui thú dục lạc và thậm chí cả cuộc đời mình để đổi lấy một cái gì đó tốt đẹp hơn. Đó không phải là một giải pháp tốt và điều đó cũng cho thấy xã hội hiện nay đầy rẫy nhưng điều bất toại nguyện và đau khổ. Nhiều người có tiền của và sống vui thú, hưởng thụ, nhưng họ không hề hạnh phúc.
Thực sự tôi cũng muốn khuyến khích mọi người tham gia sinh hoạt trong một tập thể, một nhóm bạn đạo, song bạn phải lựa chọn hết sức cẩn thận. Bạn phải biết rõ mục đích và những điều họ dạy là gì. Ở đây chúng ta biết rõ mình đang làm việc gì. Chúng ta biết rõ mục đích của mình.
Đừng bao giờ nghe theo thầy một cách mù quáng, ngay cả với tôi cũng vậy. Đức Phật không khuyến khích mọi người theo lời Ngài một cách mù quáng.
Hầu hết các bạn ở đây đã biết bài kinh Kalama sutta. Trong bài kinh đó, Đức Phật dạy: “Đừng vội tin vào bất cứ điều gì.” Điều này rất quan trọng; lời dạy này của Đức Phật rất mới, rất cách mạng. Điều quan trọng là phải hiểu biết sâu sắc về Phật Pháp. Ngay cả người theo đạo Phật đôi khi cũng diễn dịch sai giáo pháp cho phù hợp với tư kiến của mình. Không ai có thể ngăn họ làm điều đó, nhưng nếu bạn hiểu được cốt lõi căn bản thực sự của Phật Pháp, bạn sẽ thấy ra được đúng sai. Rất nhiều điểm cốt yếu, quan trọng chúng ta có thể kiểm chứng được bằng cách đó.
Bây giờ chúng ta sẽ tiếp tục bài giảng về thiền vipassana. Cái tôi đang muốn làm ở đây là, bởi vì, khi người ta viết hay giảng về thiền vipassana, tôi nhận thấy những điều họ viết và giảng thường là sai. Họ cố gắng giảng về thiền vipassana, nhưng những điều họ nói không thực sự chính xác. Những điều họ giảng về tuệ giác hay sự chứng đạo không đúng. Đó là lý do tại sao tôi cố gắng diễn đạt rõ ràng, bằng một ngôn ngữ đơn giản thế nào là tuệ giác và thế nào là chứng đạo, để các bạn biết đúng sai khi nghe ai nói về điều đó. Vì vậy tôi cũng giới thiệu các trích đoạn Pali kèm theo, đó là những lời dạy của Đức Phật. Những trích đoạn này chỉ là những tiêu chí. Bạn có thể kiểm nghiệm chúng.
Hôm nay tôi sẽ nói tiếp về tuệ thứ năm. Bốn tầng tuệ đầu tiên rất quan trọng. Chúng ta phải đi chậm và nói chi tiết hơn các tuệ khác. Song khi đã đạt đến tuệ thứ tư thì phần còn lại sẽ dễ dàng hơn. Tuệ đầu tiên khó, tuệ thứ hai và tuệ thứ ba không khó lắm, đến tuệ thứ tư lại khó. Nếu bạn tiếp tục thực hành, tuệ thứ 5 sẽ đến tiếp theo một cách tự nhiên. Ở tuệ thứ tư bạn đã thấy sanh diệt một cách rất rõ ràng, thấy cả hai: sanh và diệt, sanh diệt rất rõ. Ở tuệ thứ 5, sanh diệt trở nên nhanh hơn. Sau một thời gian thấy sanh diệt… bạn không chú ý nhiều đến sự sanh nữa, mặc dù vẫn có thể thấy nếu chú tâm đến nó, nhưng bạn sẽ chú ý nhiều hơn đến sự diệt, sự biến mất, không còn ở đó nữa. Bạn chú tâm đến nó và nó không còn ở đó nữa…
Khoảng khắc bạn cố nhận biết, cố thấy một cái gì đó, nó liền biến mất. Bạn không thể thực sự thấy được nó, chỉ thấy được một thoáng của nó, rồi nó không còn ở đó nữa. Đó là một đặc điểm của tuệ thứ 5.
Một đặc điểm quan trọng nữa là: khi nhận biết một đối tượng nào đó, như âm thanh chẳng hạn, bạn nghe âm thanh và nó liền biến mất. Bạn hay biết một loại cảm giác nào đó trong thân, ngay khoảnh khắc bạn hay biết, nó đã không còn ở đó nữa. Bạn thấy tâm nhận biết cũng biến mất. Trong cùng một tiến trình không gián đoạn, không hề có một suy nghĩ nào chen ngang, bạn thấy được cả hai cùng biến mất. Một từ Pali, nata, nghĩa là được biết, có một cái gì đó được nhận biết. Khi bạn chú tâm đến một đề mục, đề mục đó được gọi là nata, cái được hay biết. Vậy, lúc đầu hành giả thấy đề mục diệt mất, biến mất. Sau đó là nana, nghĩ là tuệ giác biết đề mục đã diệt mất. Thấy được cái gì đó diệt, đó chính là tuệ giác, đó là anicca-nana, trí tuệ hiểu biết vô thường. Hành giả quán sát đề mục và thấy nó sanh diệt, song vị ấy thấy sự diệt của nó rất rõ ràng; nó đã diệt mất, không còn ở đó nữa. Và cả tuệ giác vipassana nữa, tâm (hợp với trí tuệ) cũng diệt. Vậy cả đề mục (nata) và tuệ minh sát (nana) cùng diệt. Cũng cùng tiến trình như vậy đối với mỗi sự nhận biết, mỗi khi chú tâm, hành giả thấy được cả hai, không cần cố gắng, và không cần phải cố cũng thấy được cả hai diệt mất. Chỉ trong một sự nhận biết, cái này tiếp nối cái khác một cách tự động, không hề có một suy nghĩ nào chen ngang. Đó là một đặc điểm rất quan trọng và khác biết của tuệ thứ 5, được gọi là Bhanga-nana, Tuệ Diệt. Bhanga nghĩa là hoại diệt, tan rã.
Ở giai đoạn này, mỗi khi hành thiền, dù với bất cứ đề mục nào, thậm chí đó là các cử động (không còn chú tâm đến hình dáng nữa, mà chỉ chú ý đến các cảm giác), hành giả hay biết được cảm giác và sự diệt rất nhanh, tiếp nối nhau rất rõ. Mọi hình dáng và thể khối đều biến mất, điều đó nghĩa là bạn không còn chú tâm đến hình dáng và thể khối nữa. Bạn chỉ chú ý đến các cảm giác và sự hoại diệt rất nhanh của chúng. Thấy đề mục diệt rất nhanh, đó là tuệ diệt đầu tiên, gọi là pathama-bhanga-nana. Thấy chính tuệ giác diệt đi là tuệ diệt thứ hai, gọi là dutiya-bhanga-nana. Hai mức tuệ giác này đi cùng nhau tạo thành Tuệ Diệt (bhanga-nana) hoàn chỉnh. Trong bất cứ tầng tuệ nào cũng có giai đoạn sơ khởi và giai đoạn chín muồi. Lúc đầu bạn thấy đề mục diệt đi rất nhanh. Khi tuệ giác này trở nên chín muồi và mạnh hơn, bạn thấy được sự diệt của tâm, tâm thiền Vipassana và tuệ giác cũng cùng diệt.
Bạn nhận biết một đề mục, nó diệt mất và tâm hay biết sự diệt đó cũng diệt. Diệt không có nghĩa là chuyển sang một dạng tồn tại khác; đây là điểm tôi muốn làm rõ. Vô thường (anicca) không có nghĩa là thay đổi và tồn tại dưới một dạng khác. Vô thường nghĩa là diệt mất, không còn ở đó nữa; là sự không tồn tại của hiện tượng. Hiện tượng sanh diệt và không còn tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào.
Trong vật lý lượng tử về các hạt hạ nguyên tử, bạn có thể hiểu được điều này. Không hình dạng, không dáng hình, chỉ là năng lượng. Robert Oppenheimer nói, nếu bạn hỏi: “Hạt điện tử có ở nguyên một vị trí không?”. Câu trả lời là không. Vậy nó thay đổi? Câu trả lời vẫn là không. Nó có trụ ở đâu đó không? Câu trả lời là không. Vậy nó chuyển động? Câu trả lời vẫn là không. Một hạt điện tử chỉ là một mô hình lý thuyết; một cái gì đó biến mất và một cái gì đó sanh ra. Có mối liên hệ giữa chúng với nhau, nhưng chúng phải cùng là một thứ.
Có rất nhiều từ Pali để giải thích Tuệ Diệt này. Khaya là một cái gì đi đến kết thúc, cạn kiệt. Vaya cũng có nghĩa y hệt; bheda có cùng một nghĩa là hoại diệt; nirodha là đi đến chấm dứt. Tất cả các từ này đều có cùng một nghĩa. Câu kinh Pali: “khayato vayato disva ~Vsm 641”, nghĩa là thấy nó không còn tồn tại nữa. Nó tồn tại trong một khoảng thời gian rất ngắn ngủi, chỉ thế thôi, rồi không còn nữa.
Bạn có thể thấy được điều này ở tất cả 6 căn môn (drava): mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Ở tất cả 6 căn môn, bất cứ điều gì bạn nhận biết, bạn chỉ nhận biết nó một cách thuần túy và nó sẽ không còn tại đó nữa. Bạn có thể thấy điều này ở tất cả các căn, chứ không phải chỉ ở một căn nhất định nào.
Như vậy, đề mục diệt mất và tâm thiền (Vipassana) hay biết đề mục ấy cũng diệt, một tâm khác hay biết chính tâm thiền đó cũng diệt mất.
Thấy đề mục thứ nhất diệt và thấy tâm hay biết lúc đó đã trở thành đề mục cho một tâm khác (purimavatthuto annavatthusankamana), chính tâm ấy cũng diệt. Bạn có thể thấy được nhiều tầng lớp, nhiều lần như vậy. Nhưng cũng không cần thiết phải thấy nhiều lần đến thế. Tuy nhiên, ít nhất bạn cũng phải thấy được đề mục diệt và tâm tuệ minh sát cũng diệt. Thực ra chỉ cần thế là đủ, song có thể sẽ tiếp diễn nhiều lần như vậy.
Hành giả thấy sự diệt rõ đến mức không cần chú ý đến sự sanh nữa. Ở tuệ thứ tư, hành giả chú ý đến sự sanh diệt, ở tuệ thứ 5 vị ấy chỉ chú ý đến sự diệt mà không còn chú ý đến sự sanh. Ngay từ lúc đầu thực hành chúng ta chỉ thấy sự snh, không thấy được sự diệt. Trước khi thấy đề mục diệt, chúng ta thấy đề mục khác đã sanh lên. Say một thời gian chúng ta sẽ thấy được sự sanh và diệt. Sau đó chúng ta chỉ thấy diệt. Đó là cách thức tuệ giác phát triển đến độ chín muồi.
Udayam pahaya vaye santitthana. ~PtsAi.258
Bỏ qua (pahaya) sự sanh (udayam), tâm an trú (santitthana) trong sự diệt (vaye). Tâm chỉ quán sát sự diệt. Điều đó làm cho hiểu biết về vô thường trở nên rất vững mạnh. Đó chính là đỉnh cao của tri kiến về vô thường.
Trong quá trình thấy sự diệt, không có cái xen vào giữa. Tâm không bị xao lãng, phân tán vào bất cứ thứ gì khác; ở giai đoạn này có rất ít suy nghĩ. Ở tầng tuệ đầu tiên, hành giả suy nghĩ một chút. Ở tầng tuệ thứ hai, hành giả suy nghĩ nhiều về nguyên nhân của sự sanh, sự hay biết và sự suy nghĩ. Ở tầng tuệ thứ ba còn nhiều suy nghĩ hơn nữa về thiền, về vô thường, khổ, vô ngã. Ở tầng tuệ thứ tư các suy nghĩ bớt dần đi. Ở tầng tuệ thứ 5, hầu như không còn một chút suy nghĩ nào nữa. Bạn không thể nghĩ được nữa. Sự diệt diễn ra rất nhanh, bạn không có thời gian để suy nghĩ về nó nữa. Tiến trình sẽ tiếp tục như thế cho đến khi đạt tới tầng tuệ thứ 9. Ở tầng tuệ thứ 8 và tầng tuệ thứ 9, một số suy nghĩ bắt đầu quay trở lại, nhưng đó chỉ là những suy nghĩ về Pháp, chứ không phải suy nghĩ chuyện đời.
Sau đây là một số ẩn dụ mô tả Tuệ Diệt:
1) Ném vài hạt vừng vào trong một chảo sắt nóng đỏ, mỗi hạt vừng ném vào đều bị đốt cháy và tạo ra một tiếng xèo rất ngắn.
2) Mưa rơi trên mặt hồ. Bạn thấy các hạt mưa rơi xuống rất nhanh.
Không phải khi hành thiền là bạn sẽ thấy các hình ảnh này. Chúng chỉ là các ví dụ. Khi hạt mưa rơi xuống nước sẽ tạo thành các bong bong, hiện lên và biến mất ngay lập tức.
Cũng không còn nhiều để nói vê tuệ thứ 5 này nữa. Đó là tất cả. Bạn thấy mọi thứ diệt mất rất nhanh. Và điều này diễn ra liên tu bất tận, không phải chỉ một thứ diệt rồi bạn dừng lại và suy nghĩ.
Bạn có thể thấy sự diệt trong hàng tiếng đồng hồ, lặp đi lặp lại như vậy hoài. Vì thấy mọi thứ cứ diệt, biến mất liên tục nên bạn cảm thấy tiến trình này thật nguy hiểm; nó diệt mất quá nhanh, bạn không thể nương tựa vào nó. Bạn không thể tự đồng hóa bản thân mình với nó được nữa. Bạn thấy nó là nguy hiểm nhưng bạn không sợ hãi nó. Không sợ hãi là rất quan trọng. Khi bạn bắt đầu sợ, nỗi sợ quá lớn và bạn sẽ ngừng lại không hành thiền nữa. Điều đó có nghĩa: đây là một tuệ giác, bởi vì nỗi sợ thực sự phải đến từ sự đồng hóa. Nếu không tự đồng hóa mình với nó, và bạn chỉ thấy mọi thứ diệt đi, không phải cá nhân người nào, khi đó nó chẳng có liên quan gì với bạn cả. Bạn thấy không ai có thể tự đồng hóa với nó, không thể bám víu, nương tựa vào nó. Không có chỗ nào cho mình dựa dẫm được. Không có điều gì là chắc chắn trong những tiến trình thân tâm này cả.
Việc nhìn thấy nguy hiểm có đáng sợ không? Không, bởi sợ hãi là một loại tâm sân, một loại phiền não, nó xuất phát từ sự tự đồng hóa. Bạn thấy nó nguy hiểm, nhưng bạn không sợ nó.
Bỗng nhiên bạn nhìn thấy một con hổ trong rừng chẳng hạn, bạn thực sự sợ hãi và tìm đường thoát thân. Nhưng khi xem một bức tranh hổ trong vườn thú, bạn biết con vật này nguy hiểm nhưng bạn không quan tâm tới nó, không bỏ chạy.
Một số người khi cảm thấy rất sợ, họ lại lầm tưởng nỗi sợ này là một loại tuệ giác. Tuệ giác thực sự không có sợ hãi. Người trí thấy trẻ con chơi đồ nguy hiểm thì nói: “Đừng chơi đồ ấy, nguy hiểm lắm” song bản thân người ấy thì không sợ hãi.
Tuệ giác đó là tuệ thứ 6, bhaya-nana– Tuệ thấy nguy hiểm (Kinh úy tuệ), “thấy các hành là nguy hiểm”, hành giả trở nên không thích thú, không vui mừng. Ở tầng tuệ thứ tư bạn có rất nhiều hỷ lạc, cảm thấy rất phấn chấn và an lạc. Ở tầng tuệ thứ 6 không còn sự an lạc và hỷ tràn ngập nữa. Đôi lúc bạn cảm thấy rất tĩnh lặng, không buồn chán, cũng không phấn khởi. Khi Tuệ thấy nguy hiểm “thấy tiến trình thân, tâm là đáng sợ, là nguy hiểm” này đã chín muồi, nó chuyển sang thấy ra những điều khiếm khuyết, bất toàn. Thực ra chỉ là cùng một việc, song được nhìn từ một góc độ khác mà thôi.
Khiếm khuyết, bất toàn trong tiếng Pali là adinava. Bạn thấy rõ không có gì tốt đẹp trong tiến trình thân, tâm này cả, nó không thể làm cho bạn hạnh phúc. Ở giai đoạn này hành giả có thể thấy, trước kia cũng như bây giờ, mọi thứ đều đi đến hoại diệt. Tương lai cũng sẽ như thế, dù cái gì xảy ra, một cuộc đời tốt đẹp, cao sang hay xấu xa, thấp kém, tất cả rồi sẽ hoại diệt, cũng như nó đang diễn ra bây giờ. Vậy thì chẳng nên mong mỏi có được một cuộc sống tốt đẹp hơn làm gì.
Nói chung mọi người thường nghĩ nếu được tái sanh vào một nơi tốt đẹp hơn thì hay biết mấy. Song nếu bạn thực sự thấy rõ ràng và cặn kẽ tiến trình thân và tâm đang luôn hoại diệt này, bạn sẽ hiểu ra rằng: “Để làm gì? Mọi thứ đều hoại diệt quá nhanh, ham muốn này nọ có ý nghĩa gì nữa đâu”.
Lúc đó bạn không còn mong muốn bất cứ một kiếp sống, một cảnh giới nào nữa. Nhưng nếu đánh mất tuệ giác này thì bạn vẫn còn mong muốn. Thời điểm bạn có được tuệ giác này, bạn có thể thấy rằng không có cái gì đáng để sở hữu cả, bạn không thể sở hữu được bất cứ cái gì.
Mỗi khi hành giả nhận biết, nó liền diệt mất; không dính mắc, không mong muốn níu giữ nó. Hành giả thấy rằng sanh là nguy hiểm (upapado bhayam ~Pts i.59). Sự trở thành, sự hiện hữu là nguy hiểm. Sự tiếp diễn là nguy hiểm (pavattam bhayam ~Pts i.59). Bất cứ cái gì đang diễn ra cũng đều là nguy hiểm. Ngay cả ý nghĩ rằng: có một thứ gì đó sẽ đem lại hạnh phúc cho mình, để rồi cố gắng đạt được nó – đó cũng là một điều nguy hiểm (ayuhana bhayam ~Pts i.59). Đôi khi có những suy nghĩ rất ngắn chợt đến, trong một thoáng hành giả chợt hiểu được lời dạy của Đức Phật, nếu đã từng đọc trước đó. Những câu kệ, lời kinh rất ngắn chợt hiện đến trong tâm. Có lần, đang ngồi thiền, đột nhiên tôi thấy đoạn cuối Thập Nhị Nhân Duyên (paticcamuppada) tự động hiện lên trong tâm. Lúc đó bạn không hề suy nghĩ về nó, song lại hiểu được ý nghĩa của nó một cách rất sâu sắc và rất rộng. Câu kinh hiện lên trong tâm tôi lúc đó là: “Evametasa kevalassa dukkhakkhandhassa samudayo hoti” và “Evametassa kevalassa dukkakkhandhassa nirodho hoti”.
Evametassa là theo cách này. Kevalassa là một từ rất quan trọng, nghĩa là không trộn lẫn, đồng hóa với bất cứ cái gì. Dukkhakkhandhassa nghĩa là một đống đau khổ chồng chất.
Nghĩa là “Chỉ là một đống khổ đau sanh khởi, không đồng hóa, trộn lẫn cùng một chúng sanh nào, nó không phải là hạnh phúc, an lạc”. Không trộn lẫn, đồng hóa là rất quan trọng. Cái sanh lên đó chỉ thuần túy là đau khổ, và cái diệt mất dó cũng chỉ thuần túy là đau khổ mà thôi. Không phải một người nào, không có gì vui thích, chỉ là đau khổ. Tiến trình này quả là không đáng hài lòng, sanh và diệt.
Bạn không còn thấy nó là tôi hay của tôi nữa, nó không phải là một người hay một thực thể nào cả, chỉ thuần túy là một tiến trình. Bạn không có quyền làm chủ đối với nó; không thể ra lệnh cho nó “đừng diễn ra nữa”. Mọi việc đều diễn ra thuận theo nhân duyên của nó. Người đa văn, học nhiều sẽ nhớ được rất nhiều điều như vậy.
Không sanh là nơi an toàn (Anuppado khemam~Pts i.59). Nếu không có gì diễn ra cả thì thật an toàn biết bao. Cái gì có sanh, ắt có diệt. Không có gì là an toàn cả. Khemam cũng có nghĩa là Niết Bàn. Một điều rất khó để hiểu được, đó là: “không sanh là cực lạc” (Anuppado sukham~Pts i.59).
Hầu hết mọi người đều cho rằng hạnh phúc là có cái để hưởng thụ. Còn ở đây, hạnh phúc nghĩa là không đau khổ. Vì vậy, trong Tứ diệu đế chỉ có Khổ đế chứ không có Lạc đế.
Mỗi đế đều có một chữ khổ trong đó (Khổ đế, Tập đế, Đạo đế, Diệt đế). Không hề có lạc đế. Song lạc chính là không khổ. Khi không còn khổ đau, thì đó chính là nơi hạnh phúc, an vui nhất.
Anuppado nibbanam. ~Pts i.60
Vô sanh là Niết Bàn.
Theo: Bản đồ hành trình tâm linh
Tác giả: Sayadaw U Jotika
Mời bạn đọc đón xem chương 8, phần 2: Từ tuệ thứ năm đến tuệ thứ mười: Từ Tuệ Diệt đến Tuệ Thấy Nguy Hiểm, Tuệ Kinh sợ, Tuệ Yếm ly, Tuệ Muốn Giải thoát và Tuệ Giản trạch.