Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Bản đồ hành trình tâm linh Chương 5 (Phần 2)

Bản đồ hành trình tâm linh Chương 5 (Phần 2)

87

 

 

Tuệ giác thứ nhất và thứ hai 

Hay biết tâm và đối tượng; Phân biệt nhân duyên 
 
Trong kinh điển có nói đến nhiều loại hoài nghi khác nhau, nhưng hành giả không nhất thiết phải kinh qua tất cả. Loại nghi đầu tiên là hoài nghi rằng: Trước kiếp này có “tôi” hiện hữu không? Đây là một loại hoài nghi. Trước kiếp này có phải không có “tôi”? Đây thực ra cũng là một câu hỏi từ góc độ khác mà thôi. Nếu có một “cái tôi” thì cái tôi đó như thế nào? Hình dáng ra sao, là đàn ông hay đàn bà? Đủ các loại hoài nghi mà con người có. Tuần trước, tôi kể về một người bạn của tôi, trước kia anh ta là một phụ nữ còn bây giờ lại là một người đàn ông. 
 
Đừng tự mãn mình là đàn ông, cũng đừng buồn khổ khi thấy  mình là một phụ nữ. Không có ai tốt hơn ai đâu. Tốt hay xấu là ở sự tu tập, ở trí tuệ và ở chính cái tâm của mình. 
 
“Tôi là một phụ nữ?”, “Tôi là đàn ông?”, “Tôi là người châu Âu hay châu Á?” Có rất nhiều loại hoài nghi, nhưng khi đã hiểu thật sâu sắc những điều này, bạn sẽ biết rằng những danh từ đó chỉ là những điều chế định, là những thứ đã xảy ra trong quá khứ. Khi có đủ nhân duyên thì quả sẽ trổ thôi mà. 
 
“Tôi có tái sinh tiếp không?” cũng cùng một loại hoài nghi, “Có linh hồn nằm ở bên trong tôi, hay ở một nơi nào đó bên ngoài?” cũng là môt loại hoài nghi khác. Khi nhìn thật sâu vào tiến trình thân tâm này, bạn sẽ thấy mọi sự đều sanh và diệt. Không có gì là một thực thể trường tồn, vĩnh cửu cả, mọi thứ đều vô thường sanh và diệt. Vậy thì “cái tôi” này từ đâu đến? 
 
Khi chúng ta nói tái sinh, nó rất khác với từ đầu thai –chuyển kiếp (reincarnation), mặc dù đôi khi chúng ta sử dụng hai từ này như thể với cùng một ý nghĩa. Hai từ này không hoàn toàn giống nhau. Đầu thai có nghĩa là một thực thể thường còn nào đó có một thân thể mới. Nó có nghĩa một linh hồn chuyển sang một thân mới; thực ra không có gì là linh hồn chuyển sang một thân mới cả, chỉ có tâm, tiến trình của tâm và tiến trình của thân. Trong kinh điển nhiều lần giải thích điểm này rất chi tiết. Nó chiếm đến hai tập sách về thiền. Nếu tôi giảng lại mọi chi tiết thì sẽ mất thời gian rất lâu. Vậy hãy cố gắng hiểu điều này trong bất kỳ trường hợp nào như ngửi, nếm, thân xúc chạm, nghe âm thanh và nhìn như tôi đã giải thích ở trên. Hãy lấy đó làm ví dụ và hiểu các tiến trình khác nhau trong thân và tâm mình. 
 
Nói tóm lại. đối cới một số người có hiểu biết sâu sắc, họ thấy được Pháp duyên khởi ngay từ lúc đầu. Avijja (vô minh) có nghĩa là si ám hay không hiểu biết, không hiểu biết cái gì? Không hiểu biết chân lý , không hiểu biết thực tại. Bởi vì không hiểu biết nên chúng ta nghĩ rằng: Nếu tôi làm việc này, tôi sẽ đạt được một điều gì đó – và cái đó sẽ làm cho tôi hạnh phúc. Điều này gọi là “không hiểu biết”; bởi vì: Thực ra không có cái gì trên đời có thể làm cho chúng ta thực sự hạnh phúc được cả. 
 
Khi nghĩ về điều đó, nó sẽ làm cho bạn thật thất vọng và chán chường; chúng ta tự đánh lừa mình quá lâu rồi. Hãy tỉnh dậy và trưởng thành lên! Đã bao giờ bạn tìm được một thứ gì làm cho mình mãn nguyện mãi chưa? Suốt cuộc đời chúng ta đi tìm cái đó, cái thực sự làm cho mình mãn nguyện, thực sự hạnh phúc, bạn tìm ra nó chưa? Liệu thực sự là có một cái gì đó như thế không? 
 
Tin rằng có một cái gì đó sẽ làm cho ta hạnh phúc, rồi làm mội công việc này công việc kia với hy vọng nó sẽ làm mình hạnh phúc, đó là ảo tưởng, đó chính là vô minh (avijja); không hiểu biết về Tứ Diệu Đế là vô minh. 
 
Tôi muốn diễn đạt một cách thật đơn giản để các bạn hiểu được vấn đề. Chẳng hạn, ở đây vào mỗi Chủ nhật, chúng ta đều có làm phước bố thí, cúng dường (dana); mọi người đến và cúng dường cho tôi. Mỗi ngày mọi người đều đến và cúng dường, đó là một việc làm tốt đẹp; tấm lòng hào phóng thật là tốt đẹp! Chúng ta cần giúp đỡ lẫn nhau, cần bố thí cho nhau. Chúng ta bố thí tiền bạc, bố thí thức ăn, bố thí quần áo, chúng ta bố thí thời gian, sự quan tâm, chúng ta bố thí kiến thức, dạy học cũng là bố thí, đó là một việc tốt nên làm. Nhưng bạn mong đợi điều gì từ những việc làm đó? Sự mong đợi này rất quan trọng. “Tôi cúng dường vật thực này đến vị tỳ khưu đáng kính này, nhờ phước báu của thiện nghiệp đó. Mong rằng tôi sẽ được tái sanh làm một người giàu sang, tôi sẽ hạnh phúc, tôi sẽ mãn nguyện”; đó là ảo tưởng. Nó mang lại phước báu thật, nhưng sẽ không thực sự mang lại hạnh phúc cho bạn được đâu. 
 
Ngay cả khi làm phước bố thí, đôi lúc chúng ta cũng làm với rất nhiều vô minh (avijja), vì nghĩ rằng nó sẽ mang lại hạnh phúc thật sự, sự mãn nguyện thực sự cho mình. Tại sao chúng ta làm phước bố thí? Khi làm phước bố thí, chúng ta mong đời điều gì? 
 
Tốt nhất hãy nguyện rằng: “Do năng lực của phước thí này, nguyện cho tôi có cơ hội được tu tập và liễu ngộ được chân lý”, đó là điều thực tế chúng ta có thể hy vọng đạt được. 
 
Nhiều câu chuyện trong kinh điển cho thấy, có người chỉ nhờ bố thí một chút của mà sau đó đã thu lại được rất nhiều phước báu. Đó là một sự đầu tư tốt đẹp. Nó đặt cơ sở trên lòng tham và “cái tôi”. Tôi sẽ thu lại được rất nhiều, đây là một sự đầu tư béo bở. Hãy nhìn sâu vào trong đó, bởi vì khi bạn mong đợi quá nhiều, thì đó chính là lòng tham. Bạn làm phước bố thí, nhưng việc phước đó lại bắt nguồn từ lòng tham, từ tà kiến ngã chấp, chấp vào “cái tôi” của mình. Chính vì tà kiến đó, có lúc chúng ta làm việc tốt, rồi lúc khác ta lại ngu ngốc đi làm việc xấu, việc bất thiện: ăn cắp, sát sanh. Tất cả đều bắt rễ từ niềm tin rằng: Nếu có được cái đó, nó sẽ làm ta hạnh phúc; chẳng hạn như uống rượu, sử dụng chất gây nghiện rồi tin rằng nó sẽ làm cho ta hạnh phúc. Dù là việc thiện hay bất thiện, nhưng nếu không hiểu biết một cách sâu sắc, chúng ta sẽ làm với sự tin tưởng rằng: “Tôi sẽ làm được một cái gì đó.” 
 
Khi hành giả hành thiền thật sâu sắc sẽ thấy được: Avijja – paccaya sankhara, sankhara- paccaya vinnanam (Vô minh duyên hành, hành duyên thức) và toàn bộ tiến trình Thập Nhị Nhân Duyên diễn tiến. 
 
Để giải thích Thập Nhị Nhân Duyên cần phải có một lớp học khác mới có thể giảng gải thật sâu về nó. Bởi vì Tuệ Phân biện Nhân duyên này (paccaya-pariggaha-nana) đang nói về nhân và quả nên chúng có liên hệ với nhau. 
 
Sau đây là trích dẫn một đoạn kinh thật thú vị và sâu sắc:
 
Kammam natthi vipakamhi. Pako kamme na vijjati.
Annamannam ubho sunna, na ca kammam vina phalam
Kamman ca kho upadaya tato nibbattate phalam.
Na h’ettha devo brahma va samsarassatthi karako,
Suddhadhamma pavattanti hetusambharapaccaya ti. ~Vsm 603
 
Kammam natthi vipakamhi. Pako kamme na vijjati: Trong nhân không có quả, trong quả không có nhân. Cái này không ở trong cái kia. Hai cái không phải là một. Nếu bạn nghĩ rằng nhân ở trong quả hoặc quả ở trong nhân thì bạn phải có cả hai thứ cùng một lúc. Chúng không đi cùng mà tách biệt nhau.
 
Annamannam ubho sunna: Có cái này thì không có cái kia, cái này không có ở trong cái kia; cái kia không có ở trong cái này; chúng loại trừ lẫn nhau.
 
Na ca kammam vina phalam: Nhưng không có nhân thì cũng chẳng có quả. Đây là một bài kệ (gattha) rất hay; rất sâu sắc và ý nghĩa.
 
Kamman ca kho upadaya tato nibbattate phalam: Không có Đấng Sáng Tạo nào tạo ra vòng luân hồi cả (samsara)
 
Suddhadhamma pavattanti hetusambharapaccaya ti: Chỉ thuần tuý là pháp, thuần tuý là tự nhiên đang diễn tiến, bởi vì có đầy đủ nhân duyên thích hợp. 
 
Tuỳ thuộc vào trí thông minh và hiểu biết của hành giả mà nhiều ý nghĩ như vậy sẽ hiện khởi trong tâm…nó sanh khởi bởi vì có đủ nhân duyên. Trong giai đoạn này, rất nhiều ý nghĩ sẽ sanh khởi trong tâm hành giả, một cách tự nhiên, bởi vì bạn bắt đầu nhận ra những điều thật sâu sắc, thật chí lý. Những suy nghĩ kết nối, xuất hiện nhiều lần trong tâm, điều rất quan trọng cần nhớ là không được suy nghĩ quá nhiều về nó. Do đã phát triển được một mức định tâm và chánh niệm nhất định, nên bạn có thể thấy mọi sự việc rõ ràng, minh bạch, khiến bạn tư duy rất sâu sắc. 
 
Bạn có thể dính mắc với tuệ giác của chính mình: “Ồ bây giờ tôi đã thấy rõ, quả đúng là như vậy.” Bạn lặp đi lặp lại những điều như vậy và cứ muốn suy nghĩ hoài về nó. 
 
Người đã đạt được hai tuệ giác này được gọi là một vị tiểu Tu-đà- hoàn (Culasatapanna) nghĩa là người đã nhập vào dòng Thánh. Một vị Tu-đà- hoàn thực sự là một người đã thành đạt được đạo quả (magga-pala) lần đầu tiên (Nhập lưu đạo tuệ và Nhập lưu quả tuệ). Đây vẫn chưa phải là đạo quả, song người đã thấu hiểu về danh sắc và nguyên nhân của danh sắc là người đã đoạn trừ được rất nhiều tà kiến loại thô về một thực thể thường còn, về bản ngã, về “cái tôi”. Do sự thanh tịnh đó, vị này rất giống một vị thánh Tu-đà- hoàn thực sự. Vì vậy, vị ấy được gọi là vị tiểu Tu-đà- hoàn. 
 
Đây là một bài kệ khác rất hay: 
Imina pana nanena samannagato vipassako Buddhasasane laddhassasa laddhapatittho niyatagatiko. ~ Vsm 605 
 
Hành giả (vipassako) đã đạt (samannagato) đến sự hiểu biết này, với tuệ giác này (nanena), đã được nhẹ nhõm (laddhassasa), nghĩa là trước kia hành giả phải mang một gánh nặng, còn bây giờ đã được trút bỏ khỏi gánh nặng đó. Hành giả đã có một nơi để nương tựa (laddhapatittho), một tuệ giác sâu sắc để nương tựa. Một người đã đạt đến và duy trì được tuệ giác này được gọi là niyatagatiko, nghĩa là người sẽ không bị tái sanh vào cảnh giới thấp kém (khổ cảnh). Sự tái sanh tuỳ thuộc vào phẩm chất tâm linh của chính bạn, phẩm chất của tâm thức bạn. Tuệ giác sâu sắc này có năng lực vô cùng lớn và đem lại cho bạn sự thanh tịnh về tri kiến, và do kiến tịnh, phẩm chất tâm của bạn trở nên cao thượng đến mức không thể tái sanh vào cảnh giới thấp hèn được nữa.
 
Cuộc đời bạn phụ thuộc vào phẩm chất tâm của chính bạn
 
Hai cái đó phải tương xứng với nhau. Một phẩm chất tâm thấp kém,hạ liệt sẽ bị tái sanh vào một cảnh giới thấp kém, hạ liệt. Khi đã phát triển được một tuệ giác sâu sắc, một trí tuệ sáng suốt và có giới đức trong sạch, có sự thanh tịnh của một nội tâm trong sáng, của tuệ giác; khi đó phẩm chất tâm của bạn sẽ trở nên cao thượng đến mức không thể tái sanh vào khổ cảnh. Nhưng nếu để mất giới đức, nếu bạn để mất định tâm và trí tuệ thì điều đó sẽ không chắc chắn. Nếu có thể duy trì tuệ giác này, nó sẽ đem lại cho bạn sự nhẹ nhõm, thanh thản vô cùng lớn bởi vì bạn sẽ không còn bị rơi vào khổ cảnh nữa. 
 
Tôi có một người bạn cũng là một thiền sinh, không biết bây giờ có còn hành thiền nữa hay không vì anh rất bận. Tôi hy vọng là anh ấy vẫn tiếp tục. Một lần, anh ấy thể nhập được vào tuệ giác này, anh đến và nói với tôi rằng: “ Trước khi tôi hiểu được điều này, tôi cứ nghĩ rằng khi muốn điều gì thì tôi phải có bằng được nó, nếu không có nó tôi sẽ không thể hạnh phúc, tôi phải tìm kiếm và phải có bằng được.” Cái “phải” này, cái phải có là một cái gánh thật nặng. Bây giờ anh nói, “ Mặc dù tôi vẫn còn rất tham (thực tế anh ta cũng là một người tham lam), nhưng mỗi khi tâm tham xuất hiện trong tôi, tôi biết được đây là tham,còn trước kia thì tôi cứ nghĩ rằng tôi thực sự mong muốn cái đó.” Nếu bạn đồng hoá “cái tôi” này và cái mong muốn ấy với nhau, nó sẽ trở thành một rắc rối lớn. Nhưng khi bạn không tự đồng hoá mình với nó, bạn thấy đó chỉ là một tiến trình, một nỗi khát khao, một mong muốn mãnh liệt đang trỗi dậy mà thôi. Anh ấy nói, “Bây giờ thì tôi hiểu rằng: Không cần phải làm gì với nó cả.” Lúc đầu thì anh nghĩ rằng nếu không đạt được cái đó, anh sẽ chẳng thể hạnh phúc. “Tôi muốn điều này và tôi sẽ hạnh phúc nếu tôi đạt được nó, nếu không có được nó, tôi sẽ không hạnh phúc.” Bây giờ thì anh nói rằng: Chỉ cần quan sát nó và cảm nhận được một sự thanh thản, nhẹ nhõm vô cùng lớn. Chỉ cần làm được như thế thôi là bạn đã buông bỏ được 90% nỗi khổ của mình rồi. Bạn có thể thấy được tâm tham và sự khao khát, mong cầu như chúng thực sự đang là. 
 
Không có sự hổ trợ của tà kiến về “cái tôi” thì bất cứ loại phiền não nào cũng sẽ bị suy yếu. Phiền não sẽ trở nên rất mạnh mỗi khi chúng được “cái tôi” tiếp sức: “tôi tức giận, tôi buồn bực, tôi muốn trở thành người tốt”. 
 
Mỗi khi những suy nghĩ đó sanh khởi trong tâm, nếu bạn đứng lùi lại, tách ra, không tự đồng hoá với nó và chỉ nhìn nó như một tiến trình của tâm thức, nó sẽ mất sức mạnh. Bạn có thể duy trì được phẩm hạnh của mình và sự quân bình, thanh thản trong tâm, và nếu mình thấy thực sự cần, bạn sẽ tìm ra một phương cách thích hợp để có nó.
 
Giữa cái chúng ta cần và cái chúng ta mong muốn là một khoảng cách rất lớn. Cái muốn thì vô cùng, cái thực sự cần thì rất ít. 
 
Bạn sẽ không thể tin nổi là để sống hạnh phúc, chúng ta chỉ cần rất ít đến thế nào đâu. Một lần tôi đã kể về sư phụ tôi, chắc có bạn vẫn còn nhớ. Sư phụ sống một nơi rất nhỏ hẹp. Người là một nhà sư học vấn rất cao rộng uyên thâm, đặc biệt xuất sắc. Tôi thực sự may mắn là đã được gặp những vị thầy của mình. Họ thực hành những gì họ dạy và dạy những gì họ thực hành. Họ không dạy những thứ trong trí óc hoặc từ sách vở, họ dạy từ chính cuộc đời của mình. Sư phụ tôi sống một cuộc sống hết sức đơn giản. Chỗ ở của người trống không, chỉ là một căn phòng trống. ngài ngủ trên một tấm ván gỗ, trải chiếc khăn để làm gối. Không có thảm, không có một thứ gì trên sàn nhà cả. Sư phụ trải một tấm y trên sàn và nằm ngủ tại đó. Không có một thứ đồ đạc gì, trong chỗ ở của thầy hoàn toàn không có một thứ gì cả. Nhiều người đến thăm thấy ngài chẳng có một thứ gì cả. Họ nói nghe đồn vị sư này không có một thứ gì, nhưng chỉ khi đến tận nơi và xem xét chỗ ở của ngài, họ mới thấy họ thực sự không có gì thật. Thầy ăn ngày một bữa, ăn chay, hầu như chỉ có một ít cơm, một ít salad cà chua, búp đậu, rất ít đậu luộc và một chút xíu các loại rau khác. Người ta dâng cúng sư phụ nhiều bánh và bích quy nhưng người không dùng tới. Sư phụ nói những thứ đó không hợp với bụng dạ sư phụ. Chỉ ăn ngày một bữa, thầy làm như vậy suốt hơn 40 năm và vẫn rất khoẻ. Tôi biết sư phụ đã 20 năm và ngài chỉ bị ốm có hai lần, nguyên nhân là bị ngộ độc thực phẩm. Một lần là do có người dâng sư phụ đồ ăn không hợp và lần thứ hai có người băm nhuyễn thịt lợn làm đồ ăn, người đó không biết sư phụ không ăn thịt cá nên trộn lẫn thịt vào rau mà ngài không biết. Sư phụ ăn món đó và bị tiêu chảy. Thật là kỳ lạ, nếu bạn kể với bác sĩ rằng, có một người chỉ ăn một bữa ăn đơn giản như vậy mỗi ngày mà vẫn khoẻ mạnh, thì tôi nghĩ rằng 99% bác sĩ sẽ nói người ấy ắt sẽ bị đủ loại bệnh suy dinh dưỡng, nhưng sư phụ tôi lại không có một triệu chứng suy dinh dưỡng nào như thế cả. Tôi không thể thấy được sư phụ, nhưng sư phụ đã sống như vậy đấy. Tất cả tài sản của sư phụ chỉ đựng vừa trong một gói nhỏ. 
 
Giữa cái chúng ta muốn và cái chúng ta cần là một khoảng cách vô cùng lớn, nhưng ngày nay người ta càng ngày càng gia tăng cái muốn của mình lên nhiều hơn nữa. 
 
Nếu bạn hiểu tâm mình, hiểu được tâm tham này, hãy từ bỏ nó. Bạn có thể khiến cuộc sống của mình trở nên đơn giản và dễ dàng. Cuộc sống sẽ không còn là một gánh nặng nữa! 
 
Thực ra gánh nặng của cuộc sống không lớn đến vậy; Gánh nặng của lòng tham lớn hơn nhiều. 
 
Tôi nghĩ có lẽ nên chấm dứt bài giảng hôm nay ở đây và để cho các bạn nêu một vài câu hỏi. Trong buổi học tới tôi sẽ nói về tuệ thứ ba và tuệ thứ tư. Tuệ thứ ba và tuệ thứ tư rất quan trọng, tuệ thứ nhất và tuệ thứ hai cũng quan trọng. Chúng là nền tảng. Không hiểu được hai tầng tuệ đầu tiên chúng ta sẽ không thể tiến tiếp được. 
 
Hỏi và đáp: Nếu vẫn tiếp tục thực hành, bạn có thể gìn giữ được nó. Chính sự thực hành sẽ giữ gìn chúng. Một khi đã đạt được tuệ giác đó, bạn sẽ thấy được tầm quan trọng của nó. Tuệ giác đó cũng có thể giúp cho cuộc sống của bạn trở nên rất đơn giản. Khi không có tuệ giác, chúng ta làm cuộc sống của mình trở thành phức tạp; bạn làm quá nhiều việc không cần thiết, suy nghĩ quá nhiều một cách không cần thiết, nghe, nhìn, ăn uống, đi lại đây đó suốt ngày. 
 
Một khi đã đạt tới tuệ giác này, nó sẽ cho bạn thấy việc nào là quan trọng trong cuộc đời, việc nào là không quan trọng. Bạn sẽ nhìn nhận hai việc đó một cách khác hẵn.
 
Hầu hết chúng ta thường gộp chung tất cả mọi việc với nhau và nghĩ rằng việc nào cũng quan trọng như nhau cả, chúng ta tham gia vào đủ mọi việc đến nỗi không còn thời gian cho chính mình nữa, thậm chí hành thiền cũng không được. Rất nhiều nỗi lo toan, tính toán của chúng ta: Nào là con cái, vợ chồng, nào là công ăn việc làm là không cần thiết. Một khi đã được tuệ giác này, sự lo lắng của bạn sẽ còn rất ít, bạn chỉ còn lo tính những vấn đề trước mắt mà thôi. Chỉ khi đau ốm bạn mới lo tính đến điều đó và đi khám bác sĩ. Nhưng bạn sẽ không ngồi đó lo nghĩ đến những điều sẽ xảy ra trong 10 năm hay 30 năm nữa. Bạn chỉ làm những việc cần phải làm và bạn sẽ buông bỏ được rất nhiều, rất đơn giản. 
 
Đó là lý do tôi nói: Hầu hết các thiền sinh, những thiền sinh thực thụ, những người gìn giữ được tuệ giác sẽ sống một cuộc sống rất đơn giản; họ không thể sống phức tạp.
 
Một người bạn của tôi là một thiền sinh giỏi, nói rằng cô ta rất ngại mua sắm thêm đồ đạc mới trong nhà, bởi vì chính thứ đồ mới ấy sẽ choán chỗ trong tâm trí, sẽ làm cô mất thời gian với nó. Mọi người khi đi dạo phố, họ nhìn ngó những cửa hàng đầy những thứ đồ đẹp đẽ, những thứ đồ đạc hữu ích và tiện lợi… “tôi muốn cái này, tôi muốn cái kia…” không bao giờ ngừng lại. Cô này nói rằng mỗi khi đi xuống phố và nhìn vào các cửa hàng, cô thấy chỉ toàn là những đồ tạp nham, vô giá trị. Ai cần những thứ đó làm gì? Ai tạo ra những nhu cầu ấy cơ chứ? Người ta thường tạo ra nhu cầu và cố thuyết phục bạn tin rằng bạn thật sự cần đến nó và nếu bạn không có nó, bạn sẽ không hạnh phúc nổi; thế là bạn bị nó lừa bịp! Người nào hiểu được tiến trình tâm này một cách sâu sắc sẽ biết rằng họ không cần những thứ đó. 
 
Bạn có thể bỏ bớt đi được rất nhiều thứ, hãy để cho cuộc sống của bạn thật đơn giản và bạn sẽ có thêm thời gian để hành thiền. Điều quan trọng là phải giữ gìn được các tuệ giác đã có và cách duy nhất để làm được điều đó là tiếp tục thực hành.
 
Hỏi & đáp: Tôi đã nói danh (nama) có rất nhiều nghĩa. Chúng ta đã biết rằng nama có nghĩa là danh xưng, tên gọi; rupa (sắc) có nghĩa là hình thể; nama là tiến trình tâm, rupa là tiến trình của thân. Hãy sử dụng nghĩa của nó tuỳ theo từng ngữ cảnh. Nama cũng có rất nhiều nghĩa, rất dễ nhầm lẫn. Khi bạn biết nó có nhiều nghĩa và bạn biết sử dụng đúng nghĩa trong ngữ cảnh đó, thì nó sẽ không làm bạn bị rối nữa. 
 
Hỏi và đáp: Nói một cách ngắn gọn thì tuệ giác đầu tiên là để thấy có một tiến trình thân, nó không phải là một chúng sanh và có một tiến trình khác, tâm, tiến trình tâm lý. Hai tiến trình này khác biệt nhau, tiến trình thân không phải tiến trình tâm, tiến trình tâm không phải là tiến trình thân nhưng cái này duyên cho cái kia. Ví dụ nghe một tiếng động, thì tiếng động làm duyên cho cái nghe, lỗ tai làm duyên cho cái nghe, tiếng động và tai, tức màng nhĩ,là sắc (rupa) thuộc tiến trình thân. Bạn chú tâm lắng nghe tiếng động và tâm nghe (nhĩ thức) này là danh (nama). Một ví dụ nữa: Khi bạn muốn cử động, tác ý muốn cử động sanh khởi, đó là danh, rồi sau đó cơ thể mới cử động. Ngay cả nhắm mắt, mở mắt thì cũng có tác ý nhắm hoặc mở. Tác ý và tâm sanh khởi cùng với nó là danh. Tuệ thứ hai rất gần với điều này. Bạn thấy rằng danh này sanh khởi bởi vì có sắc này, và sắc này, tiến trình thân sanh khởi vì có tiến trình tâm này, tuỳ thuộc vào từng trường hợp mà hai cái này làm duyên cho nhau. Thấy nhân duyên, thấy được nó sanh khởi là do nhân duyên, đó chính là tuệ thứ hai. Tôi chưa giảng về tuệ thứ ba và tuệ thứ tư, nhưng bởi vì các bạn muốn biết nên tôi sẽ giải thích sơ qua một cách rất ngắn gọn. Tuệ thứ nhất là vô ngã (anatta), thấy danh và sắc như là một tiến trình, không phải một chúng sanh, không phải là một thực thể, không phải một linh hồn, cái đó nghĩa là vô ngã. Nó không do ai tạo ra, do đó đây cũng là Anatta-nana (Tuệ Vô Ngã). Tuệ thứ ba nhìn thấy cả ba đặc tướng Vô thường (anicca), Khổ (dukkha) và Vô ngã (anatta), thấy tiến trình sanh và diệt. Chỉ đến tuệ thứ ba hành giả mới bắt đầu thấy được vô thường thực sự, sanh và diệt, nhưng chưa thực sự đến mức chín muồi. Tuệ thứ tư chú trọng nhiều hơn đến vô thường (anicca), không phải đến khổ (dukkha) và vô ngã (anatta). Mặc dù cả ba đặc tướng đều đi cùng nhau, song tuệ này chú trọng nhiều hơn đến sự sanh diệt. Tuần tới tôi sẽ nói chi tiết hơn về tuệ thứ ba và tuệ thứ tư. Nhờ việc giảng đi giảng lại như thế này, tôi hy vọng là vấn đề sẽ trở nên rõ ràng hơn.
 
Hỏi và đáp: Ngay cả đối với hai tuệ đầu tiên này cũng không thể đạt được chỉ nhờ đọc sách. Rất dễ hiểu khi nói về chúng, nhưng đó không phải là tuệ giác thực sự, đó chỉ là kiến thức. Khi chứng nghiệm nó bạn mới hiểu được, bởi vì vào thời điểm đó bạn không còn suy nghĩ về nó nữa. Bạn thực sự thấy nó một cách rất rõ ràng. Mức độ rõ ràng, minh bạch của nó thật đáng kinh ngạc. 
 
Hỏi và đáp: Tôi biết một số người không đọc nhiều lắm cũng đã đạt tới tuệ thứ nhất, nhưng rất khó tiến vào tầng tuệ sâu hơn. Họ phải thấy được suy nghĩ chỉ là suy nghĩ, không có chúng sanh nào ở đó cả. Tôi biết một người như vậy. Anh ta chưa từng đến bất cứ một thiền viện nào cả, nhưng khi nói chuyện với tôi, cách anh ta nói về nó khiến tôi cảm thấy người này đã đạt được tuệ giác sâu sắc thực sự, rằng mọi thứ thật sự chỉ là tiến trình. Anh ta nói chỉ có những suy nghĩ, chúng không phải là tôi, chúng đến rồi chúng lại đi. 
 
Hỏi và đáp: Tiểu tuệ giác, theo như tôi hiểu ý của bạn là như vậy, đúng không… Đức Phật có nói về ba loại trí tuệ. Đầu tiên là bạn có hiểu biết nhờ nghe người khác nói hoặc đọc trong sách vở. Đó là một loại tiểu tuệ giác. Thứ hai là khi tư duy một cách sâu sắc, bạn đạt được tuệ giác sâu hơn và thứ ba là loại tuệ giác thực sự của thiền tập. Hai mức trí tuệ đầu bạn chỉ cần đọc, nghe, suy nghĩ là có thể đạt được. Bạn có thể loại bỏ được khá nhiều tà kiến chỉ nhờ nghe, đọc sách vở và nghiền ngẫm, tư duy, đặt câu hỏi và làm sáng tỏ mọi điều. Đó là lý do vì sao chúng ta đến đây để tiếp thu những trí tuệ loại nhỏ này. Nghe và đọc có thể đem lại cho bạn trí tuệ sâu sắc nhưng vẫn còn một bước nữa phải đi: Trí tuệ thiền tập (nana). Đây là cái đẹp trong giáo pháp của Đức Phật. Đức Phật cũng công nhận có kiến thức hoặc hiểu biết thu được từ nghe, đọc và từ tư duy, và hầu hết mọi người chỉ dừng lại ở chỗ này, nhất là các triết gia phương tây, họ chỉ dừng lại ở đó. Đức Phật đã tiến thêm một bước xa hơn: Đó là trí tuệ thiền tập. 
 
Hỏi:nhưng sẽ không thể có được tuệ giác thực sự sâu sắc nếu chúng ta không hành thiền? 
 
Đáp: Đúng thế! Thế nên đạo Phật mới có ý nghĩa thực tiễn và thiết thực. Nếu thực sự muốn hiểu được danh, sắc, vô thường, khổ , vô ngã thì không có con đường nào khác. 
 
Con đường duy nhất là phải thực sự hành thiền, phải thực sự chánh niệm. Đó chính là chỗ thậm thân vi diệu của Phật Pháp. 
 
Hỏi và đáp: Thiền an chỉ định (samatha) là nền tảng, một nền tảng rất vững mạnh, rất tốt nếu bạn có thể phát triển được nó. 
 
Hỏi và đáp: Đức Phật hàng ngày đều nói về chánh niệm, và chánh niệm chính là thiền Vipassana. Đức Phật đã nhiều lần nói đi nói lại rằng phải nhìn một cách sâu sắc. Tứ Niệm Xứ (satipatthana) chính là thiền Vipassana. Bốn niệm xứ này có bốn loại đề mục khác nhau. Trong thực hành, chúng ta không thể phân loại rạch ròi như vậy, bởi vì chúng hoà lẫn với nhau. Khi bạn hành thiền với đề mục hơi thở thì đó là niệm thân (kayanupassana); và khi có suy nghĩ, đó chính là niệm tâm (cittanupassana). Bạn cảm nhận một cảm giác trên thân, hoặc là dễ chịu hoặc khó chịu, đó là niệm thọ (vedananupassana). Có khi tâm bạn rất tĩnh lặng, và bạn thấy, à, đầy là sự tĩnh lặng, lúc đó đã trở thành niệm pháp (dhammanupassana). Khi bạn chánh niệm và biết mình đang có chánh niệm, đó cũng là niệm pháp. 
 
Nu là dạng rút gọn của từ anu, nghĩa là lập đi lập lại, passana nghĩa là nhìn: Nhìn đi nhìn lại nhiều lần. Khi thoáng nhìn qua cái gì đó, bạn sẽ không thực sự chắc chắn về cái mình vừa nhìn thấy, nhưng nhìn đi nhìn lại nhiều lần, nó sẽ trở nên rõ ràng hơn. 
 
Có một vật đậy kín trong cốc, tôi mở cho bạn xem trong một giây ngắn ngủi và đậy ngay lại rồi hỏi bạn xem đó là cái gì, bạn sẽ không thể trả lời chắc chắn nó là cái gì. Nếu có thêm thời gian để nhìn lâu hơn, bạn sẽ biết nó là cái gì. Cũng như vậy, tâm phải luôn an trú, lặp đi lặp lại trên những tiến trình này – thân, thọ, tâm, pháp. 
 
Hỏi và đáp: Không có nhân duyên thì không có cái gì sanh khởi được cả. Khi bạn có một cảm giác dễ chịu, thì đó cũng là do nhân duyên… chẳng hạn, cái rõ nhất là cảm giác khó chịu. Nếu bạn tự véo mình một cái thì có một cảm giác khó chịu. Bởi vì có cái véo, nên có cái xúc chạm, và bởi vì nó cứng nên bạn cảm thấy đau. Khi ngồi trên một cái nệm thật mềm mại bạn thấy rất dễ chịu. Với con mắt, bạn chỉ có cảm giác trung tính, thọ xả, không dễ chịu hay khó chịu thì khi đó là một tiến trình khác, tiến trình của tâm. Khi bạn thích cái mình nhìn thấy thì đó không còn là nhãn thức nữa. Cái thích này là một tâm khác. Khi bạn thấy một cái gì, cái thấy thuần tuý đó là nhãn thức, và ngay trong sát na đó, bạn còn không biết được mình nhìn thấy cái gì nữa, chỉ có một cái thấy thuần tuý. Bước tiếp theo là xác định cái mình thấy và rồi quyết định xem có thích nó hay không? 
 
Tâm là danh, đối tượng là sắc- trong trường hợp này là màu sắc. Khi nhìn thì chúng ta chỉ nhìn thấy được mỗi màu sắc mà thôi, nhãn thức chỉ nhận biết được màu sắc. Bước tiếp theo diễn ra trong tâm là sự diễn dịch. Khi tâm diễn dịch, nó không còn là nhãn thức nữa mà là ý thức. Nhờ kinh nghiệm quá khứ bạn mới biết được cái mình đang nhìn là cái gì. Bởi vì trước kia bạn cũng thích, nên bây giờ bạn mới thích. Nếu nhìn thấy một vật hoàn toàn mới, không biết nó là cái gì, bạn sẽ không thể khởi yêu ghét. Bạn chỉ nghĩ: Cái này là cái gì nhỉ? Như vậy, nó là quy định quá khứ. Chẳng hạn ở Miến Điện rất nhiều người thích ăn loại mắm cá nghiền vụn như bột. Nó dinh dính và rất nặng mùi. Đó là quy định, là điều kiện hoá. 
 
Thấy mà không lẫn với bất cứ điều gì, không lẫn với ký ức; đó chính là nhãn thức. Nó không yêu cũng chẳng ghét, chỉ có ký ức đi cùng với suy nghĩ khiến nó trở thành thích hay không thích. 
 
Khi bạn nhìn thấy cái gì mình thích, đó là do quy định quá khứ. Khi thấy một vật bạn chưa hề biết, bạn chỉ có mỗi cái tâm này: “ Nó là cái gì ấy nhỉ?” 
 
Bạn không quyết định có thích hay không. Yêu hay ghét là do bị điều kiện hoá. Chúng ta có thể hoá giải được nó. 
 
Chẳng hạn, bạn đã sống ở đây từ nhiều năm, song trước khi đến đây, có rất nhiều đều bạn chưa từng biết. Đến giờ, sau một thời gian dài đã quen với đồ ăn thức uống, với những điều tai nghe, mắt thấy ở đây bạn lại đâm ra thích chúng. Trước kia thì bạn không biết là mình có thích hay không. Có khi chúng ta ăn món gì đó mà cũng không chắc là mình có thích hay không nữa. Nhưng khi ăn lại nhiều lần, dần dần quen khẩu vị thì lại bắt đầu thích. Chẳng hạn, trước khi đến đây tôi chưa bao giờ uống sữa đậu nành, bây giờ tôi thử uống một chút và bắt đầu quen với vị của nó. Tối bắt đầu thích và bây giờ tôi đang phát triển tâm tham của mình lên. 
 
Hỏi và đáp: Đó là một câu hỏi rất hay. Chưa phát triển đầy đủ năng lực của tuệ thứ nhất thì bạn chưa thể chuyển qua tuệ tiếp theo được; một tuệ giác này sẽ dẫn đến tuệ giác tiếp theo khi nó đã sẵn sàng, khi nó đã phát triển đầy đủ và đủ nội lực để dẫn đến tuệ giác tiếp theo. Nhưng chúng ta không thể tự chuyển sang tầng tuệ khác được. Chúng ta không thể làm được điều đó, nó sẽ tự xảy ra. Cám ơn bạn rất nhiều về câu hỏi đó.
 
 
Đừng vội vàng. Đứng lại tại chỗ mình đang đứng và phát triển cho đủ độ sâu sắc, bạn không thể tự ép buộc mình quá mức.
 
Theo: Bản đồ hành trình tâm linh 
Tác giả: Sayadaw U Jotika 
 

 

Mời bạn đọc đón xem chương VI, phần 1 : Tuệ tri vô thường, khổ và vô ngã bằng kinh nghiệm trực tiếp