Chương 11: Những suy nghĩ cuối cùng và chuẩn bị cho kỳ nhập thất
Như các bạn đã biết, tôi đã nói rất nhiều về việc chuẩn bị. Chuẩn bị là công việc rất quan trọng. Bạn hãy thực sự suy nghĩ đến điều ấy mà xem. Nếu chúng ta đi qua cuộc đời mà không hề chuẩn bị tý gì, mọi sự chỉ xảy đến với chúng ta một cách tình cờ, hú họa, tôi không cho rằng đó là một cách sống tốt đẹp. Tất nhiên có nhiều điều trong cuộc sống đến một cách bất ngờ đòi hỏi chúng ta phải ứng phó ngay lập tức; đôi khi có những việc như vậy xảy ra. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, nếu suy nghĩ, chúng ta cũng biết rằng có điều gì đó sắp xảy đến hoặc ít nhất cũng có tỷ lệ xác suất lớn cho một sự việc nào đó sẽ xảy ra. Cái gì là cái chắc chắn sẽ phải xảy đến trong cuộc đời chúng ta? Đó là cái chết. Cái chết nhất định là điều chắc chắn; không thể nghi ngờ gì về điều đó cả. Chúng ta đã chuẩn bị cho nó chưa?
Thường thì tôi muốn nói một cách tích cực, nói những điều khích lệ để sách tấn mọi người làm những việc tốt.
Nhưng cái chết lại chính là một động lực lớn, một bài học lớn.
Tôi có biết một số người đã từng ở rất gần cái chết. Tôi đã từng đưa họ đến bệnh viện nên tôi thấy được họ cảm nhận ra sao. Họ rất kiệt sức, gần như đang chết. Tôi đưa họ đến bệnh viện và chăm sóc họ và tôi phát hiện ra một điều là những người đã từng kinh qua cái chết một cách thật sâu sắc như vậy, khi quay trở lại cuộc sống đền biến thành những con người khác hẳn. Đây là điều rất quan trọng. Vì vậy, mặc dù chắc chắn một điều là trước sau gì mình cũng phải chết, nhưng chúng ta không hề biết cái chết sẽ đến lúc nào, hôm nay hay 50 năm nữa, ai biết. Nó có thể đến vào ngày hôm nay, ai mà biết được! Tốt hơn cả là phải chuẩn bị trước.
Chúng ta đều biết khóa thiền tích cực này sắp bắt đầu bởi vì chúng ta đã chuẩn bị cho nó. Tốt nhất là phải chuẩn bị và hiểu rằng không phải sự hành thiền của bạn bắt đầu từ ngày khai giảng. Nó đã khởi sự từ lâu trước đây rồi. Khóa thiền tích cực chỉ là một phần của cả quá trình đó, thậm chí sau khóa thiền, sự thực hành của các bạn vẫn tiếp tục cho đến khi chết, tới tận giây phút cuối cùng. Đây chính là điều tôi đang thực sự chuẩn bị cho nó. Tôi muốn biết xem giây phút cuối cùng đó sẽ cảm thấy ra sao, nó sẽ như thế nào, và trạng thái tâm của tôi vào khoảnh khắc cuối cùng, một giây trước khi chết sẽ ra sao. Tôi muốn biết điều đó và chánh niệm về nó rồi sẽ chết. Đó là cách chết tốt đẹp nhất.
Vì vậy, tôi đang thực sự chuẩn bị cho điều đó. Khi bạn chuẩn bị đủ kỹ càng, công việc của bạn coi như đã xong được một nửa. Có thể lấy một ví dụ rất đơn giản từ ngay trong cuộc sống của mình. Hầu hết chúng ta đã học hành nhiều năm, cũng đã có cả bằng đại học: người nào không học kỹ, không lên lớp nghe giảng, không đi thực tập thì không thể làm bài tốt. Khi kỳ thi đến gần thì họ thế nào? Họ hoảng lên, lo lắng đến nỗi mất ăn mất ngủ. Khi bước chân vào phòng thi, họ lo phát run phát rét. Trong phòng thi, họ nhìn đề bài mà than thầm: “Câu này tôi không biết, câu kia tôi không hiểu”; lúc đó họ đã quá luống cuống và trạo cử đến nỗi không làm được việc gì nữa, không còn thời gian để mà suy nghĩ nữa. Ngay từ khi còn là sinh viên, tôi đã cố gắng chuẩn bị bài rất kỹ, có thể đó cũng là một phần tính cách của tôi. Có người muốn chuẩn bị bài kỹ, nhưng cũng có người chỉ trông chờ vào may rủi. Trông chờ vào vận may không phải là một việc tốt. Nếu trông chờ vận may, sẽ chỉ có một khả năng rất nhỏ để điều đó xảy ra. Vì vậy, ngay từ khi còn rất trẻ, tôi thường học bài rất kỹ để chuẩn bị cho kỳ thi, và khi vào phòng thi tôi chỉ mang theo bút chì, bút mực, thước kẻ và giấy chứng minh, chỉ chừng ấy thôi. Không cần sách vở, giấy tờ gì cả, không cần phải học thêm nữa, quá muộn rồi. Nếu bạn vẫn muốn học gạo thêm, thì lúc đó đã là quá muộn rồi. Bạn chỉ càng làm mình thêm rối trí và mệt mỏi thôi. Đây là lúc bạn cần phải thật thư giãn, thoải mái.
Khi vào phòng thi, tôi không bao giờ đọc đề bài ngay lập tức. Hãy để qua một bên đã, chỉ ngồi đó và hành thiền trong khoảng 5 phút. Rồi sau đó, khi tâm đã thật tĩnh lặng, mới giở đề bài ra đọc và thấy: “A, câu này tôi có thể trả lời được”, rồi viết ra một cách từ từ, không vội vàng, khi xong rồi thì: “OK, vậy là đã xong được một câu”. Khi bạn làm xong một việc một cách tốt đẹp, nó sẽ làm cho bạn thấy phấn khởi và tự tin hơn nhiều, nó giúp bạn thêm bình tĩnh. Sau đó đọc tiếp câu thứ hai: “A, câu này mình cũng làm được”, và bắt tay vào làm câu đó. Khi tôi thấy câu nào quá khó thì: “OK, để đấy đã, tôi sẽ quay lại làm nó sau”, rồi chuyển sang câu khác. Chúng ta cần sống cuộc đời của mình như vậy.
Mặc dù đã chuẩn bị chu đáo trong cuộc sống, nhưng chúng ta cũng không thể đảm bảo được rằng mọi việc sẽ xảy ra đúng như mình mong đợi. Chúng ta cũng cần phải chuẩn bị cho cả điều này nữa.
Nhưng nếu đã chuẩn bị kỹ, thì ít nhất chúng ta cũng cảm thấy yên tâm rằng nó sẽ không đến nỗi quá tệ. Sự việc xảy ra sẽ không đến nỗi quá xấu. Ít nhất điều đó cũng làm cho mình mãn nguyện. Vì vậy, sự chuẩn bị là rất quan trọng, và xét về một mặt nào đó, chúng ta đi qua cuộc đời này chỉ làm công việc chuẩn bị mà thôi; công tác chuẩn bị không bao giờ kết thúc. Thực ra việc chuẩn bị này chính là cuộc sống của mỗi chúng ta. Thậm chí tôi còn đang chuẩn bị cho kiếp sau của mình nữa, bởi vì tôi biết là nó sẽ đến. Nếu biết cách chuẩn bị , bạn sẽ cảm thấy tự tin rằng gần như chắc chắn nó sẽ xảy ra theo đúng những gì mình đã chuẩn bị.
Đó chính là cách Đức Phật thành tựu được Phật quả, bởi vì Ngài đã chuẩn bị cho điều đó. Balamật (parami) là gì? Balamật là sự chuẩn bị, nó là việc làm hướng tới hoàn hảo.
Bạn thực hành một pháp hành tốt đẹp đến mức nó trở thành hoàn hảo và thực chất đó chính là sự chuẩn bị. Không hoàn thành đầy đủ các Balamật, nghĩa là không tự chuẩn bị cho mình, không tự làm cho mình xứng đáng với nó, thì nó sẽ không thể xảy đến. Nếu muốn cho điều gì đó xảy ra, chúng ta phải chuẩn bị cho nó và cảm thấy rằng mình đã sẵn sàng và xứng đáng với nó. Chỉ khi đó, chúng ta mới cảm thấy thoải mái và hạnh phúc.
Ngay cả hạnh phúc cũng cần phải có thử thách. Bạn phải vượt qua một hoàn cảnh thật khó khăn trong hiện tại. Vậy nếu đã chuẩn bị, bạn sẽ cảm thấy rất hạnh phúc và hứng thú về điều đó. Nếu không chuẩn bị, bạn sẽ cảm thấy thật kinh khủng. Bạn sẽ càng lo lắng hơn, bất an hơn. Chúng ta đã phải chuẩn bị cả một thời gian dài và vẫn tiếp tục chuẩn bị cho nó. Sau đây là một bài kệ (gatha) rất hay, nó khích lệ các thiền sinh rất nhiều. Đức Phật nói:
Atitam nanvagameyya,
nappatikankhe anagatam.
Yad atitam pahinan tam,
appattan ca anagatam.
Paccuppannan ca yo dhammam,
tattha tattha vipassati,
asamhiram asamkuppam,
tam vidva manubruhaye.
Ajj’ eva kiccam atappam;
Ko janna maranam suve?
Na hi no samgaran tena
Mahasenena maccuna.
Evamviharim atapim
ahorattam atanditam
Tam ve bhaddekaratto ti
Santo acikkhate muniti.
~MN iii.187
Quá khứ không truy tìm,
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến.
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính là đây,
Không động không rung chuyển.
Biết vậy nên tu tập.
Hôm nay nhiệt tâm làm
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được
Với Đại quân thần chết.
Trú như vậy nhiệt tâm
Đêm ngày không mỏi mệt
Xứng gọi Nhất dạ Hiền
Bậc an tịnh trầm lặng.
(Kinh Nhất dạ hiền giả – Trung Bộ Kinh, HT Thích Minh Châu dịch)
“Quá khứ không truy tìm” (Atitam nanvagameyya) nghĩa là không (na) đi (gama) về quá khứ (atitam) hoài (anu). Điều đó không có nghĩa chúng ta phải hoàn toàn quên quá khứ. Nghĩa của câu này thực ra đã rất rõ ràng, nếu bạn thực sự nhìn hoặc lắng nghe một cách cẩn thận. Đừng nghĩ mãi về quá khứ, nó chẳng đi đến đâu cả, chỉ nghĩ quanh nghĩ quẩn mà thôi. Nếu có điều gì đó ích lợi mà bạn có thể nhớ lại từ quá khứ, thì hãy nhớ lại và tận dụng nó. Chúng ta phải nhớ quá nhiều thứ: nào là số điện thoại, các loại địa chỉ, quá nhiều thứ cần phải nhớ. Có rất nhiều điều đã xảy ra hoặc chúng ta đã từng làm trong quá khứ, chúng ta cũng phải nhớ. Nhưng chỉ nên ghi nhớ những kinh nghiệm hữu ích đó và sử dụng chúng như là một phần cuộc sống của chúng ta. Điều đó thì tốt. Còn cứ mãi suy nghĩ về quá khứ và tự làm cho mình buồn khổ thì đó là điều không nên.
Nhớ lại và nghĩ ngợi những điều đã diễn ra trong quá khứ; để sử dụng chúng một cách khôn ngoan là việc nên làm. Đức Phật cũng thường kể về những kiếp quá khứ của Ngài. Kể về quá khứ là việc lợi ích, nhưng đừng suy nghĩ quá nhiều về quá khứ, đừng tạo thành một thói quen như vậy.
Khi bạn thấy mình đang suy nghĩ về một điều vô ích nào đó; hãy nhìn nó thật kỹ, nhìn vào suy nghĩ đó thật kỹ; nhìn thái độ của mình, tạo sao mình cứ suy nghĩ mãi chuyện đó? Có nỗi lo sợ hay sự dính mắc nào ở đó chăng? Khi bạn lo sợ điều gì, bạn thường suy nghĩ rất nhiều về nó, bạn không thể quên được. Khi dính mắc vào cái gì đó, bạn cũng suy nghĩ hoài về nó. Như vậy, có rất nhiều lý do để mọi người suy nghĩ miên man về một vấn đề nào đó. Hãy nhìn vào tâm mình và tìm hiểu xem tại sao mình lại suy nghĩ mãi chuyện đó như vậy. Trước tiên, hãy nhìn các suy nghĩ của mình, rồi sau đó nhìn sự dính mắc của mình: Tại sao bạn lại quá dính mắc với những việc đó như vậy?
“Tương lai không ước vọng” (nappatikankhe anagatam). Đây không phải là câu dịch chính xác từ bài kệ Pali; nhưng cũng gần nghĩa như vậy.
Nghĩ ngợi xem mọi việc có xảy đến hay không hoặc lo lắng về tương lai, tất cả những điều đó thật là vô nghĩa. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không vạch kế hoạch cho tương lai.
Có nhiều người hỏi tôi rằng: “Đức Phật nói rằng không suy tầm về quá khứ, cũng không ước vọng tương lai; vậy chúng tôi phải sống như thế nào đây”. Họ không hiểu được ý nghĩa thực sự của bài kệ này. Đức Phật không nói đừng suy nghĩ bất cứ điều gì về quá khứ. Đức Phật cũng không nói là đừng vạch kế hoạch cho tương lai. Hãy suy nghĩ về quá khứ để mà rút ra những bài học có ích cho mình và sử dụng nó. Nhưng chớ mải mê suy nghĩ quá nhiều và tự làm cho mình buồn khổ; bạn sẽ trở nên buồn khổ đến mức không thể làm được bất cứ điều gì lợi ích được nữa. Bạn chỉ phí phạm thời gian và năng lượng mà thôi. Đối với những người hành thiền thì đó không phải là một việc đúng đắn nên làm. Nhưng khi bạn nghĩ đến nó một cách tự nhiên, thì hãy nhìn thật sâu vào nó. Sự dính mắc, chính là sự dính mắc đã xui khiến bạn suy nghĩ hoài về nó như vậy. Chúng ta vạch kế hoạch cho tương lai, chúng ta lên kế hoạch cho khóa thiền tích cực, tôi trù bị cho việc quay trở lại Singapore; chúng ta phải làm tất cả những điều đó. Nhưng lo lắng quá mức thì cũng không có ích lợi gì. Không cần thiết phải lo lắng. Hãy lên kế hoạch thật chu đáo, tìm hỏi mọi việc liên quan và làm những việc cần làm, cố gắng tốt nhất đến mức có thể, nhưng đừng lo lắng và nghĩ ngợi quá mức.
“Quá khứ đã đoạn tận” (Yad atitam pahinan tam) tất nhiên chúng ta đều biết là quá khứ thì đã qua mất, nhưng chúng ta vẫn cứ bám víu vào quá khứ, suy nghĩ về quá khứ và làm như nó đang còn hiện hữu ở đây. Chúng ta thích nghĩ những điều mình muốn nó phải xảy ra, chúng ta tưởng tượng và làm như thể nó thật sự đang diễn ra vậy. Chỉ có suy nghĩ mới làm cho quá khứ trở lại với hiện tại. Chúng ta tưởng tượng về quá khứ và làm nó trở thành như thực, như thể nó đang ở trong hiện tại vậy. Nếu chúng ta không suy nghĩ về nó, nó sẽ không còn thật như vậy nữa, nó không có mặt ở đây, nó chỉ là một ký ức.
“Tương lai lại chưa đến” (Appattan ca anagatam). Cả điều này nữa chúng ta cũng đã biết.
Chúng ta chuẩn bị cho nó và có thể những điều không mong đợi cũng sẽ xảy ra. Chúng ta cũng phải chờ đợi cả điều này nữa. Chúng ta chờ đợi những điều bất ngờ sẽ đến. Đó cũng là một phần của cuộc sống. Hãy nhìn sâu vào cuộc sống như nó đang là.
“Hãy nhìn sâu sắc vào cuộc sống như nó đang là”, cuộc sống ở đây nghĩa là gì? Nó không phải là 70 hoặc 80 năm, bởi vì đó chỉ là một khái niệm. Cuộc sống đích thực là ở đây và bây giờ, và nếu nhìn kỹ hơn thì cuộc sống là cái chúng ta đang thấy hiện nay, cái chúng ta đang nghe bây giờ, cái chúng ta đang ngửi, thân chúng ta đang cảm nhận trong hiện tại, cái chúng ta đang nếm, điều chúng ta đang suy nghĩ.
Cuộc sống đích thực là ở hiện tại. Cuộc sống không phải là một ý tưởng hay một khái niệm, mà nó chính là những cảm giác và tri giác của chúng ta, tại đây và bây giờ.
Khi hành thiền, chúng ta làm gì? Chúng ta chú tâm hoàn toàn vào các cảm giác của mình. Hôm nay, tôi muốn làm rõ từ cảm giác này. Bạn đã hiểu được cảm giác tôi muốn nói đến là gì chưa? Cái tôi muốn nói là: khi bạn cảm thấy lạnh thì đó là một cảm giác, khi bạn cảm thấy nóng thì đó cũng là một cảm giác, khi bạn cảm thấy đau một chỗ nào đó trong thân, đó cũng là cảm giác, khi bạn thấy dễ chịu, đó là cảm giác, khi bạn nhìn thấy một cái gì đó, đó cũng là cảm giác, khi bạn nghe cũng là cảm giác, khi bạn ngửi cũng là cảm giác, khi bạn nếm cũng là cảm giác. Đó là ý nghĩa của từ cảm giác mà tôi muốn nói.
Khi hành thiền, chúng ta chú tâm hoàn toàn và các cảm giác. Làm như vậy là bạn đã nắm được tinh yếu của thiền.
Khi chúng ta chú tâm hoàn toàn tới cảm giác lạnh chẳng hạn, thì cái lạnh có hình dáng không? Không có hình dáng nào cả; cảm giác lạnh không có đường nét, hình thể. Vậy khi chú tâm hoàn toàn đến cảm giác lạnh, chúng ta không hề suy nghĩ tới hình đáng. Chúng ta chỉ chú tâm hoàn toàn vào cảm giác mà thôi. Như vậy, kinh nghiệm trực tiếp là một điều không thể nghĩ bàn, đây lại là một điểm nữa cần ghi nhớ, bạn có đồng ý như vậy không? Bạn có nghi ngờ gì về điểm này không? Có còn hồ nghi gì nữa không? Kinh nghiệm trực tiếp là không thể nghĩ bàn. Bạn chỉ có thể nghĩ về một khái niệm, một ý tưởng nào đó. Bất cứ khi nào bạn nghĩ về quá khứ thì nó không còn là kinh nghiệm trực tiếp nữa. Nó là một khái niệm, một ý tưởng bạn tạo nên ở trong tâm, nó là sự diễn dịch cái kinh nghiệm mà bạn đang nghĩ đến. Thực tế bạn không thể suy nghĩ về kinh nghiệm thực. Điều bạn có thể suy nghĩ chỉ là sự diễn dịch về cái kinh nghiệm đó mà thôi.
Tương lai cũng như vậy, bạn phóng tưởng quá khứ của mình vào tương lai. Vì vậy bạn chỉ có thể suy nghĩ về những ý tưởng và những điều diễn dịch chứ không phải là kinh nghiệm trực tiếp.
Khi hành thiền chúng ta chú tâm hoàn toàn đến kinh nghiệm trực tiếp trên thân tâm mình. Mỗi khi suy nghĩ sanh khởi, chúng ta chú tâm trực tiếp vào nó, hoàn toàn chú ý vào suy nghĩ đó. Có những lúc hoàn toàn không có một suy nghĩ nào sanh khởi, tâm vắng lặng, yên tĩnh và an lạc, và bạn cũng chú ý đến trạng thái tâm đó. Lúc đó không còn là suy nghĩ nữa mà chỉ là một trạng thái tâm, rất trong sáng, rất tĩnh lặng, rất an lạc. Bạn hướng sự chú ý vào nó: “Có điều này hiện đang diễn ra”. Chúng ta không làm bất cứ điều gì với nó cả; không cố thay đổi nó.
Khi hành thiền, chúng ta không cố làm điều gì, không làm cho điều gì phải diễn ra, chỉ cố gắng chú ý tới những gì đang diễn ra như nó đang là. Đây là một điểm rất quan trọng: nhìn thật sâu sắc vào cuộc đời như nó đang là; chỉ nhìn thật sâu, mà không làm bất cứ điều gì với nó cả. Nhiều người khi hành thiền thì phải làm gì? Chỉ cần chú ý!
Nhưng hầu như tất cả mọi người đều ngạc nhiên khi nghe câu trả lời như vậy. Họ cứ nghĩ là phải làm một điều gì đó, phải tạo ra một cái gì đó. Làm công này việc nọ, lăng xăng tạo tác chuyện này chuyện kia là những việc chúng ta thường làm trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng khi hành thiền chúng ta không làm bất cứ một việc gì cả. Chúng ta chỉ chú ý. Thật đơn giản mà cũng thật khó làm, bởi vì nó quá đơn giản. Chúng ta có thói quen làm cho mọi việc trở nên quá phức tạp. Khi chúng ta cố làm điều gì đó, là đã có cái ngã, cái tôi ở trong đó rồi. Trong thiền bạn không thể làm như vậy. Đặt bản thân bạn sang một bên và để cho thiền tự diễn ra; không bản ngã, không làm một cái gì cả, chỉ chú ý hoàn toàn; điều này rất quan trọng.
Nhìn sâu và cuộc đời như nó đang là, ngay từ đây và bây giờ. Ngay ở đây và bây giờ thì không có chuyện gì cả. Bạn có thể dựng nên một câu chuyện về những việc đang diễn ra ngay ở đây và bây giờ được không? Ở đây và bây giờ không có chuyện gì cả, chỉ có các cảm giác sanh diệt, chỉ có cảm giác trực tiếp ngay trước mắt mà thôi.
Vì vậy bài kệ này rất rõ ràng. Nếu bạn hiểu được từng chữ trong đó thì nó chính là những lời hướng dẫn thiền cho bạn.
“Nhìn sâu vào cuộc đời như nó đang là, ngay ở đây và bây giờ, hành giả an trú trong an ổn và giải thoát” (Paccuppannan ca yo dhammam, tattha tattha vipassati, asamhiram asamkuppam). Nếu bạn có thể giữ tâm mình ngay tại đây và bây giờ với tất cả tâm ý, thì ngay đó đã có sự an ổn. Điều đó nghĩa là tâm bạn không trở lui về quá khứ, cũng không móng vọng về tương lai, do đó có an ổn. Khi bạn hoài tưởng quá khứ hay vọng móng tương lại nghĩa là không có an ổn. Khi tâm an trú ở ngay tại đây và bây giờ, chú ý đến bất cứ điều gì đang diễn ra trong thân tâm mình, tức là bạn đã có sự an ổn và giải thoát. Bởi vì khi chú ý hoàn toàn thì sẽ không còn suy nghĩ nữa.
Thực chất suy nghĩ chỉ là một nhà tù giam giữ chúng ta. Khi chúng ta chú ý hoàn toàn, tâm sẽ không có tham. Tham thực ra cũng là một suy nghĩ. Không có suy nghĩ, bạn có thể khởi tâm tham được không? Cứ thử mà xem.
Không có suy nghĩ về câu chuyện, về con người, về hoàn cảnh, chúng ta sẽ không thể khởi tâm tham. Như vậy tâm tham đi liền theo suy nghĩ. Sân cũng vậy, không suy nghĩ về nó bạn sẽ không thể nổi giận. Ở ngay tại đây và bây giờ, không có cái gì để mà tham đắm, không có gì để sân hận. Đó thực chất chính là giải thoát: không tham, không sân, chỉ có sự chú ý hoàn toàn. Do đó cũng không có si ám, vô minh, thất niệm.
“Hôm nay nhiệt tâm làm, đợi đến ngày mai đã quá muộn. Cái chết đến ai ngờ, làm sao có thể điều đình với nó?” (Ajj eva kiccam atappam; Ko janna maranam suve? Na hi no samgaran tena. Mahasenena maccuna). Điều này lại làm tôi nhớ lại một lời ca: “Đợi đến ngày mai thì đã quá muộn”. Đó là một câu hát đâu đó, trong bài “Bây giờ hay chẳng bao giờ”. Ai hát bài đó nhỉ? Tôi không nhớ được nữa. Vì vậy chúng ta phải nhiệt tâm, tinh cần ngay bây giờ, để đến ngày mai sẽ là quá muộn. Cái chết đến bất ngờ; chúng ta không biết mình sẽ ra đi lúc nào, chúng ta chỉ tin là mình sẽ sống lâu: “Ồ, tôi rất khỏe mạnh và còn sống được ít nhất là 20, 30 hoặc 40 năm nữa”. Thậm chí tôi còn hy vọng sẽ sống được đến 50 năm nữa. 50 năm nữa, tôi muốn làm việc cho đến ngày cuối cùng, giây phút cuối cùng trong đời. Dù thế nào chăng nữa, cái chết cũng có thể đến rất bất ngờ. Hầu hết tất cả mọi người đều chết một cách bất ngờ, nhưng có một số người biết mình sắp chết bởi vì họ đã ngã bệnh một thời gian dài. Thực ra những người như vậy là những người rất may mắn. Những người biết trước mình sắp chết, nhiều tháng hoặc nhiều năm trước đó, họ là những người rất may mắn. Nhiều người nói với tôi: “Nếu chết, tôi muốn chết ngay lập tức, như thế sẽ không phải chịu nhiều đau đớn”. Nhưng tôi nhận ra rằng những người biết mình đang chết dần chết mòn; lúc đầu thì họ rất buồn khổ và trầm uất, nhưng về sau, nhất là đối với những người hành thiền, họ ra khỏi trạng thái trầm uất đó rất nhanh và họ hành thiền. Họ tận dụng tối đa từng giây phút, từng ngày từng giờ còn lại của đời mình. Mỗi lúc thức dậy, họ rất mừng “Tôi vẫn còn sống”. Họ tận dụng rất tốt thời gian quý báu của mình; mỗi khi họ gặp một người nào đó, họ đối xử với một tình yêu thương và quan tâm thực sự, bởi vì họ biết rằng họ chỉ còn được ở bên nhau vài ngày, hoặc vài tháng nữa thôi rồi chia tay mỗi người mỗi ngả, không bao giờ còn nhìn thấy nhau nữa.
Tại sao chúng ta lại cứ nghĩ đến những việc khiến mình cay đắng, uất ức làm gì. Tốt hơn cả là hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp mà chúng ta có thể làm được cho nhau, những điều chúng ta đã từng làm cho nhau. Hãy đối xử với nhau với sự trân trọng, với lòng nhân hậu, thành thực và cởi mở, hãy sống thật lòng với nhau. Đó là những điều mà tôi đang cố gắng thực hiện. Tôi không biết các bạn cảm thấy thế nào, đối với tôi, trong cả một thời gian dài, rất nhiều năm trong cuộc đời, tôi cảm thấy mình đã sống không thực. Tôi chỉ đóng một vai diễn thật khéo, khéo đến nỗi tất cả mọi người đều tin vào điều đó. Nhưng bạn biết không, khi bạn còn tiếp tục vai diễn, còn đóng kịch thì bạn còn cảm thấy mình sống không thực. Bạn không cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống của mình. Nhưng tôi muốn sống thực, tôi thực sự mong muốn tìm hiểu xem tôi muốn gì, tôi cảm thấy như thế nào, tôi là ai, tôi sẽ đi về đâu. Cái chết đến ai ngờ, làm sao chúng ta có thể điều đình được với nó? Không thể điều đình!
“Thánh nhân gọi người biết an trú chánh niệm đêm ngày như vậy là người biết cách tốt nhất để sống một mình” (Evamviharim atapim, ahorattam atannditm, tam ve bhaddekaratto ti. Santo acikkhate muniti). Thánh nhân là những con người minh triết như Đức Phật hay chư vị Thánh tăng Alahán, hay bất cứ con người minh triết nào.
Đêm ngày sống với chánh niệm, nghĩa là chánh niệm đã trở thành ngôi nhà của chúng ta.
“Người biết cách tốt nhất để sống một mình”. Con đường cao thượng nghĩa là bên cạnh đó còn có những con đường khác nữa. Có rất nhiều cách sống một mình, vào rừng, dựng nên một túp lều nho nhỏ và sống một mình, không một bóng người lai vãng. Đó không phải là cách sống độc cư cao thượng; mặc dù nó cũng có ích lợi đối với một số người trong một thời gian nào đó, nhưng bạn không thể sống như vậy suốt đời. Bạn phải tiếp xúc với người khác. Ngay cả một nhà sư cũng phải tiếp xúc với những vị sư khác, với thầy mình, với dân làng và những người hộ độ cho mình.
Như vậy “người biết cách tốt nhất để sống một mình” nghĩa là gi? Hầu hết tất cả mọi người đều cảm thấy cô đơn, nhưng họ không sống một mình. Họ chỉ cảm thấy rất cô đơn, mặc dù họ không sống một mình. Bạn vẫn có thể sống một mình được mà không hề cảm thấy cô đơn.
Đó chính là điều mà một hành giả cần phải học, một điều rất ích lợi: sống một mình nhưng không hề cảm thấy cô đơn.
Đó là điều chúng ta làm. Chúng ta sống ở rừng, trong một căn lều nhỏ hầu như đơn độc, nhưng không bao giờ cảm thấy cô đơn. Ngay cả ở đây, hầu hết thời gian tôi ở một mình trong phòng. Rất ít khi tôi ra khỏi phòng. Tôi sống một mình nhưng không hề thấy cô đơn. Tôi cảm thấy có liên hệ với bên ngoài. Vậy làm thế nào để làm được điều đó? Đó là điều chúng ta cần phải học. Một người hành thiền phải học để làm được điều đó. Nghĩa là khi bạn không nghĩ ngợi quá nhiều về quá khứ hoặc tương lại, khi bạn không có tham sân, khi tâm bạn trầm tĩnh và chánh niệm, đó chính là cách tốt nhất để sống một mình. Có thể có rất nhiều người ở xung quanh chúng ta. Trong khóa thiền tích cực, chúng ta sẽ ngồi thiền cùng nhau; tôi cũng sẽ ngồi cùng với các bạn, nhưng mỗi chúng ta đều riêng biệt một mình, bởi vì khi ngồi thiền chúng ta rất chánh niệm và không phản ứng.
Khi không phản ứng lại bằng tham, sân, ngã mạn, ganh tỵ, đố kỵ là chúng ta được ở một mình. Lúc bạn phản ứng là bạn đã không còn sống một mình nữa. Khi sân hận, tức giận là bạn đã không còn sống một mình.
Khi chánh niệm và không tham đắm, bạn sẽ không suy nghĩ quá nhiều về quá khứ hay tương lai nữa. Đôi lúc bạn cũng nghĩ ngợi về quá khứ hoặc tương lai, nếu suy nghĩ đó là lợi ích thì cũng không sao. Khi đó là chúng ta đã được độc lập về mặt tâm lý. “Độc lập về tâm lý” là điều rất quan trọng. Tôi phải phụ thuộc vào các bạn về nhiều phương diện, nhưng về mặt tâm lý tôi hoàn toàn độc lập với các bạn. Tôi không mong đợi là các bạn sẽ đến và làm cho tôi được hạnh phúc. Tôi hạnh phúc theo cách riêng của tôi. Nhưng tôi mong muốn các bạn giúp đỡ khi tôi cần một cái gì đó hoặc khi tôi muốn đi đâu đó. Tôi mong đợi điều đó; tôi phải lệ thuộc vào các bạn về những điều đó. Các bạn hãy giúp tôi những việc như vậy và tôi cũng đánh giá cao hành động đó. Nhưng tôi sẽ không phụ thuộc vào các bạn về mặt tâm lý, tôi hoàn toàn độc lập và chính điều đó nghĩa là sống đơn độc. Khi bạn lệ thuộc vào người khác, thì dù người đó không ở bên cạnh, bạn vẫn không được sống một mình.
Như vậy, khi hành thiền và rèn luyện những đức tính này, bạn sẽ sống đơn độc nhưng không cô đơn. Hãy cố gắng hiểu được sự khác nhau đó; đó là sự khác biệt lớn. Đức Phật khuyến khích chư tỳ kheo đệ tử Ngài đi xa và sống độc cư, nhưng Ngài không khuyến khích đệ tử sống hoàn toàn tách biệt, xa lạ. Đó không phải là điều mà Đức Phật khuyến khích. Bạn hành thiền và làm cho tâm mình trở nên thật tĩnh lặng, an lạc, không tham, không sân, không ngã mạn, ganh ghét, đố kỵ; đó là sống độc cư nhưng vẫn liên hệ với mọi người. Hàng ngày bạn vẫn vào làng khất thực. Khi mọi người đến với bạn, làm mọi việc cho bạn hoặc xin bạn một lời khuyên, bạn hãy cho họ lời khuyên. Nhưng bạn không bị lệ thuộc, như vậy là bạn sống độc cư. Khi bạn độc lập là lúc bạn sống độc cư.
Sống độc cư là rất tốt, nhưng sống cô đơn thì không tốt.
Dưới đây là hai câu kệ tôi đã đọc từ lâu trước đây; nó nằm trong một bài kệ rất dài, có lẽ phải đến 3 trang giấy. Tôi chỉ có thể nhớ được hai câu đầu, hai câu rất hay và tôi đã và đang sống với hai câu đó. Đó là điều tôi đang thực hiện; tôi sống theo bài thơ đó và cuộc đời tôi cũng là một bài thơ. Câu kệ đó là:
Đường xa không khó với người không ham muốn. ~ Tín Tâm Minh của Tăng Sáng, tổ thứ ba Thiền tông Trung Hoa.
Tôi đang cố gắng sống như vậy. Ham muốn, ưa thích không hẳn đã là xấu. Nhưng nhu cầu, đòi hỏi mới thực sự là xấu. Chúng ta nói: “Tôi cần cái này, tôi cần cái kia” hay “Tôi muốn cái này, tôi muốn cái kia”.
Mong muốn không hẳn đã là xấu. Nhu cầu và đòi hỏi còn xấu hơn bởi vì khi bạn nói “tôi cần” có nghĩa là bạn không thể sống thiếu nó được.
Trong hầu hết mọi trường hợp, cái chúng ta cần không phải là nhiều. Cái chúng ta cần thực sự rất ít, ít đến mức đáng buồn cười khi đề cập đến nó; thậm chí chúng ta cũng không muốn nói về nó nữa. Chúng ta không cần nhiều. Chỉ một phần cơm nhỏ, một ít rau xanh, một ít đậu: thế là đủ. Chỉ để làm đầy cái dạ dày. Thế là đủ làm cho dạ dày của bạn thỏa mãn rồi, chỉ có cái lưỡi của bạn là không thỏa mãn thôi. Cái chúng ta cần thật ít ỏi. Còn y phục, các bạn thấy đấy, tôi chỉ mặc mỗi một bộ y này. Nếu cần giặt giũ, tôi giặc một chiếc vào buổi sáng và phơi khô để đến tối mặc lại. Hàng ngày tôi đều chỉ mặc một bộ y đó thôi, không cần phải thay đổi làm gì. Chỉ cần giặt giũ rồi lại mặc lại, chẳng sao cả. Cái thân tôi cảm thấy rất hạnh phúc, vui vẻ, nhưng có thể con mắt tôi có lúc không được vui vẻ lắm về điều đó. Đó chỉ là con mắt thôi, còn đối với cái thân, miễn là đủ ấm là được rồi. Chỉ mỗi con mắt là thủ phạm gây ra bao nhiêu đau khổ mà thôi. Giờ đây tôi đã trở nên khôn ngoan hơn một chút. Tôi không nghe theo con mắt và cái lưỡi của mình, mà chỉ nghe theo con mắt khi bước đi để khỏi bị rơi xuống hố mà thôi.
Khi bạn nói “Tôi cần phải có nó”, hãy nhìn thật sâu và tự hỏi mình xem: “Có thực sự là mình cần nó không? Chẳng lẽ mình không thể từ bỏ được ư?”. Bạn có thực sự chắc chắn là cần đến nó không? Nếu bạn tự hỏi mình câu hỏi đó, thì câu trả lời 99% sẽ là: “Không, tôi không cần nó. Tôi chỉ muốn có nó thôi”. Hãy thật thành thực về điều đó. “Tôi muốn nó”, đó là câu trả lời rất chân thật. Và nếu bạn nói: “Tôi thích nó” thì còn tốt hơn. Nói như vậy nghĩa là nó cũng không thực sự cần thiết đến mức bức bách lắm, bạn có thể thay đổi ý thích của mình được. “Ồ, cũng được. Tôi có thể thay đổi ý thích. Tôi thích nó nhưng nếu không có được nó thì tôi cũng bằng lòng với những gì mình có”. Và thậm chí bạn cũng có thể nói rằng: “Nếu không thích cái gì cả thì thật là an lạc và tự do”. Tại sao bạn cứ phải tự làm cho mình đau khổ và trói buộc như vậy nhỉ? Bạn để cho những điều đó xảy ra. Khi đến đây hành thiền, có thể bạn sẽ không có được những thứ bạn vẫn thường dùng: thức ăn, đồ uống và bao nhiêu thứ khác nữa, bạn sẽ không có. Vậy hãy chuẩn bị tâm mình: “Tôi sẽ thực hiện theo hai câu kệ này” – đường xa không khó với những người không ham muốn. Bạn sẽ không đến nỗi chết trong khi nhập thất tu tập đâu. Đức Phật nói ngay cả nếu phải chết, cũng cứ tiếp tục tinh tấn, tinh cần, ngay cả khi thân mình chỉ còn lại da bọc xương, vẫn cứ chăm chỉ tinh tấn. Nhưng tôi chỉ sợ là các bạn sẽ tăng cân bởi vì không tập thể dục đủ mà thôi. Vậy chớ nên lo lắng về điều đó. Bạn sẽ có đủ đồ ăn. Làm đầy cái dạ dày của bạn thôi; chứ đừng nghe lời của cái lưỡi. Chỉ lắng nghe cái dạ dày thôi. Nó sẽ rất vui vẻ, dù bạn cho bất cứ đồ ăn nào vào đó, dù là một bữa rau tươi cũng xong; nó sẽ rất hạnh phúc. Đó là một số điều gợi ý để giúp đặt tâm bạn vào trong một khuôn khổ thích hợp.
Điều này rất quan trọng: xác định tâm mình là rất quan trọng. Chuẩn bị tâm lý là rất quan trọng. Nếu bạn có tâm lý vững vàng và đặt tâm trong một khuôn khổ thích hợp, mọi việc sẽ rất dễ dàng.
Trong thời gian của khóa thiền tích cực, chúng ta sẽ không nói chuyện với nhau, trừ khi cần thiết. Khi thực sự cần thì bạn có thể nói. Các bạn có thể nói chuyện với tôi hoặc hỏi các câu hỏi. Nếu bạn không muốn hỏi bằng cách nói thì có thể viết ra một mẩu giấy. Viết câu hỏi trên một mẩu giấy và để cạnh chỗ ngồi của tôi. Tôi sẽ đọc và trả lời. Nếu không muốn bạn cũng không cần phải đề tên mình, hoặc nếu bạn muốn nói chuyện trực tiếp với tôi thì cũng được, tùy từng trường hợp cụ thể, tôi sẽ thu xếp thời gian. Hiện giờ thì tôi vẫn chưa biết là sẽ thu xếp ở chỗ nào. Nếu làm ngay ở trong thiền đường thì tốt bởi vì theo chương trình, chúng ta có một tiếng rưỡi đi kinh hành vào buổi sáng và buổi tối. Đó là thời kinh hành khá dài. Ở giữa hai thời kinh hành đó là một tiếng ngồi thiền xen kẽ với một tiếng đi kinh hành. Khi những người khác đang đi kinh hành và bạn có câu hỏi muốn hỏi, tôi nghĩ tốt nhất là tiến hành hỏi và trả lời vào lúc đó. Nếu không, chúng ta có thể thu xếp một thời gian khác dành riêng cho hỏi đáp.
Theo: Bản đồ hành trình tâm linh
Tác giả: Sayadaw U Jotika
Mời bạn đọc đón xem chương 11, phần 2 : Những suy nghĩ cuối cùng và chuẩn bị cho kỳ nhập thất