Chương 10: Niết bàn và sau đó
Khi làm bất cứ việc gì, tôi thích phải chuẩn bị trước. Sự chuẩn bị là rất quan trọng. Trong bất cứ việc gì chúng ta làm; chuẩn bị trước là điều rất quan trọng, chuẩn bị cho cả thân lẫn tâm. Bất cứ việc gì bạn muốn làm, nếu được chuẩn bị trước về tâm lý, thì những phần còn lại sẽ diễn ra rất tự nhiên. Nếu chúng ta đã chuẩn bị kỹ thì sẽ không phải vật lộn nhiều nữa. Tôi đã mong đợi kỳ nhập thất này và hy vọng là sẽ thưởng thức được nó. Tôi hy vọng các bạn sẽ kinh nghiệm được sự tĩnh lặng, bình an, sự sáng suốt và niềm vui. Sáng suốt cũng có nghĩa là thấy mọi việc một cách rõ ràng. Tôi sẽ tiếp tục lại bài giảng tuần trước về các tầng tuệ giác.
Chúng ta hãy quay trở lại với một số tầng tuệ trước đó. Bạn thấy rằng trong quá trình thiền tập, bạn sẽ tới một thời điểm mà tại đó sự sanh diệt trở nên vô cùng mỏi mệt, bạn không còn muốn ở lại với chúng thêm chút nào nữa. Bạn muốn lánh xa nó, chạy trốn và thoát ra khỏi nó. Giai đoạn này gọi là Muncitukamyata – nana (Tuệ Muốn Giải Thoát). Đôi lúc bạn nghĩ: “Nếu tôi ngừng hành thiền, nếu tôi không thấy những thứ sanh diệt này nữa thì tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn”. Khi làm như vậy, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn, bởi vì định, xả và tâm xả ly đã rất mạnh, đến mức mặc dù ngừng hành thiền, song bạn vẫn cảm thấy an lạc hơn, bạn có thể kinh nghiệm được sự an lạc này: “Ồ, quả thật là an lạc quá”, và bạn thưởng thức sự an lạc đó. Nhưng làm như vận không đúng. Đúng là thiền thì rất thích thú, nhưng nếu chỉ thưởng thức thì bạn sẽ đánh mất nó. Nó giống như một trò đuổi bắt, bạn nhận ra rằng ngừng hành thiền không phải là lối thoát thực sự, bởi vì bạn vẫn ở trong tiến trình sanh và diệt. Sau một thời gian, thậm chí bạn còn đánh mất sự sáng suốt và cảm thấy tâm mình lại trở nên khổ sở và trạo cử, bất an. Bạn hiểu ra: “Tôi không muốn cảm thấy sự trạo cử, bất an này thêm chút nào nữa”, bởi vì tâm trạo cử rất khổ não, tâm trí xao lãng, tán loạn là một nỗi thống khổ. Sự tĩnh lặng, yên tĩnh và bình an là điều tốt đẹp hơn nhiều. Do đó, bạn quay trở lại với thiền. Bạn chú tâm vào bất cứ cảm giác nào trên thân, bất cứ loại cảm thọ nào, bất cứ ý nghĩ hay cảm xúc nào. Nhưng ở đây hầu hết chỉ có những cảm xúc rất vi tế; mong muốn được giải thoát cũng giống như một loại cảm xúc. Bạn cảm thấy mình bị mắc kẹt trong tiến trình, vì vậy bạn muốn thoát ra khỏi nó, “Hãy đưa tôi ra khỏi đây”.
Điều này cũng giống một loại cảm xúc. Đôi khi nó có thể tạo nên một sự bất an nho nhỏ nào đó, nhưng bạn hiểu rằng cách duy nhất để thoát khỏi nó là quán sát nó kỹ lưỡng và sâu sát hơn nữa.
Con người thường tìm kiếm lối thoát ra khỏi những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Khi gặp khó khăn hay sự bực bội nào đó, chúng ta cố gắng tìm cách thoát ra khỏi chúng. Nhiều người cố gắng thoát ra bằng những phương pháp thật kinh khủng. Muốn thoát khỏi thì được thôi, nhưng thế nào mới là hành động đúng để thoát ra khỏi nó?
Điều đúng đắn phải làm là quán sát tiến trình một cách sâu sát hơn nữa, hiểu biết nó một cách kỹ lưỡng hơn. Bất kể việc gì, ngay cả đó là những hoàn cảnh rất đau khổ trong cuộc đời bạn, nếu muốn thoát khỏi hay vượt qua nó, cách tốt nhất là chú ý nhiều hơn nữa, nghiên cứu, xem xét nõ kỹ càng hơn nữa, hiểu biết mọi ngọn ngành chi tiết của nó, một cách đầy đủ. Hiểu biết đầy đủ là cách duy nhất để vượt qua. Không có con đường nào tốt hơn, bất kể trong hoàn cảnh nào, dù trong thiền hay trong cuộc sống thế gian. Đây chính là thái độ đúng đắn.
Khi đạt đến điểm này trong thiền, bạn hiểu rằng cách duy nhất để vượt qua bất kỳ hoàn cảnh đau khổ nào là chú ý đến nó nhiều hơn nữa, thấu hiểu nó một cách sâu sắc hơn, kỹ lưỡng hơn và hiểu hoàn toàn đầy đủ về nó. Rồi sau đó, ngay cả trong cuộc sống của bạn cũng vậy, khi đối diện với một hoàn cảnh khó khăn, đừng cố gắng chạy trốn nó, đừng quay lưng lại với nó; đừng nhắm mắt làm ngơ. Bạn hãy cố gắng nhìn nó một cách sâu sát hơn nữa: “Bây giờ đang có điều gì diễn ra? Tôi muốn thấu hiểu nó một cách sâu sắc hơn”.
Tuệ giác bạn đạt được trong thiền có thể được áp dụng trong cuộc sống hàng ngày, trong những vấn đề của thế gian. Bạn rèn luyện một thái độ chân chánh để sống cả cuộc đời, chứ không chỉ ở trong thiền. Cho cả cuộc đời của bạn, đây chính là thái độ đúng đắn.
Khi tăng cường chú ý một cách “tự nguyện” như vậy, điều này rất quan trọng, bởi vì bạn tự nguyện nhìn lại nó, bởi vì bạn chú tâm một cách thật sâu sát nên không có tham muốn sanh khởi nữa, không còn trạo cử bất an nữa. Thậm chí bạn cũng không muốn giải thoát khỏi nói nữa, bởi vì bạn đã chú ý một cách sâu sắc. Hãy thấy thật rõ điểm này. Bạn chú tâm một cách hoàn toàn đến mức không còn tham muốn nào khởi lên nữa. Sự chú tâm hoàn toàn như vậy khiến tâm rất quân bình, không còn xao lãng, phân tán. Trước đó, khi hành thiền bạn muốn chạy thoát khỏi nó: “Tôi không muốn làm việc này chút nào, tôi không muốn thấy nó nữa; tôi phải làm gì bây giờ đây? Tôi sẽ ngừng hành thiền chăng?”. Bạn không thực sự hoàn toàn chú tâm. Nhưng khi đạt đến trạng thái quân bình này, bạn chú tâm hoàn toàn, “Dù bất cứ chuyện gì xảy ra, ngay cả nếu phải chết trong lúc này thì cũng OK”. Bạn không còn muốn làm bất cứ điều gì nữa, bạn chỉ muốn chú tâm một cách hoàn toàn đầy đủ, khi đó thiền lực của bạn đã thực sự chín muồi. Đỉnh cao của thiền chính là đây: “Tôi không muốn thêm bất cứ điều gì nữa, dù bất cứ điều gì xảy đến, ngay cả nếu phải chết trong tiến trình này, tôi vẫn sẵn sàng quán sát nó, tiếp tục nhìn nó… nhìn nữa…”.
Loại chú ý toàn tâm toàn ý đó làm cho tâm thực sự ổn định và lắng đọng trở lại. Trong mọi hoàn cảnh ngang trái của cuộc đời, khi bạn đã quyết định rằng: “Hoàn cảnh nào bây giờ thật khó khăn và đau khổ, nhưng tôi sẽ thực sự chú ý toàn tâm toàn ý, thực sự nhìn nó”. Vào khoảnh khắc quyết định như vậy, bạn sẽ thấy tâm mình tĩnh lặng trở lại, không còn trạo cử, bất an nữa. Quyết định đó rất quan trọng. Khi bạn chú tâm hoàn toàn, một cách tự nguyện, tâm sẽ trở nên tĩnh lặng và quân bình, không thái quá, không dính mắc. Trước kia, mỗi khi tâm tĩnh lặng, bạn cảm thấy rất hạnh phúc, rất nhiều hỷ lạc đến mức đôi lúc tâm bạn xáo động và dính mắc vào trạng thái hỷ lạc đó. Nhưng giờ đây, mặc dù tận hưởng sự an lạc còn lớn hơn nhưng bạn không bị dính mắc vào nó. Sự quân bình và xả của bạn rất mạnh.
Nó rất an lạc, nhưng không có dính mắc vào sự an lạc đó, và cũng không còn mong muốn thoát ra khỏi nó nữa.
Điều này có vẻ như rất nghịch lý, nhưng khi bạn sẵn lòng quan sát nó, mọi thứ sẽ trở về cân bằng. Khi bạn chú ý hơn nữa, mọi thứ sẽ trở nên ngày càng rõ ràng, tâm sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn, chánh niệm ngày càng vững mạnh và sự nhận biết trở nên rất sắc bén đến mức với mỗi nhận biết, không hề có bất cứ một suy nghĩ nào xen vào, bạn thấy rõ bản chất của nó, hoặc là vô thường, khổ hoặc là thấy nó không phải là chúng sanh nào, không bản ngã, không có tự ngã, không có cốt lõi trường tồn, không thể làm chủ. Bạn có thể thấy bất kỳ đặc tướng nào trong số những đặc tướng này, rất rõ ràng với mỗi nhận biết mà không hề suy nghĩ. Điều đáng kinh ngạc là trong một khoảnh khắc rất ngắn ngủi – mỗi sự nhận biết đều rất ngắn – khi nhận biết rất sắc bén… trong khoảnh khắc đó… trí tuệ và sự sáng suốt trở nên rất rõ ràng, mà không hề có chút suy nghĩ nào.
Trong cả cuộc đời chúng ta, khi hiểu biết việc gì, chúng ta hiểu nó thông qua một tiến trình suy nghĩ. Chúng ta suy nghĩ về nó và hiểu nó, nhưng ở trong khoảnh khắc này, dù không hề có một thoáng suy nghĩ, nhưng mọi sự hay biết đều mang lại rất nhiều trí tuệ, rất nhiều sáng suốt. Điều này xảy ra vì không có suy nghĩ, bởi vì khi suy nghĩ, tâm bạn bị chia xẻ.
Chỉ khi ngừng suy nghĩ thì tâm bạn mới trọn vẹn, mới hoàn toàn. Khi bạn ngừng suy nghĩ và chú tâm nhiều hơn, mọi nhận biết sẽ trở nên rất rõ ràng. Và ở 3 sát na cuối cùng, rất sắc bén với sự sáng suốt đầy uy lực, sau đó tâm buông bỏ! Tâm đã sẵn sàng bỏ.
Vào khoảnh khắc đó bạn không còn thấy hay kinh nghiệm được bất cứ tiến trình thân tâm nào nữa. Tâm bạn rơi vào… sự đoạn diệt… Trong sát na đó, mọi thứ đi đến chấm dứt, và một sự an lạc và tĩnh lặng vô cùng sâu sắc… trong một khoảnh khắc rất ngắn ngủi. Khi bạn ra khỏi đó… một vài khoảnh khắc an lạc và tĩnh lặng vẫn còn tiếp tục, có thể 3 hoặc 4 sát na tâm. Sau đó suy nghĩ lại khởi lên và chúng ta lại nghĩ về nó… có điều gì đó vừa xảy ra, rất luy lực, nhưng cũng rất tĩnh lặng và an lạc.
Từ kinh nghiệm đó, bạn thấu hiểu được bản chất của nó một cách rõ ràng. Đây chính là niềm an lạc, là hạnh phúc đích thực, sự vắng lặng và giải thoát đích thực. Rồi sau đó bạn quán sát lại bản thân mình, có một điều gì đó đã đổi thay! Cho dù bạn chưa từng đọc một cuốn sách nào, hay không có một chút kiến thức nào về nó đi nữa, nhưng khi quán xét lại bản thân mình, bạn vẫn biết rằng có một điều gì đó đã thay đổi. Nó làm thay đổi tính cách của bạn, thay đổi cách nhìn của bạn. Bạn biết không có cái gì là trường tồn cả, không có bản ngã, không có cái tôi. Giới đức của bạn đã trở thành tự nhiên, việc giữ gìn ngũ giới trở nên tự nhiên đối với bạn. Bạn không còn phải cố gắng để thu thúc, kiềm chế không phạm giới nữa, và bạn biết rằng mình sẽ không bao giờ phạm giới nữa; nó trở nên hết sức tự nhiên. Bạn biết rằng mình không còn nghi ngờ gì về vô ngã, về những kiếp sống tương lai hay về Phật, Pháp, Tăng nữa. Thông thường, ngay cả đối với những người không có kiến thức, họ cũng tự động cảm thấy một sự biết ơn rất sâu sắc, một lòng tri ân sâu sắc và mạnh mẽ đối với Đức Phật và Giáo Pháp, đối với chư Tăng đã có công gìn giữ Giáo Pháp. Một cảm giác biết ơn vô cùng lớn tràn ngập trong tâm hành giả. Có người nói với tôi rằng, anh cảm thấy biết ơn vô hạn đến nỗi đã khóc lên với những giọt nước mắt sung sướng… “Giáo pháp này quả thật là giáo pháp chân chánh và đích thực! Đây chính là sự giải thoát đích thực!”. Rất nhiều ý nghĩ có thể đến, trên đây chỉ là một trong số những ý nghĩ chính.
Khi đạt đến giai đoạn này, bạn đã tận diệt được tà kiến (miccha-ditthi) chấp vào một cái tôi, một bản ngã trường tồn. Không có cái gì là bản ngã trường tồn cả. Tất cả mọi thứ đều ở trong dòng biến dịch. Và hoài nghi (vicikiccha) tôi có còn phải tái sanh không hoặc nghi ngờ điều ấy điều nọ, tất cả mọi hoài nghi đều tan biến, không còn tin rằng có một đường lối thực hành nào khác ngoài Bát Chánh đạo, không còn tin rằng hành thiền an chỉ định (samatha) có thể dẫn đến giải thoát. Một số người khi hành thiền an chỉ định và thể nhập được vào một cảnh giới nào đó, họ cho đó là giải thoát, tin rằng đó là Niết Bàn.
Tuy nhiên khi đã thân chứng điều này bằng thiền Vipassana, bạn sẽ hiểu rằng không có con đường nào khác đưa tới giải thoát. Con đường duy nhất để giải thoát là quán sát những tiến trình thân tâm này một cách cặn kẽ, đầy đủ. Ngoài ra không có con đường nào khác để giải thoát.
Để có thể quán sát được tiến trình thân tâm này, bạn phải làm thanh tịnh bản thân mình, giữ gìn giới hạnh trong sạch. Bạn cần phải định tâm vào một vài đề mục nào đó, có thể là thân hoặc tâm, hay bất cứ một đề mục nào như một nền tảng căn bản, như hơi thở chẳng hạn. Bình ổn tâm và làm cho nó trở nên trong sáng và thuần khiết: thanh tịnh tâm, thanh tịnh ý (tâm tịnh). Chỉ nhờ quán sát tiến trình thân tâm này, bạn mới ngày càng thanh tịnh hóa bản thân mình: kiến tịnh, đạo phi đạo tri kiến tịnh (phân biệt đâu là chánh đạp đâu là tà đạo). Chỉ bằng thanh tịnh hóa bạn mới có thể giải thoát, không có con đường nào khác. Nếu chúng ta muốn giải thoát, chúng ta phải thanh tịnh hóa bản thân, bạn sẽ hiểu rằng đây là con đường duy nhất dẫn đến giải thoát.
Ghen ghét, tỵ hiềm (issa) và biển lận (maccharia – bủn xỉn, keo kiệt) cũng đã bị vượt qua. Nghĩa là bạn sẵn lòng chia sẻ bất cứ cái gì mình có với người khác và không ghen tỵ với người. Nếu bạn dư thừa cái gì và có người cần, bạn sẽ sẵn lòng và vui vẻ bố thí. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn cho đi tất cả mọi thứ mình có. Nếu có người thực sự đang cần, bạn sẽ sẵn lòng bố thí, chia sẻ cho họ. Khi người khác thành đạt và hạnh phúc, bạn không ghen tỵ với họ. Tôi không biết chính xác ý nghĩa của từ jealous và envy trong tiếng Anh, nhưng ở đây thì nó có nghĩa là như vậy. Khi người khác thành đạt mà bạn không được như vậy, bạn cảm thấy ra sao? Bạn thấy không vui: “Ôi dào, nếu tôi ở địa vị ấy thì tôi sẽ là người đạt được điều đó chứ không phải là hắn”, bạn sẽ nghĩ như vậy. Nhưng khi đã đắc đạo, bạn sẽ không bao giờ còn nghĩ như vậy nữa.
Bạn sẽ thực sự nghĩ rằng người đó thật may mắn, người đó đang được hưởng tất cả những điều tốt đẹp ấy, bạn cảm thấy rất vui cho người ấy. Tâm hỷ này (mudita) trở nên rất tự nhiên.
Trước khi đắc đạo, hầu hết mọi người chúng ta, không ít thì nhiều, đều cảm thấy không vui khi thấy người khác thành công hơn mình. Một cái tâm thật xấu xa! Và chúng ta được gì từ việc đó? Chúng ta không thể yêu mến được người đó, chúng ta không thể khâm phục người đó. Tại sao con người lại cảm thấy cô đơn thế nhỉ? Bởi vì thói ghen tỵ, tham lam nên chúng ta mới cảm thấy cô đơn đến vậy. Trên thế giới này có quá nhiều thù hận và hiểm nguy. Tại sao thế? Bởi vì có kẻ có được những thứ mà tôi không có. Tôi muốn có và tôi sẽ chiếm bằng được nó, ngay cả phải dùng những phương cách bất hợp pháp. Nhiều người tinh ranh, gian trá đến mức họ có thể bóp méo toàn bộ sự việc và đánh bóng tô son, làm cho nó trở nên thật đẹp đẽ. Đó bạn có thấy không, cái tâm mình nó lừa đảo và ma giáo như vậy đó.
Khi bạn thấy thật rõ ràng, bạn sẽ không thể làm điều đó được nữa, không còn chút lừa đảo, ma giáo nào nữa. Bạn trở nên rất trung thực; bạn có thể thấy được mọi việc một cách rất rõ ràng. Bạn vẫn có thể khao khát, ham muốn cái gì đó, bởi vì tầng đạo quả thứ nhất không tận diệt được tất cả ham muốn và khát vọng. Tham vẫn còn đó, nhưng không còn đủ mạnh để khiến bạn phạm giới nữa. Bạn sẽ không sát sanh hay trộm cắp để lấy được cái gì đó cho mình, bạn sẽ không nói dối, tà dâm hay uống rượu và dùng các chất say nữa. Không còn ham muốn làm tất cả những việc ấy nữa.
Bạn không cần phải tự kiềm chế mình; chỉ đơn giản vì bạn không còn muốn làm điều đó nữa. Nó trở nên thật tự nhiên và dễ dàng đến mức bạn không cần phải cố gắng để tự kiểm soát mình.
Trước khi đắc đạo, chúng ta biết rằng phạm giới là điều không tốt và chúng ta phải cố gắng thật nhiều để giữ giới. Đôi khi, sự cám dỗ quá mạnh, chúng ta phải vật lộn với nó. Thật là mệt mỏi, có lúc chúng ta cũng phải đầu hàng nó, rồi lại hối hận và xin giới lại. Một người bạn của tôi nói: “Tại sao bạn cứ phải xin giới lại mỗi ngày như thế? Ngày nào bạn cũng phạm giới hay sao?”. Sau tầng giác ngộ thứ nhất, điều đó sẽ trở thành tự nhiên, bạn không còn ý muốn phạm giới nữa. Bạn có cảm thấy mình được giải thoát đến thế nào không? Mặc dù vẫn còn ham muốn hưởng thụ ngũ dục, nhưng bởi vì ghen tỵ, đố kỵ hay tham lam không còn nữa, nên bạn rất tự do và giải thoát. Và ngay cả khi bạn hưởng thụ những thú vui đó, nó cũng không còn như xưa nữa. Trước kia bạn nghĩ rằng đây là hạnh phúc đích thực, vui thú đích thực, sự sung sướng đích thực, nhưng bây giời, ngay cả khi tự buông thả mình thụ hưởng dục lạc, bạn vẫn biết rằng đấy không phải là những điều thực sự có thật. Bạn không bị mắc kẹt trong đó. Ngay cả khi hưởng thụ, bạn vẫn có phần nào tự do tự tại để hưởng thụ nó. Và khi có điều gì không may xảy đến, bạn hành thiền và có thể thấy đây lại là một trạng thái tâm khác, bạn lại trở nên tự do, giải thoát một cách rất dễ dàng.
Trước khi hành thiền, chúng ta cứ nghĩ rằng mọi thứ trên đời này đều bền vững và trường tồn, rằng chúng thật đáng vui thích và có thể mang lại hạnh phúc cho mình. Chúng ta thực sự tin vào sự thường còn, bền vững: một con người trường tồn, một bản ngã trường tồn. Nhưng sau đó thì tà kiến chấp ngã (miccha-ditthi) này đã không còn nữa. Nhưng miccha-sanna (tưởng điên đảo) và miccha-citta (tâm điên đảo) vẫn còn dư sót. Đôi khi đối tượng hiện ra có vẻ như là thường còn, bền vững nhưng khi nhìn thật ký thì chúng ta thấy nó không phải là như vậy. Giống như bạn đang sống trên đường ranh giới, khi bạn sẵn lòng, bạn có thể thấy nó…
Khi cảm thấy hạnh phúc, khi hưởng thụ thú vui dục lạc, kinh nghiệm dường như vẫn cũ nhưng khi thực sự nhìn vào nó, bạn sẽ biết: “Không, cái này sẽ không bao giờ mang lại hạnh phúc thực sự cho mình. Trong đó không hề có hạnh phúc”.
Mặc dù đôi lúc bạn vẫn hưởng thụ, nhưng bạn cũng có thể buông bỏ nó một cách dễ dàng bởi vì bạn biết rằng ở đó không có hạnh phúc đích thực và bền vững.
Một người bạn của tôi nói: sau khi đắc đạo người ta mới có thể thực sự thưởng thức được mọi vui thú; điều đó thật tuyệt vời bởi vì bạn không còn bị mắc kẹt trong đó nữa. Quả thực rất khó nói về điều đó, nhưng đây đúng là cách nó được cảm nhận như vậy.
Đó là lý do tại sao chúng ta thấy nhiều người vẫn hưởng thụ vui thú ngay cả khi họ đã đắc đạo. Họ không còn bị mắc kẹt trong đó nữa.
Với vô thường, khổ và vô ngã cũng vậy. Không còn ngã kiến nữa (atta-ditthi), nhưng người đó vẫn ứng xử như một con người bình thường. Họ vẫn nói “tôi”, “bạn”. Họ sử dụng cùng một thứ ngôn ngữ như cũng nhưng luôn luôn biết rằng không có cái gì là bản ngã thực sự và thường hằng cả. Đây chính là điều khác biệt của họ thấy sự khác biệt này rất sâu sắc. Nhưng điều này sẽ tận diệt ở tầng đạo quả thứ tư.
Bạn trở nên rất tự tại và giải thoát; có lúc bạn khóc, lúc khác bạn cười, nhưng bạn không bị mắc kẹt trong nó. Bạn có thể vượt qua nó hết sức dễ dàng. Ngay cả lúc khóc, bạn cũng cảm thấy rất thoải mái. Phải chăng lại có thể được như vậy hay sao?
Dù sao, khi đạt đến chỗ đó bạn sẽ hiểu được nó như thế nào. Rất khó để diễn tả những điều này bằng ngôn từ. Như vậy, bạn đã tận diệt được tà kiến (ditthi), nghi (vicikiccha), giới cấm thủ (silabbataparamasa), tật đố (issa-ghen tỵ, đố kỵ) và biển lận (macchariya-bủn xỉn, keo kiết).
Bạn không còn muốn lấy bất cứ thứ gì từ người khác một cách bất hợp pháp nữa. Nếu có dư, bạn cũng sẵn lòng chia sẻ cho người khác. Rất hào phóng, nhưng không hoang phí.
Bạn sẽ không đi mà ném tiền qua cửa sổ, vứt bỏ mọi thứ mình cần ra đường. Nếu biết có người nào đó đang thực sự cần, bạn sẽ đem cho họ. Sự quán xét này sẽ còn tiếp tục lại nhiều lần, trong cả một thời gian dài; quán xét về giới hạnh của mình: “Tôi không thể phạm một giới nào được nữa, tôi không muốn phạm”. Và quán xét về những loại phiền não bạn đã tận diệt. Bạn sẽ thấy không còn tà kiến, nghi, giới cấm thủ, đố kỵ và bủn xỉn nữa, và bạn cũng thấy được những loại phiền não vẫn còn dư sót trong người. Bạn sẽ thấy vẫn còn ham muốn thụ hưởng dục lạc, bạn vẫn còn bị buồn bực, thất vọng. Nhưng mặc dù vẫn còn ham muốn, song bạn sẽ không phạm bất cứ giới nào nữa. Mặc dù có thể nổi giận, nhưng bạn sẽ không đi giết người hoặc sát sanh. Tham muốn và sân hận trong bạn không còn đủ mạnh để hãm hại bất cứ chúng sanh nào hay làm hại chính bản thân mình. Càng suy tưởng đến Phật, Pháp, Tăng bạn càng cảm nhận được lòng tri ân, biết ơn vô hạn. Rất khó để diễn tả được trạng thái tình cảm này. Đôi khi có người chỉ quán xét một khía cạnh nào đó, không nhất thiết phải quán xét tất cả mọi phương diện. Có người chỉ quán xét một kinh nghiệm nào đó, chẳng hạn như khoảnh khắc tâm được giải thoát, hay về bản chất của sự giải thoát… nó thật là tự do, tự tại, thật là giải thoát… không còn sanh diệt nữa, chỉ có một sự yên lặng, một sự vắng lặng hoàn toàn. Đây chính là sự hồi tưởng về Niết Bàn: khoảnh khắc hành giả chứng nghiệm Niết Bàn. Niết Bàn là gì? Làm thế nào để diễn tả về Niết Bàn? Nơi đó không có sanh diệt, không có tiến trình tâm lý, không có tiến trình vật lý, bạn không còn kinh nghiệm bất cứ một tiến trình tâm nào, không còn kinh nghiệm bất cứ tiến trình thân nào nữa. Thậm chí bạn cũng không suy nghĩ rằng: “Ồ… điều này thật là an lạc biết bao”… bởi vì trong khoảnh khắc đó, bạn không thể suy nghĩ được bất cứ điều gì… Tâm trở nên vô cùng tĩnh lặng, an lạc và chứng nghiệm sự an lạc đó mà không hề suy nghĩ về nó… Chỉ sau đó bạn mới nghĩ lại về nó.
Vậy thực chất Niết Bàn là gì? Nó có phải là trạng thái không tồn tại không? Không, không phải như vậy! Nó không phải là hư không, trống rỗng. Bởi vì nếu nó là không có gì thì bất cứ ai cũng có thể chứng nghiệm được vào bất cứ lúc nào, chỉ cần nghĩ về hư không là được… và cảm thấy rất tự do. Không, bạn không thể làm như thế được, bởi vì khi nghĩ về hư không thì là có suy nghĩ rồi.
Khi chứng nghiệm Niết Bàn, không hề có một suy nghĩ nào… ngay cả suy nghĩ về Niết Bàn cũng không. Thực chất Niết Bàn là gì? Hầu hết trong kinh điển đều lấy hình tượng ẩn dụ là ngọn lửa tắt. Một ngọn lửa đang cháy và… phụt tắt, còn lại gì? Không phải là hư không, trống rỗng!!
Hoặc tôi tạo ra âm thanh… bạn chú tâm vào âm thanh đó… bây giờ âm thanh đó không còn nữa, thì có cái gì ở đó? Chỉ là sự vắng lặng… sự tĩnh lặng đó có thực hay không? Làm thế nào bạn hiểu được điều đó? Bạn có cảm thấy sự yên lặng không? Có chứ, đúng không. Nó cũng tương tự như sự vắng lặng hay ngọn lửa tắt. Không còn cháy nữa. Để hiểu được sự vắng lặng hay bản chất của ngọn lửa tắt, đầu tiên bạn phải chú ý đến những điều đang diễn ra trước đó. Để thấu hiểu sự yên lặng trước hết bạn phải chú ý vào âm thanh… đó là tiến trình. Để hiểu được điều gì diễn ra sau khi ngọn lửa tắt, trước hết bạn phải chú ý vào ngọn lửa. Có một tiến trình dẫn đến cảnh giới đó; nó không phải là một ý tưởng về hư không. Nó chính là bản chất của tiến trình đi đến chấm dứt… sự chấm dứt của tiến trình chính là chân hạnh phúc, là an lạc đích thực bởi vì bất cứ khi nào có cái gì đang diễn ra, sanh và diệt, thì không có vắng lặng, không có an lạc.
Một khi đã chứng nghiệm được điều đó, thì mặc dù có những lúc bạn không chứng nghiệm lại được, bạn có thể bị lôi theo những công việc của đời thường hay chạy theo những đam mê, phấn khích, nhưng mỗi khi chú ý, bạn sẽ biết rằng điều này không phải là thật, không phải là chân hạnh phúc. Bạn luôn có thể quay trở lại với trạng thái vắng lặng và an lạc đó.
Sau khi đã chứng nghiệm được cảnh giới này, lúc hành thiền trở lại, bạn hãy quyết định trong tâm rằng: “Tôi sẽ hành thiền và quay lại với sự vắng lặng và trạng thái an lạc đó – nơi toàn bộ tiến trình đều chấm dứt”.
Bạn có thể quyết định thời gian – 5 phút, 10 phút – an trú trong trạng thái đó. Bạn hành thiền với quyết định trong tâm: “Tôi sẽ chứng nghiệm lại trạng thái vắng lặng, an lạc ấy trong 5 phút”, rồi sau đó quên nó đi. Khi hành thiền, bạn đừng nghĩ về bất cứ một điều gì nữa. Chỉ chú tâm tới bất cứ những gì đang diễn ra trên thân tâm mình, làm bất cứ công việc nào bạn vẫn quen khi hành thiền. Đề mục nào không quan trọng, bất cứ cái gì cũng có thể là đề mục thiền cả. Chú tâm tới bất cứ đối tượng nào bạn đã quen chú ý – đó là những đề mục thường đến với bạn một cách tự nhiên và dễ dàng. Quan sát… quan sát nó… và nó trở nên ngày càng rõ nét hơn, rất nhanh, rất nhanh và rồi chợt dừng lại… bạn lại đạt đến trạng thái an lạc đó và an trú ở đó trong suốt khoảng thời gian mà bạn đã quyết định trước. Sự quyết định này rất quan trọng, bởi vì nếu đã quyết định trước, bằng cách luyện tập, bạn sẽ an trú trong đó suốt toàn bộ 5 phút hay 10 phút như đã ấn định và bạn có thể tiếp tục luyện tập và kéo dài thời gian đó ra nửa giờ, một giờ, hai giờ hay suốt cả ngày!
Bạn phải luyện tập thì mới có thể nhập được vào trạng thái đó và an trú ở trong đó. Nếu không luyện tập thường xuyên, bạn sẽ thấy rất khó có lại nó.
Nhưng ngay cả khi luyện tập và thể nhập vào trạng thái đó, nếu không ấn định trước thời gian an trú trong đó, tâm bạn sẽ bị dội ngược trở lại nhiều lần, vào rồi lại ra… vào rồi ra… nó có thể sẽ diễn ra như vậy suốt. Nếu muốn an trú lâu trong đó, bạn phải quyết định trước: “Tôi sẽ thể nhập vào trạng thái đó trong 5 phút, nhưng nếu có điều gì nguy hiểm xảy ra, tôi sẽ xuất ra khỏi nó”. Đây cũng là một hình thức tự nhắc nhở, khi bạn an trú sâu trong trạng thái đó, nếu có bất cứ nguy hiểm nào xảy đến, bạn sẽ tự động xuất định và đối phó với tình huống nguy hiểm. Nếu không quyết định trước như vậy, bạn sẽ không thể xuất định được.
Trong kinh điển, có rất nhiều chỉ dẫn chi tiết: đâu là những việc cần làm, thế nào là cách quyết định thích hợp, cách hành thiền thích hợp, và những điều cần quán xét trước khi nhập định, chẳng hạn trong trường hợp nào sẽ xuất định. Đôi lúc bạn phải quyết định rằng: “Nếu sư phụ gọi, tôi sẽ tỉnh lại ngay”. Ban phải thực hiện những quyết định cần thiết và tiếp tục thực hành. Ngay cả một vị Alahán đôi lúc cũng còn thấy khó thể nhập lại vào trạng thái đó, nếu như có việc gì đó làm vị ấy phải lo lắng, quan tâm.
Có một câu chuyện về hai nhà sư nọ: một vị là thầy tế độ, niên cao lão hạp, vị kia là học trò, còn rất trẻ. Cả hai thầy trò đều đã đắc đạo, khi họ đến tá túc tại một ngôi chùa nọ, vị trưởng lão cao hạ được ưu tiên ở một chỗ tốt. Bởi vì những cốc liêu tốt nhất thường được dành riêng cho các vị trưởng lão, những chỗ kém tiện nghi nhất dành cho những vị sư nhỏ hạ, mới tu. Vị sư trẻ, vì nhỏ hạ nên dĩ nhiên là được phân ở một chỗ không tốt lắm. Nhưng vị ấy rất hài lòng với chỗ mình ở, không lựa chọn. Vị ấy trú tại đấy, hành thiền và thọ hưởng thiền lạc, bình an và tĩnh lặng suốt 3 tháng an cư mùa mưa nơi đó. Nhưng vị trưởng lão thì cứ lo lắng cho học trò mình: “Tội nghiệp cậu học trò bé bỏng của tôi, ở chỗ đó không được tốt lắm, có thể nó không được thoải mái”. Bởi vì lo lắng, vị trưởng lão không thể nhập được vào trạng thái thiền lạc đó. nên
Khi muốn hành thiền, trước hết bạn phải nghĩ rằng: Không có điều gì là quan trọng cả, buông bỏ tất cả!
Đó là lý do tại sao nhiều lần tôi phải nhấn mạnh điều này bằng nhiều cách khác nhau như vậy. Khi hành thiền, bạn phải nghĩ rằng không có gì là thực sự quan trọng cả. Như vậy, về mặt tâm lý bạn đã tự tách mình ra khỏi mọi thứ. Không chỉ thể nhập vào trạng thái thiền lạc đó, mà ngay cả khi tọa thiền một tiếng đồng hồ, bạn cũng cần tự nhắc mình rằng: “Không có điều gì thực sự quan trọng cả, tôi không cần lo lắng về bất cứ điều gì”. Không lo lắng về công việc, không lo lắng về nhà cửa, chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ, nó chẳng hại đến ai cả, hãy quên hết tất cả mọi người trong 1 tiếng ngồi thiền. Khi bạn tham gia khóa thiền tích cực này, hãy buông bỏ hết mọi thứ trong 9 ngày của khóa thiền.
Không có gì thực sự nghiêm trọng xảy đến cả đâu. Không có gì là quan trọng cả, chúng ta đã từng làm những công việc đó trong vô số kiếp quá khứ. Tại sao lại cho nó là quan trọng đến thế? Tại sao không thể buông bỏ tất cả trong 9 ngày.
Nếu trước mỗi thời thiền bạn đều làm như vậy, bạn sẽ thấy thời thiền đó rất dễ dàng và tự nhiên bạn sẽ không bị tán tâm, xao lãng. Vì vậy, hãy ra quyết định cho mình. Chúng ta đã từng làm những công việc y như vậy trong bao nhiêu năm, bao nhiêu kiếp rồi? Tại sao còn cho chúng là quan trọng đến thế? Và chúng ta sẽ còn tiếp tục phải làm những công việc như vậy, không biết là trong bao nhiêu kiếp sống tới nữa. Do đó, ra quyết định, chuẩn bị cho tâm và tách biệt tâm khỏi mọi công việc là rất quan trọng… nhưng “Nếu có điều gì nghiêm trọng xảy ra, tôi sẽ đối phó với nó ngay”. Đôi khi, con người chúng ta thường lo nghĩ về những điều hết sức vặt vãnh, tự bắt mình suốt ngày phải lo lắng. Khi họ nói ra những nỗi lo toan đó, nó nghe thật buồn cười.
Theo: Bản đồ hành trình tâm linh
Tác giả: Sayadaw U Jotika
Mời bạn đọc đón xem chương 10, phần 2 : Niết Bàn và sau đó