Tượng Phật Bamyan khi chưa bị hủy hoại |
“Thung lũng các vị Phật” Bamyan cách thủ đô Kabul 230m, nằm trên Con đường tơ lụa nối liền các thị trường sầm uất ở Trung Quốc với các nước vùng Trung Á và đến tận phương Tây, từng thuộc về vương quốc Gandhara của xứ Ấn Độ và một thời là trung tâm tôn giáo, triết học, nghệ thuật trong vùng. Từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ IX, Bamyan là đất thiêng của Phật giáo cho tới khi các đạo quân Hồi giáo kéo đến xâm lược thung lũng này.
Trong thời gian Phật giáo ngự trị, các tăng viện, chùa chiền được xây dựng ở Bamyan đồng thời có nhiều nhà sư tu khổ hạnh trong các hang động nhỏ được khoét vào vách núi, và nhiều hang động – tu viện được trang trí bằng các tượng Phật cũng như các bức bích họa được vẽ thật công phu, tỉ mỉ với nhiều màu sắc.
Từ hai tượng Phật khổng lồ…
Ngài Huyền Trang, (tức nhà sư Tam Tạng) trong hành trình sang Thiên Trúc thỉnh kinh, đã đi ngang qua thung lũng Bamyan vào khoảng năm 630, và trong nhật ký du hành của mình đại sư Huyền Trang đã mô tả Bamyan như là một trung tâm của đạo Phật “với hơn một chục tăng viện và hơn ngàn nhà sư”, còn hai bức tượng Phật khổng lồ thì “được trang trí với vàng và đá quý”. Ngài còn nói tới một bức tượng thứ ba, thậm chí lớn hơn cả, có thể đã bị hủy hoại từ lâu song các nhà khảo cổ học vẫn đang tìm kiếm phế tích của bức tượng ấy.
Được tạc trực tiếp từ vách núi ở độ cao 2.500m, hai bức tượng (tượng nhỏ hơn cao 37m, được thực hiện năm 507; tượng lớn cao 55m, tạc năm 554) mang phong cách pha trộn nghệ thuật Ấn Độ – Hy Lạp, với thân bằng đá núi còn các chi tiết được đắp bằng bùn trộn với rơm và sau đó trát vữa. Tay tượng còn có cốt bằng gỗ. Bên ngoài lớp vữa là một lớp sơn phủ nhằm thể hiện sự sống động của gương mặt, bàn tay, các nếp đạo y. Tập thể tác giả của hai công trình khổng lồ này được cho là tổ tiên những người Hazaras, một trong những nhóm sắc tộc thiểu số bị ngược đãi nhất ở Afghanistan vào thời Taliban cai trị.
Công trình văn hóa nổi tiếng nhất trong vùng, cũng là những tượng Phật được tạc trực tiếp có kích thước lớn nhất, đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Sau khi bị hủy hoại, các phế tích còn lại của hai bức tượng được UNESCO đưa vào danh sách 100 điểm cần được quan tâm nhất trong số các công trình tưởng niệm của thế giới, và đã có rất nhiều nỗ lực của chính quyền Afghanistan hiện nay cũng như của các nước, các tổ chức quốc tế nhằm tái tạo hai bức tượng.
Một dự án do nghệ sĩ Nhật Hiro Yamagata thực hiện theo yêu cầu của chính phủ tại Kabul, sử dụng 14 hệ thống chiếu sáng laser được vận hành bằng sức gió và năng lượng mặt trời nhằm phóng chiếu, tạo ra hình ảnh như thật của hai tượng Phật ngay tại vách núi cũ. Dự án này trị giá khoảng 9 triệu USD, được UNESCO hỗ trợ kinh phí và dự kiến hoàn tất vào tháng 6/2012.
… Đến các tranh sơn dầu đầu tiên
Tranh tường trong hang động Bamyan |
Trong cái rủi có cái may, chính từ vụ phá hủy hai bức tượng Phật, 50 hang động trên vách núi phía sau tượng được phát hiện. Dù các hang động này đã bị ảnh hưởng không nhỏ từ vụ đánh mìn hủy diệt tượng Phật cũng như chịu các tác động của thời gian, chúng trở thành nguồn gốc của một khám phá quan trọng.
Sau khi chế độ Taliban cáo chung, tháng 12-2004, các chuyên gia thuộc Đại học Nagoya và Viện nghiên cứu quốc gia Nhật về tài sản văn hóa đã tìm thấy trong 12 hang động những bức bích họa Phật giáo. Bằng phương pháp phân tích đồng vị phóng xạ những sợi rơm nằm dưới các bức tranh tường, các chuyên gia Nhật đã khẳng định tranh được vẽ từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ IX và tác giả tranh được cho là các họa sĩ đã du hành trong nhiều thời kỳ trên Con đường tơ lụa.
Khảo sát từng mm 59 mẫu tranh lấy trong hang động Bamyan, các nhà khoa học Nhật và các đồng nghiệp tại Trung tâm nghiên cứu và phục chế thuộc các bảo tàng Pháp, Viện bảo tồn Getty (Mỹ)… đã phát hiện một sự thật đáng kinh ngạc: chính các bức bích họa Phật giáo ấy là những tranh sơn dầu đầu tiên của loài người!
Chất sơn từ tranh tường hang động Bamyan chứa màu đỏ son |
Theo đó, chất sơn từ tranh tường hang động Bamyan chứa các màu mà ngày nay trong thuật ngữ chuyên môn gọi là đỏ son (vermilion hay red mercury) và trắng chì (lead white). Sơn vẽ tranh được trộn với các chất kết dính như nhựa thông, keo nấu từ da súc vật hay lòng đỏ trứng, và có cả chất dầu có lẽ được ép từ hạt óc chó hay hạt anh túc. Hàng ngàn hình tượng đức Thế tôn trong đạo y màu đỏ, ngồi kiết già giữa những tán lá cọ và chung quanh các linh vật được vẽ trên vách hang động. Đó là những tranh sơn dầu sớm nhất trong lịch sử mỹ thuật thế giới, sớm hơn những tranh sơn dầu đầu tiên ở châu Âu hơn sáu thế kỷ!
Mặc dù chất dầu đã được dùng từ thời cổ đại tại Ai Cập, Hy Lạp và La Mã trong y học, làm mỹ phẩm và đóng thuyền bè nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy nó đã được sử dụng trong các bức tranh tường. Trong khi đó, theo giáo sư Taniguchi của Đại học Nagoya: “Những loại dầu trên các bích họa ở hang động Bamyan được làm với một kỹ thuật phức tạp khiến tôi có cảm giác mình đang xem những tranh sơn dầu Ý thế kỷ XIV hay XV”. Có người cho rằng kỹ thuật chế tác sơn dầu từ Afghanistan rất có thể đã được phổ biến tại châu Âu sau đó nhiều thế kỷ, dẫn tới sự hình thành của hội họa Phục hưng (Renaissance) ở phương Tây mà thời kỳ vàng son của trào lưu này là từ 1400 đến 1600.
Phát hiện này còn dẫn tới việc các nhà khoa học sẽ phải xem xét, đánh giá lại nhiều bức bích họa trong các phế tích cổ ở Iran, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các chuyên gia Nhật đang phục chế tranh tường ở Bamyan |
Khảo sát các tầng sắc màu tranh tường, tìm ra chất sơn dầu |