Trang chủ Tu học Bước đầu học Phật Bài pháp Tứ Diệu Đế

Bài pháp Tứ Diệu Đế

581

Tứ là bốn. Diệu là vi diệu, là nhiệm mầu. Đế là sự thật, là chân lý. Đó là bài pháp nhiệm mầu nói lên bốn sự thật về khổ đau do Si, Tham, Sân dẫn đến. Trong bài pháp này, Đức Phật đã chỉ ra cho chúng ta bốn sự thật sau đây:

1. Sự có mặt của khổ đau (Khổ Đế)
2. Sự có mặt của những nguyên nhân dẫn đến khổ đau ấy (Tập Đế)
3. Sự chấm dứt khổ đau. (Diệt Đế)
4. Con đường để chấm dứt khổ đau (Đạo Đế)

1. Sự thật thứ nhất:  Sự có mặt của khổ đau

Đức Phật dạy: Sự khổ đau là có thật, không có khổ đau này thì khổ đau khác, không ai trong chúng ta mà chưa từng đau khổ. Ít nhất thì những tâm trạng thường gặp như: Buồn, giận, ghen, tức, lo lắng, sợ hãi hay bất an là khổ; Gặp chuyện gì không vừa ý với bản ngã của ta là khổ. Nghèo thì khổ mà giàu cũng khổ… Khổ tâm lo lắng về tài sản, tiền bạc có thể mất mát do trộm cắp, nước, gió, lửa, oan gia phá hoại v.v…

Tuy nhiên, Đức Phật dạy, thế gian có tám loại đau khổ sau đây là chủ yếu: Bị chia cách với người thương yêu là đau khổ (Ái biệt ly khổ); Sống chung hoặc gặp người mà ta ghét bỏ thì khổ (Oán tắng hội khổ); Bị năm uẩn: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức chi phối là khổ (Ngũ ấm xí thạnh khổ); Cầu mà không được thì khổ (Cầu bất đắc khổ) và  Sinh, Già, Bệnh, Chết là khổ. 

2. Sự thật thứ hai: Nguyên nhân của khổ đau

Đức Phật nói, do vì sự vô minh, si mê che lấp. Do không thấy và không hiểu rõ được sự thật về thân, tâm, vạn pháp và cuộc đời này cho nên con người bị những ngọn lửa của tham đắm, giận hờn, ghen tức, lo lắng, phiền não, sợ hãi… ngày đêm đốt cháy và hành hạ thân tâm mình. Tham là nguyên nhân gây ra các nỗi khổ đau. Tham tiền, tham tài, tham sắc, tham danh, tham lợi, tham ăn, tham ngủ v.v… Tham mà không được thì đau khổ đã đành, nhưng tham mà được thì lại càng tham hơn và càng tham lam thì lại càng đau khổ.

Đạo Phật không chủ trương lẩn tránh khổ đau, cũng không diệt sự khổ đau ấy mà phải nên đối mặt và tìm ra nguyên nhân của khổ đau đó để rồi diệt trừ chính ngay nguyên nhân của sự khổ đau. Nguyên nhân cội gốc một khi đã bị tiêu diệt thì khổ đau cũng sẽ không còn nữa. Đạo lý cao siêu là chỗ đó đấy các bạn ạ! Hạnh phúc, an lạc và giải thoát đang ở rất gần bên cạnh mỗi chúng ta.

3. Sự thật thứ ba: Sự chấm dứt khổ đau

Nếu nguyên nhân của khổ đau có mặt thì sự khổ đau có mặt. Vậy, nếu nguyên nhân của khổ đau không còn nữa thì sự khổ đau có còn tồn tại không? Mà không có khổ đau thì chính là hạnh phúc, an lạc và giải thoát rồi? Đó chính là trí tuệ, là sự hiểu biết và nhận thức đúng đắn về thân tâm, vạn pháp và cuộc đời theo đúng sự thật của nó. Cái thấy này sẽ đem lại cho chúng ta sự chấm dứt mọi khổ đau. Niềm an lạc, từ bi và trí tuệ chân thật cũng từ đó mà lưu xuất ra vậy! Vậy, tóm lại nếu muốn không còn đau khổ thì phải dứt bỏ Tham Sân Si. Thật ra nói tham sân si cho có vần điệu chứ lẽ ra nên nói si, tham, sân. Vì từ lúc đầu do si mê chấp thân (ngã) mà sanh ra tham lam. Tham không được mới nỗi sân. Hết si sẽ hết tham, sân. Hết tham sân, hết chấp ngã thì sẽ hết khổ.

4. Sự thật thứ tư: Là con đường chúng ta phải theo để chấm dứt khổ đau.

Đó chính là Đạo Đế. Là ba mươi bảy phẩm trợ đạo mà con đường Bát Chánh Đạo là vô cùng quan trọng. Bát Chánh Đạo được tạo dựng bằng sự sống tỉnh thức, chánh niệm hằng ngày của chúng ta. Đó là:

1. Chánh kiến,        2. Chánh tư duy,   3. Chánh ngữ,        4. Chánh nghiệp,    5. Chánh mạng,   6. Chánh tinh tấn
7. Chánh niệm,       8. Chánh định.

Mỗi cặp đều có thể làm nhân và làm quả cho nhau, nhưng quan trọng nhất là: Chánh kiến. Nếu có Chánh kiến thì những Con đường Chánh về sau sẽ dễ dàng đạt được. Thế nào là Chánh kiến? Đó chính là sự hiểu biết về thân, về tâm con người và vạn pháp đúng với lẽ thật của nó (Xem phần Bát-Nhã). Ngược lại là Tà kiến. Thế nào là Tà kiến? Vô minh chẳng rõ nhận lầm thân, tâm này là thật Ta là Tà Kiến. Không tin Nhân Quả báo ứng, không tin luân hồi, không tin vào giáo huấn của Thánh Hiền, không có cái nhìn đúng sự thật về thân tâm mình và sự vật hiện tượng chính là những Tà tri Tà kiến lớn nhất mà đa số chúng ta đã đang mắc phải. Mỗi chúng ta cần phải nhanh chóng tự sửa đổi lại cách nhìn nhận sai lầm này của mình từ rất lâu lắm rồi nếu không muốn cứ tiếp tục phải chịu trôi nổi, trầm luân trong sáu nẻo của luân hồi sinh tử, tử sinh vô cùng đau khổ nữa!

Có Chánh kiến rồi thì chúng ta sẽ có: Chánh tư duy (Suy nghĩ về điều chánh), Chánh ngữ (Lời nói chánh), Chánh nghiệp (Hành động chánh), Chánh mạng (Sinh sống bằng nghề chánh. Không kiếm tiền hay sinh sống hoặc giải trí trên sự khổ đau, hay sinh mạng của chúng sanh khác). Và từ đó sẽ có Chánh tinh tấn (Siêng năng chánh), Chánh niệm (Niệm tưởng về điều chánh) và sẽ tiến đến Chánh định tức là tâm ý sẽ thanh tịnh dẫn đến phát sinh trí tuệ và đi đến giải thoát sinh tử luân hồi.

Như vậy, cho thấy việc triệt hạ lòng Tham, tâm Sân không phải là dễ, song khó không có nghĩa là chúng ta không làm được? Chỉ cần mỗi chúng ta hãy can đảm đi trên Con đường Bát Chánh Đạo, con đường của sự Tỉnh Thức này thì quý vị và các bạn sẽ thấy lòng mình dần dần bớt tham, bớt sân, bớt si hơn và sẽ cảm thấy vô cùng nhẹ nhàng, thảnh thơi, an lạc như thể vừa mới buông bỏ một vật thật nặng nề ra khỏi lòng mình vậy!

Mà nghĩ cho cùng tham cho lắm để làm gì các bạn ơi! Nên nhớ vô thường không bao giờ chờ đợi chúng ta đâu! Nay còn, mai mất chẳng biết ngày nào. Chết là gì hả bạn? Có phải thở ra mà không còn hít vào được nữa là đã chết rồi đó sao? Thực tế, Phật dạy sự sống của chúng ta chỉ tính bằng hơi thở. Ngài Điều Ngự Giác Hoàng (Phật Hoàng, vua Trần Nhân Tông) xuất gia lên núi Yên Tử tu hành đắc đạo cũng đã nói:

                   “Số đời một hơi thở.
                     Lòng người hai biển vàng,
                     Cung Ma dồn quá lắm,
                     Cõi Phật vui nào hơn.”

Lời nói của bậc Đại Giác không dễ gì có thể hiểu thấu được! Song, ở đây ít nhất cũng cho chúng ta thấy, sự sống con người chỉ phụ thuộc vào: “Một hơi thở”. Một hơi thở ra mà không còn hít vào được nữa xem như đã hết một kiếp người. Muôn vàn cái chết, không kể già trẻ, giàu nghèo, sang hèn… Đều như nhau. Thật quá mong manh! Ấy vậy mà lòng tham của con người thì lại như: “Hai biển vàng” để rồi tạo ra vô số nghiệp đoạ lạc nên: “Cung ma dồn quá lắm”. Và nhà vua nhờ tu hành nên đã nhận thấy: “Cõi Phật vui nào hơn” nên đã từ bi để lại cho chúng ta bài kệ thật thấm thía này!

Kinh Kim Cang, Phật cũng đã dạy: “Phàm những gì có hình tướng thì đều là hư vọng” và Phật đã ví như những:“Giọt sương mai, ảo ảnh, bọt nước, như tia điện chớp” mà thôi! Tất cả rồi cũng chóng qua mau và phải để lại thế gian này, chỉ có mang nghiệp mà ra đi. Thế thì tại sao chúng ta không cố gắng tranh thủ làm nhiều việc thiện hơn nữa để bòn mót phước đức và tu tạo công đức để mong rằng đến lúc lâm chung thiện nghiệp này sẽ dẫn chúng ta sinh về cõi lành? Và nếu biết tu hành đúng pháp thì sẽ sanh về cõi Phật hưởng vô lượng an vui, bất sanh bất diệt. Hay chí ít bạn cũng để lại tiếng thơm cho con cháu muôn đời sau vậy!
                                               ***
Gần đây, trên một kênh truyền hình quốc gia tại khu vực Miền Trung Tây Nguyên có một bộ phim dài tập (gần một tháng) rất hay có tên: “Ở lại thế gian”. Nội dung nói về một người đã chết bất đắc kỳ tử do tai nạn giao thông. Nhưng người này do còn rất nhiều việc liên quan đến gia đình, vợ con, nhà cửa… rất cấp bách chưa giải quyết nên không thể yên tâm ra đi mà phải cố gắng tìm về qua con đường nhờ một nhà ngoại cảm giúp đỡ. Trong thời gian chỉ có 49 ngày của tuần thất mà thân trung ấm (còn gọi là thần thức hay linh hồn) của người này từ cảnh giới bên kia thông qua giải quyết việc gia đình mà đã cảm hoá được biết bao nhiêu người thân và bạn bè nhận ra lẽ sống, biết việc thiện, việc ác và ý nghĩa chân thật của cuộc đời. Phim kết thúc rất có hậu! Chỉ nhờ vào những việc làm âm đức được Chư Thiên, Thiện Thần âm thầm chứng giám trong suốt 49 ngày mà người này sau đó được sanh về cõi Trời hưởng vô lượng phước báu, an vui. Hiện tại cũng có thêm một bộ phim truyền hình dài tập mang tên: “Đi qua dĩ vãng” trên đài truyền hình VTV cũng nói về nhân quả báo ứng và tai hại của lòng hận thù. Nhiều hình ảnh trong phim nói về thần thức và cảnh giới thân trung ấm con người sau khi chết. Điều này, hiện nay đã được Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người đang tìm hiểu.

Làm ác thì phải đoạ ba đường ác để trả nghiệp, làm thiện được sanh về cõi lành Trời hay người giàu sang để hưởng lại phước báu mà ta đã tạo ra từ trước. Ông bà chúng ta cũng thường nói: “Của ăn là của mất, của cho là của còn”. Các bạn hãy tưởng tượng cũng giống như một kho thóc vậy! Nếu chúng ta chỉ biết dùng để ăn thôi thì cho dù kho thóc ấy có nhiều đến mấy cũng có ngày sẽ hết sạch. Nhưng nếu chúng ta biết dành ra một phần thóc để gieo trồng thì ngày sau sẽ còn được hưởng mãi. Đạo lý này trong Kinh Phật cũng đã dạy chúng ta: “Lấy vật chất làm của, của sẽ rời xa ta. Lấy phước đức làm của, của sẽ theo ta vạn đời”. Thật ra, đây mới thật sự là “ngân hàng” cần gửi vào cho mỗi chúng ta trong ngày vị lai vậy! Ngân hàng này không hề lo sợ bởi tất cả các nguyên nhân huỷ hoại như nước, gió, lửa, trộm cắp hay oan gia trái chủ phá hoại.