Đây thực chất là một phong trào chống cộng, “phục quốc Việt Nam Cộng hòa”, nhưng trên tinh thần đạo Ca-tô, tìm kiếm sự ủng hộ nơi những người Việt theo đạo Ca tô cực đoan, đồng thời tìm cách thu hút mọi đối tượng vận động có thể. Chống cộng, phục quốc là mục tiêu chính trị, còn về tôn giáo, thì đây là một phong trào bài Phật giáo, biến Phật giáo Việt Nam thành kẻ thù của những người theo đạo Ca tô và những người có cảm tình với chế độ Việt Nam Cộng hòa, quy cho Phật giáo Việt Nam trách nhiệm gây mất ổn định cho chế độ Việt Nam Cộng hòa khoảng đầu và giữa thập niên 1960. Bài Phật giáo, khơi dậy, kích thích lòng căm ghét, thù hận, sự trách móc như thế đối với Phật giáo Việt Nam, mục tiêu cao nhất của những Diemist vẫn là cải đạo tín đồ Phật giáo, trước hết là ở hải ngoại, và cũng gồm cả những người trong nước có ít nhiều bất mãn với chế độ hiện tại.
Cuộc kích động bài pháp nạn, phản pháp nạn, phủ nhận pháp nạn 1963, thực chất là bài Phật giáo gắn liền với cuộc vận động phục hồi tên tổng thống độc tài Ngô Đình Diệm, “biến hình ảnh một bạo chúa thành minh quân, thậm chí thành anh hùng dân tộc” (như lời Đại đức Thích Thanh Thắng trong bài viết “50 năm Pháp nạn 1963: Nhìn từ một vài ý kiến”).
“Nhóm Phục hồi Tinh thần Ngô Đình Diệm” chỉ là một trong nhiều nhóm Công giáo đang xúc tiến việc kích động này. Hoạt động của họ chủ yếu là trên truyền thông, nhưng mở rộng ra tất cả mọi hoạt động khác có thể, như tổ chức ngày sinh, ngày giỗ, tưởng niệm Ngô Đình Diệm, dựng tượng Ngô Đình Diệm…
Các tu sĩ đạo Ca tô thường vẫn giấu mặt như mọi khi, hay chỉ đứng phía sau hậu thuẫn một cách kín đáo, còn những cái tên được nhắc đến nhiều trên mạng thì có thể kể đến Nguyễn Phúc Liên Thành, Dương Đại Hải, Lý Tòng Bá (chuẩn tướng quân đội Sài Gòn)…
Để “biến hình ảnh một bạo chúa thành minh quân, thậm chí thành anh hùng dân tộc”, làm việc đó đối với Ngô Đình Diệm, thì phải làm từ việc xóa bỏ tội lỗi của ông ta đối với Phật giáo. Như vậy, vấn đề trở về cái mấu chốt là phủ nhận pháp nạn Phật giáo miền Nam 1963.
Nhưng làm thế nào, khi đó đã là một sự kiện lịch sử, đã diễn ra, đã để lại nhiều hệ quả? Cách lựa chọn duy nhất là tìm cách xuyên tạc tính chất của nó, đưa ra những đánh giá khác về nó. Vì vậy, cuộc đấu tranh của Phật giáo năm 1963 thì còn, nhưng Pháp nạn lịch sử 1963 thì phải xóa bỏ.
Thế là những chuyện xuyên tạc lịch sử đã diễn ra, bằng bài viết, phim ảnh, hội thảo, tiểu thuyết, ký sự, qua sách báo, internet, phát thanh truyền hình… Người ta cố chứng minh rằng không có chuyện Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, sự kiện Phật đản ở Huế 1963 là do bàn tay bên ngoài, chính quyền Ngô Đình Diệm không chịu trách nhiệm, Phật giáo đấu tranh là do mưu toan làm mất trật tự trị an, rối loạn xã hội để mở đường đảo chính, không có việc Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu mà chỉ là Hòa thượng đã bị giết chết từ trước rồi dàn cảnh tự thiêu…
Ở Mỹ, người ta mở hẳn một đài truyền hình mang tên “Người Việt quốc gia” để làm chuyện xuyên tạc lịch sử này. Còn trên mạng internet thì đầy dẫy, với sách vở, người ta cố gắng tạo ra thành ngữ “giặc thầy chùa”.
Thực ra không có “công trình” nghiên cứu lịch sử nào ra hồn, đáng đề cập đến. Mà thực ra, không thể tạo ra những công trình nghiên cứu nào được coi là giá trị, nên người ta bèn nói dối theo kiểu “Tăng sâm giết người” “Ngoài phố có cọp”, tức là tận dụng mọi cách thức, mọi cơ hội, cứ nói đi nói lại, lấy lòng tin từng chút một ở công chúng.
Mấu chốt của vấn đề phục hồi Ngô Đình Diệm, như đã nói, nằm ở vấn đề pháp nạn lịch sử 1963. Cho nên, có tô vẽ gì cho Ngô Đình Diệm, thì rồi cũng phải quay về với câu chuyện pháp nạn. Không có pháp nạn, không có đàn áp Phật giáo, thì chính quyền Ngô Đình Diệm từ chỗ bị cáo, tội phạm, trở thành nạn nhân của “âm mưu” gây “rối loạn” từ phía Phật giáo. Còn ghế quan tòa, thì nghiễm nhiên vào tay các Diemist, những kẻ theo Diệm.
Đối với những người Việt Nam đã sống vào những ngày tháng lịch sử của năm 1963, thì nói như thế không lừa gạt được ai. Đối tượng mà các Diemist muốn hướng tới là giới trẻ, là những người trưởng thành sau 1963, mà chỉ có thể biết lịch sử qua những trang sách và những lời kể lại. Càng đáng nói hơn khi đối tượng người trẻ đó là những người lớn lên ở nước ngoài. Không được học chương trình lịch sử trong nước, không có thì giờ học các công trình nghiên cứu lịch sử đúng đắn, lịch sử Việt Nam đối với họ là những file âm thanh mp.3 ghi lại từ lời kể chủ quan của vài “nhân chứng” giả mạo, những video clip ghi lại những cuộc hội thảo của các băng nhóm Diemist… Thế là đối với họ, không có pháp nạn, không có đàn áp Phật giáo mà chỉ có Phật giáo làm loạn, Phật giáo gây rối, Phật giáo “giặc thầy chùa”. Khi kết luận như thế về Phật giáo, những người trẻ, nhất là ở nước ngoài, sẽ rơi vào cái bẫy cải đạo. Ngô Đình Diệm là “minh quân”, là “anh hùng dân tộc”, thì Phật giáo, lực lượng đấu tranh với Diệm, quả là “giặc thầy chùa” không hơn không kém. Đó là lời khuyên cải đạo hay nhất, là cái bẫy kéo người ta ra khỏi đạo Phật thâm hiểm nhất.
Bạn đọc Nguyễn Kha nhắc tới “bên công giáo” trong phản hồi bài đăng trên mạng “Thất vọng về hoạt động đầu tiên kỷ niệm 50 năm Pháp nạn lịch sử 1963” cũng là vì vậy. Đây không chỉ là chuyện chính trị, chuyện lịch sử, mà là chuyện cải đạo, chuyện quan hệ tôn giáo trong thời hiện tại.
Nhưng suy cho cùng, vấn đề lịch sử, vấn đề chính trị cũng hết sức nóng bỏng. Ngô Đình Diệm trở thành “anh hùng dân tộc” thì Phật giáo Việt Nam trở thành cái gì? “Phản quốc”, đó là cách nói của Diemist. Vấn đề lại quay về các cốt lõi bài Phật giáo, Phật giáo “phản quốc” (với minh quân là Ngô Đình Diệm) thì muốn “phục quốc” phải tiêu diệt Phật giáo.
Bài pháp nạn, phản pháp nạn, phủ nhận pháp nạn 1963, là bài Phật giáo, chống Phật giáo, triệt tiêu Phật giáo.
Chúng ta cần lần ra đường dây thâm độc của hoạt động xuyên tạc lịch sử này.
Cái mà những Diemist cần không phải là chuyện tôn vinh, phục hồi Ngô Đình Diệm, không phải chỉ là chuyện bôi bẩn những trang lịch sử theo cách làm sử vỉa hè, chợ búa của họ, mà là họ hướng đến một mục tiêu thời sự: cải đạo tín đồ Phật giáo. Làm như thế tựu trung lại là để người cảm tình với Phật giáo Việt Nam xa lánh Phật giáo Việt Nam, người tín đồ Phật giáo thì rời bỏ Phật giáo Việt Nam. Khi trúng thuốc, coi Ngô Đình Diệm là “anh hùng dân tộc”, là “minh quân”, là “chí sĩ cứu nước”, thì Phật giáo Việt Nam trong mắt những người bị đầu độc vì lịch sử xuyên tạc có còn là gì nữa?
Ngô Đình Diệm là “anh hùng dân tộc” thì Phật giáo Việt Nam sẽ trở thành “phản dân tộc”, và như thế, thì cải đạo đi, còn phải chờ gì.
Vì những lý do trên, nếu Phật giáo Việt Nam để những ngày tháng kỉ niệm tròn 50 năm Pháp nạn lịch sử 1963 trôi qua trong im lặng, thì đó, là điều hết sức đáng tiếc, nếu không muốn nói là gián tiếp tiếp tay cho những lực lượng bài Phật giáo, xuyên tạc lịch sử dân tộc.
Những tên Diemist lưu vong sẽ lu loa lên rằng lịch sử là đúng như lời chúng nói, nên có ai dám lên tiếng đâu. Ngày 2/11/2013, bọn Diemist sẽ cử hành 50 năm ngày giỗ của Diệm Nhu và khẳng định vị trí lịch sử Diệm Nhu, trong tiếng nói duy nhất của họ, không có một sự kiện để đính chính.
Vì vậy, việc Phật giáo Việt Nam kỷ niệm trọng thể 50 năm Pháp nạn lịch sử 1963 là điều cần thiết để chống lại việc xuyên tạc lịch sử, để gương cao ngọn cờ chính nghĩa, ngọn cờ dân tộc của Phật giáo Việt Nam.
Bỏ qua dịp kỷ niệm Pháp nạn lịch sử 1963, đương nhiên kẻ có lợi duy nhất là những Diemist, những kẻ lưu vong trước sau chỉ muốn một điều là bài pháp nạn, phản pháp nạn, phủ nhận pháp nạn 1963. Còn dân tộc Việt Nam, Phật giáo Việt Nam bỏ qua một dịp để khẳng định lịch sử, làm sáng rõ lịch sử, tô đậm bài học lịch sử.
MT