Lời giới thiệu của người dịch
Mũi tên biểu trưng cho một sự đau đớn trên thân xác, nhưng cũng có thể là nguyên nhân gây ra một sự hoảng sợ trong tâm thần. Phật Giáo chủ trương một cá thể gồm có sáu giác quan, ngoài ngũ giác ra thì tri thức hay tâm thức cũng được xem như là một giác quan, đối tượng nhận biết của nó là xúc cảm, tư duy, ảo giác, kỷ niệm, trí nhớ, sự tưởng tượng, các giấc mơ, v.v…
Mũi tên đâm vào da thịt khiến người bị trúng tên đau đớn, thế nhưng cũng có thể khiến cho người này hoảng sợ, la hét, kinh hoàng, tức giận, oán trách, hoặc cũng có thể ngất xỉu. Trong bài kinh dưới đây Đức Phật gọi các xúc cảm đớn đau ấy là do một mũi tên thứ hai bắn trúng vào tâm thức mình, tức là xuyên vào cơ quan giác cảm thứ sáu của mình. Một người tu tập không để cho mũi tên thứ hai ấy bắn trúng mình và chỉ nhận biết sự đau đớn trên thân xác gây ra bởi một mũi tên duy nhất mà thôi. Hơn nữa người tu tập cũng xem sự đau đớn ấy không phải là thuộc của mình, không phải là mình, và đấy cũng là một phương cách khác giúp mình tự tách rời ra khỏi những khổ đau trong cuộc sống.
Điểm thứ hai mà Đức Phật nêu lên trong bài kinh này là một sự mở rộng liên quan đến phản ứng của chúng ta trước những giác cảm đớn đau. Thật vậy hằng ngày chúng ta bị không biết bao nhiêu mũi tên đủ loại nhắm bắn, có những mũi tên chỉ làm sướt da nhưng đôi khi cũng có những mũi tên phập vào chỗ nhược, và cứ mỗi mũi tên phập vào các giác quan trên thân xác thì lại còn kèm thêm một mũi tên thứ hai bắn vào tâm thức mình nữa. Thay vì nhìn thẳng vào những thứ đau đớn đó để tìm cách hóa giải chúng thì chúng ta lại tìm mọi cách khỏa lấp, che dấu và “bù đắp” chúng bằng lạc thú, và trong bài kinh này thì trong số các lạc thú ấy Đức Phật chỉ nêu lên dục tính là một hình thức lạc thú mạnh nhất mang tính cách bản năng.
Khổ đau theo Phật Giáo mang ý nghĩa thật sâu sắc và bao quát: từ những “khổ đau của khổ đau” tức là những sự đau đớn thô thiển nhất trên thân xác, cho đến những “khổ đau gây ra bởi vô thường” tức là khổ đau của sự bất toại nguyện, và cả những “khổ đau thật sâu kín” thuộc bản chất của sự hiện hữu, tức là khổ đau của sự hình thành trói buộc. Nếu mở rộng tầm nhìn thì chúng ta sẽ thấy rằng dưới một góc cạnh nào đó sự sinh hoạt của con người hầu hết là nhằm để khỏa lấp và bù đắp cho các thứ khổ đau mang tính cách hiện sinh trên đây: nào là âm nhạc, trò chơi điện tử, phim ảnh, quần áo phấn son, xe hơi bóng loáng… cho đến các lạc thú dục tính mà người ta thường gọi dưới một cái tên thật đẹp là “tình yêu”.
Bài kinh về Mũi Tên chuyển ngữ dưới đây được dựa vào hai bản tiếng Anh của Thanissaro Bikkhu và của Nianaponika Thera, một bản dịch tiếng Pháp của Michel Proulx và một bản Việt dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu.
Bài kinh về Mũi Tên
(Sallatha Sutta, SN 36.6)
(Tương Ưng Bộ Kinh/Samyutta Nikaya, PTS: S iv 207. CDB ii 1263)
“Này các tỳ kheo, một người bình dị không được học hỏi cảm biết được các giác cảm thích thú, đớn đau, không thích-thú-cũng-không-đớn-đau (trung hòa). Một môn đệ cao quý được hưởng sự giáo huấn cũng cảm biết được các giác cảm thích thú, đớn đau, không-thích-thú-cũng-không-đớn-đau. Vậy sự khác biệt ở đâu, sự cách biệt giữa họ như thế nào, và các yếu tố nào giúp để phân biệt giữa một môn đệ cao quý được hưởng sự giáo huấn và một người bình dị không được học hỏi?
“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là cội nguồn của những lời giáo huấn, là người giảng dạy và cũng là người bình giảỉ. [Vì thế] tốt hơn hết xin Đấng Thế Tôn hãy giải thích về ý nghĩa của câu ấy. [Nếu] được nghe chính Đấng Thế Tôn nói lên thì các tỳ kheo sẽ mãi mãi ghi nhớ những lời nói ấy.
– Này các tỳ kheo, vậy hãy chăm chú lắng nghe, Ta sẽ giảng.
Các tỳ kheo vâng dạ:
– Bạch Thế Tôn, chúng con xin lắng nghe.
Đấng Thế Tôn giảng rằng: “Một người bình dị không được học hỏi mỗi khi phải gánh chịu một giác cảm đau đớn, thì sẽ ta thán, oán trách, đau buồn, đấm ngực (hối tiếc vì mình đã lỡ lầm) và hoảng sợ. Đấy là cách mà người ấy cảm nhận hai sự đau đớn: trên thân xác và trong tâm thần. Chẳng khác gì như người ta bắn một mũi tên vào một người nào đó, sau đấy lại bắn thêm một mũi thứ hai: người này tất phải chịu sự đau đớn của hai mũi tên. Cũng thế, một người bình dị không được học hỏi mỗi khi phải gánh chịu một cảm nhận đớn đau thì sẽ ta thán, oán trách, đau buồn, đấm ngực và hoảng sợ. Đấy là cách mà người ấy cảm nhận cả hai thứ khổ đau: trên thân xác và cả trong tâm thần.
“Khi phải gánh chịu một giác cảm đau đớn thì một người không được học hỏi sẽ tìm cách kháng cự lại (cưỡng lại, không chấp nhận) sự đau đớn ấy. Người này sẽ không sao tránh khỏi bị ám ảnh bởi thái độ kháng-cự-bướng-bỉnh ấy của mình. Vì phải gánh chịu giác cảm đau đớn ấy [nên] người này tìm sự vui thích trong các lạc thú dục tính (với mục đích “che lấp” hay “bù đắp” các giác cảm đau đớn của mình). Tại sao lại như thế? Bởi vì một người bình dị không được học hỏi sẽ không thể tìm được một lối thoát nào khác hơn trước các giác cảm đau đớn của mình, ngoài các lạc thú dục tính. Khi đã tìm kiếm sự vui thích trong các lạc thú dục tính, thì người ấy tất sẽ bị ám ảnh bởi bất cứ một sự đam-mê-bướng-bỉnh nào đối với các lạc thú ấy. [Vì] không nhận biết được thật sự giác cảm [lạc thú] ấy bắt nguồn từ đâu, sự chấm dứt của nó là gì, sức quyến rũ của nó như thế nào, các tác hại của nó ra sao và đâu sẽ là lối thoát, [nên] người ấy luôn bị ám ảnh bởi sự vô-minh-bướng-bỉnh của mình đối với các giác cảm không-thích-thú-cũng-không-đớn-đau.
“Cảm nhận được sự thích thú, người ấy có cảm giác như mình gắn liền với nó (sự thích thú và mình là một). Cảm nhận được sự đau đớn, người ấy có cảm giác như mình gắn liền với nó. Cảm nhận được sự không-thích-thú-cũng-không đớn-đau, người ấy có cảm giác như mình gắn liền với nó. [Vì thế] có thể xem người ấy là một người bình dị không được học hỏi, một người gắn liền với sự sinh, già nua và cái chết, với đau buồn, ta thán, khốn cùng và tuyệt vọng. Này các tỳ kheo, Ta bảo rằng người ấy tự trói mình với khổ đau.
“Đối với một môn đệ cao quý được hưởng sự giáo huấn thì dù phải gánh chịu một giác cảm đau đớn thì cũng không ta thán, oán trách, đau buồn, không đấm ngực cũng không hoảng sợ. Vì thế người ấy cũng chỉ cảm nhận một sự đau đớn duy nhất trên thân xác, không có một sự đau đớn nào xảy ra trong tâm thần. Đấy cũng chẳng khác gì như người ta chỉ bắn một mũi tên vào một người nào đó, và sau đấy thì không bắn thêm một mũi tên nào khác nữa. Vì thế người ấy cũng chỉ cảm nhận sự đau đớn gây ra bởi một mũi tên duy nhất mà thôi. Cũng thế, một môn đệ cao quý được hưởng sự giáo huấn thì dù phải gánh chịu một giác cảm đau đớn thì cũng không ta thán, oán trách, đau buồn, không đấm ngực cũng không hoảng sợ. Người ấy chỉ cảm thấy đau đớn duy nhất trên thân xác, nhưng tâm thần thì không hề xao xuyến.
“Người này dù phải gánh chịu giác cảm đau đớn nhưng không tìm cách kháng cự lại. Người này sẽ không hề bị ám ảnh bởi sự kháng-cự-bướng-bỉnh của mình đối với sự cảm nhận đớn đau. Dù phải gánh chịu sự cảm nhận đớn đau thế nhưng người này không tìm kiếm sự vui thích trong các lạc thú dục tính. Tại sao lại như thế? Bởi vì một môn đệ cao quý được hưởng sự giáo huấn, sẽ quán thấy thật rõ ràng phương pháp giúp mình thoát ra khỏi các giác cảm đớn đau, khác hơn là bằng cách tìm kiếm các lạc thú dục tính. Vì không hề tìm kiếm sự vui thích trong các lạc thú dục tính, nên người ấy sẽ không bị ám ảnh bởi sự đam-mê-bướng-bỉnh của mình đối với các giác cảm thích thú. Nhờ quán thấy thật minh bạch nguồn gốc, sự chấm dứt, sự quyến rũ, các tác hại của các giác cảm ấy và cả phương cách thoát ra khỏi chúng, nên người ấy không còn bị chi phối bởi sự vô-minh-bướng-bỉnh của mình đối với các giác cảm ấy cũng như đối với thể dạng không-thích-thú-cũng-không-đớn-đau.
“Cảm nhận sự thích thú, người ấy cảm thấy mình tách rời ra với nó. Cảm nhận sự đau đớn, người ấy cảm thấy mình tách rời ra với nó. Cảm nhận được giác cảm không thích-thú-cũng-không-đau-đớn, người ấy cảm thấy mình tách rời ra với nó. [Vì thế] có thể xem người ấy như là một môn đệ cao quý được hưởng sự giáo huấn, đã tách ra khỏi sự sinh, sự già nua và cái chết, đã tách ra khỏi mọi thứ lo buồn, ta thán, đau buồn, khốn cùng và tuyệt vọng. Ta bảo cho các tỳ kheo biết rằng người ấy đã thoát ra khỏi khổ đau”.
Kệ
Đấy là sự khác biệt, sự chênh lệch, và cũng là các yếu tố giúp phân biệt giữa một môn đệ cao quý được hưởng sự giáo huấn và một người bình dị không được học hỏi.
Những ai đã quán thấy và [chăm lo] học hỏi sẽ không cảm thấy [trong tâm thần mình] một sự cảm nhận thích thú hay đớn đau nào, đấy là sự khác biệt về sự khôn khéo giữa một kẻ sáng suốt và một người bình dị.
Đối với một người được hưởng sự giáo huấn, thấu triệt được Dhamma (Đạo Pháp) và quán thấy được thật minh bạch [những gì sẽ xảy ra với mình] trong kiếp sống này và cả kiếp sống sau,
Thì những gì mang tính cách thích thú sẽ không thể mê hoặc được tâm thức người ấy, và những gì ghét bỏ cũng sẽ không thể tạo được một sự đề kháng nào của người ấy.
Dù có chấp nhận hay không chấp nhận những thứ ấy, thì cuối cùng chúng cũng tan biến hết, nào chúng có hề hiện hữu đâu!
Khi đã quán triệt được thế nào là sự ô nhiễm (của lạc thú) và thể dạng đau buồn (mang lại từ giác cảm), thì người ấy sẽ vượt lên trên mọi sự hình thành và đạt được Bến Bờ Bên Kia.