1. Dẫn nhập
Bảo vệ sự toàn vẹn và chính xác của Pháp bảo, của kinh điển Phật giáo là một vấn đề lớn của Phật.
Tình trạng hiện nay Phật giáo chúng ta thừa kế kho tàng kinh điển mà có nhiều ý kiến ngờ vực xuất xứ một số bản kinh, một số đoạn kinh văn cho rằng do người đời sau, thêm vào, tồn tại dị bản của một số bản kinh, không thể biết đâu là bản gốc, phát xuất từ chính kim khẩu của Đức Phật, là do chính người Phật giáo đã không thận trọng, quá dễ duôi, thiếu ý thức bảo vệ sự toàn vẹn, chính xác của kinh điển, tạo sơ hở cho việc sửa, đổi, thêm, bớt, ngụy tạo, xáo trộn kinh điển.
Dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu một bản kinh, trong đó, chính Đức Phật nói lên những nguyên tắc và yêu cầu bảo vệ sự toàn vẹn và chính xác của kinh điển.
2. Xuất xứ bài kinh
Bản kinh ở đây là phần trích từ Tăng chi bộ kinh, phẩm Phi Pháp (2) và Phẩm thứ mười một, bản điện tử từ trang web Phật giáo Nguyên thủy Theravada, là bản dịch do Hòa thượng Thích Minh Châu dịch.
3. Toàn văn bài kinh:
“Phẩm Phi Pháp (2)
33-42 Phi Pháp
33. – Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, nêu rõ phi pháp là pháp, sở hành của những vị ấy, này các Tỷ-kheo, đem lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Và hơn nữa, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo ấy tạo điều vô phước, và khiến cho diệu pháp biến mất.
34. Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, nêu rõ pháp là phi pháp, sở hành của những vị ấy, này các Tỷ-kheo, đem lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Và hơn nữa, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo ấy tạo điều vô phước, và khiến cho diệu pháp biến mất.
35-42. Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, nêu rõ phi luật là luật,… nêu rõ luật là phi luật,… Như Lai không nói lên, tuyên bố là Như Lai có nói lên, không tuyên bố là Như Lai không nói lên, … Như Lai có nói lên, tuyên bố là Như Lai không nói lên, không tuyên bố là Như Lai có nói lên, … Như Lai không thực hành, tuyên bố là Như Lai có thực hành,… Như Lai thực hành, tuyên bố là Như Lai không thực hành,… Như Lai không chế đặt, tuyên bố là Như Lai có chế đặt… Như Lai có chế đặt, tuyên bố là Như Lai không chế đặt… Sở hành của những vị ấy, này các Tỷ-kheo, đem lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Và hơn nữa, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo ấy tạo điều vô phước, và khiến cho diệu pháp biến mất.
XI. Phẩm Thứ Mười Một
1-10 Phi Pháp
1. – Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, nêu rõ phi pháp là phi pháp, các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, sở hành như vậy, đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đem lại hạnh phúc an lạc cho chư Thiên và loài Người. Và hơn nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy tạo phước đức và an trú diệu pháp này.
2. (Như số 1 trên, chỉ khác: “nêu rõ pháp là pháp”)…
3-10. Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, nêu rõ phi luật là phi luật… luật là luật… Như Lai không nói lên, tuyên bố là Như Lai không nói lên, … Như Lai có nói lên, tuyên bố là Như Lai có nói lên, … Như Lai không thực hành, tuyên bố là Như Lai không thực hành, … Như Lai có thực hành, tuyên bố là Như Lai có thực hành, … Như Lai không chế đặt, tuyên bố là Như Lai không chế đặt, … Như Lai có chế đặt, tuyên bố là Như Lai có chế đặt…Các vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, sở hành như vậy, đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đem lại hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người. Và hơn nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy tạo phước đức và an trú diệu pháp này.”
4. Mục tiêu của bài viết:
Giúp bạn đọc tiếp xúc trực tiếp nguyên văn và tìm hiểu qua một số phân tích sơ nét bài kinh Phật nói về việc bảo vệ, giữ gìn sự toàn vẹn và chính xác Pháp bảo, với một số việc làm rất cụ thể.
5. Bước đầu phân tích:
Nguyên văn bản kinh nói trên là bản dịch có lẽ là duy nhất hiện nay, và coi như đáng tin cậy.
Đọc bản kinh trích, người đọc dễ cảm thấy một sự khó khăn trong việc tiếp nhận. Bản kinh có rất nhiều dấu chấm lửng, tức dấu 3 chấm (…).
Những dấu chấm lửng đó là những đoạn bị lược bỏ bớt đi do lặp lại, mà để hiểu đoạn văn có dấu ba chấm đó, người đọc phải tham khảo đoạn văn ở trên để phục hồi đoạn bị lược bớt.
Theo chúng tôi, việc lược bớt văn kinh thay bằng dấu ba chấm chỉ nên thích hợp với hoàn cảnh in ấn khó khăn (như kinh Tăng Chi Bộ là vào đầu thập niên 1980, giấy in khan hiếm, sử dụng dịch vụ kỹ thuật in có nhiều trở ngại, cần thu gọn bản thảo).
Trong hoàn cảnh in ấn thuận lợi hơn, thì nên giữ nguyên bản kinh. Dấu ba chấm dùng nhiều như thế, với chú thích không rõ ràng, có thể tạo ra nhiều vấn đề trong việc tiếp nhận kinh điển. Người đọc có thể lúng túng, thậm chí sai lầm trong thao tác tự “điền vào chỗ trống” mà không có chú thích, hướng dẫn.
Việc khôi phục bản kinh chỉ bị lược đi những đoạn trùng lặp còn cần thiết như thế, huống chi là những đoạn kinh bị tự tiện sửa, đổi, thêm, bớt, thay tựa, xáo trộn phân đoạn, lắp ráp tạo kinh mới.
Trong bài kinh chúng ta đang tìm hiểu, một số trường hợp cụ thể đã được Đức Phật dẫn ra, trong đó, chuyện có phải nói đúng là có, chuyện không phải nói đúng là không, không được chuyện không nói có, chuyện có nói không, ứng với các nội dung như Luật, điều Như Lai nói, điều Như Lai từng tuyên bố, điều Như Lai thực hành, điều Như Lai chế đặt.
Sửa, đổi, thêm, bớt, thay tựa, xáo trộn văn bản, lắp ráp, ngụy tạo kinh mới là đã làm việc chuyện không nói có, chuyện có nói không. Điều này, dù vì lý do nào, dù từ động cơ nào, dù nhằm mục tiêu nào, cũng trực tiếp xâm phạm kinh Phật, làm kinh Phật không còn nguyên gốc, tất yếu là sẽ trái với ý Phật.
Đức Phật đã dự kiến trước đối tượng làm việc như trên là các vị tỷ kheo.
Chuyện không nói có, chuyện có nói không, dù bất cứ trường hợp nào đều là vọng ngữ, phạm giới, huống nữa đây là đối với kinh Phật, lời Phật, việc Phật, ý Phật.
Hậu quả của việc làm này, như Đức Phật đã chỉ ra, đó là: “Sở hành của những vị ấy, này các Tỷ-kheo, đem lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Và hơn nữa, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo ấy tạo điều vô phước, và khiến cho diệu pháp biến mất”.
Để tránh hậu quả như vậy, tất nhiên là phải giữ gìn sự toàn vẹn và chính xác của kinh Phật, không để xảy ra chuyện không nói có, chuyện có nói không, cụ thể là sửa, đổi, thêm, bớt, thay tựa, đảo lộn đoạn văn, ngụy tạo kinh mới.
6. Ứng dụng vào đời sống
Chúng ta tuyệt đối giữ đúng lời Phật dạy trong kinh, kinh có nói xác định kinh có nói, kinh không nói xác định kinh không nói, theo đúng nguyên bản kinh hiện còn, không sửa, đổi, thêm, bớt, thay tựa đề, câu, từ, không xáo trộn văn kinh, không tự tạo ra kinh mới. Cũng như không chấp nhận, thỏa hiệp với những việc làm như vậy, cho dù với bất cứ ai, bất cứ trường hợp nào.
7. Kết luận
Yêu cầu giữ gìn sự toàn vẹn, chính xác đã được Đức Phật thuyết rất rõ ràng, cụ thể và không có trường hợp ngoại lệ. Mọi việc sửa, đổi, thêm, bớt, tao ra sự thay đổi, sai lệch kinh Phật trong quá khứ điều là việc làm không đúng với kinh điển. Bản kinh mà chúng ta tìm hiểu không cho phép làm những việc Đức Phật đã nói không đối với tất cả mọi đối tượng (có thể hiểu là dù tổ sư, người đã chứng đắc cũng không được làm), vì sự tai hại của nó là “KHIẾN CHO DIỆU PHÁP BIẾN MẤT”.
MT
Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: [email protected], vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.