Trong Đại tạng kinh, có nhiều bài kinh bàn về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống, rất ý vị, sâu sắc và là bài học lớn cho tất cả chúng ta, mọi người trong xã hội nói chung, cũng như trong Phật giáo nói riêng.
Bài kinh được giới thiệu dưới đây bàn về một con khỉ tuổi cao, lại muốn giữ mãi ngôi vị lãnh đạo, không nhường cho ai cả, mà trái lại chặn đường tiến thân của ngay chính con cái của mình.
Đó là bài kinh “Chuyện ba pháp” (Tiền thân Tayodhama) trích từ Kinh Tiểu Bộ, tập IV, trong Đại Tạng kinh Việt Nam, HT. Thích Minh Châu dịch, nhà xuất bản TPHCM, 2001, từ trang 380:
“CHUYỆN BA PHÁP
(Tiền thân Tayodhammà)
Ai đầy đủ ba pháp…,
Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư đã kể về âm mưu ám hại.
Thuở xưa, khi vua Brahnadatta trị vì ở Ba-la-nại, Ðề-bà-đạt-đa sanh ra làm con khỉ, ở gần dãy Hy-mã-lạp Sơn, lãnh đạo một đoàn khỉ toàn do nó sanh ra. Vì sợ chúng lớn lên sẽ tranh giành quyền lãnh đạo đàn khỉ này, con khỉ đầu đàn liền dùng răng cắn và thiến chúng, khiến hột giống bị hoại diệt.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát cũng do duyên con khỉ ấy, nhập thai vào bụng một con khỉ cái. Con khỉ cái biết thai đã thành, muốn bảo vệ thai của mình, bèn đến một ngôi rừng dưới chân núi. Khi thai đến đúng ngày, nó sinh ra Bồ-tát. Bồ-tát lớn lên, đến tuổi trưởng thành, đầy đủ sức mạnh phi thường. Một hôm, Bồ-tát hỏi mẹ:
– Thưa mẹ, cha con đâu?
– Này con thân, cha con đang sống lãnh đạo đàn khỉ dưới chân núi.
– Thưa mẹ, hãy đưa con đến gần cha con.
– Này con thân, mẹ không thể đưa con đến gần cha con được. Cha con, vì sợ các khỉ con sẽ tranh giành lãnh đạo đàn khỉ, nên dùng răng cắn và thiến chúng, khiến hột giống hoại diệt.
– Thưa mẹ, hãy đưa con lại đấy. Con sẽ có cách!
Khỉ mẹ liền đem khỉ con đến gần khỉ cha. Vừa thấy con trai mình, con khỉ cha nghĩ rằng rồi đây con mình sẽ không cho mình lãnh đạo đàn khỉ, nay mình cần phải giết con bằng cách giả ôm hôn, rồi siết con thật chặt cho đến chết. Nghĩ vậy, nó nói:
– Hãy đến, này con thân, lâu nay con ở đâu?
Nói vậy, nó ôm hôn và siết khỉ con thật chặt. Nhưng Bồ-tát, với sức mạnh như voi đã siết chặt trở lại, khiến các xương khỉ cha như gãy nát. Khỉ cha suy nghĩ: “Con này, khi lớn lên sẽ giết ta. Với phương tiện nào, ta hãy giết nó trước đã! À, cách đây không xa, một hồ nước có quỷ là La-sát ở. Tại đấy, ta sẽ cho quỷ La-sát ăn nó!”. Nghĩ vậy, khỉ cha nói:
– Này con thân, ta nay đã già. Ta sẽ giao cho con lãnh đạo đàn khỉ này. Hôm nay, ta sẽ phong vương cho con. Tại chỗ nọ, có một hồ nước, trong hồ có hai loài hoa súng, ba loại hoa sen xanh, năm loại hoa sen trắng. Hãy đi hái và đem các hoa ấy về.
Bồ-tát nói:
– Lành thay, cha thân. Con sẽ mang hoa lại.
Nói xong, Bồ-tát ra đi, nhưng không xuống hồ gấp. Xung quanh hồ, Bồ-tát quan sát có dấu chân, chỉ có dấu chân xuống, không có dấu chân lên, Bồ-tát suy nghĩ: “Cái hồ này phải có quỷ La-sát trú ẩn! Cha ta không thể tự mình giết ta, muốn quỷ La-sát ăn thịt ta. Ta sẽ không đi xuống hồ này, vẫn lấy được hoa như thường”.
Bồ-tát đi đến một chỗ không có nước, lấy đà, nhảy từ bờ bên này, hái hai cái hoa mọc cao trên mặt nước, mà không dính nước, rồi hạ xuống bờ bên kia. Rối từ bờ bên kia, Bồ-tát nhảy đến bờ bên này, theo phương thức trước, bẻ hai cái hoa. Cứ như thế, từ cả hai bên bờ, Bồ-tát hái được nhiều hoa, chất thành hai đống, nhưng vẫn không xuống chỗ trú xứ của quỷ La-sát.
Ðến khi không thể nhảy qua hồ nưóc hái hoa được nữa, Bồ-tát gom lấy các hoa ấy, chất thành đống, để tại một chỗ. Con quỷ La-sát kinh ngạc suy nghĩ: “Lâu nay, chưa bao giờ ta thấy một người nào sáng suốt, kỳ diệu như vậy. Các hoa sen được con khỉ này hái như ý muốn, mà nó vẫn không xuống trú xứ của ta”. Rồi quỷ La-sát rẽ nước đi lên, đến bên Bồ-tát và nói:
– Này khỉ chúa, trong hồ này, ai có được ba pháp, vị ấy sẽ chiến thắng kẻ thù. Ta nghĩ rằng tất cả pháp ấy ngài đếu có đủ.
Quỷ La-sát đọc bài kệ:
Ai đầy đủ ba pháp,
Này khỉ chúa như ngài,
Thiện xảo và anh hùng,
Ðầy đủ cả trí tuệ,
Ngài đủ ba pháp ấy,
Ðánh bại được kẻ thù.
Như vậy, quỷ La-sát trong hồ ấy đã tán thán Bồ-tát với bài kệ này và hỏi:
– Ngài lấy các hoa này làm gì?
– Cha ta muốn phong vương cho ta, do lý do này, ta lấy hoa.
– Một bậc sáng suốt như ngài không nên hái hoa và mang hoa, tôi sẽ hái và mang cho ngài.
Rồi nó nhổ hoa lên và mang hoa đi theo sau lưng Bồ-tát. Con khỉ cha ở đằng xa thấy Bồ-tát, liền nghĩ: “Ta giục nó đi để quỷ La-sát ăn thịt nó. Nay nó lại an toàn trở về với quỷ La-sát mang hoa cho nó! Ta bị nguy hại rồi”.
Nghĩ đến đó, quả tim nó vỡ thành bảy mảnh và nó mạng chung tại chỗ. Ðàn khỉ còn lại hội họp và tôn Bồ-tát lên làm vua.
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện, và nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, chúa của đàn khỉ là Ðề-bà-đạt-đa, còn con trai của chúa đàn khỉ là Ta vậy”
Sau phần kinh văn, dưới đây là phần phân tích:
Nhân vật con khỉ đầu đàn trong bài kinh, tiền thân của Đề Bà Đạt Đa, kẻ mặc áo cà sa hại Phật, đã được miêu tả như là một con thú tham quyền lãnh đạo đến mức cùng cực, dù đã lớn tuổi (sanh đẻ nhiều khỉ con). Do lòng tham quyền cố vị cùng cực này, khỉ chúa đã dùng một thủ đoạn hết sức tàn nhẫn đối với những con khỉ trẻ là con của khỉ chúa: “Vì sợ chúng lớn lên sẽ tranh giành quyền lãnh đạo đàn khỉ, con khỉ đầu đàn liền dùng răng cắn và thiến chúng, khiến hột giống bị hoại diệt”.
Chúng ta nghe lời kể mà lạnh mình. Tục ngữ có câu “đau như hoạn”. Mà mục đích ở đây lại là làm tàn đời chính con cái mình. Như thế, ngôi vị, quyền lực, chức vụ đã biến nhân vật con khỉ đầu đàn thành một con quỷ, hành động cực kỳ man rợ “dùng răng cắn và thiến chúng [khỉ trẻ], khiến hột giống bị hoại diệt.
Không chỉ “cắn và thiến”, con khỉ đầu đàn tham quyền cố vị, tiền thân của Đề Bà Đạt Đa còn toan tính giết hại khỉ con. Ở trường hợp cụ thể trong bài kinh khỉ chúa bày cách triệt khỉ trẻ 2 lần.
Lần thứ nhất: “Vừa thấy con trai mình, con khỉ cha nghĩ rằng rồi đây con mình sẽ không cho mình lãnh đạo đàn khỉ, nay mình cần phải giết con bằng cách giả ôm hôn, rồi siết con thật chặt cho đến chết”. Cách này thất bại, vì khỉ con quá mạnh, phản ứng lại “khiến các xương khỉ cha như gãy nát”.
Lần thứ hai, khỉ chúa “mượn dao giết người”, dùng la sát giết khỉ con. Câu chuyện dẫn đến một tình huống đầy kịch tính. Khỉ trẻ đấu trí với La sát một cách cam ro và cuối cùng chinh phục la sát. Theo quỷ la sát khỉ trẻ là người tài năng có đủ 3 đức tính: thiện xảo, anh hùng và trí tuệ:
“Quỷ La-sát đọc bài kệ:
Ai đầy đủ ba pháp,
Này khỉ chúa như ngài,
Thiện xảo và anh hùng,
Ðầy đủ cả trí tuệ,
Ngài đủ ba pháp ấy,
Ðánh bại được kẻ thù”
Bài kinh kết cục bằng cái chết của khỉ chúa, kinh hoàng vì ngôi vị của nó bị tài năng của khỉ trẻ đe dọa. Không ai giết nó cả. Đây là một kết cuộc bi thảm của lòng tham quyền cố vị: “Nghĩ đến đó, quả tim nó vỡ thành bảy mảnh và nó mạng chung tại chỗ. Ðàn khỉ còn lại hội họp và tôn Bồ-tát lên làm vua”.
Bài học ở đây là bài học muôn thuở của người lãnh đạo. Muốn lãnh đạo phải có tài, có trí, có dũng và khéo léo (thiện xảo). Trong bài kinh, khỉ trẻ phải vượt qua 2 lần thử thách: dùng sức mạnh chống lại cú ôm siết của khỉ chúa và dùng trí khôn để chinh phục quỷ la sát, hái được hoa.
Câu chuyện đàn khỉ là câu chuyện của xã hội, của tổ chức thu nhỏ. Từ lời Phật dạy, chúng ta được dạy là khi tuổi đã cao, nên nâng đỡ lớp trẻ, đưa họ lên kế tục sự nghiệp và cứ thế qua các thế hệ. Cố gắng sửa đổi quy luật đó là tự hại mình, thì thời gian không hề dừng lại. Chuyển dịch quyền lực lãnh đạo êm đẹp là lợi ích của tất cả các bên, hơn là “cắn và thiến” rồi giết bằng đủ cách để kết thúc “quả tim nó” (khỉ chúa) vỡ thành bảy mảnh như trong bài kinh.
MT
(1) Phản hồi, thông tin riêng: [email protected], facebook.com/cusiminhthanh.