1. Dẫn nhập:
Có một xu hướng, vẫn hiểu đạo Phật như là một đạo không chỉ bày lỗi của người.
Vì vậy, có lần tôi đối mặt với câu hỏi, đạo Phật khuyến khích không chỉ bày lỗi của người, thì trong trường hợp biết rõ việc phạm tội, nhưng không “chỉ bày”, không nói gì đến, không cung cấp thông tin, thì liệu có rơi vào tình thế che giấu tội lỗi, nếu là đối với tội phạm thì đã không khai báo tội phạm không.
Trước việc lên tiếng chỉ ra hành động sửa, đổi, thêm bớt, xáo trộn kinh Phật với mục tiêu ngăn chặn, cũng có ý kiến khuyên tôi hãy “không chỉ bày lỗi người”.
Vậy không chỉ bày lỗi người có phải là một nguyên tắc lớn của đạo Phật?
Không chỉ bày lỗi người, tức là im lặng trước việc phạm lỗi. Việc im lặng đó có dẫn đến tình trạng đồng lõa với việc phạm lỗi không, cũng như rơi vào tình trạng vọng ngữ, vì “chuyện có nói không”, khi im lặng là một cách nói?
Thực ra, đạo Phật là đạo sự thật, không thể dạy im lặng trước tội lỗi. Nghĩ rằng đạo Phật dạy cứ thấy người phạm lỗi là im lặng thì oan cho đạo Phật.
“Phẩm Vô Phạm”, “Kinh Tăng Chi bộ”, cho thấy rất rõ quan điểm của Đức Phật về việc này.
2. Tên kinh: Phẩm Vô Phạm thứ XII
3. Xuất xứ: Văn bản phẩm bài kinh được dùng để phân tích ở đây có xuất xứ từ kinh Tăng chi bộ – chương I, Phẩm 01-14 là bản dịch điện tử trên trang budsas.org.
4. Toàn văn bài kinh:
“XII. Phẩm Vô Phạm
1-20 Vô Phạm
1. – Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, nêu rõ không phạm là có phạm, những Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, với sở hành như vậy, đưa lại bất hạnh cho đa số, không an lạc cho đa số, không lợi ích cho đa số, đưa lại bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Và hơn nữa, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo ấy, tạo điều vô phước và khiến cho diệu pháp biến mất.
2. (Như số 1 trên, chỉ thế vào: “nêu rõ có phạm là không phạm”)…
3-10 . Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, nêu rõ tội nhẹ là tội nặng…. tội nặng là tội nhẹ… tội thô trọng là tội không thô trọng… tội không thô trọng là tội thô trọng… tội có dư tàn là tội không dư tàn… tội không dư tàn là tội có dư tàn… tội có thể sám hối là tội không có thể sám hối… tội không có thể sám hối là tội có thể sám hối. Những Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, với sở hành như vậy, đưa lại bất hạnh cho đa số, không an lạc cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa lại bất hạnh đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Và hơn nữa, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo ấy, tạo điều vô phước và khiến cho diệu pháp biến mất.
11. Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, nêu rõ không phạm tội là không phạm tội. Những Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, với sở hành như vậy đưa lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đưa lại hạnh phúc an lạc cho chư Thiên và loài Người. Và hơn nữa, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo ấy tạo điều phước đức và khiến cho diệu pháp được an trú.
12. (Như số 11, chỉ thế vào: “nêu rõ phạm tội là phạm tội”)…
13-20. Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, nêu rõ tội nhẹ là tội nhẹ… tội nặng là tội nặng… tội thô trọng là tội thô trọng… tội không thô trọng là tội không thô trọng … tội có dư tàn là tội có dư tàn… tội không dư tàn là tội không dư tàn… tội có thể sám hối là tội có thể sám hối… tội không có thể sám hối là tội không có thể sám hối. Những Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, với sở hành như vậy, đưa lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đem lại hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người. Và hơn nữa, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo ấy tạo điều phước đức và khiến cho diệu pháp được an trú”.
5. Vài nét phân tích:
Bài kinh phản ánh một quan điểm có tính chất nền tảng của đạo Phật, là trung thực, nói đúng sự thực, có nói có, không nói không. Chẳng những vậy, còn yêu cầu chính xác về mức độ, nói đúng mức độ của việc phạm lỗi.
Phẩm kinh nhằm cụ thể vào đối tượng “tỷ kheo”, nhưng tinh thần nội dung kinh là chung cho toàn thể người tin Phật.
Như vậy, Kinh Phật không phải dạy thấy người phạm lỗi, phạm tội thì im lặng, “không chỉ bày”, không nói đến.
Nếu để xảy ra trường hợp dẫn đến cách hiểu “nêu rõ có phạm là không phạm” thì được coi là việc làm: “đưa lại bất hạnh cho đa số, không an lạc cho đa số, không lợi ích cho đa số, đưa lại bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Và hơn nữa, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo ấy, tạo điều vô phước và khiến cho diệu pháp biến mất.”
Lời văn kinh rõ ràng, cụ thể, chính xác, không có gì để có thể nghi ngờ, tranh cãi, suy luận sai lạc.
Như Đức Phật vẫn xác định, phải nói đúng sự thật, có nói có, không nói không, chính xác về mặt đặc điểm, phân loại, tính chất, mức độ sự việc, là “tạo điều phước đức và khiến diệu pháp được an trú”.
Như thế, nếu biết người có lỗi, có thể phát hiện, nhưng không nói, là việc làm hoàn toàn trái với tinh thần đạo Phật.
Đạo Phật không dạy làm ngơ, đóng giả không biết, lẫn tránh không nói đối với việc phạm lỗi của mình, của người, không của riêng ai.
Trái lại, trong mọi trường hợp cần phải nói một cách chính xác, đúng đắn, trung thực, không sửa, đổi, thêm bớt, có nói đúng là có, không nói là đúng không.
Nguyên tắc chánh ngữ của đạo Phật không có ngoại lệ. Nói không đúng về bất cứ điều gì, trong đó có việc phạm lỗi, phạm tội của bất cứ ai, mình hay người đều là tà ngữ.
Nguyên tắc này, đối với Kinh Phật còn càng phải áp dụng triệt để, tuyệt đối không được sửa, đổi, thêm bớt theo ý riêng của bất cứ ai.
MT
Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: [email protected], vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.