Trang chủ Tu học Lời Phật dạy Bài kinh Phật bàn về "cân bằng quyền lực"

Bài kinh Phật bàn về "cân bằng quyền lực"

171

I. Dẫn nhập

“Cân bằng quyền lực” là một khái niệm khá mới. Hiện nay, vấn đề cân bằng quyền lực được đề cập nhiều trong chính trị học, trong khoa nghiên cứu về quan hệ quốc tế. Khái niệm này khá tinh tế, để hiểu nó cần một trình độ tương đối.

Tuy nhiên, cách nhìn cân bằng quyền lực đã có từ hơn 25 thế kỷ trước qua kinh Phật. Cụ thể là bài kinh “Chuyện con cọp”.

II. Xuất xứ bài kinh

Bài kinh “Chuyện con cọp (Tiền thân Vyaggha)” thuộc Kinh Tiểu bộ, tập VI, trong Đại Tạng kinh Việt Nam, Trần Tuấn Mẫn dịch từ bản tiếng Anh, Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội 2002. Bài kinh được đánh số 272, nằm ở trang 50.

III. Nguyên văn bài kinh:

Chuyện con cọp (Tiền thân Vyaggha)

 
 

Nếu do gần bạn tri âm..,

Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ-Viên về Kokàlika.

Các tình tiết của câu chuyện này sẽ được kể trong chương mười ba và Tiền thân Takkàriya số 481. Ở đây, Kokàlika lại nói:

– Ta sẽ đem Sàriputta (Xá-lợi-phất) và Moggallàna (Mục-kiền-liên) theo với ta.

Vì thế, sau khi rời xứ sở của Kokàlika, ông ta đi đến Kỳ-Viên, vào đảnh lễ bậc Ðạo Sư rồi đi tiếp đến các vị Trưởng lão. Ông ta nói:

– Này các Hiền giả, dân chúng ở xứ của Kokàlika muốn mời các Hiền giả, chúng ta hãy đến đó đi.

– Hiền giả hãy đi đi, chúng tôi không đi đâu! Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên trả lời.

Sau lời từ chối này, Kokàlika ra đi một mình.

Các Tỷ-kheo bắt đầu bàn tán chuyện ấy trong Pháp đường:

– Này Hiền hữu, Kokàlika không thể sống với Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, và cũng không thể sống mà không có các vị ấy! Ông ta không chịu đựng nỗi sự chung đụng với họ.

Bậc Ðạo Sư bước vào và hỏi mọi người đang bàn tán chuyện gì. Họ kể lại cho Ngài nghe. Ngài dạy:

– Xưa kia, cũng như bây giờ, Kokàlika không thể sống với Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên cũng không thể sống mà không có hai vị ấy.

Rồi Ngài kể một câu chuyện đời xưa.

Ngày xưa, khi Brahmadatta làm vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát là một vị thần cây sống trong một khu rừng nhỏ. Không xa trú xứ của ngài bao nhiêu, có một vị thần cây khác sống trong một rừng rậm. Khu rừng rậm này lại là chỗ ở của một con sư tử và con hổ. Vì sợ chúng, không ai dám đến đó gieo trồng hoặc đốn cây, ngay cả dừng chân liếc qua chỗ đó cũng chẳng ai dám. Sư tử và hổ ăn thịt mọi loài. Thịt ăn còn dư, chúng vứt bỏ lại rồi đi. Vì thế khu rừng đầy cả thịt bốc mùi hư thối.

Vị thần kia điên tiết lên, chẳng kể phải quấy gì nữa, một hôm đã đến nói với Bồ-tát:

– Thưa Hiền giả, cả rừng kia đầy mùi hôi thối vì con sư tử và con hổ kia. Tôi sẽ đuổi chúng đi.

Bồ-tát bảo:

– Này Hiền giả, chính hai con thú ấy đã bảo vệ chỗ ở của chúng ta đấy! Một khi chúng bị đuổi đi thì chỗ ở của chúng sẽ bị hoang tàn. Nếu người ta không thấy dấu vết của hổ và sư tử thì họ sẽ tới đốt hết rừng, làm tất cả thành một khoảng đất trống để trồng trọt. Xin Hiền giả chớ làm thế!

Rồi Ngài đọc hai bài kệ đầu:

Nếu do gần bạn tri âm,

Bình an có thể bị làm tiêu tan,

Còn gì cao trọng cho hơn

Như tròng con mắt người khôn giữ gìn.

 

Nhưng khi bạn tri âm thực sự

Làm tăng thêm mức độ bình an;

Hãy làm đời bạn an khang,

Hãy thương đời bạn như thương đời mình.

Tuy Bồ-tát đã giảng giải như thế, vị thần cuồng si kia cũng chẳng để tâm. Thế rồi một hôm, ông hiện hình thật khủng khiếp, đuổi sư tử và hổ đi. Chẳng bao lâu, dân chúng không thấy vết chân hai con thú kia nữa, họ đoán rằng sư tử và hổ có lẽ đã bỏ đi sang rừng khác và họ chặt đi một phía rừng. Bấy giờ, vị thần kia mới đến gặp Bồ-tát và nói:

– Ôi thưa Hiền giả, tôi đã không theo lời Hiền giả mà lại đuổi hai con thú ác kia đi. Bây giờ người ta nhận ra rằng chúng đã ra đi và họ đang đốn hạ cả khu rừng. Chúng ta phải làm gì bây giờ đây?

Thần được trả lời rằng hai con thú ấy đang sống ở một khu rừng kia, phải đến đó mà tìm chúng về. Vị thần kia làm theo như thế. Ðứng trước hai con thú, thần kính cẩn chào rồi đọc bài kệ thứ ba:

Xin quay trở lại rừng già,

Ðể rừng khỏi bị san ra đồng bằng.

Bạn đi, rìu sẽ hạ rừng,

Không rừng, mãi mãi bạn không có nhà!

Hai con thú khước từ lời thỉnh cầu và bảo:

– Ði đi, chúng tôi không đến đó đâu!

Thế là vị thần kia phải trở về một mình. Chỉ sau một vài ngày, dân chúng đã đốn hết rừng, làm thành một đồng ruộng để cày cấy trồng trọt.

Khi kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết Tứ Ðế và nhận diện Tiền thân:

– Lúc bấy giờ Kokàlika là vị thần cuồng si, còn vị thần trí tuệ kia là Ta

IV. Bước đầu phân tích

Bài kinh cung cấp cho chúng ta một cái nhìn trí tuệ.

Đạo Phật lánh xa việc sát sinh và tất nhiên không chấp nhận kết quả của việc sát sinh. Việc có vị thần cây muốn đuổi hổ và sư tử ra khỏi rừng vì mùi hôi thối kết quả của sát sinh tưởng chừng như là phù hợp với đạo Phật. Nhưng thật ra không phải vậy.

Bài kinh nhìn thấy ở những con ác thú tác dụng bảo vệ rừng cây, là nơi cư trú của thần cây, và đương nhiên, dù không nói ra, là nơi cư trú của muôn loài.

Đàng sau mặt tiêu cực, nếu nhìn bằng đôi mắt trí tuệ, có thể có mặt tích cực. Và mặt tích cực phía sau đó mới thật sự cần thiết.

Nhìn sâu hơn, ở một tầng nghĩa khác, đó là sự cân bằng quyền lực. Cân bằng quyền lực sẽ đưa đến một sự ổn định, dù chỉ tạm thời. Trong bài kinh, sự cân bằng quyền lực do hổ và sư tử đã đưa đến cân bằng tạm thời về sinh thái, do đó, đem đến cuộc sống ổn định cho các vị thần cây.

Bài kinh cũng cho thấy sự ràng buộc lẫn nhau, tưởng là ngẫu nhiên, nhưng rất tất nhiên trong đời sống.

Bài kinh dùng cả hình tượng nghệ thuật lẫn thuyết lý trực tiếp. Lời của vị thần cây trí tuệ, tiền thân Đức Phật:

Nhưng khi bạn tri âm thực sự

Làm tăng thêm mức độ bình an;

Hãy làm đời bạn an khang,

Hãy thương đời bạn như thương đời mình”.

Khi đó, sự an nguy của người khác lại trở thành chính là sự an nguy của bản thân mình, và nếu thiếu trí tuệ thì sẽ không thấy điều đó.

Ở khía cạnh cân bằng quyền lực, thì khi cân bằng quyền lực bị phá vỡ, nó sẽ tạo nên tình trạng lỗ hỏng quyền lực, vốn dĩ là một tình trạng có thể rất bất lợi, làm xoay chuyển hiện trạng theo hướng xấu đi. Câu chuyện được kể trong bài kinh cho thấy điều tiêu cực đó.

Từ 25 thế kỷ trước, Đức Phật đã thấy ở ác thú giá trị cân bằng sinh thái. Ngày nay, chúng ta biết rằng một khu rừng chỉ có thú ăn lá cây thì sự sinh sôi tự do, mạnh mẽ thú ăn lá cây có thể gây ra vấn đề tiêu cực cho khu rừng. Trong bài kinh, thì thú ăn thịt và hậu quả ăn thịt có tác dụng ngăn chận việc phá rừng của con người, điều ngày nay vẫn còn giá trị.

Trong kinh Phật, chúng ta đã thấy được sự tranh chấp xung đột giữa con người và thiên nhiên, vào cái thời cách đây 2500 năm, khi con người chưa quá đông đảo như bây giờ. Bài kinh gợi ý thức về bảo vệ rừng, gián tiếp không tán thành phá rừng làm rẫy, thấy được tác dụng tích cực của rừng trong đời sống muôn loài.

Bài kinh có nhiều tầng nghĩa, càng đọc càng thú vị, trên hết là sự khôn ngoan, trí tuệ, thấy được mối liên hệ sự vật, thấy được chiều sâu của vấn đề.

Bài kinh cũng mang đến cho chúng ta một cái nhìn đa chiều về đạo Phật. Đạo Phật không chỉ có cái nhìn lên án sát sinh một chiều, xa lánh hậu quả của sát sinh. Trong một số bối cảnh nhất định, sát sinh lại có tác động tích cực, có thể chấp nhận, như trường hợp gián tiếp bảo vệ rừng của hổ và sư tử trong bài kinh.

Bài kinh cũng mang đến cho chúng ta cái nhìn tôn trọng đặc điểm của tự nhiên. Như đối với câu chuyện trong bài kinh, không thể yêu cầu cọp hay sư tử không ăn thịt. Một việc đề kháng với tự nhiên, sửa đổi tự nhiên có thể mang lại bất lợi.

Bài kinh cho thấy thêm tài Đức Phật trong việc viết truyện ngụ ngôn. Câu chuyện kể trong bài kinh có thể coi là vượt tầm của Ê dốp về sự tinh tế, trí tuệ, sâu sắc.

V. Ứng dụng vào cuộc sống

Trước một sự kiện, có thể có những cái nhìn khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Bài kinh dạy chúng ta cái nhìn nhân duyên, biện chứng, thấy được bản chất của vấn đề, thấy được giá trị ở chiều sâu, thay vì chỉ nhìn bề mặt, cạn cợt bị ràng buộc hay đánh lừa bởi hiện tượng.

Bài kinh là thông điệp về sự cân bằng quyền lực.

Chúng ta cần nhận ra sự cân bằng này, tránh phá vỡ nó mà không nhìn xa trông rộng. Điều này ứng dụng vào rất nhiều trường hợp trong cuộc sống.

Bài kinh chứa đựng triết lý sâu sắc về trí tuệ. Thiếu trí tuệ, ta sẽ tự làm hại ta, mà không biết, cứ tưởng là làm lợi.

Cụ thể hơn, bài kinh có thể ứng dụng vào việc bảo vệ rừng, bảo vệ đời sống tự nhiên của động vật.

VI. Kết luận

Bài kinh là một ví dụ điển hình cho sự phong phú, đa dạng đến mức tột cùng kỳ diệu của đạo Phật. Đọc bài kinh này, chúng ta càng hiểu về “bất định pháp” mà Đức Phật dạy. Về cơ bản, sát sinh và hậu quả của nó là xấu, nhưng trong những trường hợp đặc thù, cụ thể, như được kể trong bài kinh, thì hậu quả sát sinh lại có lợi, nên chấp nhận mà duy trì.

Ý nghĩa, tác dụng của sự việc nên được xem xét trong mối liên hệ với hoàn cảnh, vì vậy, đương nhiên là bất định. Tuy vậy, trên hết vẫn là sự cố định của nền tảng trí tuệ, nhìn xa trông rộng.