Con trai yêu của mẹ!
Mới ngày nào đây, khi mẹ dắt con đến lớp mẫu giáo của cô Kim Phú, ở cái vùng núi xã xôi hẻo lánh, huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi. Buổi đầu tiên hôm ấy, con không nói gì mà sao mẹ lại thấy trong con đầy tâm trạng với cậu bé chỉ mới lên 6. Mẹ biết! Con hồi hộp vô cùng, khi con cứ mở ra, đóng vào cái cặp đựng vở đến hàng chục lần. Mẹ đã nhận ra rằng những ngày tháng tưởng chừng vô tận của thời thơ ấu ấy đã trôi qua thật nhanh, và nhanh quá con hả, nó nhanh đến nỗi mẹ không nghĩ đã qua rồi 18 năm ….
Rồi cũng trở lại hiện tượng của 18 năm trước đó, cũng lại một buổi sáng như hôm nay (14/9/2007) mẹ lại một lần nữa đưa con đến trường. Nhưng ngôi trường lần nầy không còn là ngôi trường thời thơ ấu của con, mà đây là ngôi trường khẳng định tương lại và cuộc đời con. Nơi đây sẽ trang bị cho con những kiến thức để con tự khẳng định mình trong xã hội. Con yêu! “Con đi vào đời như đi vào trong mưa gió, bão táp. Mẹ không thể nào che chở cho con được, nếu cơn bão kia quá sức của mẹ. Do vậy, con hãy cố gắng tự che cho mình mà bước đi vững chãi con nhé!”
Chia tay con tại cổng trường ĐHKT Thành phố HCM, khi con nói: “ Mẹ ở ngoài chờ con, khi nào con học xong con gọi cho mẹ đến đón”, vụt thoáng cái con bước nhanh vào cổng trường, mẹ dõi theo bóng dáng con mà lòng dâng lên niềm tự hào lẫn niềm lo vô hạn . Khi thấy con lần đầu đi học xa cha mẹ hàng ngàn cây số.
Ba giờ liền ngồi nhấm nháp tách cà phê trước cổng trường. Mẹ đang chờ con mà giống như một người bạn gái chờ “người yêu đến”… Cái buổi đầu, con mới đi học, tâm trạng mẹ lo, nhưng lại là mối lo khác, lo rằng: không biết con có quen với các bé cùng lớp không? Có thích cô giáo không, có tiếp thu được chữ cô dạy không? ngày nào mẹ cũng mong đến giờ đón con và hỏi cô giáo con có ngoan không? Đáp lại mẹ là nụ cười tươi tắn nở trên môi cô, mẹ biết là con trai của mẹ rất ngoan…
Giờ đây, trầm ngâm bên ly cafe trong dòng người nhộn nhịp của Sài Thành mà mẹ không hề thấy náo nhiệt, tâm thức chỉ nghĩ đến con mình, sẽ học ở đây và rồi cuối năm mới trở về thăm cha mẹ một lần. Mẹ còn nhớ những buổi sáng, con chào mẹ, chào bố, đưa tay vẫy em rồi con cùng mẹ đến trường tiểu học Trần Hưng Đạo. Nhưng bắt đầu từ đây, những ngày tháng ấy chỉ còn là ký ức đẹp trong tim mẹ, và cái kỷ niệm tuổi thơ đáng yêu của con sẽ dần kết thúc, vì con sẽ có thế giới riêng đang chờ đón con trong tương lại.
Con à! Có lẽ mẹ là một trong những người hạnh phúc nhất trong tất cả những người phụ nữ hạnh phúc là vì có 2 con vừa ngoan lại vừa học giỏi. Và sở dĩ mẹ chọn công việc hơi vất vả nầy trong thời điểm nầy cũng đều là thời điểm có tính chất bước ngoặc trong cuộc đời con. Vì bảo đảm kinh tế ổn định cho hai con đi học mẹ phải làm cái công việc vất vả hơn. Sự thăng tiến trong công việc và cái thu nhập cao hơn của mẹ có khi lại làm các con chịu thiệt thòi hơn là vì “Mẹ không có nhiều thời gian để nhớ về các con”.
Mẹ ước gì được nhìn lại ngày thơ ấu của con khi con nghịch nước trong đôi ủng màu đỏ, hay thêm một lần mẹ đọc cho con nghe bài thơ “Làm anh”. Mẹ đã dạy cho con điều hay này, và chính từ đây mà con điều gì cũng nhường nhịn em mình. Mẹ hiểu, con chịu thua em con là vì thương và muốn em con vui…. Mẹ thương con nhất, bởi vì con rất yêu em. Từ bé đến giờ mẹ chưa lần nào nghe con mắng em một câu, hay đánh em một cái. Có phải lời dạy của mẹ đã thấm sâu tận đáy lòng con không?
Ngày bố và em tiễn con lên tàu cùng với mẹ. Con chưa đến trường ĐHKT và mẹ cũng không biết chính xác phương pháp dạy học của ngôi trường nầy thế nào? Cứ mỗi lần như thế thì mẹ lại nhớ về thời thơ ấu của con ngày xưa.
Ngày ấy mẹ dạy con không dựa trên phương pháp của Palmer, nhưng con đã học rất tốt bằng cách con viết tên con trên vỉa hè bằng phấn, lại còn viết chữ hoa để cho nó có vẻ quan trọng. Và bằng phương pháp dạy của mẹ, con đã nắm được sắc thái của ngôn ngữ Việt Nam. Một lần con hỏi mẹ: Tại sao mẹ lại gọi con là “con yêu của mẹ” khi chúng ta cùng nhau đọc truyện “ Thiên tài nhỏ” và khi con giúp đỡ mẹ những công việc vừa sức. Rồi mẹ lại giải thích ngay cho con hiểu (Đó là một từ biểu lộ sự “thân thiết” và một từ “khen ngợi” để tặng con). Lúc đó dường như mẹ đoán được mẹ đã làm cho con vui và thỏa mãn điều con muốn biết.
Mẹ đã chờ đợi ngày hôm nay biết bao và mẹ vui sướng đến rơi nước mắt khi nhìn thấy con “ Khoát trên người con chiếc áo thể thao có in dòng chữ “ ĐHKT TP. HCM”. Mẹ đã tự hào và hãnh diện về con biết chừng nào. Lần nầy mẹ lại nhớ cái buổi chờ đợi ngày đầu tiên đưa con đi “mẫu giáo” Ngay khi đến lớp con đã nhìn thấy cái móc áo choàng có tên “Pi”, rồi con quay ra ôm mẹ thật chặt.Mẹ biết rằng đã đến lúc mẹ phải tạm biệt con, để con một mình ở lại trong lớp học chứa chan bao đều mới lạ.
Trời Sài Gòn không có mùa Đông, không có cảm giác lạnh lẽo, nhưng có lúc con cảm thấy mình se lạnh vì thiếu sự chăm sóc của mẹ như khi con còn ở nhà, thiếu miếng ngon từ tay mẹ nấu, thiếu cái nhìn khắc khe mà thương yêu của mẹ. Bây giờ con đã hiểu được thế nào là “Nước mắt chảy xuôi” hay “ Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”. Mẹ nghĩ cho đến khi đã trưởng thành, con cũng vẫn còn thèm quá đỗi cảm giác thân thương khi ngồi bên mẹ, được mẹ ôm vào lòng như ngày xưa các con còn bé. Hay đôi khi một mình con đơn lẽ nơi ấy, con sẽ thèm được nghe một lời la mắng đầy thương yêu của mẹ, để rồi chỉ biết rớt nước mắt một mình …là mẹ ơi con nhớ mẹ vô cùng…Giờ con sắp thành người trong xã hội, lòng mẹ vui vô cùng dù hôm nay mẹ cảm nhận bản thân mình đã già đi nhiều, làn da không còn hồng hào như xưa, và tóc đã điểm màu bạc, để thay cho mái tóc các con ngày một dày và đen hơn.
“Con yêu của mẹ”! có thể một ngày nào đó con cũng dắt một em bé với đôi mắt mở to và nụ cười hồn nhiên đó là con của con đến trường trong cái buổi đầu tiên ấy. Khi con quay lại vẫy tay tạm biệt bé, bé sẽ thông báo điều đó một cách hãnh diện với người bạn mới. Khi đó, con sẽ mĩm cười, với một cảm giác ấm áp vây quanh thân thể và tràn ngập tâm hồn con…và đó cũng chính là tâm trạng của mẹ hôm nay…