Trang chủ Blog chùa Bắc Ninh: Lễ hằng thuận kết duyên tại chùa Diên Quang

Bắc Ninh: Lễ hằng thuận kết duyên tại chùa Diên Quang

158

Là người Phật tử, ai ai cũng mong muốn được sự chỉ giáo của chư Tôn đức Tăng Ni, và sự hộ niệm của mười phương chư Phật, nhất là trong dịp lễ Thành hôn. Vì đôi nam nữ Phật tử bắt đầu thành lập một gia đình mới với những thành viên mới, một cuộc sống mới với tinh thần tự lập, hướng đến chân thiện mỹ. Lễ Hằng thuận chính là dịp để tân lang và tân nương lắng nghe chư Tôn đức truyền đạt những lời Phật dạy về đạo: làm vợ, làm chồng, làm dâu, làm rể và làm cha mẹ trong tương lai.

Nhận thức được ý nghĩa tổ chức lễ cưới tại chùa là tạo điều kiện cho tân lang và tân nương quay về nương tựa ba ngôi báu, cũng như được sự gia hộ của chư tôn thiền đức chứng minh, sáng thứ Bảy  ngày 29 tháng 11 năm 2014 (nhằm ngày mùng 8 tháng 10 năm Giáp Ngọ) bốn bên gia đình Phật tử đã đến chùa Diên Quang xin tổ chức lễ hằng thuận cho cặp tân lang –  tân nương: Nguyễn Mạnh Hà, Hoàng Khánh Ly; và Nguyễn Anh Tuấn, Trần Kim Chung.

Buổi lễ được diễn ra dưới sự quang lâm chứng minh chúc phúc của Thượng tọa Thích Chân Tính, Phó Ban Hoằng pháp TƯ, cùng chư tôn đức Tăng chùa Hoằng Pháp; ĐĐ.Thích Tâm Quán, UV Ban Hoằng pháp TƯ, trụ trì chùa Diên Quang và quý chư tôn đức Tăng đến từ các niệm Phật đường, tịnh xá lân cận.

Sau khi quý Thầy niêm hương bạch Phật, đại diện bốn gia đình đã dâng lời tác bạch cung thỉnh quý Thầy chứng minh và chúc phúc cho buổi lễ hằng thuận, các bạn trẻ đã có cơ hội được đảnh lễ cha mẹ mình lần đầu tiên trong đời thông qua nghi thức Lễ lạy này.


Lễ thứ nhất: Lễ kính chư Phật

Đây là lễ đầu tiên bởi nhờ có đức Phật đã khai sáng ra pháp môn vi diệu thù thắng để hàng Phật tử ngày nay được học và hành theo các pháp vi diệu mà Ngài để lại, để có niềm tin tâm linh bất diệt về pháp môn của Ngài mà nương vào đó để tu sửa giới đức, làm tốt đời, đẹp đạo!


Lễ thứ hai: Lễ kính Phụ Mẫu

Đây là nghi lễ vô cùng xúc động trong một buổi lễ hằng thuận. Bởi thông thường, sẽ chẳng bao giờ chúng ta lạy cha mẹ mình khi Người còn sống, lễ kính này là cơ hội để cho con cái được thể hiện tấm lòng tri ân hết mực tới Cha Mẹ mình, nhờ có Cha Mẹ mới có thân này, có Cha Mẹ mới có cuộc sống hiện tại ngày nay và nhờ có Phúc Đức của Cha Mẹ con cháu đời đời mới được ấm no, hạnh phúc!


Lễ thứ ba: Phu thê tương kính

Đây là phần nghi lễ rất đặc biệt đối với người Vợ và người Chồng. Nghĩa phu – thê là nghĩa duyên nghĩa nợ, có nghĩa là Vợ Chồng gặp nhau là do nhân duyên từ nhiều đời nhiều kiếp, đến được với nhau là do nợ bao đời. Bởi thế, khi các cặp tân lang, tân nương lễ lạy nhau, chính là để bày tỏ tấm lòng kính trọng nhau, thương yêu nhau trong cuộc sống.


Sau khi lắng nghe quý Thầy tuyên đọc ý nghĩa Chiếc Nhẫn, càng cảm thấy như được thấm nhuần hơn những lời Phật dạy để ứng dụng vào đời sống gia đình, các tân lang và tân nương được chính thức trở thành vợ chồng qua phần nghi lễ “ Trao nhẫn cưới”.


Trong dịp này, Thượng tọa cùng quý chư Tăng đã gửi tặng các cặp tân lang, tân nương phần quà chúc phúc và giấy chứng nhận cho các đôi bạn trẻ đã nên Vợ thành Chồng kể từ ngày hôm nay.


Buổi lễ đã kết thúc trong niềm xúc động và đầy hoan hỷ của các gia đình và quan viên bốn họ.


Hình ảnh ghi nhận: