Trang chủ Văn học Bác Hãn lên chùa

Bác Hãn lên chùa

110

Nhưng từ nhỏ cho đến lớn, qua hai lần đọc sách, cảm tưởng của tôi về bác Hãn không hề thay đổi: từ nhỏ, tôi đã loáng thoáng thấy hai phong cách nơi tác giả, phong cách của một nhà nho và phong cách của một nhà khoa học.


Lần đầu tiên tôi gặp bác Hãn là vài năm sau khi tôi qua Pháp. Lúc đó, phong trào chống đối của quần chúng ở các thành phố cần sự hỗ trợ tinh thần của trí thức ở bên ngoài, tôi với thầy Thiện Châu đến gặp bác tại nhà bác ở Paris. Ôn tồn, nhã nhặn, bác lái câu chuyện qua lĩnh vực văn hóa, và chúng tôi ra về không đạt được điều mình muốn mà bụng vẫn vui. Tôi biết bác đang đau mắt, và tự thâm tâm tôi hiểu được sự khắc khoải của một nhà nghiên cứu muốn dành trọn đôi mắt yếu cho lý tưởng của đời mình: đọc sách. Tôi cũng biết bác đã có lần lỡ bước sang ngang với thời cuộc và từ đó vĩnh viễn từ khước chính trị, vốn không phải là lĩnh vực của bác và không hợp với con người của bác. Lúc đó, tôi hiểu bác một, bây giờ tôi hiểu bác trăm lần. Ai đã mê đọc sách và viết, cuộc đời chẳng còn cái thú nào khác, và ai đã đứng trên đỉnh núi của văn hóa, thấp làm sao mây chính trị bay là đà dưới chân. Bác Hãn là nhà Nho treo ấn từ quan; bác Hãn là nhà khoa học bách niên giai lão với khoa học.


Thế rồi tôi thấy bác Hãn lên chùa. Khi chùa Trúc Lâm dựng lên, tôi đã thấy bóng bác. Rồi tôi nghe nói bác muốn để tro lại trong tháp của chùa khi khuất núi. Nhà Nho lên chùa? Ðúng là tinh túy của văn hóa Việt Nam! Thời trẻ, Nho quỳ trước vua, trung hiếu tiết nghĩa. Bạc đầu, Nho tìm cửa Phật, sắc sắc không không. Nho chưa thấy Phật lúc tuổi còn xanh vì con người trong Nho là con người xã hội; Nho chỉ thấy mình, hiểu mình, và định nghĩa mình trong quan hệ với người khác: quan hệ họ hàng, quan hệ làng nước, quan hệ đỗ đạt, quan hệ lễ nghĩa, quân quân thần thần phụ phụ tử tử, cư xử sao cho đúng vị trí của mình đủ làm người quân tử mệt phờ râu. Khi Nho hết quay cuồng với hình bóng của mình trong con mắt của xã hội, lúc đó Nho mới giật mình nhận ra rằng mình có mối quan hệ khác nữa mà mình không hay: quan hệ của mình với mình. Nhìn ai cũng dễ, nhìn mình mới khó; nhưng đến một lúc nào đó rồi ai cũng phải nhìn mình, kể cả tên sát nhân, và nếu nhìn giỏi thì chẳng thấy mình đâu nữa, chỉ thấy Phật.


Xuân hữu bách hoa thu hữu nguyệt
Hạ hữu lương phong đông hữu tuyết
Nhược vô nhân sự quải tâm đầu
Tiện thị nhân gian hảo thời tiết


Thấy mùa Xuân có trăm hoa, thấy mùa Thu có trăng. Thấy mùa Hạ có gió lành, thấy mùa Đông có tuyết. Này, ông nhà Nho, giá như ông vứt quách đi trăm mối tơ vò lễ nghĩa cứng nhắc trong đầu thì ông sẽ thấy hiện ra cái chuyện huyền diệu trước mắt: mùa nào thời tiết cũng tốt hết. Nghĩa là ông thấy Phật.


Bác Hãn lên chùa là chuyện dĩ nhiên. Bởi vì nhà Nho nào rồi cũng lên chùa. Con người trong Khổng là con người cực động. Cực động thì phải tìm đến tĩnh. Như cái vụ quay tít đến một lúc sẽ đứng yên. Nhưng đừng thấy nó đứng yên mà tưởng nó không quay. Cái vụ chỉ là cái vụ khi nó quay, và nó chỉ làm tròn nhiệm vụ của nó lúc nó đứng yên. Tận cùng của động là tĩnh, nhưng đừng tưởng trong tĩnh không có động. Nhà Nho biết rõ chuyện đó cho nên bác Hãn lên chùa. Mà bác lên chùa vì bác còn là nhà khoa học. Hơn ai hết, nhà khoa học nơi bác thấy rõ mối tương quan giữa động và tĩnh, giữa xôn xao quay cuồng của muôn vàn tinh tú và sự sống bình yên kỳ lạ trên trái đất này và chắc hẳn trên ba vạn ba ngàn thế giới khác.


Bác Hãn thường lên chùa những lúc không có ai. Bác một mình đến tủ sách, tìm sách đọc, thường là kinh chữ Hán. Tất nhiên là bác đọc như một nhà nghiên cứu. Bác đọc kinh như bác so sánh văn bản: câu này, chữ này ở ấn bản này khác với câu kia, chữ kia ở ấn bản khác, rồi bác xe chỉ luồn kim thế nào mà bỗng khám phá ra nguyên tác, nguyên nghĩa. Cứ thế mà bác phát hiện: chẳng hạn tác giả Chinh phụ ngâm không phải là Ðoàn Thị Ðiểm mà là Phan Huy Ích; chẳng hạn Hồ Xuân Hương có thời là người tình của Nguyễn Du. Tôi thán phục tinh thần khoa học mà bác Hãn đưa vào lĩnh vực nghiên cứu văn học, lịch sử. Óc suy luận khoa học của bác nhạy bén như mai đón gió xuân.


Cùng đọc Ðăng khoa lục cả, nhưng mấy ai nảy ra cái ý đếm danh sách các vị tiến sĩ đầu tiên của triều Nguyễn đỗ năm 1822 để khám phá một chi tiết bất thường: tổng số các vị tân khoa không giống với con số ghi trong quyển sử. Thiếu một vị!  Tiến sĩ đầu triều chứ có phải tiến sĩ giấy, tiến sĩ hữu nghị đâu! Thiếu ai vậy? Từ nghi vấn đó, bác tra cứu sử liệu để tìm cho kỳ được vị tiến sĩ bị xóa tên trong danh sách. Bác tìm ra, và chờ đến khi Hòa thượng Minh Châu qua Pháp dự lễ Vu Lan năm ngoái mới kể giữa buổi lễ tuyên dương chữ hiếu trong đạo Phật. Ông nghè bị đục tên là cụ Ðinh Văn Phát, đỗ tiến sĩ năm 22 tuổi, từ quan để vào Hà Tiên nuôi cha bị đày ở đấy. Cụ Ðinh là tổ bốn đời của Hòa thượng.


Tôi nhìn bác Hãn đọc sách một mình, lặng lẽ, trong chùa. Bác đọc như một nhà khoa học; bác đọc như một nhà Nho. Bác đã đọc như vậy, trong tinh thần như vậy, khi viết về đạo Phật ở thời Lý. Bác đọc từng tấm bia ở Thanh Hóa trong thời gian tránh máy bay Ðồng minh oanh tạc Hà Nội, và bác tìm được những tấm bia ghi công của Lý Thường Kiệt đối với các chùa. Chưa bao giờ bác nói bác là Phật tử. Mà cũng chẳng ai đặt vấn đề Phật tử với ai. Bác cứ là nhà Nho. Bác cứ là nhà khoa học. Cứ như thế bác viết về đạo Phật và người Việt Nam cảm ơn bác. Bởi vì cứ lấy con mắt khoa học mà nhìn văn hóa, nhìn dân tộc, thì sẽ thấy đạo Phật. Cứ như thế, bác Hãn lên chùa. Bác lên chùa nhiều hơn tất cả mọi người, buổi lễ nào cũng có bác. Bác nói: bác giữ “gốc nhà”. Cứ giữ gốc nhà thì cửa chùa mở ra trong lòng. Ðố bác tìm trong gốc đó đâu là Phật đâu là Nho. Rồi từ từ đố bác tìm trong bác đâu là Nho đâu là Phật. Mùa Xuân năm bác tám mươi ba tuổi, trong một bài thơ đề tặng chùa Trúc Lâm, bác nói: giữa chốn phồn hoa, mỗi lần bác lên chùa là cứ có cảm tưởng đã gội sạch tham sân si. Thế là bác đã tu hơn mọi người rồi, tu thiền hẳn hoi chứ không phải chỉ tu thân với đức Khổng.


Dạo sau này, bác đi đứng khó khăn, nhưng bác vẫn chống gậy lên chùa, đọc sách. Bác góp phần lớn vào những sinh hoạt của chùa, trở thành một chỗ tựa tinh thần và văn hóa của chùa: Chúng tôi nhiều lần tổ chức ăn cơm chay với bác tại chùa để nghe bác kể chuyện. Tôi chưa thấy ai có bộ óc minh mẫn như bác, có trí nhớ đại siêu việt như vậy. Chuyện lớn, chuyện nhỏ, chuyện từ đời Lê, đời Lý, chuyện từ Hà Nội, Nghệ An, chuyện trong triều đình, chuyện giữa dân gian, bác kể từng chi tiết ngày tháng, tên từng người, từng trang sách, từng địa danh, từng nhân chứng.


Bác bưng chén cơm, tay bác run, bác cầm đũa gắp món ăn, đôi đũa run trong lòng bàn tay, bác đặt chén cơm xuống, kể tiếp chuyện, quên chén cơm; tôi gắp món ăn đặt vào chén cơm của bác, giục bác ăn, bác bưng chén cơm lên miệng rồi run run đặt chén cơm xuống bàn, kể chuyện tiếp, quên ăn. Cả bữa ăn, bác ăn chưa hết nửa chén, người quân tử ăn chẳng cầu no, thực bất cầu bão. Nhưng chúng tôi thì vừa no cơm, vừa no câu chuyện của bác. Dần dà, tôi thấy bác không còn là điểm tựa của chùa, mà chính chùa là điểm tựa của bác.


Như lịch sử đã dựa lưng vào chùa mà đứng thẳng lên từ thời Lý Thường Kiệt, bác dựa lưng vào chùa với chúng tôi để làm người Việt Nam giữa chốn tha hương, để làm người Việt Nam với hàng chục triệu người Việt Nam trên đất nước. Dân tộc đã dựa lưng vào chùa như vậy đến nỗi lưng nhẵn như đá. Thời Ngô Ðình Diệm kiểm tra Phật tử, tôi nói đùa: muốn biết ai là Phật tử chỉ cần vạch áo cho người xem lưng, lưng ai có da và có xương sống thì người đó đích thị là Phật tử. Bây giờ cho tôi nói đùa thêm: người nào lúc thiếu thời có da trơn lưng nhẵn thì người đó có tổ tiên đã dựa lưng vào chùa.


Bác Hãn lên chùa, bác Hãn đọc sách. Tay bác run run lật từng quyển kinh. Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị. Nắng buổi chiều rọi lên trang sách. Bóng chiều của cuộc đời đè nặng trên vai bác như tay bác đè nặng trên chiếc gậy. Trời mới mưa xong, một chiếc cầu vồng rực rỡ mọc qua cửa sổ của chùa. Nhìn cầu vồng, đố ai biết đâu là sắc đâu là không, đố ai vạch được biên giới giữa màu lục với màu vàng, giữa màu hồng với màu tím.


Màu này tan lẫn trong màu kia, bảo đó là vàng cũng không hẳn, bảo đó không phải là vàng cũng không xong, trong màu vàng đã không còn màu vàng nhưng vẫn còn màu vàng, nó đã là không rồi nhưng nó vẫn có đấy. Ba giờ sáng, tiểu dậy tụng kinh, đố tiểu biết đâu là biên giới của đêm, đâu là biên giới của ngày, đâu là bắt đầu ngày, đâu là chấm dứt đêm. Trong đêm bắt đầu không, đã lảng vảng ngày bắt đầu có, nhưng ngày chưa có bởi vì đêm cũng chưa không. Mà đâu có cần phải nhìn trời đất lúc ba giờ sáng! Giữa trưa đúng ngọ, đố tiểu dám nói chỉ có ngày mà không có đêm.


Không có đêm, làm sao tiểu mới loay hoay lặt rau trong bếp đã thấy tới giờ tụng kinh buổi chiều? Hỏi tiểu: tiểu có hay không? Chắc tiểu sẽ bảo là có, bởi vì tiểu đang thở, đang lặt rau, đang tụng kinh. Nhưng chắc chắn tiểu đang là không, tiểu đang vừa có vừa không, đang là không trong có. Bác Hãn ngồi đọc sách, vẫn là bác Hãn đấy mà đã không phải là bác Hãn rồi. Tôi nhìn bác run run lật từng trang kinh và tôi cũng chẳng thấy tôi còn là tôi. Cái lẽ không có có không đó khiến bác tựa lưng vào chùa.


Cứ tựa lưng vào chùa thì có thể thách đố với tất cả mọi người: đố ai nói được một sự việc gì trên đời này mà chẳng vừa có lại vừa không. Bất cứ sự việc gì, bất cứ ý tưởng gì, dù ở trong đầu óc, dù ở trong lời nói, không thể ở trong trạng thái nào khác hơn là vừa không vừa có. Biết có, biết không, nên lịch sử có Lý Thường Kiệt. Có vua Trần. Lý Thường Kiệt nói: Có! Nam quốc sơn hà nam đế cư. Cho nên chiến công hiển hách. Nhưng vị vua nào không biết làm thái thượng hoàng, không học được chữ không ở giữa chữ có, chưa hẳn là minh quân thịnh trị.


Tôi vào bệnh viện ngay khi nghe tin bác Hãn vừa mất. Nhìn bác nằm yên nhắm mắt, tôi thương bác mà nghĩ rằng chắc chắn bác không đi tìm ông Pasteur, ông Einstein, hoặc ông bác học, khoa học gia nào khác; chắc chắn bác cũng không bay qua Trung Quốc, tìm đến Khúc Phụ để chầu ông Khổng Tử. Bác đi đâu? Thì bác đã nói ngay từ khi còn sống, khi bác viết câu đối ghi trước tháp chùa Trúc Lâm:


Thể gửi xứ người nương cửa Phật
Hồn về đất Việt viếng quê nhà.
Bác đi tìm ông Lý Thường Kiệt. Nhưng ông Lý Thường Kiệt thì có ai khác đâu là hồn của Phật nơi tinh túy Việt Nam?


(Trích trong tập Nắng và Hoa, NXB Văn Hóa Sài Gòn)