Trang chủ Người thời nay Trí thức Bà Phùng Lệ Lý: Tôi sống vững vàng trên đất Mỹ nhờ...

Bà Phùng Lệ Lý: Tôi sống vững vàng trên đất Mỹ nhờ đạo Phật

158

Bà tâm tình: “Quả thật tôi không có nhiều thì giờ cho lắm, nhưng nếu nói chuyện về đạo Phật thì tôi rất sẵn sàng ngồi hàng giờ”.


Thế là, trong không khí ẩm ướt của một buổi tối mưa phùn tháng 8 ÂL, trên phòng ăn tầng 12 của một khách sạn ở Q.1, bà Phùng Lệ Lý và tôi ngồi trò chuyện với nhau thật lâu, mà tôi không nhớ nổi là bao nhiêu tiếng đồng hồ…


PV: Thưa bà, trong bộ phim Heaven and Earth (Trời và Đất) mà đạo diễn lừng danh Oliver Stone dựng phim từ cuốn sách nổi tiếng của bà When heaven and Earth changed places (Tạm dịch: Khi trời đất đảo lộn), hình ảnh ngôi chùa và tượng Phật xuất hiện xuyên suốt bộ phim. Thậm chí hình ảnh đó gần như là tâm điểm lắng đọng của bộ phim về chiến tranh và nhiều bi kịch này. Bà có thể nói rõ hơn về ý đồ này của đạo diễn Oliver Stone?


Bà Phùng Lệ Lý: Thật ra thì ông Oliver cũng không có ý đồ gì đâu, ông ấy tôn trọng toàn bộ cuốn sách của tôi nên dựng lại rất trung thực đó thôi.


Trong sách tôi chùa chiền, tượng Phật còn xuất hiện nhiều hơn nữa. Nếu đọc thì sẽ thích hơn, vì sách cho ta không gian tưởng tượng nhiều hơn. Xuyên suốt quyển sách của tôi, đạo Phật như là kim chỉ nam dẫn đường cho cuộc đời nhân vật chính trong truyện, mà vốn là cuộc đời của chính tôi ở ngoài đời.


PV: Như vậy, ông đạo diễn người Mỹ này hẳn cũng phải cảm thụ rất tốt tinh thần Phật giáo trong sách bà thì mới có những cảnh quay về tượng Phật sâu sắc như thế?


Bà Phùng Lệ Lý: Đúng thế. Và có lẽ nhân duyên của tôi, Phật giáo và ông ấy sâu xa nằm ở đây. Bởi vì sau khi đọc truyện của tôi và làm xong bộ phim ấy, ông Oliver Stone bỗng trở nên yêu đạo Phật, trước đó ông theo một tôn giáo khác.


Tôi và Oliver Stone trở thành bạn thân với nhau cũng nhờ tôi thường nói chuyện với ông ấy về đạo Phật. Tôi dẫn ông ấy đi chùa, chính tôi đưa ông đến ngôi chùa ở California và được thầy trụ trì chùa đặt cho pháp danh Minh Đức mà báo giới thường nhắc đến. Đi đâu ông Oliver cũng hãnh diện xưng tên “Tôi là Minh Đức”, trông có vẻ “ta đây” lắm!


PV: Nhưng nếu chỉ đọc sách bà thôi thì chưa đủ…


Bà Phùng Lệ Lý: Sách của tôi chỉ là nhân duyên ban đầu thôi. Sau đó, Oliver Stone thường tìm rất nhiều sách về đạo Phật để đọc, sách của thầy Thích Nhất Hạnh ông ấy cũng đọc rồi, cũng đã đến gặp thầy Nhất Hạnh rồi.


Ông rất nể trọng thầy Thích Nhất Hạnh nhưng hơi “kiêng dè”, bảo “thầy nghiêm quá!”. Người mà Oliver Stone yêu mến hơn và đọc nhiều sách hơn cả chính là Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện nay.


PV: Theo những thông tin trên các phương tiện truyền thông, thì hiện nay Đức Đạt Lai Lạt Ma có ảnh hưởng lớn đến xã hội Mỹ có phải không thưa bà?


Bà Phùng Lệ Lý: Đúng vậy. Người ta thích nụ cười trẻ thơ của ông ấy. Làm gì cũng cười, thấy gì là lạ cũng sờ vào và hỏi ngây ngô như trẻ con. Đến những nơi sang trọng cũng chỉ thấy ông đi dép xẹp rất ngộ.


Những vấn đề ông nói thì đơn giản cực kỳ nhưng nhiều tầng ý nghĩa. Ông có một phong cách tự nhiên và gần gũi.


Nhiều người Mỹ hiện nay tìm hiểu hoặc theo đạo Phật cũng do yêu mến hình ảnh này.


Tôi cho rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma đúng là biểu hiện của một Phật giáo thuần tuý, ban sơ mà thâm sâu, gần gũi, dung dị mà uyên bác và vĩ đại.


Tôi học được ở ông ấy rất nhiều điều, chẳng hạn như lúc nào cũng cười, gặp ai cũng cười, ai làm gì mình giận mình cũng cười là xong. Nhiều bạn bè thấy tôi ăn mặc quá đơn giản, đi dép lê thì không hiểu nổi. Tôi thì lại thấy mình nhẹ nhàng khi được như thế.


PV: Cuốn sách của bà viết về cuộc đời bà từ khi còn là một cô bé 13 tuổi, ngày ấy đã thấy bà biết cầu nguyện Đức Phật, như vậy, bà đã hiểu đạo Phật sâu sắc từ những ngày còn thơ?


Bà Phùng Lệ Lý: Gia đình tôi theo đạo Phật, từ nhỏ tôi chỉ biết yêu đạo Phật theo kiểu truyền thống gia đình mà thôi. Đi chùa, cầu nguyện chứ chưa hiểu rõ.


Rồi suốt cuộc đời rong ruổi đầy bi kịch của mình, tôi vẫn thường cầu nguyện Phật. Thế nhưng, tôi thật sự hiểu về đạo Phật kể từ năm 30 tuổi, khi tôi cũng bắt đầu chín chắn và những biến cố trong cuộc đời gần như đã nếm trải nhiều…


PV: Và tất nhiên là cũng có một nhân duyên?


Bà Phùng Lệ Lý: Đôi khi nghĩ lại, tôi không biết có phải là nhân duyên hay không, chỉ biết hình như đạo Phật nằm sâu trong trái tim tôi từ thuở mới sinh ra. Tôi nghĩ thế.


Khi tôi sang Mỹ với người chồng Mỹ đầu tiên, chúng tôi đã có một khoảng thời gian hạnh phúc. Nhưng sau đó, anh ấy muốn tôi theo đạo Tin Lành. Tôi cũng theo, cũng đi vào nhà thờ làm lễ, nhưng không hiểu sao trong lòng mình thấy không ưng chút nào.


Rồi chồng tôi đưa cho tôi nhiều giáo lý để tôi tìm hiểu, tôi cũng đọc cho chồng vui, nhưng cũng không ưng bụng. Lúc đó tôi cũng không hiểu tại sao mình không ưng, chỉ cảm thấy không cảm được, không vô đầu mình được.


Thế rồi vợ chồng tôi ly hôn cũng vì lý do này. Tôi rất đau lòng nhưng cũng phải chia tay. Sau này anh ấy mất tôi thấy hối hận. Tôi luôn tự hỏi có phải vì mình không? Dĩ nhiên tôi cũng không có câu trả lời chính xác.


PV: Còn đến thời điểm này, hẳn bà đã tìm cho mình câu trả lời?


Bà Phùng Lệ Lý: Tôi nghĩ là đã có, nhưng cũng không chắc lắm. Sau khi chồng tôi qua đời, tôi bỏ ra 5 năm để đi học về triết học, tìm hiểu tất cả các tôn giáo trên thế giới. Đó là khoảng thời gian từ năm 30 đến 35 tuổi.


Tôi nắm rất kỹ thông tin về các tôn giáo, càng đọc càng thấy thấm và mới biết rằng môn triết hay đến thế. Và điều đáng giá hơn cả, là càng tìm hiểu về các tôn giáo, tôi càng hiểu và yêu mến đạo Phật hơn.


Và tôi luôn tự nói với mình rằng, giá như hồi đó, tôi có đủ hiểu biết và kiến thức như bây giờ, tôi sẽ thuyết phục được anh ấy theo đạo Phật, vì chồng tôi rất hiền và rất biết lý lẽ. Bằng chứng là bây giờ, ông Oliver Stone rất thích nói chuyện với tôi về đạo Phật và người yêu của tôi hiện nay cũng qua tôi mà theo đạo Phật.


PV: Những gì bà đang nói làm người ta có cảm giác dù trải qua nhiều sóng gió, và hiện nay là đang sống giữa xã hội hiện đại và giàu có như nước Mỹ, nhưng bà vẫn không bị lung lay đức tin của mình, thậm chí là còn gây ảnh hưởng đến với các đối tượng khác?


Bà Phùng Lệ Lý: Có thể nói thế này, chính nhờ đạo Phật mà tôi sống tốt và vững vàng giữa xã hội Mỹ như bây giờ. Tôi là người bỏ kinh phí cũng như đứng ra quyên góp thêm để xây dựng ngôi chùa Vạn Hạnh tại Santee, San Diego, California. Tôi thờ ba tôi, hai anh tôi, chồng và mẹ tôi ở đây.


Thậm chí, khi tổ chức đám cưới cho con trai, tôi cũng cho làm lễ cưới tại chùa, có thầy trụ trì chùa làm lễ Hằng thuận. Đám cưới con tôi thuần tuý Việt Nam, thuần tuý đạo Phật.


Tôi nghĩ, sống trên đất Mỹ, mình càng giữ gìn truyền thống của mình bao nhiêu, thì càng được họ trọng nể bấy nhiêu. Vì như thế mới có sự khác biệt, mới khẳng định bản sắc Việt Nam. Tôi là người nhà quê mà, nên tôi rất muốn gìn giữ cái chất quê mộc mạc của mình.


PV: Nhưng ở Hollywood, bà cũng mang cái chất quê của mình tiến vào thế giới đó chăng?


Bà Phùng Lệ Lý: Được ông Oliver Stone lấy tiểu thuyết làm phim, được ông ấy xem là bạn thân, từng đoạt ba giải Emmy cho bộ phim tài liệu mà tôi là tác giả kịch bản và tham gia sản xuất, rồi bây giờ là cố vấn kỹ thuật cho ông ấy trong bộ phim Mỹ Lai sắp đến, đó là chưa kể nhiều mối quan hệ khác trong thế giới thượng lưu theo quan niệm thông thường ở đó.


Bạn nghĩ tôi đã tiến vào Hollywood chưa? Rồi chứ! Nhưng tôi đến với họ bằng cái nhà quê mộc mạc của mình, bằng tâm hồn của người Phụ nữ Việt Nam quê ở Quảng Nam, bằng đạo Phật ăn sâu trong tâm hồn tôi…


Còn nhớ có lần khi tôi về Việt Nam, gặp lại một cô bạn thân, cô ấy nhìn tôi với vẻ “không thể tin được”, rằng tại sao tôi từ Mỹ về lại ăn mặc quê mùa còn hơn cô ấy! Rồi cô ấy nghĩ rằng tôi sẽ mời cô ấy đi ăn ở một nhà hàng năm sao sang trọng.


Thế nhưng, tôi lại mời cô đến một quán ăn bình dân. Tôi đặt bàn khoảng hơn 30 người, cô cứ nghĩ tôi đặt cho bạn bè. Nhưng không, lần đó tôi mời gần 30 người ăn xin, bán vé số, lành lặn và tật nguyền đều có vào ngồi ăn chung. Sau lần đó, bạn tôi hầu như không còn muốn gặp tôi nữa! Cái chất quê mùa của tôi là thế đấy!


PV: Nhưng tôi vẫn cảm thấy tò mò, không hiểu bằng cách nào mà bà có thể gìn giữ truyền thống “quê mùa” ấy, ý tôi muốn nói những cách thức cụ thể, chi tiết, chứ không phải cách nói chung chung, bởi vì bà ở Mỹ cũng 37 năm chứ ít gì!


Bà Phùng Lệ Lý: Trong ngần ấy năm, tôi thay đổi chỗ ở nhiều lần. Nhưng luôn luôn trong ngôi nhà của mình, nơi trang trọng và thiêng liêng nhất chính là nơi để thờ Phật và ông bà. Xin nhắc lại là bất cứ nơi đâu. Rất truyền thống. Rất Việt Nam.


Làm được điều này không dễ dàng chút nào trên đất Mỹ, nhưng tôi luôn giữ vững tinh thần đó. Tôi nhiều lần gặp thầy Thích Nhất Hạnh để học Thiền, thậm chí tôi có ba năm đến tu viện Lộc Uyển (Deer Park monastery, Los Angeles-PV) của thầy để tìm thấy sự bình an trong tâm hồn.


Nhưng cách thức quan trọng nhất với tôi là tôi luôn niệm Phật khi gặp khó khăn và tôi thật sự vượt qua nó. Chính nhờ trong tâm luôn nhớ nghĩ đến Phật, nên tôi mới vượt qua những nỗi đau tột cùng trong đời.


Lúc đó tôi luôn nghĩ đến những điều Phật dạy, rằng ta khổ vì ta đã làm nhiều điều ác, ta đang đến đây để trả nợ, chứ chẳng có nỗi khổ nào vô lý cả.


Nhờ thế mà tôi vượt qua được và thậm chí là vượt lên và vượt trội hơn chính mình tưởng. Tôi không ôm đau khổ vào mình. Đạo Phật chỉ tôi đi trên con đường đầy ánh sáng.


PV: Nhưng đó là về việc làm thiên về cá nhân, còn về khía cạnh giao tiếp, ý tôi muốn nói là bà có áp dụng đạo Phật trong cách giao tiếp với người Mỹ?


Bà Phùng Lệ Lý: Sống trên đất Mỹ, tôi quen biết nhiều người nổi tiếng nhưng chưa bao giờ lợi dụng ai điều gì, cũng không cầu cạnh cầu thân với ai. Ai cần tôi thì tôi đến.


Chẳng hạn như ông Oliver Stone. Chính ông ấy đọc sách của tôi và gọi điện xin được làm phim. Về sau tôi đưa ông ấy đến với đạo Phật nên rất thân. Thế nhưng tôi chưa bao giờ chủ động tỏ ý nhờ ông chuyện gì dính dáng đến vật chất, quyền lợi.


Bạn biết đấy, ông ta là một đạo diễn lừng danh với nhiều giải Oscar, mà ai cũng có thể dễ bị ánh hào quang của ông ta làm cho “mê”. Nhưng tôi thì khác, tôi hiểu những tài sản, vật chất, địa vị, danh tiếng… tất cả chỉ là hư không.


Tôi có khoảng cách nhất định với Oliver và khi nào ông ấy cần tôi giúp về xoa dịu tinh thần, hay về công việc làm phim gì đấy, thì tôi sẵn sàng. Tôi dễ sống, dễ hoà đồng với đối tượng mà mình đang giao tiếp để có thể hiểu và cảm thông cùng họ.


Còn với người nghèo, tôi rất sẵn lòng giúp đỡ, về vật chất lẫn tinh thần trong khả năng cho phép của mình. Mục đích khi tôi thành lập Làng Toàn Cầu và Đông Tây Hội Ngộ cũng thế, nhằm xây dựng nông thôn Việt Nam và giúp đỡ về giáo dục, y tế cho trẻ em vùng sâu vùng xa. Tôi muốn mang tình thương đến cho mọi người. Phật từng dạy, ta có Phật tính trong ta. Vì thế, tôi nghĩ mình đối xử và giao tiếp tốt với con người bất kể đó là người Mỹ, người Việt, hay người nào của quốc gia nào.


PV: Vậy bà không sợ những người sang trọng sẽ chê bà quê mùa sao?


Bà Phùng Lệ Lý: Không, trái lại là đằng khác, vì họ nói đúng, tôi ở Mỹ 37 năm vẫn rất nhà quê mà! Nhưng tôi tự hào vì cái vẻ mộc mạc này. Đó cũng là bởi tôi yêu quê hương tôi, tinh thần dân tộc luôn đậm đà trong tôi.


PV: Bà yêu quê hương như thế, bà có dự định trở về Việt Nam sống không?


Bà Phùng Lệ Lý: Tôi có rất nhiều hoạt động nhân đạo tại Việt Nam, nhưng tôi chưa biết trước có về hẳn ở Việt Nam hay không. Hiện nay con trai út Alan của tôi đang sống tại Việt Nam. Alan nhìn vào thì rất Mỹ vì giống cha, nhưng tâm hồn thì hoàn toàn Việt Nam và rất yêu quê mẹ.


Bản thân tôi cũng thường về Việt Nam vì tôi có văn phòng đại diện Làng Toàn Cầu tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, tôi vẫn cứ để cho mọi chuyện tự nhiên. Trong tiếng Anh, khi người ta hỏi bạn: “Where are you from? What are you doing here? When do you go after here?”, thoạt nghe thì chỉ là những câu hỏi xã giao với câu trả lời nhẹ nhàng như “Tôi từ Mỹ đến, tôi đến Việt Nam để làm phim, tôi sẽ trở về Mỹ sau khi xong việc ở Việt Nam…”.


Thế nhưng, khi với tôi, những câu hỏi ấy luôn được trả lời là: “Tôi đến từ… sự hoà hợp của các yếu tố đã tạo ra tôi, tôi đến đây để xả thân giúp đỡ, sau khi xong việc tôi sẽ về với ánh sáng, về với nguyên thuỷ số 0”.


Vì thế tôi thường không có nhiều dự định. Nhưng công việc thì cứ tự nhiên đến một cách bất ngờ và tôi cứ thế mà đón nhận. Dĩ nhiên là sẽ có kế hoạch sau khi có công việc cụ thể. Nhưng để lên một dự định cho sự hoà hợp vô thường này thì tôi thấy khó quá! Thôi cứ để mọi việc đến theo nhân duyên của nó vậy.


PV: Xin cảm ơn bà đã dành cho VHPG buổi trò chuyện thú vị này. Chúc bà luôn bình an dù ở bất cứ nơi đâu.