Trang chủ Diễn đàn Bà Phạm Thị Yến có gọi hồn và trục lợi?

Bà Phạm Thị Yến có gọi hồn và trục lợi?

2008

Liên quan đến việc thỉnh vong tại chùa Ba Vàng, Chủ tịch UBND phường Quang Trung, TP Uông Bí đã xử phạt hành chính đối với bà Phạm Thị Yến.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính, muốn xử phạt đối với bà Yến bắt buộc phải lập biên bản vi phạm.

Nhưng Chủ tịch UBND phường Quang Trung do thiếu hiểu biết pháp luật hoặc do sự cuồng nộ của truyền thông và sức ép từ đâu đó nên đã vội vàng ra quyết định xử phạt bà Yến mà bỏ qua thủ tục bắt buộc phải thực hiện là lập biên bản vi phạm.

Không lập biên bản vi phạm thì căn cứ vào đâu để kết luận bà Yến có hành vi “lợi dụng hoạt động thỉnh vong, gọi hồn làm ảnh hưởng đến nếp sống văn hóa”, có “tình tiết tặng nặng: vi phạm nhiều lần” và áp dụng mức phạt cao nhất đến “5 triệu đồng”?

Xử phạt đến 5 triệu đồng mà không lập biên bản vi phạm là sự khôi hài hiếm có trong nền hành chính Việt Nam.

Ngày 31-5 và 04-6-2019, báo Pháp luật Việt Nam và báo Xây dựng gọi đây là “lỗ hổng” lớn” “cẩu thả” trong việc xử phạt bà Yến.[1]

Phóng viên báo Xây dựng qua tìm hiểu thực tế địa phương đã ghi nhận: “dư luậnchê trách… UBND phường Quang Trung thụ động trong ứng xử tình huống pháp luật. Xử lý cảm tính, chạy theo dư luận, thiếu những cơ sở pháp lý, khi dư luận dấy lên thì địa phương vội vã ra tay, soạn thảo văn bản cẩu thả, hành tự và nội dung thiếu cơ sở pháp lý”.

Với sự trợ giúp pháp lý của Công ty Luật Vũ Anh (Quảng Ninh), bà Yến đã khiếu nại quyết định xử phạt đối với mình.

Vi phạm nghiêm trọng về hình thức như trên đã đủ dẫn đến hậu quả: hủy bỏ quyết định xử phạt bà Yến.

Nhưng không chỉ vi phạm nghiêm trọng về hình thức, quyết định xử phạt bà Yến còn vi phạm nghiêm trọng về nội dung.

Bà Yến bị áp dụng điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Theo đó, để xử phạt bà Yến phải thỏa mãn 2 dấu hiệu: dấu hiệu hoạt động gọi hồn và dấu hiệu trục lợi.

Về dấu hiệu thứ nhất, bà Yến hoàn toàn không có hành vi gọi hồn.

Phóng viên báo Lao động sau 3 tháng lén lút nằm vùng tại chùa Ba Vàng không đưa ra được bất kỳ chứng cứ nào chứng minh bà Yến có hành vi gọi hồn, mà chỉ tìm nhặt, cắt xén ác ý một số câu từ, chữ nghĩa trong phát ngôn của bà Yến để kích động và tạo ra phản ứng của xã hội.

Các video bà Yến tự công bố cho thấy bà Yến chỉ có hành vi tác động đối với các trường hợp đã bị vong nhập, giúp “nạn nhân” hạn chế các hành động gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh, giúp họ trở lại trạng thái bình thường.

Với khả năng của mình, nếu không ra tay cứu người, thậm chí bà Yến còn có thể bị coi là không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Vậy mà mới đây, ngày 04-6-2019, Báo Lao động lại tung ra một video kèm theo bài báo “Có thể biện minh đó là niềm tin tôn giáo?”,[2] thể hiện sự thất bại thảm hại của Báo Lao động trong việc kêu gào, chứng minh bà Yến vi phạm pháp luật.

Bởi lẽ, cái video hết vốn kiêm cáo trạng ấy, ngoài việc tìm nhặt, cắt xén ác ý một số câu từ, chữ nghĩa trong phát ngôn của bà Yến để kích động và tạo ra phản ứng của xã hội một lần nữa, thì không đưa ra được bất cứ chứng cứ nào chứng minh bà Yến có hành vi gọi hồn.

Ngược lại, cái video “ngược gió tung bụi, phun trời ướt mặt” này lại cung cấp chứng cứ chứng minh bà Yến có hành động cứu người bị vong nhập tại phút 1:50 – 2:45.

Về dấu hiệu thứ hai, bà Yến hoàn toàn không có hành vi trục lợi cho bản thân cũng như cho chùa Ba Vàng.

Đối với bản thân, việc cứu người bị vong nhập là việc làm thiện nguyện, bà Yến không hề nhận một xu của đương sự.

Hiện nay, bà Yến là người vô sản nhất trong những người vô sản.

Như một người xuất gia, tài sản của bà chỉ có ba bộ quần áo Phật tử mà cơ quan chức năng không thể đang tâm tịch thu, nộp ngân sách nhà nước.

Đối với chùa Ba Vàng, việc tín đồ tặng cho tài sản (cúng dường Tam Bảo) là hoàn toàn tự nguyện.

Điều đó được thể hiện trong cam kết của tín chủ: “Sau khi biết nghiệp, tôi tin hay không tinquyền của tôi. Không có sự ràng buộc với Chùa Ba Vàng. Tôi không phải đóng góp bất cứ lệ phí nào đối với việc này”.

Cam kết đó là chứng cứ chứng minh chùa Ba Vàng không trục lợi, đã được chính báo Lao động thu thập và công bố tại phút 03:54 trong clip kèm theo bài viết “Truyền bá chuyện vong báo oán, Chùa Ba Vàng mỗi năm thu trăm tỉ” ngày 20-3-2019.

Không chứng minh được bà Yến có hành vi trục lợi nên trong quyết định xử phạt đối với bà Yến không hề có chữ trục lợi.

Thay vì xác định bà Yến có hành vi “trục lợi” thì Chủ tịch UBND phường Quang Trung chỉ xác định bà Yến có hành vi “làm ảnh hưởng đến nếp sống văn hóa”.

Và vì không chứng minh được bà Yến có hành vi trục lợi nên Chủ tịch UBND phường Quang Trung chỉ phạt 5 triệu đồng mà không kèm thêm biện pháp tịch thu nộp ngân sách nhà nước số tiền trục lợi.

Tóm lại, vì không lập biên bản vi phạm, không chứng minh được bà Yến có hành vi gọi hồn và hành vi trục lợi nên quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND phường Quang Trung là vi phạm pháp luật, không có căn cứ cả về hình thức lẫn nội dung, phải bị hủy bỏ.

Điều đáng nói là, mặc dù có trong tay đầy đủ chứng cứ chùa Ba Vàng không trục lợi, thể hiện trong cam kết của tín chủ, do chính Báo Lao động đã tìm ra và công bố, nhưng mới đây, ngày 04-6-2019, báo Lao động lại “dã tâm” tung ra bài “Có thể biện minh đó là niềm tin tôn giáo?”, trong đó vẫn ngoan cố lải nhải luận điệu chùa Ba Vàng “giải vong thu tiền” và “trục lợi”.

Đây phải chăng là sự hãm hại của Báo Lao động đối với bà Yến và chùa Ba Vàng?

Nguyễn Mai

[1] http://baophapluat.vn/goc-nhin-ban-doc/ubnd-phuong-gap-kho-khi-giai-quyet-khieu-nai-cua-ba-pham-thi-yen-454934.html và http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/uong-bi-quang-ninh-phuong-quang-trung-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-su-viec-chua-ba-vang-cau-tha.html

[2] https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/co-the-bien-minh-do-la-niem-tin-ton-giao-736298.ldo