Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Ba La Đề Mộc Xoa

Ba La Đề Mộc Xoa

2428

Ba La Đề Mộc Xoa là biệt giải thoát, có công năng dứt hẳn nghiệp duyên, nghiệp nhân trong đường sanh tử. Nếu như không có Ba La Đề Mộc Xoa làm cương lãnh thống nhiếp Tăng đoàn thì tiền đồ Phật giáo không những tan rã mà còn đen tối nữa. Cho nên, vận mệnh của Phật pháp hoàn toàn tùy thuộc vào sự tồn vong của Ba La Đề Mộc Xoa.

Những năm đầu sau khi đức Phật thành đạo thực sự chưa có giới luật. Đệ tử Phật đều là những bậc hảo tâm xuất gia, căn khí đặc biệt sâu dày, chỉ cần vài lời điểm hóa khai thị là lập tức dự vào Thánh vị. Cho nên Tăng đoàn của thời kỳ đầu tiên hoàn toàn thanh tịnh, không cần phải chế định giới luật để kiềm thúc.

Sau mười hai năm, các pháp hữu lậu dần dà phát sanh. Các thầy Tỳ kheo bắt đầu sống với những tình tục quê hèn. Chính vì thế, với số lượng trong Tăng đoàn theo Phật quá đông đòi hỏi giới luật phải ra đời để bảo hộ sự hòa hợp thanh tịnh trang nghiêm của Tăng đoàn, cũng như bảo hộ giới thể của các thầy Tỳ kheo không cho mất. Nếu không, mỗi người sẽ tự tiện làm mỗi cách, nói mỗi cách thì làm sao trở thành một giáo đoàn gương mẫu để truyền bá giáo pháp và đạt đến địa vị vô thượng giác. Thế nên một đệ tử xứng đáng nhất của đức Phật là giữ gìn nghiêm chỉnh và cẩn thận giáo pháp của Ngài. Một Tỳ kheo hay một Tỳ kheo ni sống đúng với tinh thần của giới luật thì sẽ trở thành một người đức hạnh mẫu mực, có thể thay thế đức Phật tuyên dương giáo pháp ở cõi ta bà.

Thế nhưng, ngay sau khi Phật diệt độ, thầy tân Tỳ kheo Bạt Nan Đà đã thích thú thốt lên những lời hết sức nông nổi: “Lão già ấy chết đi là tốt, lúc lão ấy còn tại thế, quy định điều này phải làm, điều kia không cho làm. Nay lão ấy chết rồi, chúng ta được tự do”. Thật ra, đức Phật chế định giới luật không phải để bó buộc đệ tử mình. Một hành giả muốn liễu thoát sinh tử, đạt đến tuệ giác vô thượng thì không thể hững hờ trước giới luật được, vì giới luật cấm ngăn làm ác cũng cấm ngăn lười biếng chẳng chịu làm thiện. Điều nên làm phải làm, gọi là tác trì; điều nên làm mà chẳng làm, là phạm giới. Điều chẳng nên làm thì chẳng làm, gọi là chỉ trì; điều chẳng nên làm mà làm, là phạm giới. Nhiều người cho rằng Phật giới chỉ biết có một mặt tiêu cực là “ngừa lỗi ngăn ác” mà không thấy đến mặt tích cực là “làm các điều thiện”.

(Hình ảnh : Internet)

Trong Du-già Bồ tát giới bổn gồm có 4 giới trọng và 41 giới khinh; trừ 4 giới căn bản ra, còn những điều kia có thể lấy 30 điều xếp vào lục độ, 11 điều gom vào Tứ nhiếp. Bốn giới trọng trước chưa phân biệt là phải gom vào đâu, song giới khinh đều do từ căn bản của giới trọng khai triển ra. Giới khinh là phân chi của giới trọng. Giới trọng là căn bản của giới khinh. Lục độ, tứ nhiếp là môn thiện hạnh lợi tha của Bồ tát đại thừa. Suy rộng ra thì lục độ bao trùm vạn hạnh, vạn hạnh thì có thể viễn hóa thành vô lượng pháp môn. Như có một người chăm sóc một mảnh vườn, ngoài việc làm sạch cỏ trong vườn, người ấy còn phải xới đất lên để trồng khoai, trồng đậu hay cây ăn trái. Mục đích không cho cỏ dại có điều kiện để phát sinh, mặt khác có thể đem hoa quả thu hoạch được biếu tặng cho những người khác. Siêng năng cuốc cỏ, làm sạch khu vườn là việc làm của một Tỳ kheo giới, tức là “nhiếp luật nghi giới”. Còn hành động tích cực trồng hoa trái và đem chia cho người khác là việc làm của Bồ tát giới, tức là “nhiếp thiện pháp giới” và “nhiếp chúng sinh giới”. Rõ ràng giới luật là một linh dược mầu nhiệm để bảo hộ tinh thần hòa hợp của Tăng đoàn như nước với sữa. Chính nhờ sự bảo hộ này mà một hành giả trên đoạn đường thoát ly sinh tử mới có đầy đủ năng lực hàng phục được sự cám dỗ của năm dục sáu trần, chiến thắng được chúng ma phiền não vì trong hành giả ấy tồn tại một bản thể thanh tịnh. Một hành giả không gieo hạt giống sinh tử thì dù chẳng nghĩ lìa sinh tử mà trong sinh tử cũng không bao giờ tìm thấy tung tích của hành giả ấy. Tinh thần của giới luật là như thế, chỉ có những người không thấy được sự nghiêm chánh và sự vi diệu của giới luật mới có sự khinh suất mà buông ra những lời đáng buồn như thầy Bạt Nan Đà.

Tôn Giả Ca Diếp cũng rất xót xa về vấn đề này. Ngài lo sợ tinh thần và công đức cứu thế của Phật giáo nhân vì đức Thế Tôn nhập diệt mà cũng theo đó kết thúc. Nhưng những lời khuyên nhắc tha thiết sau cùng của đức Thế Tôn đã kịp thời vang lại bên Ngài: “Này các Tỳ kheo!  Sau khi ta diệt độ phải nên tôn trọng trân kính Ba La Đề Mộc Xoa như người đi trong đêm tối gặp ánh sáng, như người nghèo gặp của báu. Phải biết giới luật là thầy của các ông”. Tôn giả Ca Diếp vì thế mà vững lòng, quyết tâm triệu tập các vị đệ tử lớn đương thời kiết tập Luật tạng.

(Hình ảnh : Internet)

Hiện nay, ngôi nhà Phật Pháp đang báo động lung lay và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào nếu như giới luật không còn chỗ đứng trong tăng đoàn. Nghĩa là những người có trách nhiệm giữ gìn gia tài của Phật không còn thiết tha và trân kính Ba La Đề Mộc Xoa nữa. Sự quyến rũ đê mê nghiện ngập như chất ma túy của năm món dục lạc đã kéo chặt chân những ai muốn thử nếm chút hương vị trần thế, không còn biết như thế nào là một bản thể thanh tịnh. Một Tỳ kheo không có một bản thể thanh tịnh thì làm gì giữa thế gian này còn có tên gọi“tăng bảo thường trụ”. Chúng ta sống không như pháp, càng ngày càng cách xa thánh giới chỉ vì chúng ta đã bị nhạt phai ý niệm thoát tục tự lúc nào mà không hay. Đức Thế Tôn đã biết trước điều này nên những giây phút cuối cùng trên cõi thế Ngài đã ân cần nhắc đi nhắc lại vai trò tối cần thiết của giới luật trong những năm tháng chánh pháp chuyển mình đi xuống. Chúng ta là những người được mệnh danh là con trưởng của Như Lai lẽ nào hờ hững với lời di chúc ấy. Chúng ta muốn chống lại ma quân, giữ gia tài của Phật Tổ mãi bền vững, lẽ nào chúng ta muốn hủy hoại thứ vũ khí vô cùng cần thiết !

Luật Thiện Kiến nói rằng : “…Dù trên thế gian này chỉ còn tồn tại năm người xuất gia giữ giới thanh tịnh thì giáo pháp của đức Phật vẫn còn thọ mạng lâu dài vì số lượng năm người này có thể thực hiện việc truyền giới cụ túc. Và như thế Tăng đoàn sẽ được sản sinh và phát triển”. Chúng ta muốn chống đỡ ngôi nhà Phật pháp thì đừng vì sự hư hủy phạm hạnh của người khác mà không biết tự bảo hộ bản thể thanh tịnh cho riêng mình để không phải rơi vào tình trạng Phật giáo chỉ còn sót lại nguyên vẹn chỉ có năm người hoặc là ít hơn.

 

(Theo Theo Dấu Chân Xưa)