Tôi rất tâm đắc với bài viết của Đại đức Thích Thanh Thắng với tiêu đề “Nhìn lại nhân sự Đại hội VII”. Bài viết đã nên lên khá đầy đủ các thông tin liên quan đến công tác nhân sự diễn ra trước và trong khi Đại hội, kể cả những thông tin phòng họp và chỉ có những người được họp mới biết.
Chắc hẳn Đại đức có những thông tin căn bản chính xác và đáng tin cậy, thông qua đó để cho những ai quan tâm có đánh giá khách quan và công bằng cho tất cả những người liên quan.
Riêng cá nhân tôi, ngay sau khi kết thúc Đại hội đã có bài viết ngắn với tiêu đề “Được và chưa được” của Đại hội Phật giáo toàn quốc kỳ VII và được Ban Biên tập đăng ngay trên trang Phattuvietnam.net, với một mục đích nêu ra những vấn đề gợi mở để mỗi người quan tâm cùng phản hồi, phản biện khách quan, nhằm giúp cho Phật giáo đồ một tầm nhìn khách quan nhất và có những sự thúc đẩy vì sự tiến bộ của đạo pháp và dân tộc.
Nếu là những người Phật tử bình thường hay là những đại biểu bình thường ngồi tham dự và vỗ tay chúc mừng, không bận tâm để ý đến những vấn đề trước, trong khi diễn ra Đại hội thì chắc sẽ có cảm nhận Đại hội thành công tốt đẹp hơn các kỳ trước, vì cờ hoa trang trí lộng lẫy gây ấn tượng cho người đi đường quanh khu vực diễn ra Đại hội. Rồi bố trí hội trường phụ để giúp Tăng ni, Phật tử không phải là Đại biểu chính thức có chỗ ngồi dự thông qua màn hình lớn, để cộng thêm tiếng vỗ tay chúc mừng cho Đại hội.
Hoặc là 3 đêm văn nghệ với với đầu tư công phu về con người và thiết bị để giàn dựng chương trình thu hút hàng ngàn Phật tử, hoặc là nghi thức lễ rước cung nghênh chư tôn đức từ Trụ sở trung ương – chùa Quán Sứ đến Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Hà Nội cũng như kịch bản suy tôn ngôi vị Pháp chủ…
Những việc đó là hình thức và dễ bắt mắt với những Phật tử tâm tím Tam Bảo và chắc chắn coi đó là thành công của Đại hội.
Song với tôi và với tất cả những người quan tâm đến tiền đồ Phật pháp, cũng như lãnh đạo các cơ quan liên quan đang ngày đêm tìm mọi cách để hộ trì cho Phật pháp xương minh, Tăng già đoàn kết, hòa hợp, phân ngôi bổ xứ theo khả năng của từng người theo đúng nghĩa, chắc chắn sẽ đánh giá là Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ VII là Đại hội còn có bất cập.
1. Chúng ta xem lại nội dung Hiến chương quy định tại điều 31: Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm 5 năm hoạt động Phật sự của Giáo hội; ấn định chương trình hoạt động Phật sự 5 năm tới; suy cử Hội đồng Trị sự và sửa đổi, thông qua Hiến chương. Đây là Phật sự quan trọng nhất của Đại hội, nhưng lại không được quan tâm đúng mức.
Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc là cơ quan lãnh đạo nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quyền thảo luận, thông qua các nội dung và chương trình nghị sự của Đại hội. Đại biểu tham dự Đại hội có quyền được đề cử, suy cử vào các cấp Giáo hội, có quyền thảo luận và biểu quyết công việc của Giáo hội.
Tuy nhiên, tại Đại hội VII, Chủ tọa đoàn đã không chú trọng đến quyền của một cơ quan lãnh đạo cao nhất của Giáo hội và của các Đại biểu.
Chủ tọa đoàn cử người đọc báo cáo tổng kết nhiệm kỳ qua, đọc dự kiến chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ tới, đọc sửa đổi Hiến chương, đọc danh sách nhân sự, đọc nghị quyết,… tất cả các nội dung khi kết thúc, Chủ tọa chỉ nói một lời “đề nghị cho tràng vỗ tay” và Đại biểu cũng vỗ tay và nếu không vỗ tay hoặc muốn có ý kiến thì cũng không ai cho ý kiến, nếu tự nhiên có ý kiến mà không được Chủ tọa đồng ý thì phạm Nội quy Đại hội.
Đây là bất cập đầu tiên và cơ bản nhất của Đại hội và lại diễn ra ngay nơi cơ quan lãnh đạo cao nhất của Giáo hội – “Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc.”
2. Đề án và quy trình làm nhân sự không tuân theo một trật tự, quy trình nào, dẫn đến những “chạy chức”, “chạy quyền”, “tạo vây cánh”, “lợi ích nhóm” là những từ ngữ được đại biểu thì thầm nhiều nhất bên lề Đại hội.
Hiến chương quy định rất rõ: thành phần nhân sự của GHPGVN là những Tăng ni, Cư sỹ Phật tử có năng lực, đạo hạnh và tiêu biểu của các tổ chức, hệ phái Phật giáo Việt Nam, có công đức với đạo pháp, dân tộc và trung thành với Tổ quốc.
Nhìn vào nhân sự Đại hội VII vừa được suy cử thì thấy rằng hầu hết các chức vụ chủ chốt đều là bậc Hòa thượng, tính bình quân là trên 70 tuổi và tái cử. Đạo hạnh cao nhưng tuổi cao sức yếu thì làm sao đủ sức cầm sào chèo lái con thuyền Phật giáo, và như vậy sẽ dễ bị cấp dưới lướt mặt và dựa đó để làm những điều càn quấy, lợi ích riêng tư.
Một số vị chủ chốt ở một vị trí quá lâu, nhưng lại không phát huy được năng lực của mình, cùng lắm cả nhiệm kỳ tổ chức được một hoặc hai lần hội thảo chuyên đề thì làm sao mà thúc đẩy được Phật sự cả nước với tư cách là tham mưu và quản lý lĩnh vực cho các địa phương.
Đạo hạnh của một số vị trí cũng cần phải xem xét cụ thể đến từng người một cách công khai. Do Giáo hội không có kênh thông tin và quản lý nhân sự sâu sát như các cơ quan Đảng, Nhà nước và Mặt trận nên sự nắm bắt tư cách công dân của các cơ quan chức năng hỗ trợ thông tin là hết sức cần thiết đối với nhân sự lãnh đạo các cấp giáo hội.
Một vài vị chức sắc giáo phẩm cũng có những biểu hiện xa rời giới luật, có vấn đề về quan hệ cá nhân, bằng cấp, học vị, rồi phe cánh, lợi ích nhóm, thao túng… cũng không được mổ xẻ. Thậm chí, có vị còn chia rẽ quan hệ giữa Phật giáo với Nhà nước…
Trong khi đó, nhân sự trong hàng lãnh đạo Giáo hội phải là những người có công đức với đạo pháp và dân tộc, trung thành với Tổ quốc.
Những vấn đề về nhân sự Đại hội kỳ VII đã bộc lộ những yếu kém và bất cập của Giáo hội và Giáo hội đang vận hành theo một vài người có tiền của cả trong đạo và ngoài đời, và thậm chí sẵn sàng sử dụng những việc làm trong bóng tối, mượn tay người khác trong thế giới mạng để hạ uy tín của nhau (Như Đại đức Thích Thanh Thắng đã đề cập). Và đây là bất cập thứ hai của Đại hội.
3. Có vẻ như một vài cá nhân đã làm giảm sút lòng tin của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận cũng như của quần chúng nhân dân đối với Giáo hội. Theo thông lệ, sau khi kết thúc Đại hội, tân lãnh đạo hai Hội đồng sẽ đến chào và thông báo kết quả Đại hội đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Song kỳ này đã không diễn ra mà chỉ được tiếp đón tại Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Công an và Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Dù chỉ là hình thức, lễ tân song đây cũng là bất cập của Đại hội để mỗi người cần phải suy ngẫm Phật giáo sẽ đi theo chiều hướng nào nếu làm giảm lòng tin của hệ thống chính trị và quần chúng.
Ba bất cập trên đây ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Giáo hội trong nhiệm kỳ VII. Chỉ có điều chúng ta cần thấy rằng, hạt nhân, sức sống, tiền đồ của Phật giáo Việt Nam nằm ở mỗi hệ phái, sơn môn, tổ đình, tự viện, ở mỗi Tăng Ni, Phật tử. Nếu một số vị trí có vấn đề trong Hội đồng Trị sự không chứng tỏ được đạo hạnh, năng lực và làm việc vì mục tiêu chung trong thời gian tới thì chúng ta nên quên họ đi.