Những năm gần đây, nghi thức Lễ hội Vu Lan không chỉ là sinh hoạt tôn giáo mà đã trở thành một dịp lễ trang trọng thể hiện lòng báo hiếu, tưởng nhớ đến các bậc sinh thành của tất cả mọi người; đồng thời tiếp nối truyền thống cao đẹp uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam ta.
Đến chứng minh và tham dự buổi lễ có: Chư tôn đức Tăng Thường trực Ban Trị sự tỉnh hội, chư Tăng Ni Trụ trì các Tự viện và đông đảo Phật tử tại địa phương cũng như các vùng lân cận.
Được biết, chùa Quảng Phước hiện nay do Sư cô TN Huệ Huệ Trụ trì. Đây là một ngôi chùa nằm trong địa thế vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bằng Sắc tộc. Mọi hoạt động Phật sự rất là đơn điệu, khó khăn, ít người biết Phật pháp. Và nơi mà nhận thức cùng điều kiện sống của người dân còn nhiều hạn chế.
Thế mà có những bóng dáng Chư Tăng Ni, sẵn sàng dấn thân về những nơi xa xôi, thiếu vắng Phật pháp để hướng dẫn, truyền bá giáo lý của Đức Phật. Những vị đó thật đáng trân trọng và khâm phục bởi ý chí cũng như tinh thần phụng sự của họ.
Mặc dù không khí Lễ hội Vu Lan của một ngôi chùa nằm khiêm tốn một gốc rừng cao su không rộn ràng, mọi thứ trang trí đơn sơ giản dị như đời sống vốn có của người tu hành nơi vùng sâu, nhưng những ai đến đây đều cảm nhận được sự ấm cúng của tình người và cao hơn hết là ánh sáng của Phật pháp đang chiếu rạng khắp mọi chân trời, ngay cả những vùng núi cao hiểm trở, hay vùng biên địa nghèo khó. Chư Tăng về đây đòi hỏi phải là những người chân tu thực học, có tâm huyết và có khả năng làm cho Phật Pháp được trường tồn.
Đúng 9h00”, Lễ Vu Lan Báo Hiếu – Dâng Y Ca Sa chính thức khai mạc. Mở đầu chương trình là nghi thức niệm hương, Chư Thượng toạ Đại đức Tăng Ni và toàn thể hội chúng thành kính đảnh lễ Tam Bảo.
Tiếp theo là phần diễn văn khai mạc, dâng hoa cúng dường, cảm niệm Vu Lan, nghi thức cài hoa hồng, dâng Pháp y chúc mừng chư Tăng Ni thêm một tuổi hạ. Sau đó là lời đạo từ của Hòa thượng Trưởng BTS PG tỉnh Bình Phước. Hòa thượng tán thán công đức của Sư cô TN. Huệ Huệ đã xây dựng ngôi già lam thật khang trang tại vùng sâu này và mong rằng dưới sự hướng dẫn của sư cô Trụ trì, ngôi chùa Quảng Phước sẽ ngày càng phát triển và luôn thực hiện theo đúng chí nguyện “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”.
10h00” là nghi thức Cúng dường Trai Tăng và cung tiễn chư Tôn đức Tăng Ni hồi quy Bổn tự.
Sau lễ hành chính, tất cả Phật tử cùng hoan hỷ trong tiệc chay thân mật, ấm tình đạo vị.
Không dừng tại đây, chương trình Đại lễ Vu Lan còn tiếp tục bằng thời Pháp thoại do TT.Thích Chân Quang (BRVT) đảm trách, với sự tham dự đông đảo của Đạo tràng chùa Quảng Phước, cùng các Phật tử thuộc thị xã Phước Long và ngoài tỉnh.
Thể theo lời dạy của Hòa thượng Trưởng BTS PG tỉnh Bình Phước, TT.Thích Chân Quang (BRVT) đã chia sẽ đạo lý với các Phật tử đề tải GIỮ GÌN ĐẠO TÂM CHO NHAU.
Mở đầu, Thượng tọa định nghĩa “Đạo tâm” là gì?.
– Đó là cái gì rất quý và làm cho cuộc sống của ta được hướng thượng, an vui và hạnh phúc. Kiếp này ta có thể vất vả, cực khổ nhưng nếu biết nương vào Phật pháp ta sẽ đi lên, sẽ tìm về nơi hạnh phúc, sung sướng hơn, công đức được tăng trưởng mãi và ta thoát khỏi đời sống trầm luân tăm tối của những kiếp đã qua. Cho nên, có Phật pháp ta có ánh sáng phía trước, có niềm tin, có hy vọng để bước tới. Còn cuộc đời thì vốn đen bạc thị phi, tối tăm, tội lỗi.
Chúng ta hãy nhìn vào một mái nhà tranh nghèo khổ nhưng những người sống trong đó có đạo tâm, biết quý kính Tam Bảo, ta yên chí một điều “Người đó sẽ có tất cả những thứ tốt đẹp”. Vì vậy ta nhận định một con người, không đánh giá trên sự giàu sang vật chất hay hình thức mà đánh giá trong tâm hồn của họ có đạo tâm hay không? Đó mới là tài sản chính, là kho tàng của ta chứ không phải sự phù phiếm của thế gian này.
Đạo tâm thể hiện bằng hành động kính Phật, kính Pháp, kính Tăng, muốn thực hành Giáo pháp, muốn vâng lời phật dạy, muốn ủng hộ chư Tăng v.v… Nếu ta mất đạo tâm thì đời ta cũng sẽ mất theo, trôi lăn vào bóng tối.
Vì vậy nhiệm vụ của chư Tăng Ni là tu hành hướng về sự giác ngộ giải thoát; đồng thời giáo hóa Phật tử, làm thế nào để họ tăng trưởng được đạo tâm từng ngày.
Muốn hại ai, phá ai thì ta làm sao cho người đó mất đạo tâm, tức là đời người đó coi như vất đi. Ngược lại, ta muốn cứu giúp ai thì làm sao người đó có được đạo tâm, tăng trưởng đạo tâm, tức là ta cho họ tất cả mọi điều tốt đẹp thật sự. Còn giúp cái gì ngoài đạo tâm thì rồi cũng hết, cũng qua…
Hiểu đạo tâm quý như vậy, ta phải giữ gìn cho chính mình và cho mọi người. Đó là ta làm được những công đức rất lớn không gì so sánh được. Không có cái phước nào bằng giữ gìn, bảo vệ đạo tâm cho nhau. Đó mới chính là công đức, là món quà ta cúng dường lên Chư Phật suốt đời của ta. Còn khôngcó công đức giữ gìn đạo tâm cho mọi người thì mọi công đức khác coi vậy chứ tạm bợ.
Lại nữa, Thượng tọa phân tích, muốn phá hoại đạo tâm của người khác, chủ yếu là làm gì? Hiện nay ở vùng sâu, vùng đồng bằng Sắc tộc thường có những tổ chức, có âm mưu muốn phá hoại đạo tâm của các Phật tử bằng thủ đoạn rất tinh vi. Trong việc phá hoại đạo tâm này, có 2 kẻ tội đồ: Kẻ thứ nhất chuyên đi nói xấu các Chùa và Tăng Ni. Kẻ thứ hai nghe ai nói xấu Tăng Ni là tin liền và còn tiếp tay tuyên truyền điều xấu ác đó cho người khác nữa. Nên nhớ “Việc phá hoại đạo tâm của mình và phá hoại đạo tâm người khác thì tin rằng ba cửa ác đạo mở ra, đang chờ ta ở kiếp sau, đó là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh”.
Do đó, việc giữ đạo tâm cho nhau mới là điều quan trọng, bảo vệ uy tín cho Chư Tăng mới là chuyện lớn. Đối với Chư Tăng ta phải hiểu một điều, chắc chắn họ có lỗi, có sơ suất nhưng các Ngài sẽ từ từ vượt qua hết kiếp này tới kiếp khác, vì tu không phải chỉ một kiếp đắc đạo.
Chúng ta phải biết cảm thông, không nói lỗi ra ngoài vì hiều rằng cái sơ suất đó nó đương nhiên, rồi quý thầy, quý sư cô sẽ vượt qua.
Nếu ta có duyên thân cận nên góp ý kín đáo. Chúng ta bảo vệ quý thầy, quý cô mà cũng là để bảo vệ đạo tâm cho bao nhiêu người khác. Trong cái giữ đạo tâm đó! Nhìn vào thấy giống như là một sự cảm thông, độ lượng, yêu thương v.v… Ai vạ miệng, xấu miệng đem nhược điểm quý thầy, quý cô ra nói, ta phải chỉnh họ, ngăn chận liền
Nếu đạo tâm của bao nhiêu con người cứ tồn tại mãi giữa cuộc đời này thì thế gian không còn bóng dáng của đau khổ. Có thể nói mạnh “Vàng trong nhà không quý bằng có đạo tâm trong trái tim của mỗi người”. Ta quyết không để gián đoạn, không để mất đạo tâm, nếu hôm nay đạo tâm mất rồi, vĩnh viển sẽ không có Thánh quả, không có Thánh vị, ta mãi mãi là kẽ trầm luân trong tăm tối, trong si mê, tội lỗi. Còn một khi đạo tâm đã có trong tim ta rồi thì hy vọng có một ngày sẽ biến thành đạo quả Vô thượng Bồ đề. Đó mới là điều không gì có thể so sánh được.
Thượng tạo nhấn mạnh “Kính Tăng là một cuộc chiến đấu giữa cuộc đời này và trong lòng mình, vì rất nhiều âm mưu hiểm độc từng ngày đánh phá vào đạo tâm của mọi người” (ta rất dễ hiểu sai, nghĩ cạn và vạ miệng). Nếu ta mất niềm kính Tăng thì họ đánh vào sự kính Pháp, kính Phật của ta.
Hiện nay đang có những luồng tư tưởng đánh vào kính Pháp và kính Phật (trên internet), họ bẻ cong Giáo lý của đạo Phật – đánh vào sự kính Pháp. Mà muốn cho người ta đừng tin Pháp thì làm sao để họ đừng tin Tăng. Cái kính Tăng là thành trì để bảo vệ sự kính Phật, kính Pháp của ta. Kính Tăng mà mất rồi thì không bao lâu kính Phật, kính Pháp cũng tan vỡ và đời ta chìm trong tăm tối. Do đó cái kính Tăng ta phải bảo vệ quyết liệt.
Sau khi kết thúc buổi chia sẽ đạo lý, Đạo tràng chùa Quảng Phước tổ chức trao tặng 150 phần quà cho những người mù và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Mỗi phần quà trị giá 180.000 VNĐ, bao gồm 8kg gạo, mì, dầu ăn, nước tương, sữa, đường, bột ngọt v.v…Tổng trị giá là 27.000.000 VNĐ.