“Thầy là đỉnh núi cô liêu ngàn đời tịnh mặc. Trò là sông dài cuồn cuộn bỏ núi ra đi. Còn đây áo cũ ngậm ngùi. Còn đây dáng núi nụ cười an nhiên”. Con nhớ những ngày đầu bước chân lên đất Sài thành nhộn nhịp, thầy thường khuyên: “Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta – nhất là tu sĩ trẻ – phải biết tỉnh thức tu tập, phải biết cảm thông và chia sẻ với mọi người xung quanh, rồi từ đó mới có thể hiểu được chính mình con ạ!”. Giọng nói trầm và sâu cũng như chính nhân cách sống của thầy vậy: thanh cao mà bình dị, trang nghiêm mà dễ gần. Mỗi lần về Huệ Nghiêm viếng thầy, con thường nghe câu nói: “Ông thầy, học hành đến đâu rồi? Phải cố gắng nghen, con đường tu tập còn dài và nhiều gian nan lắm đó!”. Nói xong, Thầy lại xoa đầu con, rồi cười, rồi lắng nghe con thưa việc. Nhìn ánh mắt nghiêm từ cộng với sự cảm thông và khích lệ của thầy, con cảm thấy bình tâm và tự tin hơn đối với những hoài bão cao đẹp mà mình hằng ấp ủ và đó cũng là kỳ vọng của thầy đối với con – đứa học trò nhỏ mà thầy đã dành cho nhiều mối quan tâm.
Nếp sống giản đơn, đậm chất
Có lần con ra thăm thầy, thấy con mặc chiếc áo cũ bạc màu sờn rách, thầy không nói gì, nhưng âm thầm nhờ người may cho con áo mới. Cầm chiếc áo trên tay, con lặng người xúc động. Thầy không chỉ dõi theo từng bước tu học của con như một người thầy, người cha, mà còn chăm chút cho con với tình thương ngọt ngào ấm áp bao la như một người mẹ. Không ồn ào thể hiện ra, nhưng tấm lòng từ ái mênh mông của thầy, tất cả chúng con đều cảm nhận được.
Giờ đây ngồi xếp lại những chiếc áo cũ của thầy, không phải “xếp tàn y lại để dành hương” mà là muốn giữ hoài cho những chiếc áo ấy mãi còn nguyên vẹn, hóa thạch để lưu giữ mãi tình thương của thầy đã dành cho con. Ðể rồi, mỗi lần khoác chiếc áo màu nâu lên người, bước ra đường đời xuôi ngược, nhiệt thành góp chút công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc hoằng pháp lợi sanh, con vẫn cảm thấy thầy luôn ở quanh con, vẫn mãi có bàn tay, ánh mắt của thầy nghiêm từ dõi theo, nâng dắt con đi.
Thích minh thuận