Tuy tình tiết về kinh nghiệm "chết" của mọi người khác nhau nhưng ai cũng nói đến cuộc gặp gỡ một vị toàn thân ánh sáng. Lúc đầu là thứ ánh sáng lờ mờ, rồi ánh sáng trở nên rõ dần và sau cùng thì hiện toàn thân trong một thứ ánh sáng rực rỡ. Tuy rực rỡ nhưng không làm chói mắt.
Có một điều khác lạ là hầu hết mọi người đều tả nguồn ánh sáng này giống nhau nhưng khi được hỏi thứ ánh sáng đó như thế nào thì mỗi người nói một cách, tùy theo niềm tin tôn giáo của họ.
Theo Tử thư Tây Tạng (Luận Vãng Sinh) thì ánh sáng mà con người trong giờ phút cận tử nghiệp nhìn thấy đó chính là pháp thân thường trụ (chân tâm).
Ánh sáng đó được khai thị cho người sắp chết như sau: “Khi hơi thở vừa tắt, người sẽ thấy một luồng hào quang rực rỡ… Đây chính là chân tâm thường tịch, vắng lặng trống rỗng như không gian, là thức vô biên xứ . Hãy nhận ra điều này và lưu trú trong chính niệm đó…”
Ánh sáng “Chân tâm” mà trong giây phút cận tử nghiệp mọi người đều nhìn thấy cũng chính là ánh sáng mà các hành giả tu thiền chứng được khi vượt qua được sắc, thọ trong quá trình hành thiền diệt sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
Theo Luận Vãng Sinh thì nếu được nghe những lời khai thị này, thần thức của người mới rời bỏ thân xác có thể nhập vào thứ ánh sáng chân tâm này và có thể giải thoát. Nhưng với một người bình thường dù được nghe lời khai thị có thể nhập vào thể tính không này hay không?
Trên thực tế là không thể, chỉ có các bậc thiền sư tu hành đắc đạo mới có thể nhập. Vì sao lại như vậy?
Theo Lạt ma Chogyam Trungpa Rinpoche, đó là do năng lực của nghiệp báo dẫn dắt “Sau khi đạt tới chân tâm không sinh không diệt này, nghiệp lực sẽ bắt đầu xuất hiện và dẫn dắt thần thức đi vào đời sống mới”, vào sáu nẻo luân hồi.
Năng lực nghiệp này là gì? Sự vận hành của nó như thế nào? Vì sao nó lại không cho thần thức nhập vào được chân tâm? Để hiểu rõ về nó, tôi xin mạn phép được dùng tri kiến nhỏ hẹp của mình đi sâu vào vấn đề này.
Vì sao con người phải tái sinh
Đối với pháp môn Thiền tông, quá trình chết của con người là sự chìm đi của tứ đại: đất, nước, lửa, gió. Đất chìm vào nước, nước chìm vào lửa, lửa chìm vào gió, gió chìm vào thức.
Về trạng thái, nó cũng giống như quá trình diệt sắc, thọ, tưởng, hành, thức của một vị hành giả tu thiền.
Qua nghiên cứu về cảm xúc cũng như tư tưởng của quá trình chết thì sự chết của con người bình thường mới chỉ bị mất thân xác chứ tâm thức vẫn còn. Điều đó cũng có nghĩa là khi một con người chết đi thì quá trình diệt sắc, thọ, tưởng, hành, thức mới chỉ dừng ở mức diệt được sắc, thọ chứ tưởng, hành, thức chưa bị diệt.
Theo Lạt ma Chogyam Trungpa Rinpoche, những giai đoạn của sự chết diễn ra như sau: “Khi các yếu tố tứ đại dần dần tiêu tan và đoạn diệt. Khi yếu tố đất đoạn diệt trong yếu tố nước, người chết có cảm giác hết sức nặng nề trì trệ. Lúc yếu tố nước tiêu tan trong yếu tố lửa người chế thấy rõ bộ tuần hoàn ngừng hoạt động. Khi yếu tố lửa tan trong yếu tố gió người chết mất cảm giác về nhiệt độ, về sự tăng trưởng. Và khi yếu tố gió tan vào trạng thái không, chính lúc đó người chết mất hẳn mối liên hệ với thế giới vật chất.
Cuối cùng khi không hoặc thức tan biến trong thức vô ngã thần thức người chết bỗng nhiên cảm nhận một thứ ánh sáng rực rõ chói loà. Một thứ ánh sáng tự thân. Đây là trạng thái có khi gọi là chân tâm hay pháp thân thường trụ….
Về mặt tâm thức . Khi mất yếu tố đất, thần thức có cảm giác mất luôn cách suy nghĩa thông thường, lúc đó chỉ còn dựa vào yếu tố nước và cho rằng tuy thế mình vẫn còn biết suy luận.
Tới lúc yếu tố nước đoạn diệt, thần thức rời bỏ suy luận. Lúc đó cảm tính nổi lên rất mạnh. Thần thức tha thiết nhớ đến người mình yêu thương hoặc hằn học với những gì mình ghét bỏ.
Yếu tố lửa làm cho các cảm giác yêu ghét đó lên đến cao độ. Như khi lửa tan đi trong gió thì những cảm giác ấy cũng nhạt dần, thần thức có cảm giác trống rỗng hoặc thanh thản, đồng thời mất khả năng tập trung, tất cả bị cái không xâm chiếm.
Khi đạt đến chân tâm, thần thức sẽ thấy được tính chất nhất thể, sẽ có cảm giác niềm vui và đau khổ chỉ là một xuất hiện cùng một lúc”.
Khi thân xác bị đoạn diệt, thần thức sẽ rời khỏi thân thân xác và có thể nhìn thấy thân mình từ bên ngoài nhìn vào. Điều đó cũng tương ứng với việc một hành giả tu thiền vượt được sắc, thọ.
Trong Kinh Thủ Lăng nghiêm Đức Phật có nói: “Khi đã phá được sắc ấm, tâm đã duyên với cảnh vô phân biệt, hành giả thiền thấy được được hình ảnh của chân như (thấy tâm của chư Phật) nhưng chỉ như cái bóng trong gương, hình như có được nhưng chưa có thể dùng. ..
A Nan! Người thiện nam kia, khi ở trong trạng thái như thế, cảm nhận một ánh sáng rực rỡ, trong tâm sinh khởi một loại cảm xúc…
Cũng như người bị bóng mộc đè, tay chân y nguyên, thấy nghe không sai nhưng tâm bị khách tà không cửa động được…. Khi trạng thái bóng mộc đè tiêu mất, tâm rời khỏi thân, trở lại xem nghe được mặt mày, đi ở tự do không bị ngăn ngại. Ðây gọi là hết Thọ ấm”.
Những điều được đức Phật nói trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm đã cho ta thấy, ánh sáng chân tâm mà thần thức nhìn thấy được sau khi rời bỏ thân xác chỉ giống như cái bóng trong gương hay mặt trăng soi dưới nước. Thấy được những không thể hoà nhập vào được. Vì sao như vậy?
Vì tưởng, hành, thức của một bản ngã vẫn còn. Điều đó cũng có nghĩa là những hình ảnh, những tập quán… được huân tập vào trong thức (a lại da thức) vẫn còn. Đó chính là báo nghiệp của một chúng sinh dẫn dắt chúng sinh tái sinh trở lại để nhận thọ quả.
Theo Lạt ma Soyal Rinpoche trong Tạng thư Sống chết thì chướng nghiệp đó cũng giống như: “Một cái bọt thủy tinh trong suốt, một tấm màn rất mỏng manh che mờ toàn thể tâm ta, song có lẽ hình ảnh hay nhất là một cái cửa kính. Tưởng tượng bạn đang ngồi trước một cửa kính dẫn ra vườn, nhìn qua cửa để ngắm trời. Dường như không có gì giữa bạn và bầu trời, vì bạn không thể trông thấy mặt gương. Nhưng nếu bạn đứng dậy đi ra vườn, bạn có thể đụng lỗ mũi của bạn vào tấm kính, vì tưởng là không có gì. Khi va chạm, bạn mới thấy có vật gì ở đấy giữ lại dấu tay bạn, một cái gì đứng chắn giữa bạn và không gian bên ngoài”.
Cái chắn giữ đó chính là sự chấp bám của con người về một cái bản ngã tôi vẫn còn đang tồn tại trong tiềm thức hay trong A lại da thức (nghiệp thức).
Qua sự phân tích trên ta thấy rõ, tất cả mọi người trong giây phút cận tử nghiệp đều được tiếp cận với chân tâm (tính Phật). Nghĩa là đều trở lại được với bản lai diện mục của chính mình. Nhưng không phải ai cũng có thể hoà nhập vào ánh sáng chân tâm này.
Chỉ có những người phá được sắc, thọ, tưởng, hành, thức ấm (tiêu được hết nghiệp) mới có thể hoà nhập được. Ngay cả các hành giả tu thiền nếu không có sự chỉ dẫn của các vị thầy cũng không thề hội nhập được.
Khi không hoà nhập được vào ánh sáng chân tâm, thì ngay từ trong tĩnh tịch rỗng lặng đó vọng tưởng bắt đầu dấy khởi. Nói đến đây có thể nhiều người sẽ hỏi, tại sao thân xác con người đã mất đi, tâm thức đã đạt đến sự rỗng lặng, tính không đã hiện diện mà vọng tưởng ở đâu lại dấy khởi lên?
Vọng tưởng này chính do từ thức (a lại da thức) cũng chính là kho chứa của nghiệp được hành tác tạo dấy khởi lên.
A lại da thức có nhiệm vụ như một cái nhà kho, trong đó những dấu ấn của các hành vi quá khứ do cảm xúc tiêu cực gây ra được tích chứa lại như những hạt giống. Nó cũng giống như một ngân hàng, trong đó nghiệp được gửi vào như những dấu ấn của khuynh hướng thói quen.
Nếu ta có thói suy nghĩ theo một mẫu mực đặc biệt nào đó, tiêu cực hay tích cực, những khuynh hướng ấy sẽ bị kích động dễ dàng, cứ trở lại và tiếp tục trở lại.
Với sự lặp đi lặp lại ấy, những khuynh hướng và tập quán của ta càng ăn sâu, tăng trưởng, thêm năng lực, ngay cả khi ta ngủ. Những thói quen, khuynh hướng ấy sẽ định đoạt cuộc đời, cái chết và sự tái sinh của một con người.
Chính sự tích trữ nghiệp đó mà con người sau khi khi chết đi sẽ vẫn là con người hiện thời mà họ đang là về cả thể xác lẫn tính cách. Đấy là lý do tại sao điều quan trọng con người phải sử dụng cuộc đời hiện tại của mình để thanh lọc luồng tâm thức, thanh lọc tính tình trong khi ta còn có thể làm việc này.
Chỉ khi nào kho chứa nghiệp bị tiêu trừ thì con người mới có thể như như bất động hoà nhập vào ánh sáng chân tâm được. Bây giờ thì chúng ta đã hiểu vì sao nghiệp đã lôi kéo con người phải tái sinh trở lại. Chỉ khi nào chúng ta không gây nghiệp mới và tiêu trừ hết nghiệp cũ thì chúng ta mới không bị kéo về sáu nẻo luân hồi.
Điều đó cũng tương đồng với việc phá hết sắc, thọ, tưởng, hành, thức ấm.
Như vậy, việc quan trọng trong cuộc đời của một chúng sinh được tái sinh vào kiếp người không phải là kiếm thật nhiều tiền để tạo sự thoả mãn cho thân xác mà việc chính là phải chuyển hoá được tâm thức của mình.
Làm sao khi hết kiếp người phải chứng đạt một mức độ nhất định về tâm linh. Cho đến một kiếp nào đó cái chết không còn là gánh nặng với cuộc sống mà trở thành sự giải thoát cuối cùng, cuộc giải thoát vĩ đại của con người ra khỏi nẻo luân hồi.
Còn tiếp…
Phần 2 – Cái chết, cuộc giải thoát vĩ đại