Chẳng hạn, các tài liệu từ thập niên 1990 trở về trước đều khuyến cáo việc trực tiếp truyền thanh, trực tiếp truyền hình về sự kiện chỉ nên thực hiện bằng đường vô tuyến, với nhiều loại thiết bị dự phòng, không nên thực hiện bằng đường hữu tuyến, mà chỉ nên coi đây là một trong những phương thức dự phòng mà thôi.
An toàn trong tổ chức sự kiện trong các giáo trình lý luận tổ chức sự kiện cũng quan trọng tương tự như môn an toàn điện trong chương trình đào tạo kỹ sư điện – điện tử, môn phải học đầu tiên.
Do vậy, trong loạt bài tổ chức sự kiện Phật giáo, nhằm chuyển tải kiến thức về lý luận tổ chức sự kiện đến quý bạn đọc tăng ni Phật tử, đề xuất những phương án vận dụng kiến thức lý luận tổ chức sự kiện hiện đại để tổ chức các sự kiện Phật giáo ngày càng nhiều hơn, thành công hơn, chúng tôi rất muốn đề cập đến vấn đề an toàn trong tổ chức sự kiện theo đúng tính chất giáo khoa của vấn đề.
Tuy nhiên, đề cập đến những tình huống mất an toàn, rủi ro, phải phòng tránh trong việc tổ chức đối với sự kiện Phật giáo quả là điều đáng ngần ngại, kể cả khi không có sự hiểu lầm là nói chi đến chuyện xui xẻo, không may!
Nhưng, trước tai nạn do đám đông chen lấn làm thiệt hại nhiều người trong lễ hội Ooc – om – bok mới xảy ra ở Phnompenh, Campuchia, chúng tôi cảm thấy không thể không bỏ qua nội dung được quan tâm hàng đầu này trong lý luận tổ chức sự kiện.
Nội dung kiến thức giáo khoa về an toàn và an ninh trong tổ chức sự kiện gồm cả phần vai trò của cơ quan an ninh, nhưng chúng tôi xin phép không đề cập đến, vì điều chúng ta đề cập đến là tổ chức sự kiện Phật giáo, không phải sự kiện do Nhà nước tổ chức.
Điều đầu tiên mà các tài liệu, giáo trình tổ chức sự kiện đề cập là cần phải có bộ phận bảo vệ an toàn, an ninh cho sự kiện, của chính đơn vị tổ chức sự kiện (ngoài lực lượng của nhà nước). Có một bộ phận bảo vệ riêng, tự tổ chức như vậy, thì đơn vị tổ chức mới có thể chủ động trong việc tổ chức sự kiện an toàn và an ninh tuyệt đối.
Việc như trên có thể tương đối xa lạ với Phật giáo, ngoại trừ một số ít trường hợp thuê các công ty bảo vệ bên ngoài. Thực ra, thuê bảo vệ bên ngoài chỉ là một phần của giải pháp, vì an toàn, an ninh không chỉ là phòng tránh xô xát, ẩu đả, chen lấn gây mất trật tự, mà còn cảnh giác trước những yếu tố cần quan tâm như an toàn thực phẩm, an toàn y tế, an toàn điện, phòng cháy, các giải pháp thoát hiểm…
Do vậy, các đơn vị tổ chức sự kiện Phật giáo, các chùa chiền cần lưu ý đến việc thành lập bộ phận bảo vệ này và có các phương án bảo vệ đủ mọi mặt như đã nói ở trên. Đội bảo vệ thuê mướn bên ngoài không thể thay thế bộ phận bảo vệ của chính đơn vị tổ chức.
Các tài liệu về lý luận tổ chức sự kiện và chỉ dẫn tổ chức sự kiện cụ thể cũng lưu ý đến sự cần thiết của các lối thoát hiểm khẩn cấp khi tập trung đông người trong một không gian giới hạn, kể cả ngoài trời.
Không gian tổ chức sự kiện phải có đủ các lối thoát hiểm cần thiết tương ứng với số người tham dự sự kiện (có số liệu cụ thể, bao nhiêu cửa với bao nhiêu mét vuông ứng với bao nhiêu người là tối thiểu). Các lối thoát hiểm cần được chỉ dẫn rõ ràng, chiếu sáng bằng đèn và không được có bất kỳ một chướng ngại vật nào. Các lối thoát hiểm luôn ở trong tình trạng có thể dễ dàng mở toang.
Trong Phật giáo, tổ chức lễ có đốt nến trong một sân chùa có tường cao bao bọc và chỉ có một cửa chính là điều cần phải cân nhắc. Vì chuẩn bị cho tình huống thoát hiểm cho đám đông là phải có nhiều cửa (như các “exit” đối với hội trường, nhà hát, sân vận động, máy bay…). Đối với một sân chùa thường xuyên tổ chức sự kiện đông người tham dự, thì cần phải có nhiều cửa phụ sử dụng như cửa thoát hiểm.
Đám đông tập trung ở mức độ cao luôn luôn tiềm ẩn những vấn đề an toàn. Những ghi nhận cho thấy kém an toàn hơn cả là những đám đông về tôn giáo và thể thao.
Hai tai nạn có liên hệ đến sự hỗn loạn đám đông đáng kể nhất liên quan đến Hồi giáo ở Ả Rập Saudi và Ấn Độ giáo ở Ấn Độ. Trong đó, tai nạn xảy ra ở Ả Rập Saudi có nguyên nhân từ vấn đề không gian tụ tập và lối thoát hiểm (tai nạn xảy ra trong một đường hầm).
Tai nạn mới đây xảy ra ở Campuchia cũng liên hệ đến vấn đề không gian (chiếc cầu quá hẹp). Vì vậy, vấn đề không gian tổ chức sự kiện đông người được các tài liệu lý luận tổ chức sự kiện lưu ý đặc biệt.
Tiếp đến là phương án và phương tiện giải quyết nếu có xảy ra vấn đề an toàn, đặc biệt đối với trường hợp có nguy cơ cao.
Chẳng hạn, trong suốt thời gian tổ chức các Hội sách ở TPHCM, Ban tổ chức luôn yêu cầu có một xe chữa cháy túc trực và mỗi gian hàng sách đều phải có bình cứu hỏa. Đối với Phật giáo, các sự kiện hoa đăng đốt nến diễn ra thường xuyên. Vì vậy, nếu phương án và phương tiện chữa cháy cứu hộ chưa được trú trọng đầy đủ, thì phải đặc biệt lưu tâm đến việc hoàn thiện phương án và bổ sung phương tiện, cắt cử bộ phận ứng trực đối phó.
Một tập thể đông đảo với hàng ngàn ngọn nến không phải là điều đơn giản, có thể xem nhẹ, chủ quan. Ở đây, có cả 2 vấn đề nguy hiểm: cháy và đám đông.
Các tài liệu lý luận sự kiện cần lưu ý hạn chế tổ chức sự kiện có tính nguy hiểm cao với đông người tham dự, như tổ chức đoàn leo núi đông đảo, tổ chức thi bơi vượt sông… Trong những trường hợp như vậy, nguy cơ mất an toàn tăng lên rất nhiều và đòi hỏi sự chuẩn bị có quy mô cao hơn bình thường rất nhiều.
Đối với Phật giáo, xin mạn phép đề cập đến sự kiện tam bộ nhất bái (ba bước một lạy) trên hành trình gần 2000 km. Đây đúng là một sự kiện được tổ chức rất hiệu quả, vì dù chỉ một người thực hiện và chỉ cần một nhóm ít người phục vụ bảo vệ, hậu cần…, nhưng có tiếng vang rất rộng lớn, thu hút sự chú ý của tăng ni Phật tử toàn quốc và trên thế giới.
Tuy nhiên, việc đi bộ và lạy trên quốc lộ nhiều xe cộ với tốc độ cao với thời gian có thể là cả năm trời sẽ đương nhiên tạo khả năng không an toàn rất cao, dù có xe bảo vệ trước sau. Sẽ là rất đáng băn khoăn nếu nhìn vấn đề chỉ trên phương diện tổ chức sự kiện (không đề cập đến khía cạnh là một pháp môn tu).
Trong tổ chức sự kiện Phật giáo, mục đích xây dựng tín tâm ở tăng ni Phật tử và cả toàn xã hội đối với đạo Phật. Một trăm một ngàn sự kiện thành công, nhưng chỉ có một sự kiện xảy ra vấn đề an toàn, là nó có thể phủ nhận tác động tích cực của các sự kiện Phật giáo đã và sẽ được tổ chức. Vì vậy, trách nhiệm chung của toàn thể tăng ni Phật tử đối với Phật giáo là hết sức cẩn trọng, vì sự tín tâm chung đối với Phật giáo.
Sau khi cân nhắc, chúng tôi thấy không thể lược bỏ một vấn đề mà các tài liệu về tổ chức sự kiện rất chú trọng, nhưng cần cân nhắc đối với tổ chức sự kiện Phật giáo, là vấn đề phá hoại.
Hiện nay trong sự phá hoại có tính chất tổ chức hầu như không có, nhưng không thể không không quan tâm đối với những kẻ cuồng tín, tâm thần, muốn “thử” sự linh ứng của đạo Phật, hay muốn chứng minh Phật “không linh” (?!). Cũng có những kẻ tà kiến cải đạo manh động trước sự phát triển của đạo Phật, dẫn đến những hành động cá nhân, rồ dại.
Trong những comment của bạn đọc trên Phattuvietnam.net ở loạt bài cải đạo, có nói đến một sự đe dọa đối với an toàn thực phẩm trong một lễ hội Phật giáo do các thế lực cải đạo gây ra. Lâu hơn, về trước nữa, có việc đốt chùa ở TPHCM. Chuyện bên lề sự kiện tam bộ nhất bái, có nói đến việc khi đi ngang qua khu vực tôn giáo khác chiếm đa số, người ta từ trong quán ăn ném xương ra đường khi vị sư lạy đến. Một nơi khác thì ném miểng chai ra trước lộ trình. Có thể họ không ác ý, không có tổ chức, mà chỉ do sân hận bộc phát.
Tuy nhiên, điều đó nói lên rằng việc mất chủ quan đối với vấn đề an toàn, an ninh trong tổ chức lễ hội Phật giáo là điều rất nguy hiểm, vì luôn luôn có những cá nhân nông nổi.
Riêng người viết, sau loạt bài đầu tiên về cải đạo, cũng đã có việc bị hăm dọa qua điện thoại.
Trang Phattuvietnam.net mới đây cũng bị tin tặc tấn công.
Những điều đó nói lên rằng, không thể loại trừ những hành động phá hoại riêng lẻ từ đâu đó bên ngoài.
Các cơ quan truyền thông nước ngoài có nêu ra khái niệm bom “miệng” đối với các sự kiện Hồi giáo tế. Thực tế đã có việc giữa đám đông tín đồ, có ai đó la “bom”, là xảy ra hỗn loạn, dẫn đến thương vong. Hay chỉ cần một trái pháo hoa, một viên pháo đại…
Một số chùa, trong những ngày lễ lớn, có mời lực lượng địa phương như công an, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố… giúp bảo vệ chùa. Thiết tưởng điều đó không thừa.
Ngoài ra, được tham dự một số sự kiện Phật giáo, chúng tôi nhận thấy một số không nhỏ trường hợp an toàn điện phục vụ thắp sáng đột xuất đã không được lưu ý. Dây điện thắp đèn trang trí lẽ ra đi trên cao, cách xa đám đông, lại đi dưới đất, phủ simili che lại. Kính mong quý tăng ni nghiêm khắc hơn nữa, không để cho thợ điện cẩu thả như vậy.
MT