Trang chủ Tin tức Ân tình Pháp lữ – Tưởng niệm Giác linh HT Thích Phước...

Ân tình Pháp lữ – Tưởng niệm Giác linh HT Thích Phước Hạnh

306

Do biến đổi của thời gian, thân tứ đại hao mòn với bệnh duyên, Sư Bác Thượng tọa Thích Phước Hạnh đã thuận thế vô thường, thâu thần thị tịch vào lúc 12h10 phút ngày 14 tháng 4 năm 2024 (nhằm ngày mùng 06 tháng 3 năm Giáp thìn) tại Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long, ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Trụ thế: 60 năm, Hạ lạp: 38 năm.

Thượng tọa là vị giáo phẩm có công lớn với Phật sự của Phật giáo tỉnh nhà, người am tường nghi lễ Phật giáo miền Nam, đặc biệt trong công tác trùng kiến chùa Phật Ngọc Xá Lợi thành tự viện tiêu biểu của vùng Tây Nam bộ. Và để ghi nhận những đóng góp của cố Thượng tọa, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh quyết định truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh lên giáo phẩm Hòa thượng.

Tại buổi viếng tang của HĐCM, HĐTS, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đã trao Giáo chỉ truy phong do Đức Pháp chủ GHPGVN ấn ký. Thượng tọa Thích Thiện Tâm đại diện môn đồ pháp quyến đón nhận.

Sinh thời, cố Hòa thượng từng đảm trách UV HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng Ban Thường Trực BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long, Nguyên Trưởng Ban Kinh tế Tài chánh GHPGVN tỉnh Vĩnh Long, Nguyên Trưởng Ban Nghi lễ GHPGVN tỉnh Vĩnh Long, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBMTTQVN tỉnh Vĩnh Long, Nguyên đại biểu HĐND tỉnh Vĩnh Long khóa VIII (trụ trì chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long; viện chủ các chùa: Giác Hòa, Long Thành, Vạn Phước, Phước Long.

Sự viên tịch của Hòa thượng là một tổn thất to lớn đối với toàn thể Tăng Ni, Phật tử GHPGVN tỉnh Vĩnh Long và môn đồ pháp quyến, hiếu quyến. Trong niềm thương tiếc vô hạn đó, tối ngày 18/4/2023 (nhằm mùng 10/3/Giáp Thìn) tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long, môn đồ pháp quyến đã tổ chức Lễ thắp nến tưởng niệm cố HT. Thích Phước Hạnh.

Chứng minh và tham dự lễ tưởng niệm có: chư Tôn đức Tăng Ni trong BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long, BTS các tỉnh thành, TT. TS. Thích Chân Quang, chư Tôn đức tông môn, chư Tôn đức Trụ trì các tự viện. Ngoài ra còn có gần 1.000 Phật tử các Đạo tràng cùng Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang trực thuộc Tổng Đạo Tràng Thiền Tôn Phật Quang đồng tham dự.

Trước Giác linh đường cố HT. Thích Phước Hạnh – Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long, Trụ trì chùa Phật Ngọc Xá Lợi, môn đồ pháp quyến, thế quyến đảnh lễ giác linh Hòa thượng và dâng hương, trà, hoa, quả cúng dường vị ân sư.

Tại buổi lễ, dưới ánh sáng lung linh của những ngọn nến biểu hiện cho tình thương và trí tuệ, các huynh đệ, các Pháp tử, Pháp tôn, những người từng đến, từng đi, từng thọ ân giáo dưỡng với cố Hòa thượng đã cùng ngồi với nhau ôn lại những kỷ niệm về người Thầy, người Pháp lữ đáng kính.

Mở đầu, Thượng tọa Thích Chân Quang – Giảng sư Phật học, Tiến sĩ Luật học, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang – Pháp đệ của cố Hòa thượng đã chia sẻ đôi lời cảm niệm sâu sắc đến với người Pháp Huynh của mình.

Đối trước Giác linh đài cố Hòa thượng, thay mặt cho pháp Huynh, pháp đệ và Đại chúng Thiền Tôn Phật Quang, Thương tọa thượng Chân hạ Quang đã bày tỏ niềm đau xót, thương tiếc đối với người Sư huynh khả kính.

Thượng tọa xúc động bày tỏ, thời gian thấm thoát trôi qua, mới đó mà giờ đã hơn bảy năm, nhớ lại thuở ban đầu, ngày mà 6 huynh đệ gồm: HT. Thích Viên Giác – Trụ trì chùa Từ Tân (TP. HCM), HT. Thích Minh Thiện – Trụ trì chùa Thiên Châu (Long An), TT. Thích Phước Hạnh – Trụ trì chùa Phật Ngọc Xá Lợi (Vĩnh Long), TT. Thích Chân Quang – Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang (BR-VT), TT. Thích Thiện Quang – Trụ trì chùa Bảo Long (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh), TT. Thích Giác Minh – Trụ trì chùa Phong Hòa (Đồng Tháp) đã tổ chức kết tình Linh sơn Pháp Lữ Đại Thừa tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi (Vĩnh Long). Vậy mà giờ đây, toàn thể huynh đệ không khỏi ngậm ngùi tiễn biệt người pháp lữ thân thương…

Trong khung cảnh trang nghiêm, Thượng tọa chia sẻ: bản thân Thượng tọa và mọi người đều biết Hòa thượng đang mang trọng bệnh, một ngày nào đó sẽ mãn duyên hóa độ, quảy dép về Tây. Nhưng không ngờ ngày ấy lại đến nhanh như vậy, bởi trong tâm thức của Thượng tọa, Hòa thượng đã chịu đựng cái đau, vất vả vì bệnh duyên để lo cho Phật pháp, lo cho Giáo hội, và chúng đệ tử.

Mỗi khi nhìn Hòa thượng chịu khổ vì bệnh duyên ai cũng xót xa, không đành lòng. Nay Hòa thượng rũ áo bụi hồng về nơi cõi Phật, Thượng tọa chắc chắn rằng dù ở cõi ấy, bằng đạo lực, uy đức của mình, Hòa thượng vẫn nỗ lực gia hộ, phò trì cho pháp lữ, pháp tử, pháp tôn của mình để họ tiếp nối chí nguyện, hoàn thành các Phật sự, đạo nghiệp mà Hòa Thượng chưa tròn.

Nói về nhân duyên gặp gỡ ở cõi này, Thượng tọa vừa vui mừng, vừa tiếc nuối. Thượng tọa vui bởi trong vạn người, lại có may mắn được gặp Hòa thượng, dù không phải tông môn ruột thịt nhưng huynh đệ bốn phương lại vui vầy với nhau trong tình pháp lữ. Tình nghĩa đậm sâu này được tạo dựng bởi huynh đệ cùng chung chí hướng tu hành và tự nhiên huynh đệ trở nên thương quý nhau. Thế nhưng, huynh đệ chưa gắn bó được bao lâu, nay đã phải âm dương cách biệt, mỗi người một nơi, thật là một sự mất mát, một nỗi đau quá lớn không lời nào diễn tả được.

Nhớ về vị Sư huynh, Thượng tọa hết lời khen ngợi khí chất khẳng khái của cố Hòa thượng rằng: Đi bao nhiêu nơi, tiếp xúc với bao nhiêu người nhưng với Thượng tọa thì Hòa thượng có một điểm đặc biệt mà không phải ai cũng có, đó là “Hòa thượng luôn đi tìm sự hoàn hảo trong mọi lĩnh vực mình bước vào”. Nghĩa là, cuộc đời Hòa thượng làm gì cũng phải làm cho trọn vẹn, hoàn hảo. Giống như khi phụng sự cho Giáo hội, Hòa thượng lúc nào cũng hết lòng hết dạ, hiến dâng trọn đời cho đạo pháp và chúng sinh cũng như xã hội mà không một phút giây nào ngơi nghỉ.

Gánh nặng nhất là khi Hòa thượng lãnh sự ủy thác của Giáo hội để xây dựng chùa Phật Ngọc Xá Lợi. Trước khi chùa có diện mạo như bây giờ, không ai dám nghĩ Hòa thượng lại có thể trùng kiến ngôi già lam này trở nên uy nghiêm, tráng lệ như thế. Có lẽ, mọi người chỉ cảm thán, ngưỡng mộ nhưng chưa ai thấy hết những vất vả, khó nhọc phía sau đằng đẵng biết bao ngày tháng mà Hòa thượng ngược xuôi xoay sở từng viên gạch, từng bản vẽ. Sau đó, Hòa thượng lại vất vả chỉ đạo mọi thứ để biến nơi đây thành công trình tâm linh tiêu biểu, độc đáo của Phật giáo vùng Tây Nam Bộ.

Thượng tọa cũng khẳng định, có một tâm nguyện rất lớn mà Hòa thượng ấp ủ nhưng do bệnh duyên nặng nên chưa hoàn thành được, đó là thiền định. Nhớ lại trong buổi giao tình linh sơn cốt nhục, cố HT. Thích Phước Hạnh đã đưa ra ba chữ tuyệt: một là tuyệt đối trung thành; hai là tuyệt đối bảo vệ nhau, sống chết có nhau; ba là tuyệt đối phát huy dòng Thiền từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tại đất Vĩnh Long và khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long này.

Đây chính là điều mà Hòa thượng khắc khoải nhưng ít ai biết. Dù Hòa thượng thành tựu rất nhiều lĩnh vực, nhất là con đường ứng phú tột đỉnh, nhưng thế giới thiền định với Hòa thượng vẫn là điều gì đó mới mẻ. Và trước yêu cầu khắt khe của thiền định, Hòa thượng đã ngày đêm nghiên cứu nhiều giáo điển, giáo lý để tìm cho ra áo nghĩa của thiền định. Trong lòng Hòa thượng, lúc nào cũng ấp ủ, nuôi nấng hy vọng sẽ mở khóa thiền để gieo duyên cho mọi người bước vào con đường thiền định cao siêu. Và nếu Hòa thượng không bị bệnh, có khi đất Vĩnh Long sẽ có một Thiền sư.

Ai thì có thể không nhưng nếu là Hòa thượng – một người không bao giờ dừng lại nửa chừng, một người hễ làm gì là sẽ làm cho tới tận cùng. Với bản lĩnh, ý chí, quyết tâm phi thường ấy, chắc chắn sẽ chứng Thiền, nhập định. Tiếc thay, bệnh duyên đã ngăn cản tất cả.

Hướng ánh mắt kiên định về Giác linh Pháp huynh Hòa thượng, Thượng tọa cho rằng: dù về nơi cõi Phật, cố Hòa thượng vẫn sẽ đi tìm cho ra áo nghĩa của thiền định cũng như sự khai ngộ. Rồi một lúc nào đó, bản nguyện sẽ thôi thúc Hòa thượng trở lại cõi này để làm một Thiền sư như tâm nguyện của kiếp này chưa kịp hoàn thành. Vậy nên, chúng ta thắp một ngọn nến hoa đăng để tiễn đưa Thầy mình, Ông mình, Anh mình, vị Tôn túc cột trụ của Giáo hội mình về nơi Phật giới nhưng trong tim vẫn phải chừa một khoảng bởi biết đâu một lúc nào đó, Hòa thượng trở lại trần gian với một nhận thức, con đường, ánh sáng khác, đem cho thế giới một Phật pháp cực kì mới mẻ.

Cuối cùng, Thượng tọa hy vọng ở cõi kia, Hòa thượng được tiếp độ bởi chư Phật, chư Đại Bồ Tát sẽ hoàn thành được tâm linh thiền định, sở ngộ cao siêu của mình. Đồng thời, tiếp tục độ trì cho hàng đệ tử, môn đồ, pháp quyến, con cháu của mình tiếp nhận ý chỉ bí mật mà Hòa thượng chưa nói ra. Biết đâu, với sự gia trì bí mật của Hòa Thượng, hàng hậu học sẽ có ai đó bước được vào con đường thiền định, làm lợi ích cho chùa Phật Ngọc Xá Lợi, Thiền tông Phật giáo Việt Nam cũng như Phật giáo thế giới.

Trong tang lễ, HT. Thích Viên Giác – Trụ trì chùa Từ Tân cũng đã có những lời từ biệt kính viếng giác linh Pháp đệ. Thắp nén tâm hương tưởng niệm, Hòa thượng thực sự xúc động, nói rằng: “Trên con đường hoằng dương Phật pháp đầy khó khăn, vất vả, chúng tôi may mắn có duyên lành được gặp nhau. Những năm tháng đồng hành cùng nhau, sự hiền hòa, từ bi, độ lượng của cố Hòa thượng khiến tất cả huynh đệ, anh em, Phật tử đều cảm mến, xúc động.

Với huynh đệ, cố Hòa thượng lúc nào cũng một lòng, một dạ, luôn tán dương, ủng hộ. Cố Hòa thượng luôn cố gắng phụng sự hết mình để lợi đạo ích đời. Ngay cả khi ốm nặng, cố Hòa thượng vẫn bày tỏ sự an lành để mọi người được yên tâm.

Có thể nói, cố Hòa thượng đã hoàn tất mọi thứ cần thiết trên cuộc đời, hành trình của một người tu sĩ. Cố Hòa thượng đã trùng kiến ngôi già lam Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long trở thành trung tâm văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc và Phật giáo, sống một đời giới hạnh thanh cao, nhiệt tâm phụng sự giáo hội, tạo nên những giá trị sống an định cho Tăng chúng, đệ tử cũng như các hàng Phật tử gần xa.

Hôm nay, cố Hòa thượng đã ra đi một cách nhẹ nhàng, thanh thản nhưng với chúng tôi, thật không có lời nào để bày tỏ hết sự tiếc thương, yêu mến đối với người huynh đệ thân thương của mình. Hy vọng cố Hòa thượng sẽ luôn hộ trì cho huynh đệ, đệ tử, môn đồ, pháp quyến chân cứng đá mềm, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để vững chãi trên con đường hộ trì Chánh pháp, kế thừa sự nghiệp cao cả tốt đẹp mà cố Hòa thượng đã để lại.

Trong tang lễ còn có HT. Thích Minh Thiện – Trụ trì chùa Thiên Châu (Long An), TT. Thích Giác Minh – Trụ trì chùa Phong Hòa (Đồng Tháp) đã có mặt xuyên suốt từ lễ nhập kim quan cho đến lễ truy niệm, phụng tống kim quan và lễ trà tỳ của HT. Thích Phước Hạnh.

Khi hay tin cố HT. Thích Phước Hạnh vừa xả bỏ báo thân, thu thần thị tịch tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long, các vị có giao tình Pháp lữ đều đến bái tạ nhìn mặt Pháp huynh/ Pháp đệ lần cuối.

Để tỏ lòng cảm niệm công đức của người Pháp huynh đã suốt đời phụng sự Đạo pháp và chúng sinh, TT. Thích Chân Quang đã túc trực từ đầu đến cuối chỉ đạo cho đệ tử xuất gia, tại gia phụ giúp cùng Ban Tổ Chức Tang lễ và môn nhơn đệ tử chăm lo cho tang lễ cố Hòa thượng được thập phần trang nghiêm, trọng thể và thành tựu viên mãn.

“Tình Linh Sơn Pháp Lữ” bền chặt của các vị đã trở thành cầu nối giúp Chư Tăng Ni, Phật tử sát gần lại để yêu thương, giúp đỡ, cùng nhau thực hiện mọi công tác Phật sự. Sự đoàn kết, đồng lòng này đã tạo nên nền tảng vững chắc cho Phật giáo, đất nước Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, khi xã hội ngày một phát triển, con người chỉ quan tâm đến danh vọng, vật chất, ít đối xử chân tình với nhau thì tình đạo giữa các vị như một chuẩn mực, khuôn mẫu cho hàng hậu học noi theo.

Trong đêm tưởng niệm, trước Giác linh đường, ĐĐ. Thích Khải Tạng – Chúng trưởng Chúng Tăng Thiền Tôn Phật Quang; ĐĐ. Thích Nghiêm Giám – Chúng phó Chúng Tăng Thiền Tôn Phật Quang, Tổng Thủ lĩnh Chúng Thanh Niên Phật tử Phật Quang; Sư Cô Thích Nữ Tường Phổ – Chúng trưởng Chúng Ni, Phụ trách Tổng Đạo tràng Thiền Tôn Phật Quang; các Chúng trưởng/Chúng phó; Thủ lĩnh/Phó Thủ lĩnh Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang miền Nam; Hội trưởng/Hội phó Hội Từ Thiện Phật Quang và gần 1.000 Phật tử thuộc các Đạo tràng và Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang đã thành kính dâng hương tưởng niệm Giác linh cố HT. Thích Phước Hạnh – người mà cả Đại chúng TTPQ và Phật tử thường gần gũi gọi là “Sư Bác”.

Trong giây phút trang nghiêm trân trọng này, ĐĐ. Thích Nghiêm Giám đại diện cho hàng Pháp tôn dâng lên lời cảm niệm, tri ân sự dạy bảo của Hòa thượng Ân sư trên con đường tu học. Lúc sinh tiền, năm nào Tết đến, đại chúng chùa Phật Quang cũng mừng tuổi Sư Bác và lắng nghe những lời đạo từ của Người thông qua những câu chuyện nhẹ nhàng nhưng đầy ý vị, thắm đượm đạo tình pháp lữ.

Cảm động nhất là ánh mắt và lời nói của Sư Bác luôn biểu hiện đầy sự quan tâm và tình thương đối với đại chúng chùa Phật Quang. Mặc dù thân mang bệnh, đi đứng khó khăn nhưng sự kiện nào của chùa Phật Quang, Sư Bác cũng đều quang lâm. Phải nhìn nhận rằng “Bao năm kết nghĩa huynh đệ là bấy nhiêu năm ân tình. Huynh đệ vẫn mãi mãi bên nhau bằng ân tình Pháp lữ, bằng tình cốt nhục Linh sơn”. Ân đức của Sư Bác, chúng con không sao diễn tả cho cùng tận.

Những tưởng Sư Bác sẽ trụ thế lâu hơn để chúng con còn được Người dạy dỗ, sách tấn tu học và dẫn dắt chúng con trong công việc Phật sự, phục vụ những khóa tu thiền định kỳ hàng tháng cho Phật tử tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi này. Thế nhưng cơn gió vô thường thổi nhanh như chớp, Sư Bác đã vội thâu thần thị tịch. Trong lòng đại chúng dường như đã có điều gì vụt mất, tan biến. Nhưng không! Sư Bác vẫn sống mãi giữa cái bao la tình người, tình linh sơn tuyệt đẹp này.

Và với đạo hạnh, ân nghĩa, cốt cách của Sư Bác, Người sẽ luôn mang lại cho Tăng Ni, Phật tử chùa Phật Quang nhiều bài học trong cuộc đời này, đặc biệt là sự tỏa sáng tinh thần từ bi vô ngã, vị tha của Người, khiến cho hàng hậu bối chúng con rất kính ngưỡng vị Sư Huynh của Sư Phụ mình. Mặc dù chúng con chưa được báo đáp thâm ân của Sư Bác nhưng tình nghĩa ấy, chúng con thêm một lần mang nặng và tạc dạ tri ân trong giờ phút chia tay này. Đối với chúng con, cuộc đời, sự nghiệp của mỗi Sư Bác, Sư Thúc chính là một tấm gương lớn cho hàng đệ tôn ngưỡng mộ, học hỏi, làm tư lương cho mình trên bước đường tu học, giải thoát.

Chúng con xin nguyện, ân tình của Sư Bác, Sư Thúc và Sư Phụ chúng con sẽ lại kết duyên trong kiếp lai sanh để các vị mãi là Pháp lữ cùng tu cùng học và cùng hướng về ánh sáng giác ngộ, mang hương từ bi ban rải khắp nhân gian.

Nghe những chia sẻ về cái tình, cái nghĩa Linh Sơn cốt nhục, TT. Thích Thiện Tâm – Phó Ban Trị sự, Trưởng ban Kiểm soát Phật giáo Vĩnh Long, Phó ban Tổ chức Tang lễ, cũng là Trưởng tử của cố Hòa Thượng tân viên tịch xúc động nhớ lại ngày 6 vị gồm: Sư Phụ, các Sư Bác, Sư Thúc đã kết nối thâm giao, chung lòng hiệp lực để chung lo Phật sự của Giáo hội và xây dựng khóa tu thiền ổn định, lâu dài tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long, làm viền mối Thiền cho miền Tây. Hoạt động này đã có những đóng góp thiết thực cho sự hưng thịnh của Phật giáo tỉnh Vĩnh Long nói riêng và cả khu vực miền Tây nói chung.

Sự hiện diện của Sư Bác, Sư Thúc trong đêm thắp nến tưởng niệm Sư Phụ chúng con và cùng đối trước giác linh đài, đốt nén tâm hương cầu nguyện cho giác linh Sư Phụ chúng con được cao đăng Phật quốc. Hành động cao đẹp, nghĩa tình ấy chính là bài học về tình đạo, tình người ấm áp mà hàng môn nhân đệ tử phải noi theo. Chúng con xin lấy đó làm hành trang, phương tiện để tiếp tục tu học, kế thừa sự nghiệp Thầy Tổ đã để lại. Trước giờ phút thiêng liêng này, chúng con xin thay mặt cho môn đồ Pháp quyến, thế quyến thành kính đê đầu, đảnh lễ quý Sư Bác, Sư thúc. Đồng thời kính nguyện cho quý Sư Bác, Sư thúc pháp thể khinh an, luôn hoàn thành chí nguyện của Như Lai, đem Phật pháp vào đời: “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” hoằng dương chánh pháp lợi lạc quần sanh.

Sau cùng Ban Tổ Chức Tang lễ cũng gửi lời cảm ơn TT. TS. Thích Chân Quang đã tạo điều kiện thuận lợi cùng chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử Thiền Tôn Phật Quang đã hết lòng hỗ trợ cho Lễ Tang được thành tựu viên mãn.

Thân thương là thế, ân nghĩa chân tình là thế, dù hợp tan huynh đệ vẫn mãi mãi bên nhau bằng ân tình Pháp lữ, bằng tình cốt nhục Linh sơn. Và từ nơi bản lĩnh của cố Hòa thượng, ai cũng sẽ nối tiếp được chí nguyện, bản lĩnh đó để đắp xây Phật pháp, đắp xây cuộc đời, đắp xây đất nước và cùng nhau xây dựng thế giới này thành một tinh cầu giác ngộ.

Tâm Trụ