Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Ăn tết trong chùa

Ăn tết trong chùa

90

Những ngày giáp Tết, khuôn viên nhà trù ngôi chùa tôi đang lưu trú là nơi nhộn nhịp tất bật hơn cả. Người lo xếp lá chẻ dây… Người vo nếp đãi đậu. Cô thì sên mứt nấu kẹo. Gian ngoài có mấy cô ngồi cắt giấy gói bánh in, rồi xếp bánh thành hình chiếc tháp…

Vui nhất là khâu gói bánh. Những cô khéo tay hay làm thì gói thành những chiếc bánh chưng vuông vức trông đẹp mắt. Cô lại chuyên gói những đòn bánh tét nhỏ nhắn xinh xinh. Cô ngồi cột dây. Cô thích học gói, tuy chưa đẹp nhưng cũng ra hình thù một chiếc bánh.

Chùa chúng tôi làm bánh mứt chỉ để cúng Phật và đãi Phật tử trong ba ngày Tết, nên tha hồ cho mấy cô nhỏ tập tành học gói học làm. Khâu gói bánh là nơi luôn rộn rã tiếng cười nói của mấy cô ni trẻ. Cách đó không xa là gian bếp với năm ông hỏa lò đội năm thùng bánh to tướng bên trên. Mấy cô giữ việc canh lửa, châm nước cũng có cách giải khuây riêng. Đem sách báo xuống ngồi đọc. Đọc chán thì ngâm thơ kể chuyện cho nhau nghe rồi nghêu ngao hát mấy câu thiền đạo vui xuân.

Cứ thế cho đến tận sáng. Củi lửa dưới lò kêu lách tách, phía trên nước sôi sùng sục nghe như âm vang của tiếng gọi mùa xuân đang đến gần. Nửa đêm… khuôn viên chùa im vắng. Hai cô nhỏ nằm võng đánh một giấc ngon lành. Gần bên bếp lửa, một cô đang nghiêm chỉnh tọa thiền chợt giật mình mở mắt nhìn lên. Sư trụ trì đứng cạnh nồi bánh tự bao giờ. Cô dụi mắt nhoẻn miệng cười. Sư trụ trì cũng cười và bảo cô đi rửa mặt cho tỉnh ngủ. Nồi bánh vẫn sôi đều trong tiếng lửa reo vang.

Ngày xuân, ngôi chánh điện tràn ngập sắc hoa và cây trái. Hoa ly, hoa huệ, hoa lan, hoa hồng… được cắm trang trọng trong mấy chiếc lọ bình xinh xắn. Lại có cả mấy chậu thược dược, cúc vàng, vạn thọ đặt dọc hai bên tường.

Hoa xuân vốn đã đẹp, nhờ bàn tay khéo léo cắt tỉa  của quý cô nên màu sắc của hoa trở nên có hồn và làn hương cũng thoang thoảng đượm nồng. Rực rỡ nhất là chậu mai vàng đặt giữa chánh điện đầy ấp nụ và những cành thiếp chúc xuân. Cạnh đó là chậu đào màu hồng êm dịu của người Phật tử phương xa gởi cúng chùa.

Ngày Tết mai đào đua nở quanh điện Phật cùng với những mâm trái cây đủ màu đủ vẻ tôn tạo cho bàn Phật, bàn Tổ thêm phần uy nghiêm tỏa sáng. Mâm ngũ quả cúng giao thừa cũng được xếp bày khéo léo, thể hiện tấm lòng thành kính của người con Phật hướng về mùa xuân Di Lặc. Mùa xuân của mọi người mọi nhà tràn ngập niềm tin yêu hỷ lạc. 

Trước giờ giao thừa… đại chúng cùng lên chánh điện tụng thời kinh Di Lặc và lạy sám. Thời khắc giao mùa vừa điểm, tiếng chuông trống bát nhã vang lên hòa với nhiều âm thanh vang vọng của đất trời đón mừng năm mới. Cô hương đăng lại một đêm thức trọn cùng dòng người tấp nập đi chùa hái lộc vui xuân.

Sáng mùng một, quý cô ở nhà trù phải lo dậy sớm nấu ăn dọn đãi cho Phật tử đến chùa dâng hương lễ Phật. Xông đất chùa, ăn chay mùng một cũng để hưởng phước trọn năm. Quan niệm ấy đã trở thành niềm tin xác thực theo thời gian. Và thế là người người cùng rủ nhau đi chùa. Đi chùa ngày xuân cũng để thấy mình trở nên thánh thiện hơn trong nhịp sống đời thường nhiều bon chen tất bật.  

Tối mùng một… sân chùa trở lại vẻ yên vắng vốn dĩ thường ngày. Những vị khách vãng chùa cuối cùng đã về hết. Mấy chị em chúng tôi trở về liêu phòng và cùng tổ chức một bữa tiệc nhỏ gọi là liên hoan mừng năm mới. Cũng bánh mứt dưa hấu, hạt dưa… cũng bói Kiều, ngâm thơ chúc tết cho nhau đủ để tạo nên những tiếng cười khe khẽ và để nghe hương vị ngày xuân thấm tràn qua tâm tưởng.

Rồi ngày mai… khi mùa xuân còn lan tỏa trên mỗi gốc phố con đường, chúng tôi được trở về quê thăm cha mẹ. Niềm vui xuân cũng là dịp để người con Phật thể hiện tấm lòng tri ân tưởng nhớ bao thâm tình đến đi trong cuộc sống. 

Bao mùa xuân tôi đã ăn tết trong cửa chùa cùng với một không khí ấm cúng trang nghiêm mà bận rộn như thế. Bận rộn mà lòng vẫn thấy vui trước niềm vui xuân hướng thiện của muôn người.

(theo Tuoitreonline)