Ngày ấy tôi ngạc nhiên và hơi thất vọng – rất trẻ con – vì sao khi nhớ về quê hương và người vợ hiền thì một người tinh tế như ông Vũ Bằng lại liên tưởng đến những chuyện tầm thường là ăn uống! Hai mươi năm sau tôi mới hiểu được tâm trạng ấy khi một lần đã cận Tết nhưng còn phải nán lại Singapore vì công việc.
Chiều hai mươi sáu Tết, tha thẩn xuống Chinatown. Khi nhìn thấy những hộp măng khô tôi bỗng thấy nhớ sao là nhớ mâm cơm ngày Tết ở nhà, có bánh chưng ăn với thịt bắp bò hầm nước mắm gừng – một đặc sản của quê nội, đĩa cá kho riềng, bát măng hầm, bát bóng thả… còn tưởng như đâu đây có mùi măng hầm vừa ngòn ngọt vừa đăng đắng, chỉ muốn bỏ tất cả mọi việc để bay về nhà.
Đối với những người xa quê hương thì chuyện ăn uống thường mang nhiều ý nghĩa hơn là một nhu cầu của cuộc sống, vì hầu như mỗi món ăn đều gợi lên một kỷ niệm nào đó trong đời. Kỷ niệm luôn có cả vui lẫn buồn nhưng khi đã thành xa xôi thì ngăn ký ức dường như dành ưu tiên cho những điều tốt đẹp.
Quả na, quả ổi đỏ lòng là món quà tuổi thơ khi mẹ đi chợ về, đĩa xôi vò, bát chè đường luôn có mặt trong những ngày giỗ, cục đá bào rưới xirô cam thêm miếng chanh muối chua chua mặn mặn là những buổi trưa đi học dưới trời nắng chang chang, ly nước mía ngọt mát những sáng chủ nhật cha dẫn đi chơi vườn Tao Đàn, đậu đỏ bánh lọt gợi nhớ cả một thời nữ sinh hồn nhiên, vừa tinh nghịch vừa mơ mộng… Còn bao nhiêu món ăn gắn với hình ảnh người thân: cha thích ăn bê thui chấm tương gừng, mẹ làm chả giò thật ngon, hai chị em ngồi cạy hột me làm mứt ngày tết, nước me chua làm trắng bợt những ngón tay… Những ngày khó khăn, lên giảng đường bạn bè còn tranh thủ dạy nhau cách nhồi bột mì cán bánh canh hay những buổi đi lao động đào mương về, ăn cơm chỉ có mắm ruốc xào tóp mỡ và sả ớt mà cũng thấy ngon.
Không chỉ là gạch nối giữa hiện tại và quá khứ, những món ăn còn là nhịp cầu nối hai thế giới – nơi đang sinh sống với quê hương, cho dù chuyện bắc cầu cũng không đơn giản. Làm bếp Việt xem vậy mà lích kích và tốn thời gian hơn những món Tây. Nguyên liệu nếu không thiếu món này thì cũng vắng món kia, rau xanh, đậu hủ nhiều lúc còn đắt hơn cá thịt. Ở Đan Mạch một nắm rau muống Thái Lan nhỏ xíu cao giá hơn nửa cân thịt bò mà không phải lúc nào cũng có. Cũng may ẩm thực châu Á đang được ưa chuộng bên trời Tây nên các siêu thị đều có đủ giá sống, hành hương, ngò, húng cây, húng quế… dù hương vị không như ở quê nhà nhưng có vẫn hơn không!
Khi những bài hát ru, câu Kiều, điệu lý… ngày càng thưa vắng thì một bữa cơm gia đình có thịt kho, dưa giá cũng là cách để gìn giữ tâm hồn và bản sắc Việt ở xứ người. Tuy vậy, khó khăn nhất vẫn là tập cho con cái quen ăn cơm Việt. Với thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra và lớn lên ở xứ người, chuyện quen mùi phó mát hơn mắm nêm, mắm ruốc, thấy khoai chiên, pizza hấp dẫn hơn cơm, bún là điều dễ hiểu và dễ thông cảm. Ngày tôi còn nhỏ, có lần cha tôi được người quen biếu ít mắm rươi từ ngoài Bắc đưa vào. Mẹ tôi làm trứng đúc rươi cho mấy anh em tôi ăn cho biết mùi. Tôi chỉ thấy rươi mằn mặn, lại thêm mùi vỏ quýt the the nên chẳng hiểu sao cha tôi lại có vẻ hào hứng đến thế trước một món ăn chẳng có gì hấp dẫn.
Tết năm ngoái, gia đình tôi đến dự buổi họp mặt tất niên do hội phật tử tại Copenhagen (Đan Mạch) tổ chức. Nơi hội họp không rộng lắm do giá thuê hội trường tại đây rất cao, được chia làm ba phần: phía trước là sân khấu, giữa là chỗ ngồi cho khán giả, cuối phòng là nơi bán thức ăn. Rất nhiều người đến sớm để mua bánh chưng, bánh tét và tranh thủ… ăn. Cũng chỉ là những món quen thuộc như bún bò, bún xào, gỏi cuốn, bò bía, gỏi đu đủ… và cách nấu nướng cũng không đặc sắc nhưng ai nấy đều vui vẻ ăn uống nhiệt tình – kể cả những chàng rể Đan Mạch, chắc vui vì không khí tết.
Đến khi bắt đầu chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn”, ai hát cứ hát, ai ăn cứ ăn. Lúc giới thiệu đến bài Tình yêu không suy tư chờ mãi chẳng thấy người biểu diễn đâu, hóa ra ca sĩ đang đứng ở cuối phòng ăn gỏi cuốn. Khi hay tới lượt mình, chị vội gửi mấy cái gỏi cuốn và chén tương cho một người ngồi gần sân khấu giữ giùm, rồi chạy lên cầm micro hát say sưa, hát xong xuống ăn tiếp.
Hẳn có người sẽ cho rằng miếng ăn làm gì mà quan trọng thế. Quả thật miếng ăn chẳng là gì, nhưng có đôi khi chuyện ăn không đơn giản là nạp năng lượng hay thỏa mãn các giác quan mà còn ẩn chứa biết bao điều sâu thẳm trong tâm hồn. Chẳng thế mà khi mừng ngày thiêng liêng nhất trong năm, chúng ta cũng nói là “ăn” tết!?