Trang chủ Văn học Truyện Ân sư

Ân sư

107

– Sư ơi, đôi chân của con đã mất rồi, kể từ bây giờ suốt đời con phải đi bằng hai chân giả.


Với những giọt nước mắt chực trào ra, những tưởng sư sẽ xoa đầu tôi, an ủi, vỗ về: “Thôi, con đừng buồn nữa, cuộc đời là vô thường mà!”. Nhưng không, với nụ cười tràn đầy tình thương nở trên môi, sư nhìn tôi rồi nhẹ nhàng nói:


– Ồ, con chỉ có hai chân giả thôi sao? Con nhìn xem toàn thân sư đều là giả đó thôi!


Ngay lập tức, tôi bừng tỉnh. Như một ánh chớp lóe lên, lời kinh Bát Nhã mà tôi đã tụng hàng trăm lần bỗng trở nên sống động lạ lùng: “… Xá Lợi tử! Thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt…”. Phải rồi, chỉ tại tôi mắc kẹt vào cái “tướng” của mình nên mới “ôm sầu thiên thu” như vậy! Cú “giải huyệt” tuyệt chiêu của bậc chân sư đã chỉ ra cho tôi lối thoát hiểm, cất đi cái gánh nặng ngàn cân đang đè nặng trong lòng tôi.


Kể từ lúc đó, đôi chân giả nặng 3kg bỗng trở nên nhẹ tênh. Và tôi đã cất bước hòa nhập vào cuộc sống mà có lúc tôi ngỡ mình đã bị gạt ra ngoài lề. Từ đó, nhiều lúc tôi đã quên khuấy đi mất là mình đang sử dụng chân giả. Có lần tôi cứ vô tư sải bước cùng bạn bè trên bờ sông lộng gió.







“…Trong một buổi giao lưu với các bạn SVHS ở Nhà văn hóa Thanh niên, có một bạn viết giấy gửi lên cho tôi: “Chị H.D. ơi, sao chị đi bằng hai chân giả mà cứ tỉnh bơ, cười nói vui vẻ vậy? Em nghĩ là nó đau đớn nặng nề lắm chứ. Chị có bí quyết gì không, cho em biết với”. Lúc ấy tôi đã trả lời nhiều câu hỏi khác và phải lờ đi câu hỏi này vì thời gian không nhiều, mà trả lời câu này thì không thể ngắn gọn trong vài câu được… Câu trả lời đầy đủ là câu chuyện “Ân sư” này, câu chuyện ghi dấu một bước chuyển lớn của đời tôi…”.   


(Trích thư của tác giả gửi tòa soạn) 


Mãi đến lúc tôi ngồi xuống tháo chân giả ra cho nó “xả hơi” thì mấy đứa bạn mới giật mình: “Trời ơi, nãy giờ tụi tao quên mất, cứ nghĩ mày cũng bình thường như tụi tao!”. Thế mới biết, cái gánh nặng thật sự không nằm ở những thứ vật chất hữu hình. Khi mình đã xua tan đi đám mây u ám trong lòng rồi thì biết bao điều kỳ diệu sẽ đến.


Trong một đêm liên hoan văn nghệ với những người bạn khuyết tật, điều kỳ diệu đã xảy ra. Khi giai điệu của một bản tango trỗi lên, đôi chân tôi dường như không chịu ngồi yên nữa. Các bạn đồng môn trong khoa ngoại ngữ Trường ĐH Sư phạm ai cũng biết cái chứng “ghiền” khiêu vũ của tôi, vậy mà bây giờ… Tôi đánh liều đứng lên, ra dấu cho một bạn vũ công ở Trường khiếm thính Hi Vọng I cùng tôi bước ra sàn.


Chỉ lọng cọng một chút để bắt nhịp, rồi thì… chúng tôi lướt đi trong điệu tango nhịp nhàng và tiếng reo hò cổ vũ của mọi người. Anh bạn nhảy của tôi không hề nghe được một nốt nhạc nào cả – không sao, tôi là người giữ nhịp cho bạn ấy. Còn tôi, đôi chân loạng choạng, nghiêng ngả – cũng chẳng sao, cánh tay vững chắc của bạn ấy giữ thăng bằng cho tôi.


Cứ thế, chúng tôi hòa vào điệu nhạc với những bước nhảy nhẹ nhàng, uyển chuyển. Trọng lượng 3kg của đôi chân giả bỗng trở thành con số 0. Tôi không khiêu vũ bằng đôi chân nữa mà cả tâm hồn đang bay bổng, vượt ra khỏi cái thân xác hữu hình này. Thế rồi khán phòng trở nên sôi động hẳn lên bởi sự xuất hiện của nhiều gương mặt nữa.


Anh chàng chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật  Huỳnh Công Sơn lắc lư nhịp nhàng với màn “khiêu vũ trên xe lăn”, thỉnh thoảng còn biểu diễn một cú “te” điệu nghệ bằng hai bánh sau nữa chứ! Tất cả chúng tôi – với khiếm khuyết trên thân thể mình – đều hòa vào điệu nhạc. Gương mặt người nào cũng sáng bừng niềm hân hoan trong tiếng cười vui rộn rã.


Tôi ngộ ra rằng khi cái chân thật không còn là chân thật nữa thì mình mới tìm thấy cái chân thật trong cuộc đời. Bất giác, tôi thầm gọi: “Sư ơi…”.