Trang chủ Tin tức An Giang: Lễ Húy kỵ Tổ Chí Thiền và khởi công trùng...

An Giang: Lễ Húy kỵ Tổ Chí Thiền và khởi công trùng tu tổ đình Phi Lai

387

Chứng minh, tham dự buổi lễ có chư tôn đức Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng Minh: HT.Thích Giác Tường, HT.Thích Như Niệm; HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực; Chư Tôn đức Phó Chủ tịch HĐTS: HT.Thích Giác Toàn, HT.Đào Như, TT.Thích Thiện Thống; HT.Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 T.Ư cùng chư tôn đức trong Ban Thư ký, Ban Thường trực HĐTS, HĐTS, Ban, Viện T.Ư, chư tôn đức BTS Phật giáo 13 tỉnh thành miền Tây, Bình Dương và TP.HCM; chư tôn đức Ni Phân ban Ni giới T.Ư.


Hòa thượng Chủ tịch dâng lời Tưởng niệm Tổ sư Phi Lai – Chí Thiền


Thành kính tưởng niệm


Chư Tôn đức HĐCM, HĐTS, Ban, Viện T.Ư và BTS GHPGVN tỉnh, thành 


Chính quyền tham dự
 
Về phía chính quyền có ông Lê Trung Dũng, Cục phó Cục An ninh Xã hội, BCA; đại diện Tỉnh ủy, Ban Dân vận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và huyện Tri Tôn.

TT. Thích Thiện Thống
Thay mặt Tông môn Pháp phái, TT. Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh An Giang cung tuyên Tiểu sử Tổ Phi Lai – Chí Thiền.

Di ảnh Tổ được tôn thờ tại tổ đình Phi Lai


Quang cảnh lễ Tưởng niệm


Hòa thượng Chủ tịch dâng lời Tưởng niệm

Thay mặt Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tông môn Pháp phái, HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS dâng lời tưởng niệm của Trung ương Giáo hội, nêu bật công đức một đời của Tổ Phi Lai – Chí Thiền cống hiến công đức cho Phật giáo, nêu cao tinh thần làm lợi ích cho đạo pháp, cho đời bằng hạnh nguyện mở trường Trung cấp Phật học đầu tiên… Lời tưởng niệm khẳng định, công đức của Tổ sư mãi sáng ngời để cho các bậc Tăng Ni noi theo.


Tổ đình Phi Lai


Đặt đá trùng tu Tổ đình


Hòa thượng Chủ tịch cùng chư Tôn đức HDDCM – HĐTS thực hiện nghi thức khởi công trùng tu 

Dịp này, chư tôn đức chứng minh đã đặt đá khởi công trùng tu tổ đình Phi Lai sau thời gian xuống cấp, để cho chư Tăng có nơi tu học. Dự Tổng kinh phí trùng tu là 65 tỷ đồng.

Cúng dường Trai Tăng

Được biết, Tổ Phi Lai (1861-1933) thế danh Nguyễn Văn Hiển, húy Như Hiển, hiệu Chí Thiền, sinh tháng 2 năm Tân Dậu tại xã Diêm Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông nội ngài là Hộ Quốc Công Nguyễn Công Thành, triều vua Tự Đức. Thân phụ làm đến chức Tổng trấn Quảng Nam.

Năm 1878, khi ngài 18 tuổi, sắc chỉ triều đình bổ nhiệm làm quan Hậu bổ hạt Khánh Hòa. Vì liên luỵ đến phong trào Văn Thân Cần Vương, ngài lánh nạn vào Nam sinh sống.

Năm Tân Tỵ (1881), ngài tỏ ngộ lý vô thường, đến xin quy y xuất gia với Tổ Minh Khiêm – Hoằng Ân, trụ trì chùa Giác Viên, Giác Lâm (Gia Định), được Tổ ban pháp húy Như Hiển, hiệu Chí Thiền, nối pháp dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 39.

Sau khi xuất gia học đạo, ngài phát tâm làm công quả xe đất cho chùa ba năm. Sau đó, ngài phát nguyện nhập thất 3 năm.

Sau khi ra thất, ngài cùng Bổn sư khởi công xây dựng chùa Giác Sơn (quận 11, Chợ Lớn). Khi công trình hoàn thành, Hòa thượng được Bổn sư công cử giữ chức trụ trì.

Năm Kỷ Tỵ (1899), Bổn sư viên tịch, Hòa thượng phải đảm nhiệm trụ trì chùa Giác Viên một thời gian.

Năm Giáp Thìn (1904), một trận lụt khủng khiếp tàn phá miền Tây, nặng nhất là tỉnh Gò Công, Hòa thượng đã tích cực công tác cứu tế, từ thiện xã hội trong cơn nguy biến: cứu vớt trên 500 người, mai táng xác nạn nhân trên 500 người và sau đó tổ chức Đại lễ kỳ siêu 3 ngày cho những nạn nhân xấu số do thiên tai gây ra.

Rằm tháng 12 năm Giáp Thìn, ngài trở về quê lo tang chay cho thân mẫu, đến mãn chung thất ngài mới trở lại chùa. Khi sắp xếp lại công việc chùa xong, ngài từ giã huynh đệ và đến Núi Sam (Châu Đốc) tịnh tu. Khi sang đến kinh Vĩnh Tế, ngài được ông Năm Thanh đưa lên chùa Phi Lai lễ Phật, rồi đi thẳng vào núi tịnh tu.

Sau khi đưa Hòa thượng lên chùa Phi Lai lễ Phật xong, ông Năm Thanh mời họp các hương chức và Phật tử địa phương để hiến cúng chùa Phi Lai và cung thỉnh Hòa thượng về trụ trì lo Phật sự. Hòa thượng đã hứa khả về trụ trì chùa Phi Lai và phát triển ngôi Tam bảo khang trang theo tâm nguyện – từ năm 1905 cho đến ngày về cõi Phật năm 1933.

Năm Đinh Mùi (1907), một tai nạn bịnh dịch trầm trọng hoành hành trong vùng, Hòa thượng đã lập đàn Dược Sư và cùng dân chúng cầu nguyện trong suốt 49 ngày. Hòa thượng đã tận tâm cứu chữa dân chúng qua cơn đại nạn, từ đó, ngài tạo được ảnh hưởng và ân đức khắp vùng cũng như một số tỉnh lân cận của nước bạn, nên được sãi cả chùa Tà Lạp Cambodge tặng Phật vàng để tôn thờ.

Năm 1915, 1925, ngài làm đàn đầu Hòa thượng truyền trao giới pháp cho các giới tử tại chùa Phi Lai do Hòa thượng trụ trì.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Hòa thượng Lê Khánh Hòa, chủ xướng phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, xóa nạn thất học Phật pháp cho Tăng Ni, bài trừ mê tín dị đoan, phát huy chánh tín, chánh lý trong giới Tăng Ni, Phật tử, ngoài lớp gia giáo Phật học tại chùa Giác Hoa – Bạc Liêu dành cho chư Ni, tại chùa Phi Lai, Hòa thượng đã tổ chức định kỳ các lớp học gia giáo dành cho chư Tăng các tỉnh lân cận dự học, dưới sự hướng dẫn của Hòa thượng cùng quý HT.Khánh Anh, HT.Huệ Quang, HT.Pháp Hải, HT.Diệu Pháp, HT.Chánh Tâm, HT.Tâm Quang, HT.Vạn An…

Năm Đinh Mão (1927), ngài chứng minh lễ khai giảng Trường Sơ học Phật pháp đầu tiên của Ni giới tại chùa Giác Hoa (Bạc Liêu) và truyền trao giới pháp cho Ni chúng nhân mùa An cư kiết hạ.

Năm Kỷ Tỵ (1929), ngài đã thân lâm chứng minh Đại giới đàn tại chùa Trùng Khánh (Phan Rang), do HT.Chơn Niệm làm Trưởng ban Kiến Đàn.

Trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam do Tổ Khánh Hòa đề xướng, năm Nhâm Thân (1931), khi Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập, do HT.Khánh Hòa làm Hội trưởng, trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn (Sài Gòn), Hòa thượng là một thành viên Chứng minh Đạo sư của Hội và ngài đã nỗ lực vận động tài chánh ủng hộ 100 đồng tiền Đông Dương cho các hoạt động Phật sự trọng đại của Hội, công việc này được Hòa thượng tiếp tục cho đến ngày về cõi Phật.

Năm 1932, ngài làm Đường đầu Hòa thượng Đại giới đàn chùa Tam Bảo (Hà Tiên).

Trong thời gian hơn 60 năm thi hành Phật sự, Hòa thượng đã Quy y Tam bảo cho hàng trăm Phật tử hữu duyên, và hơn 20 Tăng Ni xuất gia, trở thành pháp khí cho Đạo pháp, góp phần phát triển Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ, làm cho Tổ ấn quang huy, chúng sanh lợi lạc, tốt đời đẹp đạo.

Năm Quý Dậu (1933), ngài thọ bệnh và trước khi viên tịch ngài chắp tay niệm lớn: “Nhất niệm viên quang tội tánh không, đẳng đồng pháp giới hàm thanh tịnh”. Niệm xong ngài an nhiên viên tịch vào ngày 15-2-Quý Dậu, trụ thế 73 năm và 52 mùa an cư kiết hạ.

Nhục thân Hòa thượng được nhập tháp trong khuôn viên chùa Phi Lai (thị trấn Chi Lăng, huyện Tịnh Biên, Châu Đốc).


Tháp tổ Phi Lai – Chí Thiền