Trang chủ Quốc tế PGVN Hải ngoại Ấn Độ:Thiền tập và tuổi thơ tại Trường Kiều Đàm Di

Ấn Độ:Thiền tập và tuổi thơ tại Trường Kiều Đàm Di

539

PTVN – Sau khi xây dựng xong bảo tháp tưởng niệm đức Tổ sư Ni Kiều Đàm Di (Mahāprajāpāti Gotamī) và chư Thánh Ni, đồng thời hoàn thiện hai Ni viện tại quận Vaisali (Tỳ-xá-ly) và Bodhgaya (Bồ-đề Đạo Tràng) thuộc bang Bihar, Ấn Độ, Ni trưởng Thích Nữ Khiết Minh – Trụ trì chùa Kim Liên (129 Nguyễn Hữu Hào, Q. 4, TP. HCM) đã lên kế hoạch thành lập trường học cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.


Với tấm lòng từ bi, sự quyết tâm của Ni trưởng, với lòng nhiệt huyết của chư Ni, của quý Phật tử gần xa, 3 ngôi trường tiểu học mang tên vị Thánh Tổ Ni trở thành hiện thực và bắt đầu hoạt động liên tục từ năm 2014 đến ngày nay.

  1. Trường Vaisali Mahāprajāpāti thành lập vào tháng 10 năm 2013; ban đầu chỉ có 650 học sinh, đến năm 2017, sỉ số hơn 1000 học sinh.
  2. Trường Bodhgaya Mahāprajāpāti thành lập vào năm 2017, với sỉ số hơn 550 học sinh.
  3. Trường Kolhua Mahāprajāpāti (thuộc Vaisali) thành lập vào tháng 4 năm 2018; ban đầu có 450 học sinh và hiện tại hơn 700 học sinh.

Hơn 2300 học sinh được học Chương trình Tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 theo chương trình chính quy của chính phủ. Đội ngũ thầy cô giáo của trường cũng được Ban Giám đốc tuyển chọn những vị vừa có khả năng giảng dạy đúng sư phạm chính phủ quy định vừa có tâm thương yêu dạy dỗ các em.

Ngoài thời khóa chính quy, mỗi sáng trước khi vào lớp, thầy và trò đều trang nghiêm vân tập trước sân cờ quốc gia và cờ Phật giáo tuyên đọc Quy y Tam bảo và 5 điều đạo đức chân chánh căn bản trong nhà Phật. Sau đó các em có 15 phút thực tập thiền ở lớp hoặc ở sân trường. Các thầy cô giáo cũng thực tập thiền cùng các học sinh.

Những ngày lễ hội lớn trong năm, như Lễ Tam Hợp (Vesak), Lễ Kỷ niệm Ngày Độc lập, v.v…, chư Tăng tại Vaisali – Thượng tọa Nakasato (trụ trì chùa Nhật Bản), Thượng tọa Chandarisi (trụ trì chùa Thái Lan), Đại đức Chandawimala (trụ trì chùa Tích Lan), chư Ni chùa Kiều Đàm Di hướng dẫn Phật tử quanh vùng, thầy cô giáo và các em làm lễ tưởng niệm nơi bảo tháp tôn trí xá-lợi Phật. Xưng tán oai đức Tam bảo, phát nguyện nương tựa Tam bảo, thọ trì năm giới và thiền tập là nghi lễ chính diễn ra trong những ngày lễ tưởng niệm này.

Mỗi sáng thực hành thiền tập, các em rất vui và tỏ ra rất thích khoảnh khắc thực tập này. Với bản tính hiền lành, dễ hòa nhập của người dân Ấn, phần lớn các bé vài ngày trước còn là cơ nhỡ, tinh nghịch nhưng chỉ sau vài ngày đến trường đã trở nên ngoan ngoãn, vâng lời, thực hành nghiêm túc những lời dạy bảo của chư Tôn đức Tăng Ni và quý thầy cô.

Khi được đến trường học, nghe các thầy cô kể về Lịch sử đức Phật, mỗi ngày được chiêm ngưỡng quý Thượng tọa, Sư cô các nước về cùng sinh hoạt, xây dựng mảnh đất Vaisali, được nghe các Tăng Ni dạy những điều thiện lành cao thượng, các bé yêu mến đức Phật hơn, biết làm nhiều điều tốt đẹp và đặc biệt lễ phép, hiếu thuận, sạch sẽ. Ông bà cha mẹ và thầy cô giáo đều rất hạnh phúc, hãnh diện về những đứa con ngoan, học trò hiền của mình.

Nhiều người khi nghe nói đến thiền tập liền cho rằng đây là pháp môn tu tập cao, dành cho những ai có căn duyên đặc biệt, hay dành cho nhưng ai đã tu học Phật lâu ngày. Kỳ thực, nếu nghiêm túc tìm hiểu và thực tập, chúng ta sẽ gặt hái được sự lợi ích thiết thực mà việc thiền tập mang đến cho tự thân tương ứng với thời gian và chất lượng thực tập của chúng ta.

Đối với các bé vui với thiền tập vì hiệu ứng tự nhiên của việc thực tập trở về với hơi thở làm cho thân tâm trở nên điều hòa, thư giãn, khỏe mạnh, ý thức rõ ràng, sáng suốt khiến cho việc học trong lớp tập trung, hiểu bài nhanh, không mệt mỏi chán nản việc học, cử chỉ nhanh nhẹn, hoạt bát. Tùy theo cơ địa và tính hiếu động của trẻ thơ, thời thiền chỉ kéo dài 15 phút đủ cho sức tập trung, kiên nhẫn của các em. Nhờ có sự khích lệ, nhắc nhở, duy trì phương pháp thiền tập đều đặn tại trường, thầy cô giáo và các em đều nhận được giá trị tích cực của pháp môn này.

Bộ Giáo dục của một số nước như Anh, Mỹ, Úc,… đã ứng dụng thiền tập vào trường học, trường đào tạo, trại tù,… để chất lượng học, làm việc, chuyển hóa của học sinh, sinh viên, giáo viên, tù nhân có kết quả tốt hơn. Tại Ấn Độ, thiền tập là phương pháp thực hành hữu ích không còn xa lạ đối với mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội nên khi thiền tập được đưa vào ứng dụng một cách nghiêm túc, bài bản trong trường học hay môi trường giáo dục, phần lớn đều được đón nhận và thực hành có kết quả lợi lạc.

Giữa lúc mùa xuân về, tại Việt Nam người dân vừa đón năm mới vừa ngăn phòng dịch Covid 19, tại quận Vaisali, bang Bihar, Ấn Độ thầy và trò Trường Tiểu học Kiều Đàm Di (Mahāprajāpāti School) vẫn ngày hai buổi đến trường trong sương mù giá rét.

Được biết trong đại dịch Covid-19, toàn thế giới đều chịu ảnh hưởng và nước chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai là Ấn Độ (sau Hoa Kỳ), trường vẫn hoạt động liên tục. Trong những ngày đại dịch trầm trọng, các trò đến thầm lặng lần lượt đến trường chuyền tay nhau nhận bài tập về nhà làm. Nơi vùng quê cái ăn còn chưa đủ nói gì đến phương tiện máy móc, 3G, 4G, học online. Các em chăm học, thầy cô tận tình, quý Sư, Sư cô trong Ban Giám đốc luôn nhiệt huyết, tạo mọi cơ hội cho các em con chữ, trang sách, làm nền tảng để thiết lập một chương trình giáo dục thế học trong môi trường Phật pháp nơi vùng quê Vaisali.

Nhớ lại thời điểm xây dựng tháp Tổ, mỗi khi các đoàn hành hương viếng Phật tích và viếng chùa, những em bé gầy guộc, nhếch nhác, tóc rối, áo quần không đủ che thân theo xin tiền khách hành hương. Ni trưởng và chư Ni rất thương cảm và phát nguyện sau khi hoàn tất công trình xây dựng tháp Tổ, tự viện sẽ tiếp tục công trình xây dựng trường học cho các bé. Ni trưởng từ bi tươi cười, xoa đầu các bé: “Các con chờ đó, Sư bà sẽ cho các con đi học hết để khỏi cuộc đời nghèo nàn, thất học khổ sở này.”

Nhiều năm nay, ước nguyện của Ni trưởng Trụ trì chùa Kiều Đàm Di (Vaisali, Bodhgaya) và chư Ni đã hoàn thành, song những mùa tựu trường vẫn luôn khiến lòng quý Sư cô thương cảm dâng tràn. Dân số Ấn Độ nhiều, đứng thứ 2 trên thế giới, môi trường sinh hoạt ở miền quê Ấn Độ nói chung và Vaisali, Bodhgaya, hay những vùng thuộc bang Bihar nói riêng còn thiếu thốn muôn bề. Còn rất nhiều bé muốn được cắp sách đến trường nhưng khả năng về cơ sở hạ tầng cũng như nhiều điều kiện khác không đủ nên Ban Giám đốc trường đành xét duyệt các hồ sơ nhập học giới hạn. Mỗi năm mới, các em nộp hồ sơ xin học có khoảng hơn 700, nhưng trường chỉ tiếp nhận 250 hồ sơ. Nhìn cảnh 2/3 phụ huynh và các em thất vọng, buồn bã ra về, lòng của Ban Giám đốc và các thầy cô vô cùng xót xa, khắc khoải.

Ở Trường Tiểu học Kiều Đàm Di, các em được dạy dỗ đúng mức, đúng chương trình, ngoài ra các em còn được giúp cho phần giấy mực, sách giáo khoa, đồng phục, áo ấm, ba lô, các vật dụng khác. Trong những trường hợp bệnh hoạn hoặc khó khăn chùa Kiều Đàm Di cũng trang trải, giúp đỡ cho các em và gia đình. Điều quý hóa nữa là mỗi mùa hành hương hàng năm, quý Phật tử từ khắp nơi trên thế giới về hành hương chiêm bái Phật tích đã viếng thăm, hỗ trợ cho trường, cho phụ huynh và bà con quanh vùng rất nhiều.

Vùng đất Vaishali, một trong tám Phật tích quan trọng trong lịch sử Phật giáo, và lời đức Phật tán thán vẻ đẹp vùng đất này vẫn còn lưu lại trong Kinh Tương ưng, chương 51, phẩm Cāpāla rằng: “Này Ānanda, khả ái thay Vesālī! Khả ái thay đền thờ Udena! Khả ái thay đền thờ Gotamaka! Khả ái thay đền thờ Sattambaka! Khả ái thay đền thờ Bahuputta! Khả ái thay đền thờ Sārandada! Khả ái thay đền thờ Cāpāla!…” Ngày nay, hơi thở của giáo pháp, năng lượng tinh tấn của Tăng đoàn vẫn luôn bảo bọc, sưởi ấm những người đệ tử của đức Phật từ khắp năm châu trở về làm sống lại đạo Phật, nuôi dưỡng hạt mầm Bồ-đề nơi đất Phật nói chung và miền quê Vaishali, Bodhagaya nói riêng thêm ý nghĩa, thiêng liêng.


Lệ Thanh