Thời Thế Tôn còn tại thế, có một Tỳ kheo đến yết kiến Ngài và đặt điều kiện:
– Bạch Thế Tôn, con cũng muốn chuyên tâm tu tập, phát huy tuệ giác, nhưng ngặt vì công việc lu bu như khất thực, hóa duyên, tiếp xúc bổn đạo…, nói chung là lo cho cuộc sống hàng ngày, khó mà tĩnh tâm định trí. Nhưng, bạch Thế Tôn, nếu như con có một tịnh thất khang trang, tiện nghi đầy đủ, con cũng có thể tu hành thành đạt như các huynh đệ khác vậy.
– Thầy hãy đến nhờ Tôn giả A Nan lo liệu giùm cho. Thế Tôn nhẹ nhàng khuyên.
Vị Tỳ kheo đến gặp A Nan, thưa:
– Thế Tôn bảo đệ đến nhờ Tôn huynh thiết lập và trang trí một tịnh thất đàng hoàng, tiện nghi để đệ an tâm tu học.
– Trời đất!… Như thầy thấy đấy, Sa môn là thành phần nghèo nhất trong thiên hạ. Thay vì gọi là ăn mày, ăn xin, thì đàn na thí chủ thương tình ban cho cái tên nghe thanh lịch một chút là khất thực, khất sĩ. Vậy mà thầy còn bận bịu nhiều thứ quá! Chẳng lẽ thầy đã quên hẳn tôn chỉ: “Con nhà họ Thích chuộng nghèo, gom góp tài sản làm chi hả thầy?” Quả thật tôi không biết làm cách nào giúp thầy việc này…
– Thế Tôn bảo sao thì đệ nghe vậy. Tôn huynh không giúp thì đệ lại phải đến trình Thế Tôn.
A Nan thấy việc bất kham, nhanh chân đến gặp Thế Tôn, trình bày tự sự, và được Ngài khuyên:
– A Nan, hãy làm theo lời yêu cầu của thầy ấy, con sẽ có công lớn trong việc giúp huynh đệ đắc đạo đấy! Con cũng nên biết rằng trên lộ trình chuyển hóa tâm linh, nhiều hành giả rất có khả năng thành tựu đạo nghiệp, nhưng vì phải đối phó với cuộc sống hàng ngày, nên định lực chưa cao, đạo quả chưa thành.
Vâng lời Thế Tôn, A Nan nhờ một số Phật tử thân cận góp sức làm một tịnh thất khá đẹp, rất thuận lợi cho việc tu hành. Vị Tỳ kheo được nơi vừa ý, dốc chí công phu, định tâm thiền quán trong một thời gian thì chứng quả A la hán.
(Kể theo Kinh Đại Bát Niết Bàn)
BÀI HỌC ĐẠO LÝ:
Câu chuyện ngắn gọn nhưng ý nghĩa khá nhiều. Theo truyền thống thiền môn, phàm người xuất gia, tu hạnh giải thoát, thì phải chấp nhận ba điều thiếu thốn: phòng xá, lương thực và y phục. Thế Tôn đã từ bỏ cung vàng điện ngọc, đầu trần chân đất, khoác tấm vải gai, khất thực qua ngày, mục đích là dập tắt lòng tham, chuyên tâm cầu đạo. Vậy mà môn đệ than khổ, thiếu chỗ tu hành, thì Ngài lại đáp ứng nhu cầu, khơi mầm tuệ giác cho họ. Phật nhãn quán chiếu tam thiên đại thiên thế giới là thế đó!
Khuynh hướng xưa nay đều cho rằng hễ tu hành thì phải diệt dục. Đúng lắm! Dục đây là tham dục, là đắm chìm trong năm món ưa thích ở đời, đó là: của cải tài sản, nhan sắc diễm kiều, địa vị danh vọng, cao lương mỹ vị, giường êm nệm ấm. Người tu hành mà thả tâm bám víu vào những thứ ấy là đang tự mình dẫn xác đến vực sâu, lao đầu xuống hố thẳm.
Giới Phật tử khi tham quan Ấn Độ, lễ lạy Tứ động tâm, tận mắt chứng kiến những hang động mà Thế Tôn và Thánh tăng cư ngụ, tu hành cách đây hơn 2.500 năm đều bàng hoàng xúc động, nước mắt nước mũi ràn rụa, khi nghe xong câu pháp ngữ: “Lúc Phật còn tại thế, chúng con mãi trầm luân; Nay được làm thân người, thì Phật đã nhập diệt. Hỡi ơi! Thương thay!”… thì không ai bảo ai, tất cả Tăng Ni đạo tục đều bật khóc rưng rức, dập đầu bất động trên nền đá. Đấy, mãnh lực của khổ hạnh và thánh thiện đã chinh phục được lòng người đến thế đó!
Ngày nay xã hội phát triển, nếp sống thiền môn có phần thay đổi. Nhà chùa phải có phương tiện đào tạo Tăng Ni, tiếp nối mạng mạch truyền thừa Phật pháp. Các đoàn thể giáo hội, trụ trì tự viện còn phải góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo, cứu tế theo tôn chỉ: “Phụng sự chúng sanh tức cúng dường chư Phật”. Tuy nhiên, tham gia công tác xã hội không có nghĩa là lãng quên nghĩa vụ thiền môn, hay xa dần mục tiêu giải thoát.
Phần lớn Phật tử tại gia rất tín tâm trong việc ngoại hộ Tăng Ni tu tập, nhất là vào ba tháng an cư kiết hạ. Người xuất gia phải ghi nhớ ân đức sâu dày này bằng cách luôn luôn tâm niệm rằng: “Ngày nào còn phiền não, ngày đó còn luân hồi; Ngày nào còn sanh tử, ngày đó còn khổ đau”. Phải ý thức rằng việc giải thoát sanh tử là cấp bách nhất, trọng đại nhất của cuộc đời tu hành. Kiếp này không đoạn tuyệt được vòng sanh tử thì biết kiếp nào mới tháo gỡ được những mắt xích tử sanh! Nỗi khổ sanh tử khốc liệt hơn cái khổ thiếu thốn vật chất thường tình. Chúng ta nên tinh tấn giải quyết việc lớn, chớ bận tâm đến những việc nhỏ nhặt tầm thường.
Trường hợp diễn ra trong kinh này là một ngoại lệ. Thế Tôn thấy đệ tử có chí tu hành, thành quả sắp đạt, chỉ còn một chút bận tâm về phương tiện trợ lực, nên Ngài chỉ đạo cho A Nan khai thông chỗ vướng kẹt đó. Thế Tôn được người đời xưng tán là Bậc Đạo sư của trời người, Đấng Cha lành của muôn loài, vị Thầy thuốc vĩ đại nhất của trần thế. Ngài thấy rõ, biết hết mọi nhu cầu của chúng sanh. Mỗi ngày Ngài nhập từ bi quán hai lần: tối trước khi đi ngủ, sáng sau khi thức dậy, mục đích là xem chúng sanh nào có duyên với Phật pháp, rồi nương theo trình độ căn cơ của họ mà cảm hóa. Đây chính là phương tiện quyền xảo cứu độ chúng sanh, không nên chấp chặt giáo điều mà người tu hạnh Đại thừa Bồ tát phải biết áp dụng.