Trong Phật Giáo chúng sinh hữu tình bao gồm tất cả các sinh vật có hệ thần kinh phát triển từ thấp đến cao; vì có hệ thần kinh nên nhận biết cảm giác đau đớn khi thân thể bị tổn thương, và ở mức độ cao hơn là cảm xúc đau khổ về tinh thần. Các chúng sinh vô tình là những sinh vật tuy có sự sống nhưng không có hệ thần kinh hoặc có nhưng phát triển rất thấp do đó không cảm thọ đau đớn bị hủy hoại. Cây cỏ, nấm, mốc (có trong chao, tương, sữa chua, phô mai) thuộc về nhóm chúng sinh vô tình. Nói chung người Phật tử ăn chay là không ăn các chúng sinh hữu tình. Các Tăng Ni theo hệ phái Đại Thừa không dùng các thực phẩm hay sản phẩm có nguồn gốc từ chúng sinh hữu tình như trứng, sữa, bơ động vật, đồ vật làm từ da, lông, sừng, xương… của các con vật. Tuy nhiên một số Tăng Ni tu theo hệ phái Phật Giáo Nguyên Thủy lại cho phép dùng thịt cá với điều kiện phải là tịnh nhục.
Ngày xưa các đệ tử đã chứng pháp của Đức Phật thường đi đến những nơi xa xôi để giáo hóa những người có ít cơ duyên gặp được Đức Phật và tăng đoàn. Trên đường hoằng hóa giáo pháp các vị này phải đi qua những nơi khắc nghiệt như sa mạc, núi tuyết, ở đó không có cả ngọn cỏ, thức ăn đem theo dự trử lại có hạn, do đó có thể bị chết đói. Để mở ra một lối thoát trong các hoàn cảnh khó khăn này, Đức Phật chế định cho phép các vị tăng này được dùng một thứ thịt gọi là tịnh nhục, đây là thịt các con vật đã chết khô hay đông cứng trước đây do bệnh, đói khát, lạnh giá, hay bị các thú khác cắn giết… Tất nhiên các vị tăng thọ thực chỉ để sống còn và tiếp tục hoằng pháp; các vị không hề ham thích mùi vị của các thứ thịt này và trước khi thọ dụng sẽ chú nguyện chúng sinh trước đây mang thân đã chết này, hiện đang ở một cõi nào đó được thân tâm an lạc và tăng tiến đường tu.
Theo kinh sách, Đức Phật có nói đến một loại tịnh nhục gọi là tam tịnh nhục (không thấy, nghe, hay nghi ngờ vì mình mà con vật bị giết), dành cho người mới tu chưa thể dứt tuyệt ngay được với đồ mặn để phát nguyện ăn chay trường. Các tăng ni theo Phật Giáo Nguyên Thủy căn cứ vào tam tịnh nhục, ngũ tịnh nhục, cửu tịnh nhục nên cho phép các tăng ni thọ thực thịt cá cúng dường; trong khi các kinh sách Phật Giáo Đại Thừa đều không cho phép người xuất gia ăn thịt các loài hữu tình. Trong nhiều kinh sách Phật Giáo Đại Thừa, đặc biệt kinh Đại Bát Niết Bàn phẩm Tứ Tướng Thứ Bảy, Đức Phật nói: “…Nầy Ca Diếp! Bắt đầu từ ngày nay trở đi Như Lai không cho phép hàng thanh văn đệ tử ăn thịt, nếu đàn việt đem đến dưng thí, phải xem thịt ấy như thịt con mình…”. Chú ý: kinh Đại Bát Niết Bàn là kinh sau cùng Đức Phật thuyết pháp, cho nên các chế định trước đây về tịnh nhục đều bị hủy bỏ. Trường hợp ngoại lệ cho phép ăn mặn là khi một vị tăng bị bịnh nặng kiệt sức cần ăn thịt cá để phục hồi sức khỏe, ở đây chỉ nói cho phép ăn mà không nói đây là tịnh nhục, do đó chắc chắn việc thọ dụng sẽ ảnh hưởng đến phước báu, công đức và đạo hạnh của vị này.
Trích kinh Đại Bát Niết Bàn trong phẩm Tứ Tướng Thứ Bảy:
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Với người ăn thịt chẳng nên đem thịt đến cho. Vì con thấy người không ăn thịt được công đức lớn.”
Phật khen: “Lành thay! Lành thay! Nay ông có thể khéo biết ý của Như Lai. Bồ Tát hộ pháp phải như vậy.
Nầy Ca Diếp! Bắt đầu từ ngày nay trở đi Như Lai không cho phép hàng thanh văn đệ tử ăn thịt, nếu đàn việt đem đến dưng thí, phải xem thịt ấy như thịt con mình”.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Tại sao đức Như Lai không cho phép ăn thịt?”
Phật dạy: “Nầy Ca Diếp! Luận về người ăn thịt thời dứt mất giống đại từ”.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Duyên cớ gì ngày trước đức Như Lai cho phép hàng Tỳ Kheo ăn ba thứ tịnh nhục?” Phật dạy: “Nầy Ca Diếp! Ba thứ tịnh nhục ấy chỉ là theo việc mà tạm chế thôi”.
Ca Diếp Bồ Tát lại bạch: “Bạch Thế Tôn! Duyên cớ gì mà mười thứ bất tịnh nhẫn đến chín thứ thanh tịnh, Như Lai lại chẳng cho phép?
Phật nói: “Cũng là nhơn nơi sự mà lần lượt chế. Nên biết chính là nghĩa đoạn nhục hiện nay”.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Cớ sao Như Lai khen ngợi ngư nhục là món ăn ngon?”
Phật dạy: “Như Lai cũng chẳng nói loài ngư nhục là món ăn ngon, mà Như Lai vẫn nói mía, đường, gạo, tất cả thứ lúa, bắp, sữa, bơ, dầu, là những thức ăn ngon. Dầu rằng Như Lai nói được chứa các thứ y phục, mà đều phải hoại sắc, huống lại tham ưa nơi vị ngư nhục kia”
Ca Diếp lại bạch Phật: “Đức Như Lai nếu chế không được ăn ngư nhục, thời những thứ sữa, bơ, dầu, v.v… và các thứ y phục kiều xa gia, đồ bằng da thú, ngọc ngà, bồn chậu bằng vàng bạc, cũng đều chẳng nên dùng”.
Phật dạy: “Nầy Ca Diếp! Chẳng nên có kiến chấp đồng với bọn lõa thể ngoại đạo kia. Bao nhiêu giới cấm của Như Lai chế ra đều có dị ý. Vì dị ý nên cho ăn ba thứ tịnh nhục. Vì dị ý nên cấm ăn mười thứ thịt. Vì dị ý nên cấm tất cả thứ thịt đều không được ăn, dầu là thịt của con vật tự chết.
Nầy Ca Diếp! Từ nay Như Lai cấm các đệ tử không được ăn tất cả thứ thịt.
Nầy Ca Diếp! Người mà ăn thịt, hoặc đi đứng nằm ngồi chúng sanh nào nghe đến hơi thịt thời kinh sợ. Ví như người ở gần sư tử, đi đến đâu, mọi người nghe mùi hôi của sư tử đều kinh sợ. Như người ăn tỏi, không ai dám gần người ấy vì tanh mùi tỏi. Kẻ ăn thịt cũng vậy, tất cả chúng sanh nghe hơi thịt, thảy đều kinh sợ, nghĩ đến sự chết, các loài cá trạnh, muôn thú cùng chim chóc, đều chạy tránh xa, đều có quan niệm rằng người ấy là kẻ hại ta. Vì thế nên Bồ Tát không ăn thịt, vì độ chúng sanh mà thị hiện ăn thịt. Dầu thị hiện ăn thịt mà thật ra thời không có ăn.
Nầy Ca Diếp! Hàng Bồ Tát nầy còn không ăn những thức ăn thanh tịnh, huống lại ăn thịt.
Sau khi Như Lai nhập niết bàn, các bực tứ quả Thánh Nhơn đều lần lượt nhập niết bàn. Sau khi chánh pháp diệt, trong thời tượng pháp, sẽ có các Tỳ Kheo in tuồng trì luật, ít đọc tụng kinh, tham ưa ăn uống, lo bồi bổ thân thể, y phục mặc trên thân thô xấu hôi dơ, hình dung tiều tụy không có oai đức, chăn nuôi bò dê vác củi gánh cỏ, tóc râu để dài, đầu mặc cà sa mà như thợ săn, dầu ngó xuống đi chậm rãi mà như mèo rình chuột. Thường tự xướng rằng ta chứng được quả A La Hán, mang nhiều bệnh khổ nằm lăn trên phẩn uế, ngoài thời hiện ra tướng hiền thiện, trong thời đầy lòng tham sân như bà la môn, thọ phép câm, thiệt chẳng phải Sa môn mà hiện tướng Sa môn, tà kiến xí thạnh, chê bai chánh pháp. Những người như vậy phá hoại giới luật, chánh hạnh oai nghi của Như Lai chế, và quả giải thoát của Như Lai nói.
Họ rời pháp thanh tịnh và làm hư hoại giáo pháp thậm thâm bí mật. Họ theo ý riêng, nói ngược với kinh luật rằng đức Phật cho phép chúng tôi ăn thịt. Họ đều tự xưng là Sa môn Thích tử.
Nầy Ca Diếp! Bấy giờ lại có các hàng Sa môn chứa thóc, nhận lấy thịt cá, tay tự nấu ăn, cầm xách bình dầu ăn, cùng giày dép bàng da và lọng báu, thân cận quốc vương, quan lớn, nhà giàu sang, xem tướng, coi sao, siêng học nghề thuốc, chứa nuôi tôi tớ, vàng bạc bảy báu, các thứ dưa trái, học tập các nghề: nghề vẽ, nghề nắn, làm sách dạy học, gieo trồng, chú thuật, chế thuốc, đờn ca xướng hát, hương hoa trang điểm, cờ bạc, học các nghề thợ.
Nếu có Tỳ Kheo nào hay tránh lìa các việc ác như trên, nên nói người ấy thật là đệ tử của Như Lai.”
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, nhơn người khác giúp mà sống. Lúc khất thực, nếu đặng món ăn lộn với thịt, phải làm cách nào để ăn đúng với pháp thanh tịnh?”
Phật dạy: “Nầy Ca Diếp! Nên lấy nước rửa sạch thịt rồi hãy ăn. Nếu đồ đựng bị thịt làm dơ, chỉ làm cho không có vị thịt thời cho phép được dùng không tội. Nếu thấy trong thức ăn có nhiều thịt thời không được nhận. Tất cả thứ thịt đều không được ăn. Người ăn thịt thời phải tội.
Nay Như Lai xuống điều chế đoạn nhục như vậy, nếu giảng rộng thời không thể hết. Giờ niết bàn gần đến phải nói lược.”
Xem ra vấn đề người xuất gia không được ăn thịt chúng sanh hữu tình là điều hiển nhiên. Kinh Phạm Võng nói: “Luận về người ăn thịt thời mất lòng đại từ bi, dứt giống Phật tánh”. Trong 48 giới khinh (nhẹ) của Bồ tác giới dành cho người xuất gia có điều thứ ba “không được ăn thịt” và điều thứ tư “không ăn ngũ tân” (năm thứ thực vật: hành, hẹ, tỏi, kiệu và hưng cừ, một loại củ tương tự củ nén). Tuy trong 250 giới của tỳ kheo và 500 giới của tỳ kheo ni không thấy nói rõ về vấn đề cấm ăn thịt nhưng giới thứ 9 trong 10 giới của Sadi và Sadi ni nói “không ăn mặn và ăn phi thời”. Vì Sa di và Sadi ni là bước cần thiết phải hoàn tất của người xuất gia trước khi thọ giới cụ túc để thành tỳ kheo và tỳ kheo ni nên có thể nói giới không ăn thịt chúng sinh hữu tình không cần phải nói lại trong 250 giới của tỳ kheo và 500 giới của tỳ kheo ni. Trong 6 giới trọng (nặng) và 28 giới khinh (nhẹ) của Bồ tá giới dành cho người tại gia (ưu bà tắc, ưu bà di) không có giới cấm ăn thịt cá nhưng giới khinh thứ 10 nói “nghi nước có trùng mà vẫn cố ý uống”, như vậy xem ra dường như không muốn làm hại chúng sinh hữu tình (lăng quăng, sâu…) hơn là vì sợ độc hại cho bản thân. Nếu đúng như vậy, có thể suy rộng giới khinh thứ 10 khuyên không nên dùng thịt các con vật bởi vì loài trùng còn không muốn nuốt vào huống hồ ăn thịt các thú vật khác. Cư sĩ tu tại gia được khuyến khích ăn chay khi định kỳ thọ Bát Quan Trai.
Hiện nay có hai quan điểm cổ xúy cho việc ăn rau quả và tránh các thịt cá nhưng không liên quan gì đến Phật giáo. Thứ nhất là phong trào khuyến khích ăn các loại thực vật và không ăn các loại thịt gia súc (meat), gia cầm (poultry), các loại chim thú hoang (game food), cá, tôm cua sò ốc (shellfish), và các thứ sữa, xương, nội tạng thú vật (by-products of animal slaughter). Những người theo trường phái này được gọi là veggiterian, và chế độ ăn uống của họ được các nhà khoa học và giới y khoa cho là lành mạnh (healthy). Một phong trào khác ăn chay bởi vì không muốn ăn thịt cá do thấy việc nuôi giết gia súc gia cầm và săn bắt chim thú cá tôm thật là tàn nhẫn. Những người này dù không chính thức nhận là Phật tử nhưng dưới cái nhìn của nhà Phật họ ăn chay là do lòng từ bi trắc ẩn trước nỗi đau khổ của chúng sinh chứ không phải chỉ vì lợi cho sức khỏe như những người veggiterian; đây cũng là một cách tu tập và tạo phước cho mình dù không cố ý.
Có một số quan điểm cho ăn chay không đủ các chất đạm, đặc biệt là các amio axit cần thiết không hiện diện đầy đủ trong các loại thực vật. Điều này đã không hoàn toàn đúng nữa vì hiện nay chế độ ăn uống phối hợp nhiều loại ngũ cốc, các thứ hạt (seeds), hạt có vỏ cứng (nuts) cùng với nhiều loại rau củ quả khác nhau cho thấy vẫn cung cấp gần như đầy đủ các chất đạm và các amino axit cần thiết (xem thêm Vegan Food Pyramid của FDA). Một bằng chứng khác cho thấy chế độ ăn chay không thịt cá vẫn giúp thân thể khỏe mạnh, đó là các vị tăng dòng Thiếu Lâm Tự, ngoài việc tu tập Phật pháp còn tập võ nghệ, rèn luyện thân thể khỏe mạnh dõng mảnh nhưng các vị này chỉ ăn chay trường. Cũng nên nói tới vai trò của chao trong việc cung cấp chất đạm cho những người ăn chay. Chao là do các nấm mốc (Actinomucor elegan, Mucor hiemalis, Mucor silvaticus, Mucor subtilis) phát triển trên môi trường đậu nành/đậu khuôn; trong quá trình lên men các nấm mốc xử dụng những chất dinh dưỡng có trong đậu nành/đậu khuôn tạo ra một sản phẩm có hàm lượng protein và lipid đáng kể (36% protein và 18% chất béo). Vì các nấm mốc là các tế bào sống nên chúng chính là nguồn protein khi tăng sinh trong môi trường dinh dưỡng. Tương tự như yagout làm từ sữa nhưng giá trị dinh dưỡng khác với sữa, chao làm từ đậu nành có giá trị dinh dưỡng phong phú hơn đậu nành. Duy có một vấn đề cần chú ý là chao có thể chứa một số chất độc nếu làm không đúng cách, bị tạp nhiễm bởi một số nấm mốc hay vi khuẩn sinh độc khác.
Trong giới hạn của bài viết, xin phép không nói đến hành trạng của các bậc đã chứng thánh quả (Bồ Tát, A La Hán), như Tế Điên Hòa Thượng (Hàng Ma La Hán), bởi các ngài đều có Pháp thân thanh tịnh nên không còn bị ràng buộc bởi giới luật bình thường.
Lập Xuân 2025
Thọ Mân