Trang chủ Văn học Truyện Âm vang lời kinh cầu

Âm vang lời kinh cầu

97

Một lúc, chị lại hít vào thật sâu rồi nhẹ nhàng thở ra như vị thầy từng dạy trong một buổi tu tập thiền. Nhưng chỉ được giây lát trái tim chị lại gấp gáp mệt nhọc. Mồ hôi ướt đẫm đến mệt lả. Cúi dựa vào vai cô thư ký, đầu óc chị bắt đầu quay cuồng trong suy nghĩ miên man.

… Suốt ngày bé Bảo Châu chỉ biết thui thủi quanh nhà với bà Hai – người giúp việc cho ngoại nó. Đứa bé gái chưa đủ trí khôn đã sớm nhận ra là mình không có cha như bao đứa trẻ khác. Ngoại có đến mười đứa con nên rất đông cháu chắt, duy chỉ có bé Châu lại được mọi người bày tỏ sự thương yêu chăm sóc hơn cả. Mấy anh chị em họ cũng hay nhường nhịn Châu khi chúng có dịp tựu về chơi chung dưới một mái nhà.

Được cưng chiều, Bảo Châu đương nhiên có vẻ tự mãn hạnh phúc. Một lối tự mãn thơ ngây của trẻ con. Có lần nó cũng thắc mắc hỏi ‘Mẹ: – Ba đâu?’ Mẹ chỉ nói: ‘Ba chết rồi…’ Và thế nó biết mình là một đứa trẻ mồ côi cha.

Rồi một hôm, con bé thức dậy sau giấc ngủ trưa. Nó vẫn nằm yên trên bộ ván nơi phòng khách vì nghe có tiếng người lạ trong nhà. Người phụ nữ đang nói chuyện với mợ Hai của nó:

– Con bé nằm ngủ đó là con ai vậy em?

– Dạ, con của cô Ngân đấy chị?

– A! Chị nhớ rồi. Là cô em chồng xinh nhất nhà của em phải không? Hồi chị gặp thì cô chưa có chồng. Bây giờ con lớn vậy rồi à? Còn chồng làm gì?

Mợ Hai chép miệng:

– Đường chồng con cô ấy thật lắm lận đận. Khi khá lớn tuổi rồi cô ấy mới lập gia đình. Một thằng chồng ăn chơi lêu lỏng chẳng ra gì. Hục hặc nhau trong suốt 5 năm chung sống, rồi khi cô Ngân vừa cấn thai được vài tháng, thằng kia liền cao chạy xa bay. Đến bây giờ cũng chẳng biết tăm tích.

Hai người phụ nữ kể lể tâm sự với nhau nhiều chuyện, mà không để ý là con bé đã thức và nghe hết. Bảo Châu chợt hiểu vì sao mọi người đều tỏ ra quan tâm thương xót cho mẹ con nó. Người mẹ đau khổ của nó không chỉ khóc một lần vì cảnh phận đời bạc bẽo.

Bé Bích Châu – người chị song sinh với Bảo Châu – lúc mới hơn tuổi đã vội lìa bỏ cuộc sống sau một trận sốt xuất huyết nặng. Nỗi đau mất con càng làm cho mẹ Ngân héo hắt tàn úa. Nước mắt ướt đầm cả chiếc gối, Bảo Châu cố vờ như đang ngủ say. Ngoài kia hai người đàn bà vẫn vô tư nói chuyện:

– Số cô Ngân hồi nhỏ đã cực rồi. Mẹ chồng em có cửa hàng lớn buôn bán ở chợ, Ngân phải nghỉ học sớm phụ mẹ. Cô quán xuyến giỏi giang nên được bà tin tưởng giao phó. Song cô hiền lành và chơn chất quá. Buôn bán bao nhiêu năm mà chẳng hề biết tư lợi một hào, cũng chẳng biết se sua mua sắm cho mình chút gì. Không như mấy cô em khác.

Mấy lần có dịp ra phụ, họ đều giấu giếm tiền bạc để tiêu xài. Cô ở chợ cả ngày, tối mịt mới về nhà, chẳng có thời giờ giao du chơi đùa với bạn, nói chi đến chuyện yêu đương với ai. Khi khá lớn tuổi, có anh chàng khá đẹp mã lân la làm quen rồi xin cưới cô. Dĩ nhiên gia đình biết anh ta thuộc dạng ăn bám. Song vì hạnh phúc của con nên cuối cùng phải chấp thuận…

– Thưa bà Giám đốc ! Bây giờ chúng ta về nhà chứ?

Giọng cô thư ký nhỏ nhẹ bên tai làm chị giật mình quay về thực tại. Về nhà lúc này ư? Mẹ chị chắc đang đợi con ở nhà. Nhưng chị chưa thể về nhà bây giờ được, rồi chị sẽ sà vào lòng mẹ khóc nức nở như ngày còn thơ bé.

… Buổi tối người mẹ trở về thấy bé Bảo Châu nằm vùi trong  phòng thì hoảng hốt chạy đến rờ đầu con: – Con tôi. Sao thế này? Con bị bịnh phải không? Để mẹ đưa đi bác sĩ.

Bé Châu ngồi bật dậy, nước mắt giàn giụa: – Mẹ ơi! Con biết tất cả rồi. Biết hết rồi.

Người mẹ càng hoảng hốt:

– Con sao thế. Mà biết gì? Sao lại khóc nức nở vậy. Ở nhà có ai bắt nạt gì con phải không?

Bảo Châu lắc đầu. Trong tiếng được tiếng mất, con bé tức tưởi kể lại những gì mà nó đã nghe: – Sao ngoại và mẹ lại nói ba con đã chết? Ba chết mà chẳng làm đám giỗ như ba nhỏ Liên. Tại sao người lớn lại phải nói dối như thế?

Người mẹ khóc. Bà ôm con vào lòng, cố phân trần: – Mẹ và ngoại không hề nói dối con. Tại con còn quá nhỏ để phải biết mọi việc. Khi lớn khôn rồi con sẽ hiểu. Còn với mẹ, những gì đã qua mẹ đã quên hết. Mọi mất mát và yêu thương chỉ còn là chút hoài niệm bên lòng. Bây giờ mẹ chỉ còn có con. Chỉ có con là nguồn an ủi của mẹ trong suốt cuộc đời còn lại…

Bảo Châu lau vội nước mắt. Cô bé ngước nhìn mẹ nghẹn ngào: – Mẹ! Mẹ đừng khóc. Con xin lỗi mẹ. Từ đây con hứa sẽ thật ngoan ngoãn nghe lời mẹ. Sẽ thương kính ngoại và các dì cậu. Bây giờ con mới hiểu, vì sao cả nhà ngoại ai cũng thương chiều đứa cháu côi cút này.

– Mẹ cũng chỉ cầu mong con sống thật tốt hơn những gì mà ba mẹ đã sống. Chuyện người lớn có muôn ngàn sự phức tạp. Con còn nhỏ chớ nên nghĩ đến. Hãy cố gắng học và sống thật ngoan hiền là mẹ vui rồi.

Kể từ hôm biết rõ cuộc đời của mẹ và cũng là thân phận của chính mình, bé Bảo Châu đã nuôi ước nguyện phải cố gắng học tập. Và với tất cả ý chí, con bé đã quyết vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Học giỏi lại ngoan hiền, Bảo Châu không để cho mẹ phải buồn phiền lo lắng.

Từ một nghị lực sắt đá, chỉ với hai bàn tay trắng, lớn lên Bảo Châu đã trở thành một nữ doanh nhân thành đạt giàu có. Là tổng giám đốc một công ty do chị thành lập có tiếng trong khu vực. Chị lại có một gia đình êm ấm hạnh phúc. Chồng chị cũng là giám đốc một công ty lớn. Hai đứa con ngoan lại xuất sắc trong học tập. Một cuộc sống như vậy, chị còn mơ ước điều gì?

Người mẹ đã sống gần cả đời vì con, chịu bao mất mát đau khổ mà vẫn cố gắng vun đắp cho đứa con gái duy nhất nên người. Nay là lúc bà có quyền an hưởng tuổi già thanh thản bên cạnh cháu con. Chị cố gắng tạo dựng cho mẹ một cuộc sống tiện nghi đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần. Song mẹ chị lại chẳng màng đến những sự tiện dụng đó. Bà vốn là một Phật tử.

Ngay từ hồi nhỏ Bảo Châu thường được mẹ dẫn đi chùa và chị cũng được quy y với một vị Sư trưởng. Mấy năm sau này mẹ chị thích lui về sống cuộc đời tu niệm tại gia. Thế là chị cho xây một am thất trong khu vườn cây xanh tĩnh lặng ở ngoại ô, cạnh bên ngôi biệt thự lớn để chị cùng chồng con cuối tuần về nghỉ ngơi, gần gũi bên mẹ. Bà vẫn dạy con gái như thời chị còn bé bỏng:

– Con được như ngày nay là do đã biết tu phước nhiều đời, chứ không phải chỉ nhờ năng lực trí huệ cùng phước báu trong đời này thôi đâu. Vì vậy cần phải lo bồi công lập phước cho đời sau nữa. Giàu sang quyền lực cũng chớ lấy đó mà kiêu căng tự mãn. Phải biết trang trải tấm lòng đến cùng bao người còn khó khăn quanh mình.

Mỗi lần nghe mẹ nói, chị cười cười ôm lấy vai mẹ: – Thì con vẫn làm như lòng mẹ hằng mong mỏi đấy thôi. Nghề kinh doanh thì tánh cách con người đôi khi cần phải quyết đoán mạnh mẽ, nhưng con chưa bao giờ tỏ vẻ kiêu căng ngạo mạn. Còn làm phước thì… hằng tháng con đều đóng góp cho các công việc từ thiện như… làm đường, xây trường, đóng tiền bảo trợ hội người mù, trẻ em khuyết tật… Và các hiệp hội từ thiện khác nữa…

– Bấy nhiêu là đủ rồi sao cô?

– Con vẫn đưa tiền cho mẹ đi các chùa cúng dường tạo phước. Vậy còn gì nữa. Mẹ nói đi… con sẽ làm tất.

– Mẹ biết con đã làm nhiều điều thiện phước. Nhưng không phải chỉ biết bỏ tiền ra mà không biết thể hiện tấm lòng. Lại nữa, dù bận rộn công việc, con phải dành thời gian chăm chút gia đình, dạy dỗ con cái để bảo vệ hạnh phúc. Và mỗi tháng bỏ ra vài giờ đến chùa lễ Phật, nghe thầy giảng pháp. Có như vậy lòng mình mới được thư thái, đầu óc mới sáng suốt minh mẫn để vận hành công việc. Nói tóm lại là con không chỉ đem từ tâm ra gieo phước điền hiện đời mà phải lo tu tập để gieo nhân hữu lậu về sau.

Chị phì cười. Mẹ nói y như các nhà giảng đạo thực thụ. Đem chuyện tu hành ra nói với một doanh nhân bận rộn như chị vào lúc này thì thật là chưa hợp thời lắm. Chị nghĩ vậy thôi chứ không dám nói ra vì sợ mẹ buồn. Chị thương mẹ, cố gắng làm những gì mẹ thích. Chị sống trọn đạo và hết lòng thương yêu mẹ. Ngay với người cha ruột đã bỏ rơi đứa con từ trong trứng nước. Chị đã tìm gặp ông. Người đàn ông tàn tạ sống cô độc trong căn lều ở miền quê thật khác xa với vẻ phong lưu trác táng một thời. Chị gởi tiền và mướn người nuôi dưỡng ba.

Khi ông mất, chị cũng đứng ra lo ma chay, cúng thất cầu siêu độ thật chu đáo. Chị làm tất cả bằng tấm lòng, chứ không ỷ vào đồng tiền mình có được…

– Bà chủ! Chúng ta về chứ…

Giọng cô thư ký lại vang lên bên tai. Chị ngước lên. Vẫn còn quá sớm để về nhà. Có một nơi chị cần phải đến ngay lúc này.

– Cô ra lấy xe đi. Chúng ta sẽ đi đến chùa Ni trưởng.

Ngôi chùa hiện ra trong một vườn cây rợp bóng mát. Cảnh vật tĩnh lặng, u nhàn thanh thoát. Một màu xanh tươi bao quát tận chân trời. Vị Ni trưởng đang tưới cây cùng cô Điệu nhỏ trước sân. Người dừng tay khi thoáng thấy chiếc xe du lịch chạy vào sân.

– A! Bảo Châu đấy à? Mẹ con vừa về đó.

Mỗi tuần mẹ đều đến thỉnh  an học đạo với Ni trưởng, nhưng hôm nay chị không nghĩ là bà có mặt nơi này. Chị bước theo Ni trưởng vào phòng khách. Trông chị phờ phạc đến nỗi Người phải kêu lên: – Con bị bịnh à? Hay công việc quá căng thẳng mỏi mệt. Mẹ con mới phàn nàn với sư: – Bảo Châu suốt ngày miệt mài công việc chẳng biết nghĩ đến bản thân. Con lo cho nó quá sư ạ.

Ôi! Mẹ. Lúc nào mẹ cũng chỉ nghĩ đến con.

– Có chuyện gì không, sao trông có vẻ thẫn thờ vậy con? Ni trưởng bưng ly nước mát đến trước mặt chị, dịu giọng hỏi.

Chị cố giữ vẻ bình tĩnh để thưa chuyện với Sư, nhưng rồi nước mắt cứ ràn rụa: – Con đến để thỉnh ý Sư… Dạ là về căn bịnh của mẹ con. Sáng nay con đến bệnh viện lấy kết quả xét nghiệm. Bác sĩ nói mẹ bị ung thư dạ dày, đã di căn, cần phải phẫu thuật gấp. Lúc này con rối trí quá chẳng biết tính sao. Không mổ thì không được. Mà mổ sợ mẹ tuổi già sức yếu khó kham nổi. Bác sĩ bảo còn nước còn tát chứ không thể biết trước được.

Chị bật khóc nức nở: – Mẹ an hưởng tuổi già chưa được bao lâu. Nay lẽ nào lại bỏ con cháu. Vị sư đưa khăn giấy cho chị. Người cố tìm lời nhỏ nhẹ an ủi: – Bịnh mẹ con đã đến mức nghiêm trọng thế sao? Sư thấy… chắc cũng chưa đến nỗi nào mà. Trông bà vẫn như người khỏe mạnh ấy. Đi chùa tụng kinh, chẳng hề tỏ chút đau đớn bịnh tật gì?

– Con mới đến lấy xét nghiệm. Và mẹ vẫn chưa biết gì cả, thưa sư. Lâu nay mẹ con chỉ hơi khó ăn và hay mệt. Chúng con nghĩ mẹ lớn tuổi nên vậy. Bà vốn có sức chịu đựng từ xưa nay rồi. Những lúc bịnh mẹ vẫn không chịu nằm nghỉ… Bạch sư! Con nghe nói lập đàn Dược sư cầu an cho người bịnh. Vậy con có thể thỉnh sư lập đàn để cầu nguyện cho mẹ được không ạ?

– À! Vị Sư ngẫm nghĩ một lúc rồi nói tiếp: – Việc lập đàn Dược Sư theo lời Phật dạy là việc làm mang nhiều ý nghĩa không chỉ cho bản thân người bịnh mà cho cả muôn loài chúng sanh. Theo Sư thì con nên lập đàn tràng Dược sư thất châu, mời quý thầy và quý ni đủ 49 vị. Lập đèn hoa cũng đủ 49 ngọn.

Quý thầy sẽ tụng kinh Dược Sư trong bảy ngày, thanh tịnh chú nguyện cùng hồi hướng công đức cho người bịnh. Đây gọi là đạo tràng thất châu cầu an cho cả lục đạo chúng sanh, chứ không chỉ riêng mình mẹ. Có như vậy công đức mới trọn vẹn.

– Vâng! Con sẽ làm y như lời Sư dạy. Chị trầm ngâm, cố hình dung ra những gì Sư nói.

– Mà con cũng nên hiểu và chấp nhận với những gì có thể xảy ra. Con người sanh ra đời dù giàu sang hạnh phúc hay nghèo khổ bần cùng rồi cũng không ai tránh được cái chết. Con tạo phước, tu thiện, mẹ con nhờ công đức này mà bịnh tật được giảm thuyên phần nào. Nhưng nếu duyên nghiệp của bà đã mãn thì phước đức ấy cũng sẽ giúp bà đi đến một cảnh giới an lành tự tại.

Người còn kẻ mất trong hiện đời cũng được thấm nhuần ân đức. Phật pháp luôn nhiệm mầu và niềm tin sẽ kết tinh nên bao điều kỳ diệu trong cuộc sống. Mẹ con vốn có đầy đủ niềm tin Phật pháp, bà cũng dự cảm điều phải đến sẽ đến…

Đàn tràng quy mô về cung cách tổ chức, lại đầy đủ các nghi thức tụng niệm trang nghiêm trong chốn thiền môn yên tịnh. 49 ngọn đèn, 49 vị tăng ni ngồi tụng kinh, chú nguyện trong suốt bảy đêm, gợi lên hình ảnh một thời chánh pháp chuyên tu.

Đèn hoa rực rỡ như đêm hội hoa đăng. Hàng Phật tử tề tựu đến tụng kinh và chiêm bái cúng dường chư tôn đức Tăng hiện tiền. Từng lời kinh tiếng kệ ngân vang trong một khung cảnh hoàn toàn thanh tịnh. Sắc hoa cùng sắc màu vàng y bỗng như rực sáng trong ánh hào quang của chư Phật.

Người người đến nghe kinh đều trang trải cả tấm lòng hiếu hạnh báo đáp thâm ân. Chị quỳ lạy từng đàn tràng với nỗi cảm xúc hân hoan tột độ. Nhưng vui hơn hết có lẽ là bà mẹ già. Bà vui vì hài lòng với con gái. Cuối cùng thì cô cũng biết hướng tâm về nẻo đạo, biết thiết trai cúng dường và bày tỏ tấc lòng tri ân qua buổi lễ thật trang nghiêm thành tín. Suốt bảy đêm bà đều đến ngồi nghe kinh…

Đêm thứ ba chị đã nói với mẹ: – Mẹ à! Sư nói mẹ có thể ở nhà nghỉ, chứ mẹ đến chùa tụng suốt mấy tiếng đồng hồ thì mệt lắm. Mẹ lớn tuổi rồi, ngồi lâu sợ không chịu nổi. Mẹ ở nhà, hướng lòng đến chư Phật chư Hiền Thánh Tăng nơi đàn tràng thì phước báu cũng vô lượng.

Mẹ chị lắc đầu cười: – Chà! Bữa nay cô nói nghe cũng đạo lý dữ a! Nhưng mẹ cảm thấy được đến chùa nghe kinh thì người khỏe hẳn ra. Đàn tràng trang nghiêm với những vị sư đức độ thanh tịnh như thế, sao mẹ không đến chiêm bái chứ. Chư Tổ có nói rằng: “Sớm được nghe kinh, tối chết cũng thỏa lòng”. Mẹ nghe xong bảy thời kinh nơi đàn tràng này, có chết cũng mãn nguyện.

Chị kêu lên: – Ôi mẹ! Mẹ phải sống với chúng con đến trăm tuổi cơ. Con lập đàn tràng cũng muốn cầu cho mẹ được mạnh khỏe và sống mãi bên chúng con. Con sẽ lạy Bồ-tát, xin nhường 10 tuổi thọ của con cho mẹ.

Người mẹ nghiêm nghị: – Con từng học đạo nghe kinh thì cũng biết việc đến đi trong cõi đời này là do duyên nghiệp mà ra. Mẹ hết duyên với cuộc sống thì phải ra đi thôi. Sống thì vui trong ánh đạo. Chết cũng nguyện trở về nơi cõi Phật an lành. Con dù giàu sang uy lực, có tu phước làm thiện, nhưng chưa thấm nhuần đạo pháp là bao… Cần phải nỗ lực hơn nữa con à!

Mẹ có được đứa con hiếu thuận như vậy là do nhân quả đã tạo trong nhiều đời. Chỉ còn một ước nguyện cuối cùng là sớm nhẹ nhàng xả bỏ xác thân này mà an hưởng nơi cõi tịnh lạc vô biên của chư Phật. Nhưng mà con có tin là giáo pháp Phật nhiệm mầu không?

– Vâng! Chị thì thầm bên tai mẹ mà như nói với chính mình – Phật pháp nhiệm mầu. Con luôn tin như vậy mà.

“Niềm tin giúp người sống lạc quan và nuôi lớn đạo đức làm người trong mọi hoàn cảnh”. Nhớ lại lời Ni trưởng, chị mỉm cười nhìn mẹ. Cho đến cuối đời, bà vẫn mãi là điểm tựa vững vàng giúp chị đi qua hết mọi ngõ đường trong cuộc sống.