1. Ngọn lửa và trái tim bất tử
Mùa Phật đản năm 1963, tổng thống Ngô Đình Diệm ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo. Để phản đối, đồng bào Huế xuống đường biến lễ rước Phật ngày 14 tháng tư Quý Mão (nhằm 7.5) thành cuộc biểu tình.
Đến đêm ấy, cả vạn người kéo về Đài Phát thanh Huế yêu cầu phát chương trình chào mừng Phật đản như mọi năm. Thiếu tá Đặng Sĩ, Phó tỉnh trưởng nội an tỉnh Thừa Thiên, đưa xe thiết giáp và cảnh sát đến giải tán, nổ súng, ném lựu đạn vào đám đông, khiến 8 phật tử bị chết, 4 người bị thương.
Sự kiện tang tóc đó châm ngòi cuộc đấu tranh chống chế độ Diệm bùng nổ tại Huế, rồi lan rộng khắp các đô thị. Tại Sài Gòn, hòa thượng Thích Quảng Đức tuyệt thực và gửi Tâm thư ngày 27.5.1963 đến Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo xin tự thiêu để “cúng dường tam bảo, giác ngộ chính quyền”.
Đến đêm 10.6, Ủy ban Liên phái chấp nhận nguyện vọng trên và hòa thượng Thích Quảng Đức lễ tạ Phật, viết thư thức tỉnh tổng thống Diệm trước giờ ra đi.
Sáng hôm sau 11.6, Ngài bước lên chiếc xe dẫn đầu gần 1.000 tăng ni, phật tử trong cuộc diễu hành rước di ảnh các Thánh tử đạo về chùa Xá Lợi.
Đến ngã tư đường Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám – Nguyễn Đình Chiểu), xe dừng lại để Ngài bước xuống, ung dung tự tại tiến đến bên lề đường, ngồi kiết già giữa hàng nghìn tăng ni, phật tử đang nhanh chóng quay quần lần cuối hướng về Ngài.
Xăng đã tẩm ướt áo và Ngài cầm bật lửa lên tự bật. Chớp mắt, lửa bùng lên phủ kín thân, Ngài vẫn ngồi yên như một bông sen nở bừng bừng trong lửa. Quá xúc động, nhiều tăng ni bật khóc, phật tử nước mắt chảy ròng.
Hơn 10 phút sau, Ngài cúi nhẹ đầu như để vĩnh biệt mọi người, rồi nhẹ nhàng ngã ra sau, tay vẫn kiết ấn tam muội. Liền đó, đoàn phật tử võ sinh do hai võ sư Tâm Giác và Phạm Lợi điều động lập tức ùa tới bảo vệ nhục thân Ngài, đề phòng cảnh sát đem xe bọc thép đang đậu phía Ngã sáu Sài Gòn chạy đến cướp xác.
Một đoàn phật tử khác do Ủy ban Liên phái bố trí sẵn từ bên kia đường mang một lá cờ Phật giáo dài hơn 5m đến trải lên vỉa hè để cung thỉnh nhục thân Ngài về chùa Xá Lợi.
Tiếng niệm Phật, tiếng khóc, tiếng kêu thương vang lên suốt quãng đường. Cảnh sát Diệm – Nhu tung ra dày đặc, vây các đường dẫn đến chùa, nhưng đồng bào khắp nơi vẫn nườm nượp đổ về kính lễ Ngài.
Chứng kiến giây phút bất tử của Ngài, có mặt phóng viên các hãng thông tấn nước ngoài như Macolm Browne của AP, Simon Michaud của AFP, Neil Sheehan của UPI (và cả tướng Mỹ Harkins nữa).
Họ kinh ngạc và xúc động đưa tin để khắp thế giới biết ngay hôm ấy. Riêng Macolm Browne chụp bức ảnh độc nhất vô nhị (đoạt giải Pulitzer) cho thấy Ngài đang ngồi an nhiên trong lửa đỏ và được Trung Quốc in hàng triệu bản gửi khắp các quốc gia Á Phi: “Tôi cũng được biết lúc Henry Cabot Lodge đến gặp Tổng thống Kennedy về việc được bổ nhiệm đại sứ tại Việt Nam, Kennedy đã có một bức hình tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức trên bàn giấy” (M.Browne).
Ký giả Nữu Ước thời báo (New York Times) David Halberstam tường thuật: “Tôi thấy thân hình chìm trong lửa đỏ thật đáng kinh ngạc. Phía sau, tôi nghe tiếng khóc những người đang lần lượt kéo đến. Tôi cũng quá xúc động khóc không nên lời, quá bàng hoàng để ghi chép hoặc hỏi một câu nào đó, quá bối rối không kịp suy nghĩ nữa…
Dẫu chìm trong biển lửa nhưng hòa thượng vẫn ngồi bất động, không nhúc nhích, không một tiếng rên la, toát lên vẻ trầm tĩnh khác hẳn với những người đang đứng xung quanh òa khóc”.
“Tin tức và hình ảnh Bồ tát Quảng Đức ngồi an nhiên trong ngọn lửa tự thiêu đã được lan truyền khắp thế giới (…). Nhiều tổ chức Phật giáo biểu tình phản đối và kêu gọi chính phủ Diệm chấm dứt cuộc đàn áp Phật giáo. Đặc biệt là tiếng nói của ông U Thank, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lúc bấy giờ (1963), cũng đã phản đối việc bắt bớ và tàn sát dã man của chính phủ Diệm đối với tăng ni và phật tử. Và ngay cả Ngoại trưởng của chế độ Diệm là giáo sư Vũ Văn Mẫu đã cạo tóc để hành hương sang Ấn Độ nhằm chiêm bái và kêu gọi nhân dân thế giới phản đối chế độ độc tài Nhu – Diệm. Chẳng những tín đồ Phật giáo, mà các tôn giáo khác và các dân tộc yêu chuộng hòa bình đã đồng loạt ủng hộ phong trào tranh đấu của Phật giáo Việt Nam”. Hòa thượng Thích Trí Quảng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (Phát biểu tại lễ khánh thành Công viên tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức – TP.HCM sáng 18.9.2010) |
|
Sau hơn một tuần quàn tại chùa Xá Lợi, Ủy ban Liên phái tổ chức lễ rước nhục thân Ngài về An dưỡng địa làm lễ Trà tỳ vào 20.6: “Trong lò thiêu nóng đến 4.0000C, xương thịt cháy tiêu hết, duy chỉ có trái tim của Ngài vẫn còn nguyên, được thiêu lần thứ hai vẫn không cháy” như tài liệu lưu trữ của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ghi nhận.
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương viết “Lửa từ bi” (bị mật vụ Diệm Nhu đến nhà bắt), có những câu:
Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc
Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi!
Chỗ Người ngồi: một thiên thu tuyệt tác
Trong vô hình sáng chói nét từ bi
Rồi đây, rồi mai sau, còn chi?
Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre gần mục nát
Với thời gian lê vết máu qua đi
Còn mãi chứ! Còn trái tim Bồ tát
Gội hào quang xuống tận ngục A Tỳ…
Tại chiến khu, ngay hôm sau 12.6, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam long trọng tổ chức lễ truy điệu.
Từ Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng công bố trên đài phát thanh và báo chí hai câu đối kính viếng hòa thượng Thích Quảng Đức: Vị pháp thiêu thân vạn cổ hùng uy thiên nhật nguyệt. Lưu danh bất tử bách niên chính khí địa sơn hà (Vì pháp thiêu thân, muôn thuở hùng uy trời nhật nguyệt – Lưu danh bất tử, trăm năm chính khí đất sơn hà – Phan Duy Nhân dịch).
Ngày 13.6, báo Nhân Dân đăng xã luận tôn vinh gương hy sinh của Ngài. Khắp các thành phố, thị xã và vùng nông thôn miền Bắc, từ Lạng Sơn đến Vĩnh Linh, đều tổ chức mít-tinh ghi nhớ công đức Ngài và lên án chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khẩn đến Ủy ban quốc tế ở Việt Nam yêu cầu xem xét tính chất phi pháp của chế độ Diệm đối với Phật giáo. Cùng lúc, nhiều tờ nổi tiếng trong làng báo thế giới như Washington Post (Mỹ), Le Monde (Pháp), La Gezette de Lausanne hoặc Journal de Genève (Thụy Sĩ), cũng như dư luận và các tổ chức tôn giáo tại các quốc gia có người theo đạo Phật như Ấn Độ, Nhật Bản, Miến Điện (Myanmar), Tích Lan (Sri Lanka), Thái Lan, Nam Hàn (Hàn Quốc), Campuchia, Lào… đều lên tiếng chỉ trích Diệm – Nhu.
Từ Vatican, Đức Giáo hoàng Phao Lồ đệ lục gửi thông điệp đến Việt Nam biểu lộ “sự chú tâm, đau đớn khi theo dõi các biến cố bi thảm đang giày vò người dân Việt, cầu nguyện để tất cả mọi người tái lập tình tương thân huynh đệ và tôn trọng các quyền tự do chân chính”.
Nhưng thông điệp trên bị chính quyền Diệm ngăn cấm, không cho phổ biến và phong trào đấu tranh càng bùng lớn hơn với sáu cuộc tự thiêu nối theo:
1. Đại đức Thích Nguyên Hương (Bình Thuận),
2. Đại đức Thích Thanh Tuệ (Quảng Trị),
3. Ni cô Thích Nữ Diệu Quang (Ninh Hòa),
4. Thượng tọa Thích Thiện Huệ (Thừa Thiên – Huế),
5. Đại đức Thích Quảng Hương (Sài Gòn),
6. Đại đức Thích Thiện Mỹ (Sài Gòn). Nữ sinh Mai Tuyết An chặt đứt tay mình tại chùa Xá Lợi để chống chế độ Diệm và nữ sinh Quách Thị Trang 15 tuổi bị cảnh sát Diệm bắn chết trước chợ Bến Thành.
Làn sóng đấu tranh bất khuất dâng cao cho đến ngày chế độ Diệm bị lật đổ hoàn toàn bởi Hội đồng quân nhân do tướng Dương Văn Minh đứng đầu.
2. Dựng tượng đài kỷ niệm
Từ năm 2004, Thành ủy và UBND TP.HCM đã chỉ đạo xây tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức ở nơi Ngài tự thiêu vào 47 năm trước và đầu năm 2005 chọn xong mặt bằng rộng 1.848m2 góc đường Cách Mạng Tháng Tám -Nguyễn Đình Chiểu để thực hiện.
Năm 2007 kết thúc cuộc thi sáng tác mẫu tượng đài và phù điêu với giải chính thức trao cho hai tác giả: Võ Công Chiến – Võ Công Thắng.
Công trình khởi công từ 6.11.2007, hoàn thành 17.9.2010, tổng đầu tư hơn 23 tỉ đồng. Tượng Bồ tát và phù điêu đúc bằng hợp kim đồng. Tượng cao 6m, đường kính 4m, đúc theo mẫu của các tác giả đoạt giải nêu trên.
Phù điêu cao 3m, dài 12m, mô tả khái quát lịch sử đấu tranh cách mạng của phật tử và các tầng lớp nhân dân. Công viên có sân lễ, hồ sen, thảm cỏ, cùng một số công trình phụ khác xây bằng các vật liệu bền vững như đá xanh, đá trắng chở từ các tỉnh về.
Tại lễ khánh thành hôm 18.9, ông Lê Tôn Thanh – Phó giám đốc Sở Văn hóa thông tin và Du lịch đã nhấn mạnh: “Đây là công trình trọng điểm đặc biệt của thành phố, đưa vào sử dụng nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, phục vụ nhân dân thành phố cũng như đồng bào và phật tử cả nước”.