Chuyện tác quyền của ba tập thơ Thi Vân Yên Tử, Ngoạ Vân Yên Tử, Hoa lư Thi tập tưởng đã yên vị thế mà thời gian gần đây trong làng văn chương bỗng dấy lên câu chuyện đạo văn của GS.Hoàng Quang Thuận. Thực hư câu chuyện đó thế nào có lẽ người hiểu rõ nhất là ông HQT.
Nguyên do của sự việc này chính là người ta không thể công nhận một người như HQT là tác giả của tập thơ Non Thiêng Yên tử. Và người ta cũng không thể chấp nhận hiện tượng nhập đồng lưu thơ của một bậc thánh nhân. Vì giới văn chương không phải ai cũng chấp nhận có cõi giới vô hình và vũ trụ có 10 cảnh giới (Phật, Bồ Tát, Tham văn, trời, atula,người, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục).
Bị đẩy vào tình trạng như hiện nay một phần do GS.HQT đã nhập nhằng giữa người sáng tác thơ và người ghi thơ. HQT tự biết mình không phải là người sáng tác. Do tác giả của những bài thơ là ai không ai biết nên ông đã mặc nhiên coi đó là những tác phẩm của mình. HQT đã PR quá mức với những cuộc hội thảo, in sách làm quà tặng rồi còn dịch ra tiếng Anh để tham dự giải Nobel… để tôn vinh tên tuổi.
Chính điều đó đã dấy lên làn sóng bới lông tìm vết để hạ giá trị những bài thơ trong tập thơ Non Thiêng Yên tử.
Là một Phật tử, từng có những bài viết về thơ HQT, nhân cơ duyên đọc bài viết của tác giả Minh Đức Triều Tâm Ảnh, tôi xin gửi đến tác giả một vài câu hỏi trên tinh thần Phật pháp với hy vọng không vì một hiện tượng gọi là đạo văn hiện nay mà hạ thấp giá trị của tập thơ Non Thiêng Yên tử và Hoa Lư thi tập.
Do đã quy y Tam Bảo nên xin được gọi tác giả Minh Đức Triều Tâm Ảnh là thầy. Thưa thầy, con đã là tác giả một số bài viết về Thơ Hoàng Quang Thuận và đạo sư Duy Tuệ. Qua một loạt các bài viết mới đây trên trang Phattuvietnam.net, con xin được hỏi thầy một số vấn đề con chưa thông suốt theo tinh thần Phật pháp.
Trước khi đi vào câu hỏi con đồng ý với thầy, một người như GSTS Hoàng Quang Thuận – Viện trưởng Viện Công nghệ Viễn thông Việt Nam “ Một GSTS, một viện trưởng, một nhà khoa học; tuy nhiên, cho dẫu một trí thức uyên bác cũng không thể nào với tới thế giới tâm linh trực giác, là lãnh địa ở ngoài mọi kiến thức và trí năng? Có thể nào trí thức bác học hiện nay trên thế giới ai cũng có thể liễu giác, chứng nghiệm thiền, sống thiền trong một vài sát-na tư duy đốn ngộ và có thể làm được thơ thiền cả thảy? Điều này là bất khả. Điều này là “vẽ lông cho rùa”, “chắp sừng cho thỏ” (3)’.
Vì sao như vậy? “Vì thật sự là thơ Thiền thì phải được cảm hứng từ trực giác tâm linh của những Thiền sư đạt ngộ, của những hành giả đã từng miên mật công phu định tuệ (2) trên non cao, động thẳm, trong những tu viện xa vắng, tịch liêu. Các vị ấy đã nhảy qua hố thẳm phạm trù của lý-trí-thức-tri-nhị-nguyên-sai-biệt, đã giải quyết trọn vẹn “tử sinh đại sự”, đã cất tiếng cười lạnh giá cả sao Ngưu, sao Đẩu, đã cởi bỏ tất thảy mọi xiềng xích buộc ràng của bản ngã với những mặt nạ hư dối, đã trang bị cho mình con mắt thứ ba của “tuệ nhãn” nhìn xuyên thủng hư vô bị che chắn dập dờn bởi khói sương mê lầm, vọng huyễn.”
Còn tác giả của những tập thơ Yên Tử này là ai? “Một Phật tử hay đơn thuần chỉ là một người mộ Phật? Hoặc chỉ là một người kính yêu non thiêng Yên Tử? Là một con người bình thường có gia đình vợ con? Một cư sĩ trí thức hay một vị quan đang “đại ẩn” tại triều trung?”
Trên những điều thầy nói cùng với thực tế và hoàn cảnh sáng tác của tập thơ Non thiêng Yên tử chắc chắn rằng, đây là hiện tượng nhập đồng, mượn bút của một chúng sinh nào đó trong cõi giới khác truyền lại thông qua GS.Hoàng Quang Thuận.
Chính GS. Hoàng Quang Thuận cũng công nhận điều đó. Vì không thể nào trong một vài đêm mà có thể sáng tác 143 bà thơ Thi vân Yên Tử, Ngoạ Vân Yên tử. Trong 5 tiếng đồng hồ có thể sáng tác 121 bài thơ Hoa lư Thi Tập. Sau khi sáng tác Hoa lư thi tập, GS.Hoàng Quang Thuận cũng phải đi tìm lại những nơi, những địa danh đã viết trong thơ của mình.
Theo thầy, tiền nhân thuộc cõi giới vô hình này không phải là Phật, là thần, là Trần Nhân Tông, là các vị thiền sư, là các đại bút danh sĩ ? Vì Phật thần thì không có cái tâm xiêng xẹo, cong vênh như thế! Vậy Tiền nhân đó là ai ? (5) đó là: Ngạ quỷ, dạ xoa, atula…
Nếu đúng là các chúng sinh thuộc cảnh giới đó thì làm sao có những bài thơ hay và thoát tục như thế này:
Chùa Đồng tọa lạc đỉnh Yên Sơn
Lô xô sóng núi gió mây vờn
Tiên cảnh Bồng Lai nơi trần thế
Rồng vàng ẩn hiện địa linh sơn. (Chùa Đồng)
Ngọn nước như từ trời đổ xuống
Cây rừng khép tán nép bên khe
Mảnh trời ngọn tháp thiên thu thủy
Đâu biết nơi đây có nắng hè! (Thác Vàng)
Núi đồi trùng điệp tiếng thác reo
ẩn khuất rừng già dốc cheo leo
Đại ngàn cảnh trí thiên kỳ vĩ
Tùng thông rợp bóng giữa lưng đèo. (Xúc cảm non thiêng)
Trên non Yên Tử ngày trời quang:
Bức tranh thủy mặc dưới nắng vàng
Nhấp nhô như sóng triền đồi núi
Xa xa một dải Bạch Đằng giang.
Trời đất kỳ vĩ lòng xốn xang
Gió reo thánh thót những cung đàn
Chùa Đồng Yên Tử trời đất Phật
Ưu phiền trần tục thủy tiêu tan.(Trời quang Yên Tử)
Thầy cho rằng, một cách đúng đắn và khách quan, cả hai tập thơ Thi Vân Yên Tử, Ngoạ Vân Yên tử là “loại thờ tả cảnh, tự sự, cổ tích, sử tích, huyền thoại vào loại bình thường. Tôi nói là bình thường – chớ không dám nói thẳng thừng như nhà phê bình Nguyễn Hòa gọi là “hạng xoàng!” …Đấy là chúng ta khảo sát về cái gọi là thơ thì thơ Quang Thuận chỉ là “văn xuôi có vần!”, chưa phải là thơ thứ thiệt!”.
Với sự quý mến và kính trọng Thơ Phật Hoàng Trần Nhân Tông và tập thơ Non thiêng Yên tử con xin đưa lên một số bài thơ để các bạn đọc thưởng thức:
Trăng
Đầy sách, giường song chếch bóng đèn
Sân thu sương bủa thoáng hơi đêm
Tiếng chày thức dậy đâu hay biết
Hoa mộc trên cành trăng mới lên
Trăng Yên Tử
Trăng treo lơ lửng trên cành tùng
Trăng rắc vàng trên cánh hoa nhung
Sương đêm sực nức mùi hoa đại
Mỗi bước trăng trôi giữa núi rừng…
Lung linh huyền ảo ánh trăng rơi
Tiếng hạc trong đêm tận cõi trời
Hạ giới thần tiên hay đất Phật
Chị Hằng chú Cuội mãi rong chơi?
Mạn hứng ơ sơn phòng
Ai buộc mà đi giải thoát tìm?
Không phàm sao phải kiếm thần tiên
Vượn mòn, ngựa mỏi ta già phải.
Như cũ am mây một sập thiền
Phải trái tâm theo hoa sớm rơi
Lợi danh lòng lạnh mưa đêm rồi
Hoa tàn, mưa tạnh non im ắng
Một tiếng chim kêu xuân hết thôi.
Luận đời
Đời giống mây trôi trên đỉnh núi
Phù vân tán tụ một kiếp người
Vinh hoa phú qúy vòng tục lụy
Bể khổ trần gian kẻ đầy vơi
Tìm đến Yên Sơn tẩy bụi trần
Hào quang tỏa sáng đỉnh Phù Vân
Ngọa Vân Yên Tử theo ngày tháng
Linh Sơn đất Phật mãi trường xuân…
Cảnh chiều ở Châu Lạng
Chùa cổ đìu hiu khuất khói mờ
Thuyền câu chiều quạnh tiếng chuông đưa
Nước quang non lặng vờn âu trắng
Gió lặng mây đùa cây đỏ thưa.
Chùa một mái
Một mái chùa xưa giữa trần ai
Chênh vênh lưng núi nửa trong ngoài
Hoa bưởi trước chùa đơm trắng xóa
Bạch vân triền núi một cành mai
Ngắm cảnh chiều Thiên trường
Thôn trước thôn sau tựa khói nhòa
Nửa không nửa có mé chiều sa
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết,
Cò trắng từng đôi ruộng xuống sà.
Đồng quê
Sông nước bao la cảnh hữu tình
Nắng tràn thung rộng sóng lung linh
Chim bơi cá nhảy trên sông vắng
Đâu biết ngày xưa cảnh chiến chinh
Đàn dê gặm cỏ bên chân núi
Mục đồng thổi sáo dắt trâu về
Lam chiều vương khói trên giàn mướp
Ráng hồng nhuộm thắm cánh đồng quê
Nếu đọc liền một mạch không để ý đến tiêu đề của từng bài thơ, thầy và các bạn đọc có cảm giác như là của cùng một tác giả sáng tác không? Con nghĩ rằng, chỉ có cảm nhận thiên nhiên bằng tâm hồn tĩnh tại, an nhiên mới nghe được những tiếng động nhỏ nhất của thiên nhiên như: tiếng rơi của sương, tiếng hạc kêu trong đêm, tiếng gió thổi …
Thực tế, những bài thơ có sắc mầu nâu in đứng là thơ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, còn những bài thơ bên dưới in nghiêng là thơ trong trong tập thơ Non thiêng Yên Tử, Hoa lư thi tập của Hoàng Quang Thuận.
Nếu thầy nói những bài thơ Non Thiêng Yên Tử không phải thơ thiền thì cũng có nghĩa thơ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông không phải thơ thiền (Hiểu sát nghĩa chữ thiền mà mọi người đang nói ở đây là thơ mang chất thiền thì đúng hơn.)
Theo thầy, những bài thơ trong tập thơ Non Thiêng Yên Tử là của chúng sinh thuộc cảnh giới: quỷ thần, atula, dạ xoa…Vì “cái kiểu “nhập đồng, mượn bút” kia không phải là tinh thần của nhà Phật chánh tông, nó hơi “tà” rồi đấy!” Nếu là những chúng sinh đó, tại sao trong thơ lại có chất thiền của một bậc tu hành giải thoát . Tại sao trong thơ phản phất tâm trạng trở về nơi chốn cũ của một vị vua bỏ ngôi đi tu giống như Phật Hoàng Trần Nhân Tông?
Xiêu xiêu cây đại trắng nở hoa
Đây đúng nơi xưa chùa Yên Hoa
Tần ngần dạo bước vân phong vũ
Cảnh cũ người xưa có đây mà. (Danh sơn Yên Tử)
Yên Tử Thầy ơi! Con tới đây
Mênh mông mây núi bóng Sư thầy
Trăm năm duyên kiếp còn lưu lại
Lối cũ đường xưa ngập cỏ cây. (Vân du Yên Tử)
Đất Phật cõi thiêng đầy bí ẩn
Danh sơn Yên Tử Trúc Thiền lâm
Ta muốn về đây nơi cảnh cũ
Yên Trung thủy mặc nước trong ngần.
Viên gạch Hoa Cúc đời nhà Trần
Phù điêu sư tử sứ hoa vân
Vẫn ba gốc đại ngày xưa ấy
Bao năm xa cách vẫn thấy gần. (Danh sơn Yên Tử)
Nước chảy xuôi dòng cùng năm tháng
Am nhỏ chùa xưa chẳng đổi thay
Dấu tích vua trần về Yên Tử
Một dòng suối tắm giữa trời mây (Ngoạ Vân Yên Tử)
Quạnh quẽ am xưa ánh dương tà
Phong quang thay đổi tiếng quạ xa
Ngọa am chùa báu mờ sương lạnh
Cây ổi trước chùa đã đơm hoa. (Ngoạ Vân Yên Tử)
Tâm trạng của một người vượt lên phàm nhân xuất thế để trở thành thánh nhân cứu độ. Những nỗi niềm, những câu thơ buồn lo trĩu nặng trước việc ra đi như một lời nhắn gửi hậu thế.
Từ bỏ ngôi vua để tu hành
Từ cái nhất thời cái hữu danh
Vĩnh hằng vô hạn, vua tìm đến
Yên Tử trường xuân hoá đất lành
Từ bỏ đài son điện ngọc ngà
Cung tần mỹ nữ chốn kiêu xa
Linh sơn yên Tử vua Trần đến
Kinh đô thành cũ mỗi bước xa.
Non xanh cắt tóc dứt trần duyên
Vua đến nơi đây để nhập thiền
Không phải trốn đời và yếm thế
Cứu đời nhập thế với Phật Tiên
Lòng vua trĩu nặng nỗi lo buồn
Cung nữ theo vua về sơn môn
Mênh mang u tịch rừng hoa vắng
Thung sâu vượn hú chẳng xóm thôn.
Có lẽ không chỉ mình con mà còn rất nhiều người yêu thơ đều yêu thích và kính trọng tập thơ Non thiêng Yên tử và Hoa Lư Thi tập. Bài viết của thầy là một cú sốc lớn cho nhiều người, nhất là khi một vị tăng đưa ra những phản biện coi những bài thơ trong Non thiêng Yên Tử là những “Tiểu bút, xuống cấp, thơ tầm thường…”
Theo con, phàm phu thế gian như chúng con chưa thể hiểu hết nghĩa thế nào là thơ thiền. Bởi có bao nhiêu người hành thiền và ấn chứng thiền. Người ta gọi tập thơ Non thơ Yên Tử là thơ thiền (mang chất thiền) chẳng qua là thấy sự thanh cao và thoát tục của nó. Người phàm chẳng bám chấp vào câu chữ thì một vị tu hành giải thoát bám chấp vào nó làm chi.
Thêm nữa, dù tập thơ Non Thiêng Yên Tử không phải của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, của một vị thiền sư có tên tuổi nào đó thì nó cũng không thể là những bài thơ của các chúng sinh ở cảnh giới atula, quỷ thần … Bởi một khi tham, sân, si còn thì không thể sáng tác được những vần thơ siêu thoát đến như vậy.
Với thầy, có thể những vần thơ đó là xuống cấp, tầm thường, nhưng những kẻ phàm phu như chúng con đó là những câu thơ của bậc thánh. Vì dù có hạ thủ công phu hành thiền đến bao nhiều con cũng không thể sáng tác ra được những áng thơ hay và thoát tục như thế.
Nếu các Phật tử vì yêu mến quý trọng thơ mà gán cho nó là của Phật Hoàng nhập hồn lưu bút thì âu cũng là sự kính trọng vị Bồ Tát tái thế. Chẳng ai đem những bài thơ hạng xoàng, tiểu bút…gán cho Vị vua nổi tiếng thơ thời trần.
Những câu hỏi trên đây không phải chỉ riêng mình con mà chắc có không ít những phật từ, những người yêu thơ cũng đang muốn tìm lời giải đáp. Kính mong thầy hoan hỷ trả lời.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mầu Ni Phật ! Nam Mô Phật Hoàng Trần Nhân Tông !