Trang chủ Đời sống Ai chiến thắng?

Ai chiến thắng?

Chuyện ngôn từ chỉ là đùa vui, nhưng xem ra cũng có chút cơ sở về cái “đạo” này: “tín đồ” theo một cách trung thành, vô điều kiện (ăn bóng đá, ngủ bóng đá), gán cho sân vận động tiếng tăm là “thánh địa”, phong “phù thủy” cho huấn luyện viên tài ba đem lại thành tích rực rỡ cho đội bóng vốn trước kia không có gì nổi bật.

… Từ khi truyền hình được phủ sóng nhờ vệ tinh, thiên hạ hả hê được xem bóng đá trên TV, với những trận cầu hấp dẫn nhất thế giới: World Cup, Euro Cup, Champions League, Giải Ngoại hạng Anh, Tây Ban Nha, Italy… Rõ ràng phương tiện truyền thông hiện đại ngày nay đã đem lại hạnh phúc ngất ngây cho triệu triệu người trên hành tinh, từ thành thị đến nông thôn, từ trí thức đến bình dân, bất kể giàu nghèo, màu da, sắc tộc; ngoài ra, dân mình còn say sưa với những trận đấu có đội tuyển Việt Nam ra sân, chăm chăm nhìn vào màn hình, la hét, vỗ tay tán thưởng, hân hoan, ngậm ngùi. Nhờ truyền hình mà đối tượng người xem được mở rộng cho những ai chẳng bao giờ đụng tới trái bóng, chẳng bao giờ được hân hạnh ngồi trên khán đài sân vận động, và đặc biệt, cho phái nữ.

Bóng đá đã đem lại hạnh phúc cho mọi nhà như thế, mà bất hạnh thay, người ta đã vùi giập bóng đá đến mức độ tàn tệ. Tôi muốn nói nạn côn đồ (hooligan) trên sân cỏ, và bên ngoài sân cỏ, trước, trong và sau khi trận cầu diễn ra. Nạn này đã xảy ra trên thế giới, với mức độ trầm trọng, như thảm họa Hillsborough (Anh), ngày 15.4.1989, trong trận bán kết FA Cup giữa Liverpool và Nottingham Forest, làm 96 người chết; hay vụ cầu thủ Andres Escobar, người Colombia, bị cổ động viên bắn chết một ngày sau trận đấu World Cup 1994 (ngày 2.7.1994) giữa Colombia và Mỹ, trong đó Escobar đá phản lưới nhà để đội tuyển Colombia bị loại khỏi vòng 1.

Ở nước ta, những hành vi phản cảm xảy ra rất thông thường đối với những trận cầu ở V-League và hạng Nhất. Quan sát kỹ trên khán đài, những hiện tượng không đẹp thường do một số ít khán giả máu nóng, cay cú hơn thua, trong đó có vài người tính khí nóng nảy, ưa chơi trội, vung tay múa chân; nhưng tiếc thay, mấy biểu hiện này lại được số đông xúi bẩy, xem đây như là trò cười. Ngoài ra, nguyên do cũng là vì CĐV hai đội thiếu tinh thần thể thao, sẵn sàng đụng độ nhau vì nguyên cớ nhỏ nhặt như châm chọc, khích bác nhau. Tình trạng đạo đức trên sân cỏ góp phần làm cho không khí bóng đá thiếu lành mạnh: cầu thủ chơi xấu, giả bộ nằm sân, câu giờ…

Nhưng gốc của vấn đề là “người ta” sẵn sàng “thắng” với bất cứ giá nào. “Người ta” ở đây có thể là lãnh đạo đội bóng, có thể là cơ quan chủ quản, là trên cơ quan chủ quản. Thắng là có tiền, thua là rũ sạch. Làm sao thắng cho được, còn cách thắng thì không mấy quan trọng. Vì vậy mới nuông chiều cầu thủ, thả lỏng kỷ cương, làm cho bệnh “sao” phát triển, để CĐV hành động tự phát theo bản năng.

Vấn đề sâu xa không nằm ngoài trình độ văn hóa của xã hội, đạo đức của công dân, văn minh đô thị. Khi xã hội tràn đầy hiện tượng tiêu cực: xe cộ mạnh ai nấy đi, kém tuân thủ Luật Giao thông; đi vào nơi công cộng chen lấn nhau, chẳng có văn hóa xếp hàng; quen vứt rác bừa bãi; Festival hoa mới khai mạc thì sau đó tả tơi; bao nhiêu di tích, tác phẩm nghệ thuật ngoài trời thì viết vẽ bậy… thì làm sao những con người của xã hội đó vào sân bóng chỉ thoắt một cái trở thành văn minh, lịch sự?

Trước thực trạng đó, pháp luật phải góp phần hiệu quả xây dựng kỷ cương. Tuy nhiên, pháp luật chỉ là giải quyết phần ngọn, cái gốc phải là nâng cao đạo đức công dân, xây dựng nếp sống văn minh. Tất nhiên, khi mọi người trong xã hội có đời sống vật chất và trình độ giáo dục cao hơn, thì mọi mặt đạo đức cũng được nâng cao; nhưng cả hai mặt văn hóa và kinh tế tác động qua lại, và xây dựng văn hóa, trong đó có đạo đức công dân, là việc lâu dài nhưng khẩn thiết. Cần phải xây dựng và nâng cao đạo đức công dân từ trong các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp ra đến dân thường, từ cấp cao xuống cấp thấp, từ người lớn đến thanh thiếu niên, từ nhà trường ra xã hội.

Mọi người đều có quan hệ tình cảm trong gia đình và ngoài xã hội từ gần đến xa, lại cũng có phe phái, cơ quan, đoàn thể, địa phương, đất nước. Trong bóng đá, làm sao tôi không đặt nặng đội bóng địa phương mình hơn địa phương khác? Vậy thì sự ủng hộ có tính địa phương là điều thường tình. Thể thao – đặc biệt là bóng đá – dựa vào điều đó để sống còn. Khi đội nhà lên chân, đá hay, thắng lợi (như đội tuyển Việt Nam tranh AFF Cup 2008) thì sướng lắm chứ; ngược lại đội nhà đá trầy trật thì cũng rầu.

Nhưng, mọi sự trên đời đều là vô thường, huống hồ gì kết quả một trận đấu; vướng bận làm gì cho mệt. Mọi tình cảm bộc phát hời hợt dựa trên đám đông, thường đưa lại những hậu quả tai hại, khó kiểm soát; thay vì để tâm mình cuốn theo những thứ tình cảm như vậy, ta nén lại một chút thời gian cho tình cảm đó trôi đi, ta sẽ thấy, à, chuyện bình thường!

Giữ ở mức độ vừa phải cái ta, cái của ta, đội bóng của ta, thì ta thấy vui với thành công của đội bóng, không quá thất vọng khi đội bóng xuống hạng, thông cảm khi với những con người như thế, năng lực và tiền của như thế thì thành tích như thế. Hơn nữa, khi ta gạt bớt cái ta, ta xem trận đấu hào hiệp hơn, công bằng hơn, để vẫn tán thưởng cái pha bóng hay, làm bàn đẹp của cả hai bên.

Xin mọi người hãy nuôi dưỡng bóng đá bằng tình yêu chân chính. Ta là CĐV, hơn thế nữa, là fan của đội bóng nào đó, ta cầu mong đội bóng của ta thắng; nhưng ta cũng hòa làm một với không biết bao nhiêu người trên thế giới ưa thích bóng đá, để cho kẻ chiến thắng trên hết là nghệ thuật bóng đá. Bóng đá làm cho con người gần lại với nhau, dẹp qua phân biệt chính trị, tôn giáo, sắc tộc. Bóng đá dẹp qua chiến tuyến, như thể hiện trận cầu giữa hai đội tuyển Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên tại Seoul ngày 1.4, trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2010 khu vực châu Á.

Mọi diễn tiến trên sân cỏ rồi sẽ qua đi, thắng thua rồi cũng sẽ trôi về quá khứ, duy chỉ có cái đẹp chiến thắng và ngự trị trong lòng mọi người.