Trang chủ Văn hóa Từ Đàm

Từ Đàm

108

Khang trang hẳn, nhưng chùa vẫn phải xây thêm lần nữa, mở rộng ra, cùng với phong trào chấn hưng Phật giáo năm 1935. Bởi vậy chùa không cổ, kiến trúc 1935 không phải là kiến trúc cổ, nhưng hợp với nhu cầu của một chùa hội trong thời thế mới, một ngôi chùa để làm trụ sở cho Hội Phật giáo của cả xứ Trung kỳ trong vận hội chấn hưng Phật giáo Bắc – Trung – Nam. Từ đó đến nay, chức năng của chùa Từ Đàm vẫn thế, vẫn là chùa hội, vẫn là nơi hội họp của đông đảo quần chúng, nhưng không gian kiến trúc của thuở chấn hưng đã trở thành chật chội với lượng Phật tử ngày càng đông của thời phát triển. Nhân dịp tu sửa vì dột nát, năm nay chùa mở rộng tầm vóc thêm lần nữa, nhưng vẫn giữ duyên xưa trong khung cảnh cũ.

 

Từ Đàm là mây lành. Đức Phật như mây lành, đem bóng mát đến cho thế gian. Trên bước đường Nam tiến của dân tộc, hãy tưởng tượng đến những người đầu tiên chọn đất xây dựng chùa. Trước mắt là đất mới, trên đầu là trời xanh. Có lẽ người đặt tên chùa đã tưởng tượng như vậy. Trên bầu trời xanh của nắng mới phương Nam, có đám mây lành tỏa bóng im xuống mặt đất. Đây rồi, nơi bóng im này, tiếng lành của Đức Phật sẽ âm vang trên đất mới. Từ Đàm là nghe được tiếng lành của mây, mây chọn đất cho người dựng chùa. Hãy tưởng tượng nỗi vui của người vừa chọn được đất: người đó chắp tay nhìn chỗ bóng mây in dấu khi nãy, thầm cám ơn, bỗng thấy bóng của hai bàn tay mình chắp lại như hai tháp chuông của một ngôi chùa sẽ dựng. Từ Đàm mai đây sẽ có hai tháp chuông như thế. Ai nghe tiếng chuông Từ Đàm sẽ thấy trong tiếng chuông có mây, mây bay theo tiếng chuông, ngân nga trong không trung tiếng lành từ thuở dựng chùa.

 

Trong đời sống bình dị như thế của Từ Đàm, bống nhiên lịch sử chọn nơi này làm khởi điểm cho một phong trào quật khởi, chống kỳ thị tôn giáo. 1963! Lịch sử thế giới bùng lên ngọn đuốc Việt Nam, và Từ Đàm là đốm lửa xuất phát. 1963 để lại cho Phật tử một bài học lớn: khi uất ức của Phật giáo cũng là uất ức của quần chúng, khi tiếng nói của Phật giáo vang lên tiếng nói từ mọi trái tim, khi đó Phật giáo mới thật là xứng đáng với lịch sử. Ba trăm năm trước, mây Từ Đàm để lại bóng im; ba trăm năm sau, trăng tròn Phật đản hiện ra trên mái chùa. Trăng nói gì? Hãy hành động, hãy dũng cảm, nhưng đừng quên dũng cảm là một với từ bi, cho nên bất bạo động là thái độ duy nhất đúng. Bởi vậy, hãy đọc lại những biểu ngữ trương ra trên sân chùa năm ấy, hãy nghe lại lời hiệu triệu rắn rỏi của người chỉ huy: trong quắc thước của quyết tâm, lời nói vẫn là lời nói lành, vì phương châm vẫn là bất bạo động. Cho nên “lửa từ bi” đã đi vào văn thơ Việt Nam, đã làm thế giới bàng hoàng sực tỉnh. Suốt mùa tranh đấu, Từ Đàm nằm trong dây kẽm gai, nhưng tuyệt thực trong chùa vẫn làm xôn xao bát cơm của người dân trong thành phố. Trong tiếng chuông Từ Đàm hôm nay, có mây bay qua, có trăng hiện ra, cả mây và trăng đều nói lên lời lành, trong bình thường của cuộc sống cũng như trong bất thường của biến động. Nơi đây vẫn lưu dấu hai vầng nhật nguyệt của sử sách Từ Đàm: Hòa thượng Thiện Siêu và Hòa thượng Trí Quang.

 

Chùa không phải là cổ tự, kiến trúc không phải là nét độc đáo của Từ Đàm so với các ngôi của lớn khác ở Huế. Đặc điểm của Từ Đàm, lạ thay, chính là cái sân chùa và cây bồ đề giữa sân. Sân chùa là nơi hàng ngàn quần chúng đã tụ họp trong ngày Phật đảm 1963 để bắt đầu viết lên một trang sử lớn. Cây bồ đề cổ thụ, to bằng cả bốn, năm vòng tay, tỏa bóng mát xuống sân, vững hơn cột đồng Mã Viện, tượng trưng cho sức sống Phật giáo giữa lòng dân tộc. Hai biểu tượng đó của chùa Từ Đàm phải giữ, để kỷ niệm 1963 không phai với thời gian. Cùng với hai biểu tượng đó, một phòng lưu niệm phải được thiết kế trong kiến trúc mới, có chức năng như một viện bảo tàng, để gìn giữ và trưng bày tất cả những kỷ vật, dù lớn dù nhỏ, dù chỉ là một bài báo, một tranh ảnh, một băng ghi âm, một bài nhạc, một trái lựu đạn, một băng tang, tất cả những gì có liên quan đến một thời đứng dậy. Từ Đàm là như vậy, là tinh thần 1963 phải giữ, không phải chỉ là tường vách ngày xưa.

 

Từ Đàm là như vậy. Du khách đến viếng Từ Đàm sẽ thấy Huế của 1963, nhỏ nhắn, hiền lành, nhưng khi quật khởi thì cả cái đèo Hải Vân cũng chỉ là chiếc cầu rửa chân cho một cô công chúa. Ai nghe trong tiếng chuông Từ Đàm sẽ thấy mây bay ba trăm năm trước, trăng tròn Phật đản ba trăm năm sau, và tiếng gió đong đưa trong lá cây bồ đề trước sân, như gieo tiếng an vui vào lòng mọi người. Từ Đàm thay đổi để Từ Đàm còn mãi.

Ông là Phật tử trí thức, sinh tại Huế, học đại học Luật Sài Gòn (1955-1960), dạy đại học Huế (1962-1964), xuất bản tờ báo Lập Trường (1964) trước khi qua Pháp du học. Đầu năm 1969, ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Paris và sau đó là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Cộng đồng châu Âu tại Đại học Picardie Hiện nay ông là giáo sư giảng dạy tại Đại học Picardie, Pháp. Cũng như một số trí thức Việt kiều khác, ông cũng thường xuyên về Việt Nam tham dự các cuộc hội thảo về các lĩnh vực chính trị, xã hội Ông đã in rất nhiều tác phẩm bằng tiếng Pháp về khoa học chính trị và quan hệ quốc tế. Với tiếng Việt, ông cũng đã in và viết rất nhiều bài báo tại Việt Nam