Tại sao chị có thể cáng đáng nổi một lúc hàng chục đứa trẻ như thế? Động lực gì khiến một cô gái câm và thiểu năng trí tuệ có thể “làm mẹ” hàng chục em nhỏ? Đó là những câu hỏi mà chưa bao giờ nguôi ngoai cho đến tận hôm nay. Và điều kỳ diệu nhất là sau 9 nhiều năm sống ở chùa, bây giờ chị đã biết nói trở lại…
Chín năm nuôi con mọn
Chị vốn là đứa con cầu tự, cha mẹ cầu khấn nhiều nơi mới sinh hạ được. Tống Thị Phương được cha mẹ yêu chiều hết mực như bao đứa trẻ khác. Thật bất hạnh khi chị lớn lên không bình thường như chúng bạn.
Chị không thể nói, khi lên 7 tuổi chỉ biết cười và ú ớ vài câu. Chẳng cách nào chữa trị, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, đứa con cầu tự mà ông Hai Sỏ (bố chị Phương) yêu chiều được đem nương nhờ cửa Phật những mong ngày khôn lớn.
Thấy hoàn cảnh gia đình chị đặc biệt, sư cụ Thích Đàm Khoa – trụ trì chùa Trăm Gian nhận nuôi nấng và dạy dỗ. Ngày đầu ở chùa, chị chẳng nói chẳng rằng, chỉ cười và cặm cụi quét chùa. Cô Vũ Thị Nhiên, một người dân sống gần chùa nhớ lại: “Cô Phương lúc đó chẳng biết gì đâu, thỉnh thoảng còn cười khach khách, lắm lúc mọi người cũng ghê ghê…”.
Cuộc đời chị Phương dường như sang một trang mới từ khi sư thầy Khoa nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi. Năm 2001, sư thầy nhận em nhỏ đầu tiên, đó là em Nguyễn Thị Hà. Ban đầu, sư thầy Khoa cho chị Phương trông nom cháu như chị trông em, phụ giúp sư thầy lúc đi vắng hay những lúc các chú tiểu bận rộn.
Biết được sư thầy có tấm lòng từ bi, hầu như năm nào cũng có người đem con để cổng chùa, mong thầy độ lượng cưu mang. Hiện nay, sau 9 năm thầy đón bé Hà, cả thảy có 14 cháu bé được thầy cưu mang.
Sau chín năm “làm mẹ”, chín năm nuôi con mọn dần dần chị đã biết nói, tâm thần ổn định như một người bình thường. |
Chùa Trăm Gian là ngôi chùa có quần thể kiến trúc và phong cảnh đẹp nên những ngày đầu xuân thu hút được khá nhiều du khách đến dâng hương và thắng cảnh. Trái với cái thư thái ung dung của những kẻ đi chùa, chị Phương bận như con thoi: Hết cho Như Ngọc ăn, rồi Bảo Ngọc, rồi Trung Thành… ,tí lại quát các cháu không chạy lung tung: “ …kìa sư cụ về kìa! Sư cụ mắng kìa”… Chị lần lượt đút từng thìa cháo cho bọn trẻ rồi lần lượt tắm, thay bỉm cho từng đứa.
Hiện nay không kể những cháu đã lớn đi mẫu giáo ngủ riêng, chị Phương ngày ngày vẫn ngủ cùng 5 cháu, hàng đêm phải dậy hai lần cho các cháu bú bình. Đã 9 năm nay, ngày nào công việc của chị cũng vậy, 9 năm chị "nuôi con mọn" mà không kêu, ca oán thán một lời.
Có lẽ, chị đã tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc khi chăm sóc "con nhỏ". Cô Nhiên, cán bộ dân số thôn vui vẻ kể: “Cô Phương đúng là hiếm có, mình chăm có 1 đứa đã thấy vất vả mà Phương một nách mấy đứa…".
Các cháu lần lượt khôn lớn và dần tự lo được cho bản thân, chị lại giục sư thầy xin thêm bé khác… Biết chuyện, mọi người chỉ thương chị sẽ không cáng đáng nổi công việc, và hay đùa: "Mai thầy chùa nhận thêm bé thì sao?”, chị nhẹ nhàng trả lời: “Cháu quen rồi, không có buồn chết đi được”.
Kết cục có hậu
Hình ảnh chị Phương bây giờ không còn là cô bé câm, ngờ ngệch năm nào. Sau chín năm “làm mẹ”, chín năm "nuôi con mọn", như có một phép lạ, dần dần chị đã biết nói, tâm thần ổn định như một người bình thường.
Đây là một điều kỳ diệu giữa chốn nhân gian. Theo như thầy Khoa nói: “Đó là do chùa có nhiều người thăm viếng, nhiều thành phần xã hội chị được tiếp xúc nên ngày càng khôn ra…”. Cô M., người bán nước ở cổng chùa còn nói: “Cô Phương tập nói cùng bọn trẻ con nên dần dần biết nói đấy, đúng là giời có mắt”.
Quả là tình thương, tình người đã kéo được một linh hồn từ thế giới mơ hồ sang thế giới thực, thế giới của niềm vui và nước mắt.
Sau ngần ấy năm gặp lại, chị đã khác trước quá nhiều. Sự vất vả in hằn trên khuôn mặt lăn tăn những vết chân chim, nhưng tràn trề sự sống và hạnh phúc.
Chẳng biết vô tình, vô tâm hay vì một lý do tế nhị gì đó, tất cả những đứa trẻ do chính chị Phương ngày đêm nuôi dưỡng không gọi chị là mẹ. Vô tình, tôi hỏi chị: “Chị có muốn chúng gọi chị là mẹ không?”. Chị không nói, và tiếp tục xúc từng thìa cháo cho bé Trung Thành…
Chị im lặng, nhưng tôi cảm nhận được chị buồn, rất buồn. Lúc đó, đôi mắt chị như rực lên một niềm khát khao. Khát khao được làm mẹ. Những người sinh ra những đứa trẻ kia và vứt bỏ chúng nơi cổng chùa mới là cha mẹ đích thực của chúng? Một người mẹ ngày đêm chăm lo cho từng giấc ngủ, miếng ăn thì không?
Lần thứ hai tôi trở về chùa, những tưởng tìm được ra câu hỏi cho 9 năm về trước, nhưng câu hỏi lần này còn day dứt, khắc khoải hơn rất nhiều.