Thôi cứ cho là mơ đi – bên chén trà nhỏ một sáng cuối hè, hương bỗng nhạt trên đầu lưỡi sau chuyến du hành gắt nắng còn the vị mặn của biển và vị đắng của cơn gió Lào khét lửa – vườn đẫm màu xanh như mê trong hơi nồng của trái chín rụng đầy sân. Hoa đã lần lượt tàn dần từ hơn nửa nguyệt, trừ nụ hồng còn ngoái lại thương nắng sớm bên hiên và khóm hoa me núp trong cỏ chờ sương chiều giăng màn đất. Những chú ong say mật mận mơ chuếch choáng ca trù trong gió. Gió cũng bàng hoàng (như AliBaba)… tưởng thật.
Ấy thế mà có thật! Bởi vì nó đem vui!
Suốt ngày tất bật, nghĩ đến nó vài khi chợt mừng, nỗi mừng của một đứa trẻ đang thơ thẩn trong căn nhà trống, chẳng biết làm gì, thọc tay vào túi áo tình cờ tìm ra một món đồ chơi hay một viên xu nhỏ, và cả thế giới bỗng đầy tràn những cuộc chơi đùa với trí tưởng tượng trẻ thơ. Những mảnh lá tiền gợi nhớ thời thơ ấu trong vườn quê nội – thời chưa có kỹ nghệ sản xuất đồ chơi trẻ con xa hoa như ngày nay – cả bọn trẻ đi lượm lá mít giả làm tiền chơi buôn bán hay thủ tha thủ thỉ từng tờ lịch cũ “dồn tiền” dùng để bán chác những món thủ công nhỏ nhỏ tỉ mỉ làm tới khuya, đến giờ ra chơi hí hửng đem bày dưới mái hiên trường Đồng Khánh những năm xưa.
Nó thật nơi mỗi sáng, mỗi chiều ra vườn, lòng đang rỗng không, mở cổng tre: “sesam, mở ra đi!”, thế là loá mắt! Tiền phơi phới trong nắng sớm, giàu ghê cái caisse bạc kếch sù kia, ta chào ngươi, ngươi làm ta thành triệu phú mất rồi! Ôm không hết! Hả hê chưa! No nê chưa!
Nhưng xin chớ vội! “có” đâu mà “có” chỉ là “không” thôi! hình như cả khóm cây đang cười thành tiếng đấy, cười người ham giàu ham có! “Tập tầm vông” đấy thôi! Hai tay vừa có hai tay vừa không… Có gì đâu nào? Đám hoa đồng tiền lủng lẳng chỉ cần vài trận gió là “tiền” tan xác pháo… là tay trắng hoàn trắng tay…
Thì thôi là “không”, nhưng thật lạ lùng, biết là “không chi cả” mà sao trong lòng không nghe vô vọng lại thấy bình an, thích thú như vừa được hưởng một điều chi gần như là trác tuyệt, một điều chi không “mất” theo với gió mưa, một điều chi đầy linh cảm như nỗi thán phục thiên nhiên. Biết rằng ngoài kia hoa vừa đi thì trái đến, để hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật của trời đất mà không dành riêng cho ai… Vẻ đẹp ấy chất chứa những điều làm rung động trí tưởng, lay bật những sáng tạo thành lời, thành chuyện. Có một chút bí nhiệm mà thiên nhiên gửi gắm nơi loài hoa ấy bắt phải đi tìm, bắt quay về, bắt chia sẻ…
Và cứ thế, với hoa với trái, lắm khi khu vườn vang vọng những câu chuyện đưa chân trở về một thời say mê cổ tích, nghe có tiếng chân sáo nhảy hối hả cắp sách đến trường, tìm đứa bạn nhỏ để kể chuyện cổ tích hôm qua vừa được nghe bà kể, hết chuyện thì đặt chuyện thêm theo với đôi cánh thiên thần tưởng tượng.
Và phải chi nếu Tú không kêu tôi bằng chị thì tôi đã kéo Tú vào ngồi trong kẹt cửa lớp tiểu học thời nào, như đã ngồi với cô bạn nhỏ,… mà kể chuyện cho nhau nghe… chuyện bà tiên trên trời đi lạc đến căn vườn cỏ mọc hoang, cái áo tím của bà phết gót, lướt thướt trên cỏ xanh… Khi trở về trời bà tiên bèn lấy những mảnh bạc đính trên áo để lại trên cành cây, cám ơn khu vườn đã cho bà làm nơi nghỉ chân, y như người ăn trái dưa đỏ cám ơn người trồng dưa, để tiền lại gốc cây… Bà tiên là một người tài hoa nên những mảnh bạc đã được bà cẩn thận gói trong hai mảnh lụa… chừ mình phải dở nó ra mới thấy là bạc… đẹp vô ngần… trong sạch không tanh hôi và câu chuyện sẽ không bao giờ dứt và nó thật như chưa bao giờ thật như thế…
Cái “tủ két” bạc ấy, phù du hương sắc mà dằng dặc tình quê, lộng lẫy bạc vàng mà rỗng không sáo trúc, một thi phẩm, một hoạ phẩm sáng tạo, một đụn bạc tình cờ, nó như một trò chơi con trẻ, đồng thời là kho tàng của muôn chuyện xưa… nay, nó vừa dấy lên trong lòng ai ham muốn “sắc, có” thì chính nó đã dẹp bỏ ngay lòng tham ấy, không bằng ngón tay răn đe hay lý lẽ hơn thua mà bằng sự yên lặng nhắn nhủ, ngậm thinh trong ánh nắng, mỏng manh hoa cỏ trong gió vô thường, nó là… nó mà không… là…
Nghe có tiếng ai hắng giọng làm giựt mình, mới biết chén trà đã nguội theo với bóng chim bay…
Muenchen – Trung thu
Quà Trung Thu cho Mai Lan – Phương Tú và các bạn trẻ