Trang chủ Thời đại Xã hội Tinh thần tích cực của Phật giáo

Tinh thần tích cực của Phật giáo

80

Người đời, thông thường đối với Phật giáo có cảm tưởng cho là tiêu cực, cho là yếm thế, vì họ thấy Tăng chúng thì sống xa xã hội, không màng sự sinh sản, Cư sĩ thì không chịu chen vai thích cánh trong trường huyên náo để cạnh tranh; nhưng thực ra đó chỉ là một sự phán đoán hoàn toàn sai lầm.

Phật giáo vốn là Tôn giáo thuần lý trí, cho nên trí óc của Phật giáo đồ rất bình tĩnh thanh thản. Vì nếu muốn giải quyết vấn đề vũ trụ, nhân sinh một cách triệt để thì không thể không chọn một nơi tịch mịch để dụng công, không thể không xa cảnh sinh hoạt nhộn nhịp, nhưng trên thực tế Phật giáo đồ lại chiếm một địa vị trọng yếu trong cảnh sinh hoạt.

Họ họat động không phải như các nhà chính trị, giáo dục dấn thân vào trường huyên náo để tranh danh, đọat lợi mong vinh thân phì gia, mà là họat động vì lợi ích của cả chúng sinh. Họ ít tâm tham dục, họ không muốn cái gì cũng vơ về mình, không cần hư danh, nên bề ngoài có vẻ như tiêu cực, nhưng thực thì họ chỉ tuyệt đối tiêu cực đối với những việc ác, còn trái lại với những việc thiện thì họ lại tích cực hơn ai hết.

Cái mà người đời gọi tích cực là sự cố gằng, dũng cảm, tiến bộ mà không biết đủ, mà nguyên động lực thúc dục con người ta phải tích cực, không ngoài vấn đề danh lợi. Vì danh lợi đêm khuya gà gáy đã phải dậy, không thể bảo là không cố gắng; vì danh lợi mà phải phấn đấu với hòan cảnh không thể bảo là không dũng cảm; vì danh lợi mà phải sợ lạc hậu, không thể bảo là không tiến bộ; vì danh lợi mà được voi đòi tiên, không bao giờ biết đủ.

Phật giáo đồ không có cái nguyên động lực ấy, cho nên đối với những việc kể trên đương nhiên là chỉ tỏ thái độ tiêu cực: Lười biếng, nhút nhát, lạc hậu và biết đủ, v.v… Song Phật giáo đồ cũng có nguyên động lực riêng của họ: Họ muốn tìm đến chỗ tuyệt đối bình đẳng, tuyệt đối tự do cho hết thẩy chúng sinh; muốn cho chúng sinh lìa khổ, được vui; có đầy đủ trí tuệ; muốn cho chúng sinh hoàn toàn được giác ngộ, nên dù có phải bỏ thân mệnh trong ba ngàn đại thiên thế giới cũng không lấy làm tiếc, muôn đời, nghìn kiếp, quyết không thoái chuyển, nếu còn một chúng sinh nào chưa thành Phật thì thề không thành Phật trước.

Cái tinh thần đó mới thật là tinh thần chân chính cố gắng, dũng cảm, tiến bộ và không biết đủ; mới thật là tinh thần tích cực chân chính vậy.

ĐI TÌM TỰ DO

Tinh thần tích cực tiến thủ của Phật giáo có thể nói tóm tắt trong một câu: Đi tìm tự do. Người đời tìm tự do chẳng qua không ngoài vấn đề tự do sinh họat, tự do cư ngụ, tự do buôn bán, tự do hội họp, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do xuất bản, tự do tín ngưỡng và tự do tư tưởng, sau, Tổng thống Lincoln lại thêm một mục nữa là không được tự do nhịn đói; thì phạm vi của sự tự do lại mở rộng thêm. Nhưng đứng trên lập trường Phật giáo mà xét thì phạm vi của sự tự do ấy còn quá hẹp và tiêu chuẩn thì quá thấp và không có dũng khí. Tôi xin thuật lại một câu chuyện cổ tích để làm thí dụ:

Xưa có một anh chàng nuôi mộng làm vua, mọi người hỏi anh ta: “Khi anh được làm vua rồi thì anh thụ hưởng như thế nào?” Chàng ta đáp: “Khi tôi làm vua rồi chỉ cầu ngày ngày có một chiếc bánh nhân mỡ thật to ăn cho khóai miệng”.

Thật đáng thương! Người đời, đại đa số, đều có cái ước muốn như anh chàng mộng làm vua trong câu chuyện kể trên! Nhưng người Phật tử có rất nhiều cao vọng và vô cùng táo bạo, họ muốn mở tung phạm vi và tiêu chuẩn của sự tự do mà họ tầm cầu. Họ bảo tìm tự do phải khởi đầu ngay từ thân mình, nghĩa là từ cái công dụng của sáu khí quan: Mắt, tai, lưỡi, mũi, thân và ý. Họ muốn rằng công dụng của sáu khí quan ấy phải được phát huy một cách tuyệt đối tự do không bị một thứ gì ràng buộc hay ngăn cản. Trước hết là từ con mắt. Họ hỏi tại sao con mắt chỉ có thấy được một đoạn quang đới (đai ánh sáng) ngắn trong dòng diện từ (từ khí do điện sinh ra), mà không thấy được cái quang ba (sóng sáng) ở ngoài thì sắc tía mà bên trong thì màu hồng, và nhiệt ba của làn sóng vô tuyến điện. Tại sao chỉ thấy được cái bóng trong màng mắt mà không trực tiếp  thấy được cái quang ba? Tại sao không thể thấy được núi sông, người, vật trên các tinh cầu? Tại sao không thể thấy được hạch điện tử, vũ trụ tuyến và từ lực tuyến? Tại sao không thấy được các việc quá khứ và tương lai? Tại sao không thấy được cái mà hết thẩy chúng sinh thấy?

Tại sao không lìa hẳn những đối tượng mà vẫn thấy? Người Phật tử muốn tiêu trừ tất cả các thứ ngăn ngại đó để cho sự thấy được tuyệt đối tự do. Họ lại hỏi: Tại sao tai không thể  nghe được thanh ba (làn sóng tiếng) từ hai mươi thứớc trở xuống và hai vạn thước trở lên? Tại sao không nghe được lời nói và giọng tiếng của hết thẩy chúng sinh trên toàn thế giới và khắp vũ trụ? Tại sao không nghe được tiếng chấn động của phần tử? Tại sao không nghe được tiếng nói của người cách đây mấy nghìn năm? Tại sao không thể tách rời thanh ba mà vẫn nghe được?

Họ muốn tìm cho được cái nghe tuyệt đối tự do. Họ lại hỏi: Tại sao mũi không thoát ra ngoài sự ràng buộc của không gian, thời gian mà thấy được mùi vị xưa, nay, trong và ngoài? Tại sao không thể thấy được mùi chính ngay trong mũi? Tại sao không thể dùng những phạm vi xa gần để biểu thị các mùi thơm, hôi khác nhau?

Họ muốn cầu cho được cái khứu giác tự do tuyệt đối. Họ lại hỏi: Tại sao lưỡi cứ nhất định phải tiêp xúc với vật chất rồi sau mới có thể biết được mùi vị? Tại sao không thể biết được vị đắng, ngọt của chính cái lưỡi? Tại sao không thể nói được các thứ tiếng của động vật? Tại sao không thể nói với chúng sinh trong khắp ba nghìn đại thiên thế giới? Tại sao không thể dùng một tiếng diễn thuyết khiến hết thảy chúng sinh tùy chủng loại mà lĩnh hội.

Họ muốn cầu cho được cái vị giác và cách nói tuyệt đối tự do. Họ lại hỏi: Tại sao thân không thể vượt ngoài sức hút của trái đất mà du hành đến các tinh cầu khác? Tại sao không thể biến hóa theo ý muốn, hoặc lớn, hoặc nhỏ, lớn đến tràn đầy hư không mà nhỏ thì lọt hẳn vào hạch nguyên tử? Tại sao không thể đem vầng Thái dương hệ mà đặt vào sông Ngân hà? Tại sao không thể vớt lấy chất nước sắt trong lò đúc? Tại sao không thể cảm giác được sự đau, ngứa mà vô lượng chúng sinh phải chịu? Tại sao không thể nuốt hết các thế giới trong mười phương?

Họ muốn cầu cho được sự tự do tuyệt đối của bộ phận thân thể. Họ lại hỏi: Tại sao tâm ý không thể biết được sự biến hóa của hết thảy sự vật trong mười phương, ba đời, và tâm lý của hết thảy chúng sinh? Tại sao không thể tránh khỏi những nỗi thống khổ: Sinh, già, ốm, chết, yêu thương mà phải xa lìa, oán ghét mà phải gặp gỡ, cầu không được và ngũ ấm bừng cháy? Tại sao không thể tưởng tượng được tình trạng trên không gian từ bốn độ trở lên. Tại sao không thể theo ý muốn mà biến hiện ra hết thảy vật chất? Tại sao không thể lìa bỏ hết thảy đối tượng mà vẫn có ý niệm riêng?

Họ muốn cầu cho được cái tâm ý tuyệt đối tự do. Các bạn có thể cho rằng yêu sách đó là những yêu sách vô lý, nhưng tôi xin hỏi: các bạn có lý do gì mà cho là không thể yêu sách như vậy? Các bạn đừng tưởng ngoài chiếc bành nhân mỡ to tướng kia ra không còn vật gì ngon ngọt khác. Cái chí khí của con chim sẻ làm sao mà biết được sức bay muôn dặm của phượng hoàng? Cái tinh thần tích cực và dũng khí cầu tiến không biết chán đó duy chỉ có Phật giáo mới có vậy.

NGUYỆN VỌNG VĨ ĐẠI

Những loại tự do kể trên, nếu không có thể đạt được thì cũng không nên ảo vọng. Vì trên lý luận đã không thể đạt được thì trên thực tế cũng không có phương pháp nào để đạt được, đành chỉ nhìn trời mà than thôi sao? Không. Như trong giáo nghĩa Phật giáo đã dạy thì ai ai cũng đầy đủ sự tự do ấy, không phải tìm ở ngoài mà được, chỉ vì vọng tưởng chấp trược, mê mất bản tính, rồi khởi lên các thứ phiền não, như tầm kéo tơ lại tự buộc mình, không thể cắt đứt, nên mới chịu khổ, nếu y theo giáo pháp mà tu hành, dứt hết phiền não, hoặc nghiệp thì bản thể trở lại sáng suốt mà không còn bị ràng buộc.

Cho nên ,biết sự tự do tuyệt đối có thể có và cũng có phương pháp để đạt đến, nếu người ta có lòng tin, phát nguyện lớn, thiết thực làm theo, không sợ khó, không lùi bước, thì một ngày kia tự nhiên sẽ đạt được.

Phật giáo đối với người đã có lòng tin rồi, dạy cho phát nguyện lớn rồi sau cố gắng tu hành. Lòng tin là kim chỉ nam của các nhà hàng hải, khiến cho người ta có định hướng, khỏi lầm đường, còn nguyện lực là nguyên động cơ thúc đẩy hành giả tiến mãi không ngừng. Đã là Phật giáo đồ đều nên phát bốn điều thệ nguyện lớn:

1) Tất cả chúng sinh, nguyện sinh độ hết,

2) Bao nhieu phiền não, nguyện xin trừ sạch,

3) Giáo pháp bao la, nguyện xin gắng học,

4) Phật đạt cao tột, nguyện xin chứng thành.

Căn cứ theo bốn điều nguyện trên, ta thấy tinh thần tích cực của Phật giáo vượt xa hẳn tinh thần tích cực của các tôn giáo khác.

1/ Phật giáo đồ tín đạo tu hành tuyệt nhiên không mưu lợi ích riêng cho mình, không cầu sinh lên Thiên đường để hưởng phúc, mà là mong cứu độ hết thảy chúng sinh, trong đó có các vị Thiên thần, khiến cho lìa khổ được vui, vĩnh viễn dứt trừ phiền não.

2/ Cố gắng tìm hiểu chân lý của vũ trụ, nhân sinh, cầu chứng đạo Vô thượng chính đẳng chính giác.

3/ Biết rõ chúng sinh không có giới hạn, phiền não không có bến bờ, giáo pháp bao la, Phật đạo cao tột, mà không sợ khó khăn, không chịu lùi bước. Nếu cho cái tinh thần đại hùng vô úy là tiêu cực, thì thật ta không còn biết giải thích hai chữ tích cực như thế nào nữa.

Tất cả các vị Bồ Tát đều có nguyện lực siêu việt, rộng lớn, ở đây  tôi xin nói qua ba thứ đại nguyện rất phổ biến trong Phật giáo để giới thiệu với độc giả:

1/Mười nguyện lớn của Bồ Tát Phổ Hiền.

2/ Bốn mươi tám nguyện của Đức Phật A Di Đà.

3/ 141 nguyện của Bồ Tát Văn Thù.

Nay xin trích một nguyện trong mười nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, nhan đề là “Hằng thuận chúng sinh”:

“Lại nữa, thiện nam tử ! Nói Hằng thuận chúng sinh là đối với hết thảy chúng sinh trong mười phương thế giới, ta đều tuỳ thuận mà phụng sự cúng dàng như cúng thờ cha mẹ, sư trưởng, các vị La Hán, cho đến như cúng dường Như Lai, không thể sai khác. Đối với chúng sinh đau ốm thì ta là thầy thuốc; đối với chúng sinh đi lạc đường, ta là người hướng đạo; trong chỗ tăm tối, ta là đèn sáng; đối với những người nghèo cùng, ta là của báu. Bồ Tát làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh một cách bình đẳng như thế. Vì sao?

Vì nếu Bồ Tát hay tùy thuận chúng sinh tức là tùy thuận cúng dường chư Phật; Nếu đối với chúng sinh hết lòng tôn trọng phụng sự, tức là hết lòng tôn trọng phụng sự Như Lai, nếu hay làm cho hết thảy chúng sinh hoan hỷ tức là làm cho hết thảy Như Lai hoan hỷ vậy. Vì sao? Vì chư Phật, Như Lai lấy đại bi làm tâm thể, vì thương chúng sinh mà phát tâm đại bi, vì phát tâm đại bi nên sinh ra tâm Bồ Đề, vì phát tâm Bồ Đề mà thành bậc Chính giác.

Thiện nam tử! Ông nên hiểu suốt nghĩa ấy. Đối với chúng sinh, sinh tâm bình đẳng, thì mới có thể thành tựu được lòng đại bi viên mãn. Lấy lòng đại bi tùy thuận chúng sinh, thì mới thành tựu được sự cúng dường Như Lai. Bồ Tát tùy thuận chúng sinh như thế, dẫu cho hư không có cùng tận, thế giới có cùng tận, phiền não của chúng sinh có cùng tận chăng nữa thì nguyện tùy thuận chúng sinh của ta cũng không hết được, niệm niệm kế tiếp, không có gián đoạn thân, miệng, ý không bao giờ biết mệt mỏi.

Đoạn kinh trên đây đã nêu rõ tinh thần tích cực vĩ đại của Bồ Tát Phổ Hiền trong việc phụng sự chúng sinh. Người thế gian chỉ biết phục vụ xã hội, nhân quần, một đối tượng rất nhỏ, chúng ta hãy so sánh với cái đối tượng phục vụ của Ngài Phổ Hiền, một đối tượng rộng lớn vô hạn. Người đời chỉ biết phục vụ những người có liên quan đến mình, còn phân biệt kẻ thân người sơ, chớ như Ngài Phổ Hiền thì làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh một cách bình đẳng, không còn phân biệt kẻ oán, người thân.

Các tôn giáo khác ở thế gian chỉ biết sùng bái đấng giáo chủ, nhưng Ngài Phổ Hiền lại lấy sự phụng sự chúng sinh làm sự sùng bái Đức Phật, lấy việc cúng dường chúng sinh làm sự cúng dường Phật. Thế gian chỉ biết phục vụ xã hội nhân quần trong một đời này mà thôi, Ngài Phổ Hiền thì phục vụ chúng sinh trong vô lượng kiếp mà không biết chán nản, mỏi mệt. Xem thế đủ biết Phật giáo tuyệt đối không phải yếm thế vậy.

Bốn mươi tám nguyện của Đức Phật A Di Đà cũng vô cùng vĩ đại; Ngài phát nguyện tạo nên một thế giới cực lạc, nền văn minh vật chất ở thế giới ấy có thể nói là đã tiến bộ đến cực điểm, nhân dân ai cũng đẹp đẽ, đoan trang, và đều được các thứ tự do tuyệt đối như đã kễ trên và ai ai cũng sẽ đạt đến một địa vị bình đẳng tuyệt đối. Lúc đầu Ngài đối trước Phật Tự Tại Vương mà phát nguyện thì được  Phật Tự Tại Vương chứng nhận và nói rằng, nguyện của Ngài nhất định sẽ thành tựu. Ngài nói với Đức Phật A Di Đà (lúc bấy giờ còn là Pháp Tạng Tỳ Khưu): “ Ví như nước trong bể lớn, một người tát trải qua kiếp số còn có thể cạn, phương chi một người dốc lòng tinh tiến, cầu đạo không ngừng, thì nguyện gì mà không được!” Sau Pháp Tạng Tỳ Khưu quả nhiên thành tựu được đầy đủ đại nguyện rồi thành Phật hiệu là A Di Đà. Hiện giờ sáu chữ: “ Nam Mô A Di Đà Phật” đã trở nên một câu nói phổ biến trong Phật giáo mà ngay cả những người ở nơi hang cùng ngõ hẽm cũng không ai là không biết đến.

Ý nghĩa 141 nguyện của Ngài Văn Thù Bồ Tát nói trong kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Tịnh Hạnh, cũng rất sâu xa. Trong việc sinh hoạt hàng ngày, mỗi khi làm việc gì Ngài lại phát một nguyện mà nguyện nào cũng nói: “Nguyện cho chúng sinh sẽ …”, chứ không bao giờ nói: “Nguyện cho tôi …”. Điều đó chứng tỏ rằng nhân sinh quan của Phật giáo chỗ nào cũng chỉ tưởng đến người, làm việc gì cũng mong cho mọi người được tốt lành, coi mình cũng chỉ là một đám chúng sinh, cho nên không đứng trên lập trường riêng của mình mà nguyện điều gì cả; hễ chúng sinh yên vui, sung sướng túc là mình yên vui, sung sướng. Điều đó rất hợp với đạo lý bình đẳng khách quan đã giảng giải ở trên.

Căn cứ vào ba nguyện vọng lớn ấy, ta có thể thấy được sức đại hùng, đại lực, đại từ bi của Phật giáo, mà không một tôn giáo, triết học, chính trị hoặc khoa học nào trên thế giới có thể so sánh được một phần trong muôn phần./.

Thích Tuệ Đăng (dịch)

Trích từ sách Nhìn Phật giáo qua Khoa học