Trang chủ Tu học Bước đầu học Phật Bát Chính đạo: Chính định

Bát Chính đạo: Chính định

62

Theo sách Thanh Tịnh Ðạo (Visuddhi Magga) của Ngài Buddhaghosa, Chính Ðịnh là tập trung chân chính và đồng đều tâm vương và các tâm sở đồng phát sinh vào một đối tượng duy nhất.

Như vậy, tâm định là trạng thái tinh thần khi các thành phần của tâm được đặt trên một đối tượng duy nhất một cách đồng đều và chân chính, không giao động và không phân tán.

Cũng theo sách này, đặc tính của tâm định là không xê dịch ra khỏi đối tượng; tác dụng của tâm định là loại trừ phóng tâm; tâm định biểu hiện bằng trạng thái không lay chuyển; và nhân kế cận nhất tạo duyên sinh định là phỉ.

Tâm ta vốn chứa đựng ít nhiều bợn nhơ. Nếu để nó trôi chảy theo dòng diễn tiến tự nhiêrn mà không có sự cố gắng nào để khắc phục, kiểm soát và chuyển hướng nó, cái tâm – dưới sự chi phối của tham ái, sân hận và si mê – sẽ lôi cuốn chúng ta vào những hoàn cảnh khó khăn, rất phiền phức và ô nhiễm bởi vì: "Tâm dẫn đầu tất cả những hành động. Tâm là chủ. Tâm tạo tác tất cả hành động biểu hiện bằng thân, khẩu hay ý."

Theo Ðại Ðức Nyanaponika, điều trọng yếu là ta phải:

1. Hiểu biết cái tâm – tâm rất gần với ta nhưng được chúng ta biết rất ít.

2. Uốn nắn cái tâm – Tâm rất buông lung, nặng nề, khó dạy, nhưng ta có thể tập cho nó thuần thục, mềm dẻo, dễ uốn nắn.

3. Giải phóng cái tâm – tâm bị đeo niú, quấn quít, bị trói chặt vào đủ loại phiền não, nhưng ta có thể giải phóng, làm cho nó trở nên tự do, tại nơi đây và trong hiện tại.
 
Hiểu biết cái Tâm: Bản chất của Tâm là luôn luôn di động, phóng chạy đầu này, nhảy đầu kia không ngừng nghỉ.

Cá bị vớt lên khỏi nước và vứt trên đất khô, vùng vẫy như thế nào thì tâm chao động cũng dường thế ấy.

 

Trong guồng máy phức tạp của con người cái tâm quả thật vô cùng quan trọng. Con người trong sạch do tâm mà nhơ bẩn cũng do tâm. Chính tâm tạo thiên đàng, cũng chính tâm đưa đến cảnh địa ngục.

Tâm nâng cao, đưa con người lên, cũng chính tâm hạ thấp, đưa con người xuống. Và cũng như nước, có chiều hướng tự nhiên là từ trên cao trôi chảy xuống thấp, tâm con người, nếu không kiểm soát cụng tự nhiên có khuynh hướng xuôi chiều về ác pháp. Lời dạy của Ðức Tôn Sư là: "Hãy gấp rút làm việc thiện. Hãy chế ngu điều ác trong tâm vì tâm của người buông lung, dễ duôi bê trễ trong việc tạo thiện nghiệp sẽ ưa thích làm việc ác". (Kinh Pháp Cú, câu 116)

Lời dạy này khuyên ta nên vận dụng mọi cố gắng để thanh lọc tâm mỗi khi nó ve vãn gần điều ác. Tâm ô nhiễm sẽ thỏa thích trong ác pháp.
 
Uốn nắn cái Tâm. Hành thiền là thanh lọc tâm, là kiểm soát, rèn luyện, trau giồi và phát triển, là uốn nắn tâm.

Hành thiền không phải là một giấc mơ trầm lặng mà là cố gắng linh động, một sinh hoạt tích cực của tâm. Phương pháp luyện tâm cũng giống như đường lối tập thú, luyện bò chẳng hạn. Bò nghé vừa lớn lên, muốn rèn luyện cho nó đủ thuần thục để kéo xe hay kéo cày, trước tiên người ta thả nó nhập đàn. Sáng theo bày đi ăn, tối lùa về chuồng.

Khi nó quen sống chung với những con khác trong khuôn khổ tập thể người ta bắt đầu xỏ mũi: Xỏ sơị dây xuyên qua lỗ mũi rồi choàng vòng lên sừng. Trên sợi dây, mỗi bên có thắt một lỗ nhỏ. Sau đó người ta cột sơị dây dàm, mỗi sơị vào một lỗ của dây mũi. Ðâu kia của sợi dây dàm thì quấn vào một cột trụ trồng vững dưới đất.

Hàng ngày người ta dùng dây dàm để điều khiển bò. Tập như vậy cho đến khi có thể gác cái ách lên cổ nó và sai khiến nó làm theo ý mình. Bò chỉ có thể hữu dụng khi được rèn luyện tinh thục. Chừng đó có thể dùng nó để kéo xe hay kéo cày, hay bất luận công việc nào khác.

Trong phương pháp luyện tâm, tinh nghiêm trì giới, tự khép mình vào nếp sống giới đức, cũng như thả bò nhập bầy, sáng theo đàn đi ăn và chiều lùa về chuồng. Nếu để bò nghé sống buông lung hoang dại có thể nó sẽ phá khuấy mùa màng hay làm hư hại cây cối vườn tược của kẻ khác.

Cũng thế ấy, con người buông lung không giới đức có thể bị ba nghiệp – thân, khẩu, ý – hoang dại của mình gây tổn hại cho người khác và cho mình, rất nguy hiểm. Tinh tiến chuyên niệm cũng giống như xỏ mũi và cột dây dàm vào trụ. Người hành thiền dùng sơị dây niệm (sati) để điều khiển tâm mình, không để nó phóng túng buông lung chạy nhảy một cách hoang dại mà giữ nó lại và sai khiến, đặt nó vào đối tượng (đề mục, hay công án) nào mà mình muốn.

Trạng thái luôn luôn khuấy động và phóng dật mà tâm đã quen thuộc từ vô lượng kiếp bây giờ đã được điều phục, lắng dịu và an trụ. Cũng như bò đã được rèn luyện thuần thục để kéo xe hay kéo cày, tâm đã sẵn sàng nhu thuận để hành thiền — thiền vắng lặng hay thiền minh sát.

Nếu hành giả không bắt đầu công phu hành thiền của mình bằng phương pháp chú niệm làm cho tâm trơ nên an trụ và nhu thuận thì không khác nào người chủ bò thiếu kinh nghiệm, gác ách con bò hoang dại chưa hề bao giờ được huấn luyện.

Khi bắt nó kéo xe hay kéo cày ắt nó chạy loạn, không thể kềm giữ được. Ðàng khác, người đã chú tâm an trụ có thể dễ dàng nhập định và đc các tầng Thiền hoặc khai thông tuệ Minh Sát và tiến đến các Thánh Ðạo và Thánh Quả.

Giải phóng cái Tâm: Ðể kiểm soát, uốn nắn và giải phóng tâm, trong Phật Giáo có hai loại thiền.

Theo một lối, thiền hành giả gom tâm vào một điểm và cột chặt tâm lâu dài vào điểm duy nhất ấy để phát triển vắng lặng, an lạc. Danh từ Pàli gọi thiền này là samatha bhàvavà, phương pháp trau giồi tâm nhằm làm cho nó trở nên tĩnh lặng. Ta gọi là thiền chỉ, thiền định hay thiền vắng lặng.

Lối thiền khác là vipassanà, thiền minh sát — cũng gọi là thiền quán hay thiền tuệ — hướng tâm định soi vào đời sống để chứng ngộ thực tướng của vạn pháp.