Kính thưa Phật tử Lê Minh Hiếu,
Trước tiên tôi xin cảm ơn cư sĩ đã có thư gửi cho tôi về một vấn đề nói như lời tòa soạn Vietnamnet “chủ đề gây tranh cãi”. Đối với tôi đây là một tín hiệu tốt cho thảo luận xã hội trước những sự kiện liên quan đến tôn giáo, mà từ trước đến nay vốn được xem là “nhạy cảm”. Nếu điều này được báo chí tiếp tục phát huy trên kênh thông tin đa chiều, và để cho những phản hồi đa chiều xuất hiện, đừng ngại khi họ mang danh tín đồ tôn giáo, thì tác dụng rất tích cực đến đời sống sinh hoạt cộng đồng.
Đứng trước quyền được thông tin và quyền tự do ngôn luận mà luật pháp quy định, mọi người đều bình đẳng. Nhưng có thể sự xuất hiện của những người Phật tử như chúng ta trên diễn đàn (có yếu tố “tranh luận”) này, sẽ gây ra một sự ngạc nhiên, thậm chí không dễ chịu nào đó. Đối thoại là một sinh hoạt xã hội rất tự nhiên thời Đức Phật còn tại thế. Tất cả Phật tử và người khác đạo đều có thể đến nơi Đức Phật và tăng đoàn, đặt ra những vấn đề mà mình quan tâm, nghi vấn, thậm chí không bằng lòng để đối thoại… Đây là một hình thức sinh hoạt dân chủ, từng đem đến cho Tăng đoàn nhiều những điều chỉnh tích cực.
Nếu đặt ra một vấn đề chỉ có tác động đến cá nhân người Phật tử như chúng ta thì chắc chắn chúng ta chỉ cần tìm đến nhau nói chuyện, hoặc gửi thư riêng cho nhau là đủ. Nhưng đặt ra một vấn đề để “giải quyết”, và nếu không “giải quyết” được thì gợi mở cho những cách ứng xử khác nhau trong xã hội thì sẽ có tác dụng không nhỏ. Nếu cư sĩ đọc kỹ bài viết trước của tôi, cư sĩ sẽ thấy, tôi dẫn lời của thiền sư Giác Tính Hải Chiếu qua Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh. Chắc chắn đó cũng là vấn đề “thảo luận” rất nóng thời Lý, khi đạo Phật hưng thịnh.
Kính thưa Phật tử Lê Minh Hiếu,
Xin cư sĩ đừng quá lời khi nói rằng “lá thư thô lược này không đáng để Đại đức phải mất thời gian đọc nó. Nếu có gì làm Đại đức phật lòng…”. Phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ 20, những người cư sĩ Phật tử đóng vai trò rất lớn. Họ là những người tiên phong, “đứng mũi chịu sào” trước sự tồn vong của đạo Pháp. Đạo Phật rất cần những người có tiếng nói thẳng thắn như cư sĩ trước nhiều vấn đề khác nữa trong Phật giáo.
Tôi đã đọc rất kỹ thư của cư sĩ và tôi nhận thấy chí ít tôi có cùng suy nghĩ với cư sĩ về vấn đề rước xá lợi Đức Phật: “Tôi cũng là một trong những người theo dõi bằng lòng thành kính của mình với sự kiện rước Phật xá lợi vừa qua. Đấy quả thật là một sự kiện tâm linh lớn lao cho những Phật tử Việt Nam nói riêng và cho văn hoá của đất nước nói chung”. Và tôi xin gác nhận xét cuộc rước xá lợi Phật về Việt Nam là vô minh của hoạ sĩ Lê Thiết Cương sang một bên, vì đó không còn là vấn đề mà cư sĩ và tôi thống nhất (hay còn phải trao đổi) với nhau qua hai lá thư này.
Hơn nữa, một vấn đề khi đứng ở những góc nhìn khác nhau sẽ đưa ra những kết luận không chỉ khác nhau mà còn mâu thuẫn với nhau. Cuộc sống vốn “đa nghĩa” như thế, và nếu có tiếp tục so sánh (xa-gần) thì cũng (nhất định) không bao giờ tránh khỏi khập khiễng. Những điều cư sĩ nói về sự so sánh trong bài viết trước của tôi là một ví dụ.
Tôi vui mừng với sự phát tâm cúng dường xá lợi Đức Phật của vị Phật tử kia. Thời Đức Phật còn tại thế, trưởng giả Cấp cô độc từng cúng dường Đức Phật một khu vườn mà ông mua được từ Thái tử Kỳ Đà. Để mua được khu vườn, ông đã phải lát gạch bằng vàng ròng lên đó. Nếu cư sĩ đọc kinh Phật, cư sĩ sẽ thấy sự miêu tả các cảnh giới trang nghiêm gồm: những điện báu, những toà báu được làm bằng thất bảo (vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, hổ phách…), dây thừng bằng vàng ròng chăng bên đường đi…, thì cư sĩ sẽ rõ hơn lời của thiền sư Giác Tính Hải Chiếu nói về vấn đề trang nghiêm, chứ không phải lãng phí. Có dịp tôi sẽ gửi Vietnamnet bài viết về việc phục dựng Lễ hội Đèn Quảng Chiếu có từ thời Lý, để cư sĩ tham khảo.
Thực tế, rước xá lợi Đức Phật bằng một chuyên cơ riêng, nghe có vẻ “lãng phí”, nhưng với phái đoàn gồm hàng trăm tăng ni, Phật tử thì cũng đã bằng một chuyến bay (tôi được biết nhiều Phật tử muốn bỏ chi phí ra đi theo mà không được), nếu chi phí riêng từng người đi trên một chuyến bay bình thường thì sẽ còn cao hơn là thuê cả chuyến. Không những thế rước đi trên một chuyên cơ bình thường thì sẽ có những yếu tố bất như ý xảy ra, nếu ai đó không xem cuộc rước là thiêng liêng. Đó là chưa kể việc tố chức đưa rước, quy tập hành lý khi lên xuống sân bay, thống nhất địa điểm, thời gian của người đi trong đoàn sẽ khó khăn hơn. Nếu đưa ra bài toán kinh tế thì đó là một chuyến bay an toàn, ít rủi ro và tiết kiệm hơn.
Kính thưa Phật tử Lê Minh Hiếu,
Đạo Phật có nói về ba hình thức bố thí cúng dường: tài thí (thí bằng tiền của, vật chất), pháp thí (thí bằng những bài thuyết pháp) và vô uý thí (thí tất cả bằng tâm không phân biệt). Phật tử nào thực hiện được một trong ba pháp này cũng vô cùng đáng quý. Trong đạo Phật công đức tuỳ hỷ ngang bằng với công đức cúng dường. Tôi rất xúc động khi biết cư sĩ đã “giành dụm một phần tiền lương ít ỏi của mình và giấu tên gửi tiền nuôi một đứa trẻ mồ côi cha mẹ”. Mỗi người phật tử chúng ta, nên tuỳ điều kiện hoàn cảnh của mình mà đem đến niềm vui cho người khác bằng ba phép bố thí, cúng dường kể trên.
Tuy nhiên, rước xá lợi Đức Phật và bỏ tiền ra cứu người nghèo đói là hai việc có hai cách ứng xử khác nhau. So sánh như vậy không chỉ khập khiễng mà còn gây nên sự ngộ nhận và tủi thân cho người nghèo, người bất hạnh.
Nếu nhìn vào sự trang hoàng của lễ Noel, lễ Phật đản, các lễ lớn khác, và nếu nhìn vào những chuyên cơ riêng rước cổ động viên đi coi bóng đá… hẳn không ai có thể nói hết được sự “lãng phí” của nó. Nhưng các công việc từ thiện xã hội là một thế mạnh của tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Không tổ chức xã hội nào có thể phủ nhận được điều này, bởi đó là những công việc thiện nguyện được khuyến khích mạnh mẽ trong tôn giáo. Nếu tôi và cư sĩ tiếp tục dùng phép so sánh, như nó từng khập khiễng trong bài viết của tôi và bài viết của cư sĩ thì e sẽ “lấn sân” vào chính sách lớn chống tham nhũng, lãng phí của nhà nước.
Cư sĩ nói: “Phật tại tâm chứ không tại chùa”. Nếu mọi người trong xã hội đều hiểu Phật tại tâm, thì Phật (và giáo lý của Phật) là một giá trị sống. Và cái gì đã trở thành giá trị sống, cái đó không phải sở hữu của riêng ai, ai cũng có thể thực hành những giá trị ấy, không phân biệt. Kinh Phật nói rất rõ: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính”. Nhưng xin đừng nhầm lẫn Phật tính với tượng Phật được thờ ở trong chùa.
Tượng Phật được thờ ở trong chùa, vì tôn giáo phải có giáo chủ, giáo luật, nghi thức hành trì, cơ sở tín ngưỡng, văn hoá đặc thù…, đó là những phương tiện để mọi người quay về nương tựa tu tập. Vì vậy, không thể đem Phật vào thờ trong nhà thờ, hay đem Chúa vào thờ ở trong chùa. Đó là lý do tôi và cư sĩ nhận mình là người Phật tử, thuộc về một tôn giáo.
Nếu hiểu Phật tại tâm thì người Phật tử phải bảo vệ tâm mình đừng để ma tâm lấn át Phật tâm. Hiểu Phật tại chùa thì bảo vệ chùa, bảo vệ kinh điển để lưu truyền cho muôn đời sau, không cho người khác mượn danh “Phật không ở chùa” mà đến phá hoại di sản. Hai vấn đề này cũng có hai cách ứng xử khác nhau. Đường Tăng đi thỉnh kinh vì hiểu kinh để truyền đời, còn “tâm kinh” thì nói như cụ Nguyễn Du: “Tôi từng đọc kinh Kim Cương hàng nghìn lượt. Kịp khi đến đài đá phân kinh này, mới hay kinh không chữ mới là chân kinh” (Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài).
Kính thưa Phật tử Lê Minh Hiếu,
Người Phật tử được cởi mở với nhau trên diễn đàn của Vietnamnet có lẽ là một điều chưa từng có trong lịch sử báo chí Việt Nam hiện đại. Chắc chắn qua vụ việc này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và người Phật tử sẽ có những bài học kinh nghiệm, những điều chỉnh tích cực, nhất là làm tốt các công tác truyền thông (như tổ chức họp báo, xin ý kiến đóng góp của người phật tử, các tổ chức, cá nhân có cùng quan tâm) đối với các sự kiện được trông đợi.
Tôi xin cảm ơn cư sĩ Lê Minh Hiếu đã bớt chút thì giờ gửi thư cho tôi. Chúc cư sĩ thân tâm thường ạn lạc và đóng góp nhiều hơn nữa tâm sức của mình trong việc đem lại ích lợi cho cộng đồng.
Trân trọng,
Thích Thanh Thắng