Tháng tư
Ngày 1 tháng tư
91. A I 10
Tâm là sáng chói
Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Một Pháp, Phẩm Búng Ngón Tay, Câu 1-2 Tâm Được Tu Tập
1- Tâm này, này các tỷ kheo, là sáng chói. Và tâm này bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào. Kẻ phàm phu ít nghe, không như thật rõ biết tâm ấy. Do vậy, Ta nói, rằng tâm kẻ phàm phu ít nghe, không được tu tập.
2- Tâm này, này các tỷ kheo, là sáng chói. Và tâm này được gột sạch cấu uế từ ngoài vào. Bậc thánh đệ tử nghe nhiều, như thật biết rõ tâm ấy. Do vậy, Ta nói, rằng tâm bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, được tu tập.
Ngày 2 tháng tư
92. S I 71
Tự ngã là thân ái
Tương Ưng Bộ Kinh, Tập I, Thiên Có Kệ, Chương Tương Ưng Kosala, Phẩm Thứ Nhất, Câu IV, Thân Ái (S.i, 71) 2-4
2) “Đối với những ai, tự ngã là thân ái? Đối với những ai, tự ngã là kẻ thù?” Và rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau:
3) “ Những ai sống thân làm ác, sống miệng nói ác, sống ý nghĩ ác; đối với người ấy, tự ngã là kẻ thù. Dầu họ có nói : “Tự ngã là thân ái của chúng tôi”, nhưng tự ngã đó đối với họ là kẻ thù. Vì sao vậy? Những gì kẻ thù làm cho họ, thì tự ngã của họ cũng làm cho họ như vậy. Do vậy, đối với họ, tự ngã là kẻ thù.”
4) “ Những ai sống thân làm thiện, sống miệng nói thiện, sống ý nghĩ thiện; đối với họ, tự ngã là thân ái. Dầu họ có nói : “Tự ngã là kẻ thù của chúng tôi”, nhưng tự ngã đó đối với họ là thân ái. Vì sao vậy? Những gì kẻ thân ái làm cho kẻ thân ái, tự ngã của cũng làm cho họ như vậy. Do vậy, đối với họ, tự ngã là thân ái.
Ngày 3 tháng tư
93. A I. 201
Các căn bản bất thiện
Tăng Bộ Chi Kinh, Chương Ba Pháp, Phẩm Lớn, Các Căn Bản Bất Thiện
1- Này các tỷ kheo, có ba căn bản bất thiện này. Thế nào là ba? Tham là căn bản bất thiện, sân là căn bản bất thiện, si là căn bản bất thiện.
2- Cái gì là tham (sân, si), này các tỷ kheo, cái ấy bất thiện. Ai với lòng tham (sân, si) có làm gì về thân, về lời, về ý, cái ấy bất thiện. Với ai có lòng tham (sân, si), bị lòng tham (sân, si) chinh phục, tâm không được tự chủ, vu cáo người khác đau khổ, bằng cách sát hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa trên: “ Ta là sức mạnh, ta có sức mạnh.” Cái ấy là bất thiện. Như vậy, rất nhiều ác bất thiện pháp này sanh từ tham (sân, si) duyên khởi từ tham (sân, si), tập khởi từ tham (sân, si) khởi lên từ người ấy.
Theo: Daily Readings from the Buddha’s Words of Wisdom của Đại đức Shravasti Dhammika