1. Kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn… Những nhà động vật học đưa từng chú tinh tinh, đười ươi nhặt được từ rừng cháy, từ bẫy thợ săn, từ bầy đàn tan tác trở thành mồ côi về “trường”. Đấy là những trại nuôi nấng và cả dạy dỗ.
Nuôi thì rõ rồi, nào là cho ăn uống, tính toán thành phần dinh dưỡng, chăm sóc y tế, chữa trị bệnh truyền nhiễm… Còn dạy dỗ? Như một quy trình ngược, thay vì thuần dưỡng như rạp xiếc, những nhà khoa học, động vật học phải dạy chúng lại từ đầu bản năng hoang dã.
Bản năng hoang dã không còn, không thể trả chúng về môi trường thiên nhiên của chúng. Khỉ mà phải dạy… đánh đu; cọp, sư tử mà phải dạy… săn mồi, một nghịch lý vô cùng hợp lý với tự nhiên.
Cánh cửa của chiếc lồng được kéo lên.Những “học viên” khỉ, tinh tinh, gấu, cọp rụt rè rời chuồng. Phía trước là rừng, đi đi các “học viên đã tốt nghiệp”. Animal Planet có những chương trình coi mà ứa nước mắt. Con người vẫn là động vật cao cấp nhất, trái tim vĩ đại nhất cho dù song song là một nghịch lý khác: cũng chính con người tàn phá thiên nhiên, tàn sát động vật…
2. Tôi cũng như bạn, mỗi ngày khi ra đường từ nhiều năm nay phải tính một bài toán tưởng đơn giản mà đau đầu. Ta sẽ đi đường nào để đến được công sở, chỗ làm? Ta sẽ thoát vào hẻm nào nếu rơi vào kẹt cứng? Con hẻm ấy trổ ra đường nào, liệu đường ấy có bị ách tắc nữa không? Ta sẽ về được nhà mình bằng lối nào?… Bài toán xem chừng ngày càng nan giải.
Tôi lại như bạn tự mình tập tính kiên nhẫn, tự mình tập “thiền” giữa đám khói bụi, giữa trưa đổ lửa mà xe cộ nêm chật không nhúc nhích nổi, lại tụng thầm câu chú trong đầu: “Đừng nổi nóng! Đừng gây gổ…”. Nhưng chẳng phải ai cũng “hành thiền” thành công, đắc đạo trong khung cảnh éo le như thế.
Ta lại phải tập sửa mình vì hôm qua lỡ văng tục một câu giữa đường khi có kẻ không tôn trọng luật đi đường, ta lại phải tự sửa mình khi lỡ thụi ai đó một quả chỉ vì va quệt nhẹ. Ta lại phải răn ta nhiều thứ lẽ ra không phải răn nữa, tất thảy đều đã được dạy, được học từ khi còn trên ghế trường làng rồi.
Bây giờ chỉ sau vài năm, ta lại cùng nhau… học từ đầu. Học lại bài hát “bông hoa này là của chung…” để khi đi vào phố hoa, đường hoa, lễ hội hoa ta bỏ thói táy máy ngắt cành này, véo cành nọ hay “vui tính” hơn, ta ẵm luôn cả chậu hoa về nhà vì biết rõ chậu hoa ấy là… của công. Chẳng nhằm nhò chi, hoa ấy, cỏ kia có phải trong sân nhà ta đâu. Thói quen nào cũng hình thành từ chính quen thói, thế thôi.
Xưa ta có thói quen nhã nhặn, nhường người già, phụ nữ, trẻ con trên xe buýt. Xưa ta có thói quen làm rụng một bông hoa trong công viên là hoảng hốt, là tự xấu hổ. Xưa ta có nhiều thói quen lâu dần thành tính cách, thành nhân phẩm. Nay cũng vì quen thói lâu ngày bị đánh mất mà thấy chẳng có gì xấu hổ, ai cũng như ai thì đành phải nhắc mình… đi học lại. Chẳng ai trả ta về rừng như chú tinh tinh nọ, chẳng ai tập lại cho ta “bản năng” săn mồi hay hái lượm nữa. Ta đã là ta – động vật cao cấp nhất hành tinh rồi còn gì.
3. Tôi hình dung một ngày nọ thức dậy thành phố quang đãng, đường phố biến mất tất cả rào chắn, “lô cốt”, mặt đường thênh thang không còn ổ gà. Ta nhảy tưng lên mừng rỡ, mọi thứ đã trật tự lại rồi. Ta có thể hét lên sung sướng như thế. Nhưng… khoan đã, chắc gì ta đã quên thói vượt đèn đỏ, leo lên lề đường. Chắc gì ta đã thôi nổi nóng bất tử khi có va chạm. Đã quá lâu quen với mọi thứ ngổn ngang vô trật tự, nay ta ra đường dù không còn “lô cốt” chắc gì ta đã an toàn, chắc gì ta không chạy ẩu, chắc gì ta không đánh nhau vì một va chạm vu vơ không đáng…
Phải học lại, tập lại từ đầu thôi.
Khi tự ta dựng những “lôcốt“, tự tặng mình những thói quen không tốt đã quá lâu ngày.
Như chú tinh tinh phải tập lại bản năng về rừng.
Ta cũng không thể ung dung bước vào cuộc sống văn minh như ta đã từng có nó.
Nếu ta cứ… thế đó!