Trang chủ Tu học Lời Phật dạy Mỗi ngày một câu Phật ngôn (Ngày 23, 24, 25 tháng ba)

Mỗi ngày một câu Phật ngôn (Ngày 23, 24, 25 tháng ba)

174

Tháng ba 

Ngày 23  tháng ba
 
82. Thag. 608-616
 
Giới là mẹ thiện pháp
 
Tiểu Bộ Kinh, Trưởng Lão Tăng Kệ, Phẩm Mười Hai Kệ, Chương 12, Câu (CCXLI) Silavat (Thera 63) 608-616 
 
608. Ở đây hãy  học giới,
Khéo học tập ở đời,
Giới thành đạt toàn diện.
Đưa đến mọi thành công.
 
609. Bậc trí hãy hộ giới,
Nếu kỳ vọng ba lạc,
Được danh xưng tài sản,
Sau chết hưởng thiên  lạc.
 
610. Người trì giới, tự chế,
Được nhiều người bạn tốt,
Kẻ ác giới, hành ác,
Mất mát các bạn bè.
 
611. Ai ác giới chỉ được,
Ác danh, không tài sản,
Bậc trì giới luôn được,
Khen danh xưng, tán thán.
 
612. Khởi đầu an trú giới,
Giới là mẹ thiện pháp,
Giới đứng đầu mọi pháp,
Vậy hãy trong sạch giới.
 
613. Giới hạn chế, phòng ngự,
Làm sáng chói tâm tư,
Là đầu bến chư Phật,
Vậy hãy trong sạch giới.
 
614. Giới sức mạnh vô song,
Giới, binh khí tối thượng,
Giới, trang sức đệ nhất,
Giới, áo giáp hy hữu.
 
615. Giới, đầu cầu cường đại,
Giới hương thơm vô thượng,
Giới, hương thoa đệ nhất,
Nhờ giới, bay bốn phương.
 
616. Giới, tư lương cao nhất,
Giới, hành trang tối thượng,
Giới, vận tải đệ nhất,
Nhờ giới đi bốn phương.
 
 
Ngày 24 tháng ba
 
83. A I 123
 
Ba hạng người nhiều lợi ích cho người khác
 
Tăng Bộ Chi  Kinh, Chương Ba Pháp,  Phẩm Người, Câu 24- Nhiều Lợi Ích
 
 
Có ba hạng người, này các tỷ kheo, làm nhiều lợi ích cho kẻ khác. Thế nào là ba?
 
Do người nào, này các tỷ kheo, có người được quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, người ấy là hạng người làm lợi ích nhiều cho người kia. Đây là hạng người làm lợi ích nhiều cho người khác.
 
Lại nữa, này các tỷ kheo, do người nào, người khác rõ biết: “Đây là khổ”, rõ biết, “Đây là khổ tập”, rõ biết, “Đây là khổ diệt”, rõ biết, “Đây là con đường đi đến khổ diệt”, người ấy là hạng người làm lợi ích nhiều cho người kia. Đây là hạng người làm lợi ích nhiều cho người khác.
 
Lại nữa, này các tỷ kheo, do người nào, người khác đọan trừ các lậu hoặc ngay trong hiện tại , với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú tâm vô lậu giải thoát, tuệ giải thoát. Đây là hạng người làm lợi ích nhiều cho người khác. 
 
Ba hạng người này, này các tỷ kheo, làm lợi ích nhiều cho người khác. Ta nói rằng không có một người nào khác làm lợi ích nhiều hơn cho người bằng ba hạng người này. 
 
Ngày 22  tháng ba
 
Ai thấy ta, người ấy thấy Pháp
 
81. S IV 252
 
Tương Ưng Bộ Kinh, Tập III, Thiên Uẩn,  Chương Tương Ưng Uẩn (e), Phẩm Trưởng Lão, Câu V, Vakkhali (Tập 47, Đại 2,246b) (Siii, 119)   
 
2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Vakkhali trú tại nhà một người thợ gốm, đang bị bệnh, đau đớn trầm trọng.
 
3) Rồi Tôn giả Vakkhali gọi những người thị giả:
 
          Đến đây, các hiền giả! Hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nhân danh ta cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và thưa: “Bạch Thế Tôn, tỷ kheo Vakkhali bị bệnh, đau đớn trầm trọng; (Vakkhali) cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và thưa: Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn vì lòng từ mẫn, hãy đi đến tỷ kheo Vakkhali.”
 
4) Thưa vâng, hiền giả.
 
          Các tỷ kheo ấy vâng đáp Tôn giả Vakkhali, đi đến Thế Tôn; sau khi đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, các tỷ kheo ấy bạch Thế Tôn: “Tỷ kheo Vakkhali, bạch Thế Tôn, bị bệnh, đau đớn trầm trọng. Vị ấy đảnh lễ chân Thế Tôn và có thưa như sau: “Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn vì lòng từ mẫn, hãy đi đến tỷ kheo Vakkhali.”
 
5) Thế Tôn im lặng nhận lời.
 
6) Rồi Thế Tôn đắp y, cầm bình bát, đi đến tỷ kheo Vakkhali.
 
7) Tôn giả Vakkhali thấy Thế Tôn từ xa đến, thấy vậy liền cố gắng từ giường ngồi dậy.
 
8) Thế Tôn nói với Tôn giả Vakkhali:
 
– “Thôi Vakkhali, ông chớ có cố gắng từ giường ngồi dậy. Có chỗ ngồi đã soạn sẵn, Ta sẽ ngồi trên chỗ ấy.”
 
Rồi Thế Tôn ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn.
 
9) Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tôn giả Vakkhali:
 
          “Ông có kham nhẫn được không? Ông có chịu đựng được không? Có phải khổ thọ tổn giảm, không tăng trưởng? Có phải có những dấu hiệu tổn giảm, không phải tăng trưởng?”
 
          “Bạch Thế Tôn, con không thể kham nhẫn! Con không thể chịu đựng! Khổ thọ tăng trưởng kịch liệt nơi con, không có tổn giảm.”
 
10) “Này Vakkhali, ông có phân vân, hối hận không?”
 
          “Bạch Thế Tôn, con thật có nhiều phân vân, có nhiều hối hận.”
 
11) “Này Vakkhali, ông có gì tự trách mình về giới luật không?
 
          “Bạch Thế Tôn, con không có gì tự trách mình về giới luật.”
 
12) “Này Vakkhali, nếu ông không có gì tự trách mình về giới luật, vậy ông có gì phân vân, có gì hối hận?”
 
          “Đã từ lâu bạch Thế Tôn, con muốn đến để được thấy Thế Tôn, nhưng thân con không đủ sức mạnh để được đến thấy Thế Tôn.”
 
13) “Thôi vừa rồi, này Vakkhali, có gì đáng thấy với cái thân hôi hám này. Này Vakkhali, ai thấy Pháp, người ấy thấy Ta. Ai thấy Ta, người ấy thấy Pháp. Này Vakkhali đang thấy Pháp là thấy Ta, đang thấy Ta là thấy Pháp.”
 
 
Nguyên tác: Daily Readings from the Buddha’s Words of Wisdom của Đại đức Shravasti Dhammika