Trang chủ Đời sống Những điều tốt đẹp của thế giới này

Những điều tốt đẹp của thế giới này

108

Thứ nhất là chủ nghĩa khổ hạnh – sự từ chối hoàn toàn của cải vật chất và những thỏa mãn xác thịt. Một số nhà tư tưởng luân lý và tôn giáo cho rằng thế giới vật chất không quan trọng, hoặc, tệ hơn, nó cản trở ghê gớm việc đạt tới sự toàn hảo tinh thần. Đây là lập trường phổ biến và lâu đời. Nó là lý tưởng chi phối của tôn giáo và đạo lý của người Hindu (1) Mặc dù không phải là trọng tâm trong các tôn giáo ở phương Tây, nó cũng đóng một phần quan trọng ở đó.


Lập trường thứ hai là chủ nghĩa vật chất hoặc chủ nghĩa khoái lạc – sự thèm thuồng theo đuổi của cải trần gian và những khoái lạc vật chất như những điều tốt đẹp cơ bản của con người. Đây cũng là lập trường phổ biến và lâu đời. Trong hình thức đơn sơ nhất của nó, nó cho tiền bạc là điều quan trọng nhất của cuộc sống. Chúng ta bắt gặp những mô tả về nó trong thuyết khuyển nho (2) bỡn cợt của một ca khúc thời danh “Những viên kim cương là bạn tốt nhất của cô gái” và trong câu ngạn ngữ quen thuộc “Ăn, uống, và vui chơi, vì ngày mai chúng ta sẽ chết.” Thật thú vị khi nhận thấy rằng không có kiệt tác nào và không có triết gia vĩ đại nào từng dạy học thuyết này. Những người rao giảng và thực hành nó có lẽ không có thời giờ hay khuynh hướng viết sách.


Lập trường thứ ba khẳng định giá trị của cả điều tốt vật chất lẫn điều tốt tinh thần. Theo quan điểm này những điều tốt vật chất như của cải, sức khoẻ, thức ăn, và sự khoái lạc tình dục thực sự là tốt và không nên phủ nhận. Nhưng, quan điểm đó cũng cho rằng, chúng phải là thứ yếu hơn so với những điều tốt đẹp tinh thần – tri thức, công bằng, tình yêu – vì sự an sinh hoàn toàn của một con người và sự thịnh vượng của cộng đồng. Trong cả ba lập trường, lập trường dung hòa này là khó thực hành nhất.


Thoạt tiên con đường khổ hạnh là khó, nhưng, một khi đã làm chủ được ý chí, nó trở nên tương đối dễ. Người khổ hạnh chỉ nói

Không trước thế gian và thú nhục dục, và cuối cùng những thèm khát không được thỏa mãn sẽ tàn lụi mất. Người duy vật chất hay người theo chủ nghĩa khoái lạc nói Vâng trước bất cứ cái gì làm hài lòng những giác quan anh ta, hoặc làm đầy túi tiền anh ta. Giống như người khổ hạnh, anh ta là nhà chuyên môn và không có khó khăn gì gắn kết những điều tốt đẹp vật chất và tinh thần thành một thể hài hòa thống nhất. Người đi theo con đường dung hòa lúc nào cũng gặp vấn đề này. Giữ cho hai loại điều tốt đẹp trong một trật tự và tỉ lệ thích hợp là mối lo lắng và bận tâm thường xuyên của anh ta.


Mặc dù vậy, vẫn có lý do nào đó để tin rằng đa số chúng ta, nếu suy nghĩ kỹ về nó, đều chọn con đường dung hòa. Nhưng đa số chúng ta không thể hoặc miễn cưỡng thể hiện sự quan tâm hay lo lắng mà nó đòi hỏi. Chúng ta hay quên việc sử dụng và mục đích đúng cách những của cải vật chất mà chúng ta theo đuổi.



Mới đầu chúng ta mua một chiếc xe hơi vì mục đích đi lại đơn giản. Rồi nó trở thành một thế giá và sự tiêu xài xa hoa. Sau đó, một chiếc xe không đủ – chúng ta phải có ít nhất hai hoặc ba chiếc. Cuối cùng, chúng ta đâm ra mê mẩn xe hơi gần như chính nó là cứu cánh vậy. Chúng ta bị ám ảnh bởi tài sản của chúng ta.


Thay vì chúng ta sử dụng nó, nó lại sử dụng chúng ta. Sự nhận thức rằng tội lỗi nằm ở chỗ tham luyến của cải vật chất, chứ không phải bản thân của cải, được diễn đạt trong truyền thống triết học và tôn giáo phương Tây. Aristotle phân biệt giữa việc làm giàu chính đáng, nó đem lại cho chúng ta những phương tiện cần thiết để sống một đời đàng hoàng, với việc vun vén tiền của chỉ vì tiền của. Kinh thánh khẳng định sự tốt đẹp của thế giới vật chất, như là sự sáng tạo của Chúa dành cho con người. Nó đả kích sự đồi bại của linh hồn thường đi kèm với sự giàu sang, nhưng không đả kích bản thân sự giàu sang. Người thanh niên trong Phúc Âm phạm sai lầm không phải vì anh ta giàu có, mà bởi vì anh ta là kẻ nô lệ cho sự giàu có và tiện nghi của anh ta đến mức anh ta không thể từ bỏ nó để theo đuổi đến tinh thần và chân lý.


(1) Hindu: người, ở miền Bắc Ấn Độ, theo Ấn Độ giáo; người Hindu.

(2) Thuyết khuyển nho (cynism): một trường phái triết học cổ Hy Lạp coi thường sự thoải mái và tiện nghi; đó là trường phái của những người lánh xa cuộc đời (yếm thế).