Trang chủ Đời sống “… Mà còn trần gian thế?”

“… Mà còn trần gian thế?”

65

Tham vấn viên là người giúp cho thân chủ tự khám phá, hiểu biết, tự quyết định, hành động bởi vì chính thân chủ chứ không phải ai khác biết rõ vấn đề của họ, cảm xúc thực sự của họ và những giải pháp của họ.. Suy nghĩ và cảm xúc của thân chủ là yếu tố quan trọng chính yếu. Mối quan hệ giữa tham vấn viên và thân chủ là mối quan hệ sâu xa giữa con người với con người. Cuộc đối thoại và tương tác giữa tham vấn viên và thân chủ thành công hay không tùy thuộc vào bản chất chủ quan của vấn đề do thân chủ đặt ra, nhưng trước hết cần có mối tương giao lành mạnh để có thể truyền thông hiệu quả.

 

Tham vấn đòi hỏi nhiều thời gian, sự bền lòng, những khoảng khắc lặng im, khả năng vượt qua chính mình. Điều quan trọng là tham vấn viên phải có lòng tin mạnh mẽ vào khả năng tự điều chỉnh, tính bản thiện của thân chủ, từ đó khơi dậy nơi thân chủ lòng tự tin vào chính họ. Giải pháp đã luôn có sẵn. Vấn đề là nhận ra. Cuối cùng chính thân chủ tự giúp họ. Tham vấn viên chỉ hỗ trợ, xúc tác. Để có được mối quan hệ giúp đỡ tốt đẹp đó, cần có một số kỹ năng của tham vấn viên như biết lắng nghe; giữ bí mật, không phê phán… nhưng quan trọng hơn cả là phải có những phẩm chất như chân thành, tôn trọng, và thấu cảm (empathy)- nghĩa là đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của người khác để thấu hiểu một cách sâu sắc suy nghĩ, cảm xúc của họ. Đặt mình vào tình huống của thân chủ, xem xét vấn đề theo quan điểm của thân chủ, đánh giá theo cách nhìn của thân chủ, tham vấn viên mới có thể trải qua các kinh nghiệm của thân chủ và thực sự cảm thông, từ đó mới có thể giúp thân chủ tự khám phá, tự thay đổi. Có đặt mình vào vị trí người khác mới hiểu hết nguồn cơn. Một khi đã hiểu thì tình thương sẽ là tình thương đích thực. Tình thương đích thực không phải là những lời an ủi đầu môi, những lời khuyên hời hợt, những giọt nước mắt vắn dài, mà có khi là những nổi giận, quát tháo, xỉ vả. Nổi giận, quát tháo, xỉ vả mà thân chủ thấy vẫn vui, vẫn nhẹ người vì được hiểu, được thương, được san sẻ. Bỏ được qua một bên những quan điểm riêng, giá trị riêng của mình để đặt mình vào địa vị người khác, hòa mình vào kinh nghiệm người khác quả là không dễ dàng nếu không sẵn lòng từ tâm. Để hiểu được còn phải vượt qua những rào cản của ngôn ngữ, kể cả những ngôn ngữ không lời và chọn lựa những ngôn ngữ sao cho cuộc đối thoại và tương tác diễn ra phù hợp tùy từng cảm xúc, suy nghĩ, hoàn cảnh.

 

Thật tuyệt vời là trên 2500 năm trước, những đức tính, phẩm hạnh đó của một tham vấn viên đã được Đức Phật khắc họa sinh động qua hình tượng các vị Bồ tát! Bồ tát Thường Bất Khinh chẳng hạn là vị bồ tát không bao giờ dám coi nhẹ người khác- luôn luôn tôn trọng người khác! Đó chẳng phải là phẩm chất hàng đầu để thiết lập mối tương giao bình đẳng giữa người với người đó sao? Bồ tát Dược Vương – là vị Bồ tát rất chân thành, trong sáng, không tư lợi, không ích kỷ, không tính toan, ai thấy ông cũng vui (nhất thiết chúng sanh hỷ kiến), có khả năng thị hiện thành người này hay người khác, tức là có một khả năng thấu cảm tuyệt vời! Còn Quán Thế Âm là vị bồ tát thân thiết của mọi người vì hơn ai hết, đó là vị bồ tát có khả năng biết lắng nghe “âm thanh của trần thế!”! Lắng nghe với lòng đại từ đại bi. Với cái nhìn dân gian, bồ tát có nghìn mắt nghìn tay, thấy được mọi thứ, làm được mọi điều, với thứ nước cam lồ “rưới vào đâu là tắt vùi ngọn lửa thù hận, tham lam, sợ hãi…” đến đó. Thực vậy, biết “lắng nghe” thôi – với sự chân thành, tôn trọng và thấu cảm- đã đủ để làm nguôi, đủ để làm “hạ hỏa”, đủ để giúp người ta sáng suốt trở lại mà thấy đúng, hành động đúng. Hình ảnh nữ của Bồ tát Quan Thế Âm còn tượng trưng cho sự bao dung, sự chịu đựng, nhẫn nại và nhạy cảm! Và Diệu Âm – âm thanh vi diệu – là vị bồ tát có khả năng hiểu được mọi thứ ngôn ngữ, “giải nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn”, nhờ đó mà có khả năng hòa nhập với mọi người, thấu cảm với mọi người và thuyết phục được mọi người!

 

Có lẽ chính vì vậy mà các vị Bồ tát còn ở mãi với trần gian, ngày nào còn có những niềm đau nỗi khổ!