Vào các dịp lễ lạc, nhất là đầu năm, tháng Giêng, khách thập phương đến lễ chùa đông đảo. Trong số khách lễ chùa có thể có nhiều người không phải Phật tử. Họ đến chùa như một chuyến du ngoạn hay cũng có thể để cầu xin, nhưng không hẳn là tín đồ. Về việc khách lễ chùa này cũng có nhiều quan niệm khác nhau.
Phổ biến nhất là chỉ coi như chuyện… bình thường. Khách thập phương “đến hẹn lại lên”, thế thôi. Cửa chùa, thì luôn rộng mở, nhưng cũng để tùy khách thập phương đến rồi đi, họ cúng kiếng kiểu gì cũng không kể, cũng thấy không cần có tác động gì đến họ.
Quan niệm những dịp đón khách lễ chùa là dịp để tăng thêm thu nhập, qua số tiền cúng dường, công đức tất nhiên sẽ tăng cao so với ngày thường là một quan niệm chỉ có ở một số ít, nhưng cũng cần nhắc tới. Vui vẻ đón khách vì khách mang đến tiền hiến cúng thì không đến nỗi sai, nhưng chắc chắn những nhà tu hành tuyệt đối chân chính không thể quan niệm như vậy được.
Quan niệm xem việc khách lễ chùa đông đảo là điều phiền nhiễu cho việc tu hành là quan niệm ngược lại. Người viết bài này đã thấy cảnh khách đến lễ giao thừa muộn ở một thiền viện lớn trong thành phố bị mời ra vì đã quá khuya trong khi vẫn còn đông đảo. Một vị Tăng không vui tay cầm chìa khóa cổng, tay lo dọn dẹp số nhang mà người đi lễ cắm lung tung trong sân chùa đầy rác.
Chỉ một số ít người có quan niệm khách đến lễ chùa đông là cơ hội để hoằng pháp độ sinh. Tuy nhiên, trong thực tế, việc thể hiện quan niệm này bằng các hành động cụ thể cũng khác biệt. Có thể khách đến vào giờ cơm được mời cơm chay để gieo duyên. Có thể có những vị sư đứng chào khách thật hoan hỷ. Nhưng ít có hoạt động hoằng hóa nào có hiệu quả nhằm vào đối tượng khách lễ chùa đông đảo.
Bàn luận
Quan niệm chỉ thấy những phiền toái mà khách thập phương dồn đến chùa trong những dịp lễ Tết gây ra, để rồi hạn chế, thậm chí xua đuổi, quay lưng, đóng cửa là một quan niệm tiêu cực, tuy là có thể cảm thông chia sẻ với những hậu quả của mặt trái từ việc khách thập phương lễ chùa đông đảo gây nên.
Đây là điều không chỉ băn khoăn về phía nhà chùa, mà ngay cả báo chí cũng lên tiếng. Năm nào, cứ đến tháng Giêng nguy cơ “cháy chùa” vì đốt nhang quá mức, bừa bãi đều được báo chí, đài phát thanh truyền hình đồng loạt “báo động”. Quá trình khách đến đông cũng là quá trình làm môi trường xuống cấp nghiêm trọng. Sau ngày Tết nhất, lễ hội quang cảnh đẹp đẽ, thanh tịnh của nhà chùa trở thành xác xơ, ô uế.
Một bài báo viết ngay vào tháng Giêng Tết Kỷ Sửu, đăng trên Vietnamnet (11/02/2009) đã kêu lên “Họ vứt rác, xả đồ ăn thức uống tùy tiện, vỏ đồ hộp, nilon, giấy vệ sinh, chai bia rượu”, và sau lễ hội thì “Hàng tuần sau, mùi khai thối vẫn còn”.
Nhà văn Nguyên Ngọc, trong một bài trả lời phỏng vấn cùng đề tài cũng vào dịp đầu Xuân thì than thở “Tết năm ngoái tôi lên chùa Phật Tích, đi từ ngoài vào tới sân trong toàn thấy mùi… mực nướng!”, và tệ hơn, ông cho biết “Chùa Tây Phương nổi tiếng có những bức tượng La Hán rất giá trị, nhưng khi tôi lên đó thì không thể chụp ảnh tượng được vì khách đến thăm chùa liên tục, giắt tiền trên tay những ‘ông’ tượng đó”. Nhà văn kêu lên “… sao lại đem tiền lẻ chỉ dùng đi chợ mua mắm mua cá nhét vào tay các pho tượng Phật? Các cụ nhà ta đã dạy, làm như thế thì ‘kính chẳng bỏ phiền”. Và như vậy, cũng không lấy làm lạ khi ông cũng quan niệm hạn chế khách đến chùa.
Viết bài về chùa Bổ Đà, một “ngôi chùa xây dựng bằng đất cổ rất đẹp…”, “tôi đã cố tình giấu tên ngôi chùa để… ít người biết đến, hi vọng du lịch không tàn phá ngôi chùa. Nhưng chỉ năm sau quay lại đã thấy rất nhiều bức tường đất cổ bị phá đi để xây lại tường gạch, hàng quán bán dọc cả lối vào” (bài đăng ngày 30/01/2009 trên Vietnamnet).
Người bên ngoài còn không chịu nỗi cái cảnh đi chùa theo một cách ứng xử chưa được văn hóa như vậy, nữa là người trong chùa. Nhưng tùy cách hạn chế khách đến chùa để đối phó, thì rõ ràng đã rơi vào một cực đoan khác.
Ở Việt Nam, trong các dịp lễ nhất là lễ tôn giáo, thì một số tôn giáo tìm cách thu hút số người đến dự càng nhiều càng tốt và họ xác định là chịu đựng những phiền toái liên hệ như một dịp lễ phụng vụ hay “công quả”.
Tại Tòa thánh Tây Ninh, việc thu hút đến hàng trăm ngàn người về dự các lễ lớn rằm là một cố gắng.
Đến Noel, các tín hữu Tin Lành đều được phân công đưa bạn đến nhà thờ, người trong đạo đứng ngoài sân nhường ghế trong thánh đường cho khách. Noel cũng là dịp giáo dân các xóm đảo bỏ tiền triệu ra để thi nhau làm hang đá, bàn thờ, giăng đèn kết hoa thu hút khách đến chiêm ngưỡng.
Bằng những việc như vậy, các tôn giáo khác coi việc thu hút khách đến với cơ sở tôn giáo không phải là chuyện bình thường, mà là một nỗ lực đánh đổi nhiều nhân lực, tài lực.
Trong khi đó, không lẽ Phật giáo chúng ta lại có quan điểm ngược lại, thờ ơ, xem chỉ là chuyện bình thường, hay thậm chí tìm cách hạn chế khách đến vì những phiền toái khác gây ra.
Khách lễ chùa đông đảo cần được nhìn nhận như là một cơ hội để hoằng hóa nhiều người. Chúng ta thử tưởng tượng điều ngược lại: Giao thừa, Nguyên đán, Nguyên tiêu, Vu lan… khách đến chùa thưa thớt, vắng vẻ, thiếu hẳn cảnh khói hương nghi ngút người bước chen chân…
Đến chùa chỉ để chơi không phải chỉ là việc của kỷ nguyên du lịch ngày nay. Chúng ta nhớ lại một câu Kiều:
“Gió quang mây tạnh thảnh thơi
Có người đàn việt lên chơi cửa Già”
“Già” đây tức là “già lam”, nghĩa là chùa. Mà “đàn việt” còn đến chơi, nữa là khách thập phương.
Thu hút được khách, tập hợp được số đông thì trước hết đã là thuận lợi. Vấn đề là chúng ta nhìn nhận và khai thác thuận lợi đó như thế nào.
Nhìn từ góc độ truyền thông, thu hút được số đông là đã thiết lập được kênh truyền thông. Vấn đề còn lại là thiết lập được nội dung truyền thông sao cho có hiệu quả.
Vấn đề xả rác, tàn phá môi trường, hủy hoại di tích, “hối lộ” Phật… là những nội dung mà trước hết kênh truyền thông phải điều chỉnh.
Nhưng trên hết là hoằng hóa truyền bá Phật pháp.
Nếu cứ bỏ mặc, hoặc tìm cách hạn chế khách đến chùa, thì chúng ta chỉ có mặt tiêu cực.
Nhưng nếu chúng ta triển khai được việc hoằng hóa, thì sự việc đã xoay chuyển theo hướng tích cực.
Khách đến chùa đông là bối cảnh rất tốt cho việc bố thí pháp. Bố thí pháp ở đây không chỉ là tổ chức thuyết pháp, mà có thể là tổ chức tốt hoạt động phát hành kinh sách, hay gửi tặng đến khách những bản kinh sách nhỏ, chương trình video Phật pháp, những nội dung sơ cơ của Phật pháp như tam quy, ngũ giới, thập thiện, ý nghĩa của việc lễ Phật, ý nghĩa của việc ăn chay, tụng kinh chắc chắn thích hợp với đông đảo khách thập phương.
Đã là nhà chùa thì không thể đối xử với khách thập phương như là đình đền, miếu phủ… có nghĩa là chỉ mở cửa đón khách một cách thụ động. Mà cửa Phật là cửa đưa người đời đến với đạo Pháp. Nếu để cửa Phật dẫn đến mê tín dị đoan “hối lộ” Phật… thì trước hết không nên trách khách đến chùa, mà phía bên trong cửa chùa cũng có phần trách nhiệm.
MT